Cục Hàng không Việt Nam vừa đề nghị Bộ GTVT xem xét, triển khai các thủ tục thẩm định và phê duyệt hồ sơ quy hoạch Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo đề xuất, vị trí, chức năng trong mạng cảng hàng không dân dụng toàn quốc của Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc là cảng hàng không quốc tế; tính chất sử dụng là sân bay dùng chung dân dụng và quân sự.
Trong thời kỳ 2021-2030, Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc có cấp sân bay 4E (theo mã tiêu chuẩn của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế ICAO) và sân bay quân sự cấp II; công suất: 10 triệu hành khách/năm và 25.000 tấn hàng hóa/năm.
Tổng số vị trí đỗ tàu bay của Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc trong giai đoạn này là 30 vị trí (5 code E, 25 code C) với loại tàu bay khai thác là B747, B787, A350 và tương đương; phương thức tiếp cận hạ cánh là dùng thiết bị hạ cánh chính xác theo tiêu chuẩn CAT II.
Về tầm nhìn đến năm 2050, Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc vẫn có cấp sân bay 4E và sân bay quân sự cấp II; công suất 18 triệu hành khách/năm và 50.000 tấn hàng hóa/năm.
Trong giai đoạn này, Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc có tổng số vị trí đỗ tàu bay là 45 vị trí (9 code E, 36 code C) với loại tàu bay khai thác là B747, B787, A350 và tương đương; phương thức tiếp cận hạ cánh là dùng thiết bị hạ cánh chính xác theo tiêu chuẩn CAT II.
Liên quan đến quy hoạch kết cấu hạ tầng khu bay, Cục Hàng không Việt Nam đề xuất trong thời kỳ 2021 - 2030, thực hiện nâng cấp đường cất hạ cánh hiện hữu (đường cất hạ cánh số 1), quy hoạch kéo dài đường cất hạ cánh hiện hữu đạt kích thước 3300m x 45m khi có nhu cầu, kích thước lề vật liệu theo quy định.
Đồng thời quy hoạch đường cất hạ cánh số 2 có kích thước 3000m x 45m, cách tim đường cất hạ cánh hiện hữu về phía Bắc 360 m, kích thước lề vật liệu theo quy định.
Tầm nhìn đến năm 2050, Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc được đề xuất giữ nguyên cầu hình đường cất hạ cánh đã được quy hoạch trong giai đoạn trước.
Đối với quy hoạch công trình nhà ga hành khách, nhà ga hàng hóa, Cục Hàng không Việt Nam kiến nghị trong thời kỳ 2021 - 2030 sẽ giữ nguyên nhà ga T1 hiện hữu công suất 4 triệu hành khách/năm phục vụ khai thác quốc nội và quốc tế; quy hoạch mới nhà ga hành khách T2 về phía Đông nhà ga hành khách T1 hiện hữu, công suất đạt khoảng 6 triệu hành khách/năm; có dự trữ đất để có thể mở rộng nhà ga hành khách khi có nhu cầu.
Cũng trong thời kỳ 2021-2030, Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc được đề xuất quy hoạch Nhà ga hàng không chung tại khu vực phía Tây Nam Cảng hàng không khi có nhu cầu, đảm bảo quỹ đất cho nhu cầu phát triển dài hạn.
Tầm nhìn đến năm 2050, Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc được kiến nghị giữ nguyên nhà ga T1 hiện hữu công suất 4 triệu hành khách/năm, phục vụ khai thác quốc nội; quy hoạch mở rộng nhà ga hành khách T2 đảm bảo công suất khai thác khoảng 8 triệu hành khách/năm, phục vụ khai thác quốc nội.
Trong giai đoạn này, Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc còn được quy hoạch bổ sung nhà ga hành khách T3 về phía Tây nhà ga hành khách T1, công suất đạt khoảng 6 triệu hành khách/năm, phục vụ khai thác quốc tế.
Tổng nhu cầu sử dụng đất của Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc thời kỳ 2021-2030 là 860,51 ha, trong đó diện tích đất hiện có của Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc là 851,67 ha; diện tích đất dự kiến xin thêm 8,83 ha.
Diện tích đất tại Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc sẽ bao gồm: diện tích đất khu bay dùng chung do hàng không dân dụng quản lý là 379,57 ha; diện tích đất khu hàng không dân dụng là 410,74 ha; diện tích đất quân sự là 70,2 ha.
Theo Cục Hàng không Việt Nam, Quy hoạch phát triển GTVT hàng không giai đoạn đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 đã xác định mục tiêu quy hoạch Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc đến năm 2020 là 4 triệu hành khách/năm, đến năm 2030 là 10 triệu hành khách/năm.
Theo hồ sơ Quy hoạch phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 648/QĐ-TTg ngày 7/6/2023, Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc được xác định mở rộng đạt công suất 10 triệu hành khách/năm trong thời kỳ 2021-2030; tầm nhìn đến năm 2050 tiếp tục mở rộng để đạt công suất 18 triệu hành khách/năm.
Vì vậy cần thiết phải rà soát và lập quy hoạch Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 để đảm bảo phù hợp với Quyết định số 648/QĐ-TTg ngày 07/06/2023 của Thủ tướng Chính phủ.
Quy hoạch Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc định hướng đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1680/QĐ-TTg ngày 10/11/2008 xác định mục tiêu quy hoạch là Cảng hàng không cấp 4E; lượng hành khách tiếp nhận 7 triệu hành khách/năm, lượng hàng hóa 27.600 tấn/năm.
Theo Cục Hàng không Việt Nam, đến nay đã trả qua 16 năm thực hiện quy hoạch, có nhiều chỉ tiêu, thông số đã đạt được và một số hạ tầng đã mãn tải, cần quy hoạch mới với thời kỳ quy hoạch dài hơn nên cần phải rà soát, cập nhật lại quy hoạch Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc.
Bên cạnh đó, hiện Quy hoạch tỉnh Kiên Giang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ Tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1289/QĐ-TTg ngày 3/11/2023, trong đó cập nhật số liệu phát triển trong các năm qua, xác định các mục tiêu, tầm nhìn, định hướng mới cùng với việc quy hoạch đồng bộ hệ thống giao thông, hạ tầng chung của tỉnh, đồng thời đáp ứng nhu cầu vận tải bằng đường hàng không đi, đến tỉnh Kiên Giang.
“Chính vì vậy, việc lập quy hoạch Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc là việc làm cần thiết, đảm bảo đồng bộ với Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050, đồng bộ với quy hoạch chung của tỉnh Kiên Giang, đồng thời đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng và tăng trưởng của ngành hàng không”, lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam nhấn mạnh.