Mối quan tâm này được thể hiện cụ thể qua nội dung chất vấn mà các đại biểu Quốc hội gửi tới Chính phủ và các bộ.
Trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Ðầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, giai đoạn 2016 - 2020, tổng vốn đầu tư toàn xã hội dự kiến khoảng 32 - 34% GDP, tương đương 9 - 10 triệu tỷ đồng.
Cơ cấu vốn đầu tư thay đổi mạnh mẽ theo hướng giảm dần tỷ trọng vốn nhà nước, tăng tỷ trọng vốn đầu tư ngoài nhà nước, nhất là đầu tư của khu vực tư nhân trong nước.
Theo đó, vốn nhà nước dự kiến giảm từ 39,1% giai đoạn 2011 - 2015 xuống khoảng 31 - 34% trong giai đoạn 2016 - 2020. Trong đó, vốn khu vực tư nhân trong nước dự kiến tăng từ 38,3% lên 45 - 48% tổng đầu tư toàn xã hội.
Ðịnh hướng huy động nguồn vốn cho đầu tư phát triển mà Bộ Kế hoạch và Ðầu tư đưa ra đã thể hiện rõ nét cần đi vững trên “hai chân”.
Ðầu tiên, với nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), giải pháp được đưa ra là ưu tiên thu hút các dự án FDI phù hợp với định hướng phát triển công nghiệp trọng điểm ở Việt Nam.
Tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý liên quan đến đầu tư trực tiếp nước ngoài theo hướng xóa bỏ sự khác biệt về gia nhập thị trường giữa nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài, hoàn thiện các quy định về mua bán và sáp nhập (M&A)...
Về hướng huy động nguồn vốn gián tiếp, theo Bộ Kế hoạch và Ðầu tư, tuy giai đoạn 2011 – 2015, thị trường vốn đã huy động cho nền kinh tế được hơn 1.211 nghìn tỷ đồng, gấp gần 4 lần giai đoạn 2006 - 2010, đóng góp bình quân 23% vào tổng đầu tư toàn xã hội…, nhưng vai trò của thị trường vốn như là một kênh huy động (và cả phân bổ) nguồn lực tài chính chính thức cho đầu tư phát triển vẫn chưa thực sự rõ nét.
Thị trường vốn nói riêng, thị trường tài chính nói chung vẫn dựa đáng kể vào hệ thống ngân hàng thương mại, trong khi sự tham gia của các định chế phi ngân hàng còn tương đối hạn chế.
Do đó, phải xây dựng và hoàn thiện khung pháp lý liên quan đến phát triển thị trường vốn theo thông lệ quốc tế, hướng tới phát triển thị trường chứng khoán bền vững; xây dựng và ban hành các chính sách khuyến khích sự tham gia của nhà đầu tư cá nhân vào thị trường vốn, phát triển các quỹ đầu tư tư nhân, đầu tư mạo hiểm...
Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, lĩnh vực kế hoạch và đầu tư có vị trí quan trọng trong nền kinh tế, nhất là trong bối cảnh áp lực ngày càng lớn về nhu cầu nguồn lực để thực hiện các mục tiêu cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Nguồn lực của dân cư, doanh nghiệp, khu vực đầu tư nước ngoài trong xã hội còn nhiều dư địa để huy động, tuy đã có nhiều giải pháp nhưng hiệu quả chưa cao.
Do vậy, để huy động tốt hơn nữa các nguồn lực này cho đầu tư phát triển, cần tiếp tục kiến tạo môi trường kinh tế vĩ mô ổn định, môi trường kinh doanh thông thoáng, thuận lợi và tạo niềm tin để người dân và doanh nghiệp sẵn sàng bỏ vốn đầu tư vào sản xuất - kinh doanh...