Đề xuất thiết lập giá vé tối thiểu đường bay nội địa: Khiếm khuyết tư duy thị trường

0:00 / 0:00
0:00
Đề xuất áp dụng chính sách mức giá tối thiểu trên các đường bay nội địa vừa được Cục Hàng không Việt Nam gửi Bộ GTVT cho thấy những khiếm khuyết về tư duy thị trường rất đáng báo động.
Đề xuất thiết lập giá vé tối thiểu cần được xem xét cẩn trọng, khách quan, khoa học, tránh làm méo mó, biến dạng thị trường. Đề xuất thiết lập giá vé tối thiểu cần được xem xét cẩn trọng, khách quan, khoa học, tránh làm méo mó, biến dạng thị trường.

Theo đề xuất của Cục Hàng không Việt Nam, khung giá vé máy bay nội địa sẽ có thêm mức giá tối thiểu bằng 20% mức giá tối đa. Chính sách này sẽ bắt đầu từ ngày 1/11/2021 đến hết ngày 31/10/2022.

Hiện khung giá vé máy bay nội địa được quy định tại Thông tư số 17/2019/TT- BGTVT, ngày 3/5/2019 chỉ có trần giá vé theo từng nhóm đường bay, mà không có giá sàn, hoặc có thể hiểu giá sàn bằng 0 đồng.

Nếu đề xuất của Cục Hàng không Việt Nam được thông qua, thì mức giá tối thiểu tại nhóm đường bay ngắn nhất (dưới 500 km) là 340.000 đồng và tăng lên tùy theo chiều dài chặng bay. Mức giá này chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng; các khoản thu hộ doanh nghiệp cung ứng dịch vụ nhà ga hành khách và dịch vụ đảm bảo an ninh, bao gồm: giá phục vụ hành khách, giá đảm bảo an ninh hành khách, hành lý (khoảng 560.000 đồng/lượt).

Đề xuất trên của Cục Hàng không Việt Nam dựa trên kiến nghị mới đây của một hãng hàng không trong nước và được lý giải là tránh tình trạng các hãng bay liên tục hạ giá bán thông qua các chương trình khuyến mại, kích cầu để tối đa hóa hiệu suất sử dụng ghế trên tàu bay, tạo dòng tiền duy trì hoạt động kinh doanh trong bối cảnh thị trường hàng không dư thừa cung tải do tác động tiêu cực của dịch Covid-19.

Được biết, việc áp dụng mức giá tối thiểu trên các đường bay nội địa không phải là đề xuất mới. Từ năm 2017 đến nay đã có ít nhất 2 lần, giá tối thiểu đã được một số hãng hàng không đưa ra và lần nào cũng phải rút lại do vấp phải phản ứng rất mạnh của người tiêu dùng cũng như các hãng đối thủ.

Cần phải nói thêm rằng, pháp luật cạnh tranh của Việt Nam cấm thực hiện hành vi hạn chế cạnh tranh thông qua “thỏa thuận ấn định giá hàng hóa, dịch vụ một cách trực tiếp hay gián tiếp” với các biểu hiện như áp dụng thống nhất mức giá với một số hoặc tất cả khách hàng; tăng giá hoặc giảm giá ở mức cụ thể; áp dụng công thức tính giá chung; duy trì tỷ lệ cố định về giá của sản phẩm liên quan.

Như vậy, việc áp giá tối thiểu trên các đường bay nội địa chính là một trong những biểu hiện của hạn chế cạnh tranh nếu hãng hàng không có đủ năng lực để cung cấp dịch vụ khuyến mãi cho khách hàng với mức giá thấp hơn, nhưng vẫn bảo đảm chất lượng.

Ở chiều ngược lại, việc Cục Hàng không Việt Nam đưa ý kiến áp giá sàn cũng không phải là không có lý. Giá vé máy bay được dùng để chi trả tiền xăng dầu, chi phí lương cho nhân viên..., nên việc tìm mọi cách bán dưới giá thành chịu lỗ để thu hút khách nhằm gây thiệt hại cho đối thủ cũng được xem là cạnh tranh không lành mạnh.

Tuy nhiên, việc có một hãng nào đó bán dưới giá thành thì phải có bằng chứng cụ thể và nhất thiết phải có kết luận của cơ quan quản lý chuyên ngành (là Cục Quản lý cạnh tranh, Bộ Công thương). Nếu chưa có những thông tin này, việc áp dụng mức giá tối thiểu là võ đoán, thiếu cơ sở pháp lý.

Một quy tắc tối thượng trong lĩnh vực hàng không là dù với mức giá nào, thì các hãng bay vẫn phải đảm bảo những tiêu chuẩn dịch vụ tối thiểu do Cục Hàng không Việt Nam quy định, nhất là đảm bảo an ninh, an toàn tuyệt đối cho từng chuyến bay.

Khác với một số lĩnh vực độc quyền mà Nhà nước cần quản lý về giá như điện, nước..., thị trường hàng không đang có sự cạnh tranh rất cao với nhiều hãng cùng khai thác các chuyến bay khác nhau, vì thế, tự thị trường sẽ làm được rất nhiều việc.

Đó là chưa kể việc có hãng lấy chất lượng dịch vụ, có hãng lại lấy giá vé là lợi thế cạnh tranh thu hút khách, nên việc định ra mức giá tối thiểu cho tất cả hãng hàng không là không thực tế, chưa đảm bảo tính công bằng. Chính vì vậy, đề xuất thiết lập giá vé tối thiểu cần được Bộ GTVT xem xét cẩn trọng, khách quan, khoa học, đặc biệt là phải đánh giá kỹ lưỡng những tác động đến thị trường và người dân, tránh làm méo mó, biến dạng thị trường.

Ở góc độ quản lý, vai trò chính yếu của nhà nước trong thúc đẩy sự cạnh tranh trên thị trường là tạo một hành lang pháp lý, tiêu chuẩn dịch vụ tối thiểu, còn doanh nghiệp hoạt động với mức giá bao nhiêu, hướng đến tầng lớp nào… thì đó là việc của doanh nghiệp.

Đây chính là tư duy thị trường cần thiết không chỉ với thị trường hàng không, mà với các lĩnh vực kinh doanh khác, nhằm cụ thể hóa quan điểm “kiến tạo, hành động, phục vụ người dân, doanh nghiệp” của Chính phủ.

Bảo Như
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục