Thường trực Chính phủ bàn việc chuyển nhượng quyền khai thác sân bay Phú Quốc

Chiều nay (12/5), Thường trực Chính phủ sẽ họp dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng để xem xét chủ trương thí điểm nhượng quyền khai thác cảng hàng không quốc tế Phú Quốc.

Bầu Hiển và Jonathan Hạnh Nguyễn là những nhà đầu tư đầu tiên chính thức công khai ý định đầu tư vào Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc Bầu Hiển và Jonathan Hạnh Nguyễn là những nhà đầu tư đầu tiên chính thức công khai ý định đầu tư vào Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc

Tham dự cuộc họp này dự kiến có Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Đinh La Thăng; đại diện các Bộ: Tài chính, Kế hoạch và đầu tư, Tư pháp, Quốc phòng, Công an, Xây dựng, Ngoại giao, Tài nguyên và môi trường; các tổng công ty: Cảng hàng không Việt Nam, Tổng công ty Hàng không Việt Nam, Quản lý bay và Cục Hàng không Việt Nam.

Tại cuộc họp dự kiến kéo dài khoảng 1 tiếng này, Thường trực Chính phủ sẽ xem xét Đề án huy động vốn xã hội hóa đầu tư kết cấu hạ tầng hàng không và chủ trương thí điểm nhượng quyền khai thác cảng hàng không quốc tế Phú Quốc.

Đây là Đề án đã được Bộ Giao thông vận tải trình Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 3108/BGTVT - ĐTCT ngày 16/3/2015.

Theo đó, Bộ trưởng Giao thông Vận tải Đinh La Thăng kiến nghị Thủ tướng chấp nhận chủ trương thí điểm nhượng quyền khai thác cảng hàng không Phú Quốc cho các nhà đầu tư trong nước theo hình thức hợp đồng Kinh doanh - Quản lý (hợp đồng O&M) hoặc nhượng quyền theo hình thức chuyển đổi doanh nghiệp. Giá trị nhượng quyền sẽ được dùng để tạo nguồn kinh phí đầu tư vào cảng hàng không quốc tế Long Thành.

Hiện ngoài Tập đoàn T&T của bầu Hiển, Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Liên Thái Bình Dương (IPP) của ông trùm hàng hiệu Jonathan Hạnh Nguyễn là những đơn vị đã nộp đơn đề nghị tham gia nhượng quyền sân bay trên đảo ngọc Phú Quốc.

Được biết, chủ trương này đã bước đầu nhận được sự thống nhất về nguyên tắc của các bộ, ngành liên quan, trong đó có Bộ Quốc phòng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Trong văn bản số 1998/BKHĐT – KCHTĐT gửi Văn phòng Chính phủ ngày 8/4/2015, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc nằm ở vị trí tiền tiêu thuộc vùng biển Tây Nam của Tổ quốc. Vì vậy, với vị trí đặc biệt quan trọng về an ninh, quốc phòng, cần phải xác định ngay từ ban đầu là không thể nhượng quyền khai thác sân bay này cho nhà đầu tư nước ngoài.

“Ngay cả khi nhượng quyền cho nhà đầu tư trong nước thì nhà đầu tư này cũng không được phép chuyển nhượng cho các nhà đầu tư nước ngoài”, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Văn Trung nêu nguyên tắc.

Lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng cho rằng, việc định giá nhượng quyền khai thác Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc - sân bay có tốc độ tăng trưởng sản lượng hành khách và hàng hóa nhanh nhất Việt Nam hiện nay phải được thực hiện trên cơ sở tính toán đầy đủ chi phí đã đầu tư, tiềm năng khai thác và dự báo sát thực về tăng trưởng.

Để đảm bảo tính khách quan, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất Thủ tướng Chính phủ giao Bộ GTVT thành lập tổ công tác liên ngành hoặc hội đồng định giá, gồm đại diện các cơ quan liên quan thực hiện việc thẩm định giá nhượng quyền khai thác sân bay Phú Quốc.

Sân bay Phú Quốc có công suất thực tế 4 triệu hành khách/năm có thể đón được tàu bay B747, được đầu tư hoàn chỉnh vào năm 2012 với tổng kinh phí khoảng 4.000 tỷ đồng bằng nguồn vốn của Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam. Hiện sân bay này đang có tốc độ tăng trưởng hành khách trên 40%/năm.

Anh Minh
Baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục