Đề xuất dùng vốn ODA không hoàn lại Nhật Bản để chuẩn bị đầu tư cầu Đại Ngãi

0:00 / 0:00
0:00

Đây là dự án hỗ trợ kỹ thuật trị giá khoảng 24 tỷ đồng dự kiến sử dụng vốn ODA không hoàn lại của Chính phủ Nhật Bản được dùng để chuẩn bị đầu tư cầu Đại Ngãi.

Phối cảnh cầu Đại Ngãi vượt sông Tiền trên Quốc lộ 60. Phối cảnh cầu Đại Ngãi vượt sông Tiền trên Quốc lộ 60.

Bộ GTVT vừa có công văn số 11495/BGTVT – KHĐT gửi Bộ Kế hoạch và đầu tư về việc xin chủ trương Dự án hỗ trợ kỹ thuật lập Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án đầu tư xây dựng cầu Đại Ngãi trên QL60 thuộc địa phận các tỉnh Trà Vinh và Sóc Trăng.

Theo đó, Bộ GTVT đề nghị Bộ Kế hoạch và đầu tư xem xét, hỗ trợ thủ tục trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án hỗ trợ kỹ thuật lập Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án đầu tư xây dựng cầu Đại Ngãi để Bộ GTVT sớm triển khai bước tiếp theo với nhà tài trợ.

Mục tiêu chính của Dự án hỗ trợ kỹ thuật trị giá 24,632 tỷ đồng sử dụng vốn ODA không hoàn lại của Nhật Bản là để thực hiện giai đoạn chuẩn bị đầu tư, bao gồm việc tiến hành công tác khoan khảo sát địa chất, khảo sát địa hình, thu thập các số liệu cần thiết, lập hồ sơ thiết kế cơ sở… hoàn thiện Báo cáo nghiên cứu khả thi đối với Dự án xây dựng cầu Đại Ngãi.

Bên cạnh đó, Dự án hỗ trợ kỹ thuật còn giúp Bộ GTVT tính toán tổng mức đầu tư giai đoạn 1 của Dự án để xác định nguồn vốn vay ODA của Chính phủ Nhật Bản và vốn đối ứng trong nước và tính toán các nội dung khác (xác định tính cần thiết, như cầu giao thông, tính toán hiệu quả kinh tế, tài chính…) làm cơ sở cho tư vấn trong nước chuyển đổi nội dung Báo cáo nghiên cứu khả thi theo quy định đầu tư xây dựng trong nước.

Trước đó, vào tháng 10/2019, Thủ tướng đã ký Quyết định số 1478/QĐ – TTg phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng cầu Đại Ngãi sử dụng vốn vay ODA của Chính phủ Nhật Bản.

Cụ thể, Dự án có chiều dài 15,2 km, bao gồm việc xây dựng cầu Đại Ngãi 1, cầu Đại Ngãi 2 và đường dẫn(bao gồm một số cầu trung và cầu nhỏ trên tuyến). Dự án có điểm đầu giao với Quốc lộ 54 tại huyện Tiểu Cần, tỉnh Trà Vinh; điểm cuối giao với đường Nam Sông Hậu, huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng.

Tổng mức đầu tư giai đoạn 1 của Dự án 8.040,669 tỷ đồng, tương đương 39,405 tỷ yên, trong đó vốn ODA của Chính phủ Nhật Bản là 7.054,64 tỷ đồng, tương đương 34,573 tỷ yên; vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam là 986,035 tỷ đồng, tương đương 4,832 tỷ yên.

Thời gian chuẩn bị Dự án là từ năm 2018 – 2021; thời gian thực hiện dự án 5 năm kể từ khi Hiệp định vay đối với Dự án có hiệu lực.

Dự án xây dựng cầu Đại Ngãi sẽ góp phần hoàn thành toàn tuyến Quốc lộ 60, nâng cao năng lực vận tải cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long, tạo sự kết nối giao thông thuận tiện giữa các tỉnh duyên hải phía Nam với nhau và với TP.HCM, rút ngắn thời gian đi lại, giảm chi phí vận tải lưu thông hàng hóa, mở rộng giao thương và bỏ thế độc đạo của Quốc lộ 1, đặc biệt là rút ngắn khoảng cách 80 km so với tuyến Quốc lộ 1 hiện hữu khi di chuyển từ Cà Mau, Sóc Trăng, Bạc Liêu về TP.HCM.

Anh Minh
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục