Đề xuất đầu tư 56.301 tỷ đồng xây tuyến metro Thành phố mới Bình Dương - Suối Tiên

Dự án tuyến đường sắt đô thị số 1, Thành phố mới Bình Dương – Suối Tiên dự kiến có chiều dài 29,01 km đi qua 4 thành phố của tỉnh Bình Dương hiện hữu là Tân Uyên, Thủ Dầu Một, Thuận An và Dĩ An.
Ảnh minh họa. (nguồn: AI).

UBND tỉnh Bình Dương vừa có Tờ trình 2299/Tr- UBND kiến nghị Chính phủ trình Quốc hội xem xét quyết định chủ trương đầu tư Dự án tuyến đường sắt đô thị số 1, Thành phố mới Bình Dương – Suối Tiên.

Dự án có điểm đầu tại Ga S1 (trung tâm Thành phố mới) thuộc phường Hòa Phú, Tp. Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương; điểm cuối tại ga Bến xe Suối Tiên (tuyến ĐSĐT số 1 TP.HCM) thuộc phường Bình Thắng, TP. Dĩ An, tỉnh Bình Dương.

Chiều dài tuyến chính dự kiến là 29,01 km (chưa đầu tư đoạn nối đề-pô và đoạn nối 3,42 km) đi qua 4 thành phố của tỉnh Bình Dương là Tân Uyên, Thủ Dầu Một, Thuận An và Dĩ An.

Theo định hướng Quy hoạch tỉnh Bình Dương thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, hướng tuyến đi trên cao từ ga trung tâm Thành phố mới Bình Dương (kết nối với ga Bình Dương của tuyến đường sắt quốc gia TP.HCM - Lộc Ninh), theo đường Hùng Vương đến giao với đường ĐX.01.

Từ đây, tuyến đi theo đường ĐX.01 đến đường Mỹ Phước – Tân Vạn, qua nút giao Bình Chuẩn đi song song với đường sắt TP.HCM – Lộc Ninh, Trảng Bom – Hòa Hưng đến ga Suối Tiên.

Tuyến kết nối Thành phố Mới trung tâm tỉnh, Thuận An, Dĩ An với khu du lịch Suối Tiên, đồng thời cùng tuyến metro số 1 (Suối Tiên – Bến Thành) của TP.HCM tạo thành tuyến đường sắt đô thị của Vùng (Thành phố mới Bình Dương – Suối Tiên – Bến Thành).

Về tiêu chuẩn kỹ thuật chủ yếu, tuyến đường sắt đô thị số 1, Thành phố mới Bình Dương – Suối Tiên là tuyến đường đôi, khổ 1.435 mm, điện khí hóa; tốc độ thiết kế 120 km/h.

Tuyến có đoàn tàu sử dụng công nghệ động lực phân tán (EMU) với 19 ga, có cự ly cách nhau 1,7 km.

Sơ bộ tổng mức đầu tư Dự án là khoảng 56.301 tỷ đồng, trong đó chi phí giải phóng mặt bằng là 6.679 tỷ đồng; chi phí xây dựng là 20.265 tỷ đồng; chi phí thiết bị là 15.287 tỷ đồng; chi phí quản lý, tư vấn, chi phí khác là 5.333 tỷ đồng; chi phí dự phòng là 8.737 tỷ đồng.

Để chủ động, linh hoạt trong việc sử dụng nguồn vốn, UBND tỉnh Bình Dương kiến nghị nguồn vốn cho Dự án gồm ngân sách nhà nước từ Trung ương, địa phương và các nguồn vốn hợp pháp khác, trong đó ngân sách tỉnh là 21.654 tỷ (39%); TOD là 23.387 tỷ (41%) và Trung ương hỗ trợ là 11.260 tỷ (20%).

UBND tỉnh Bình Dương dự kiến lập và phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án trong quý II/2025; lập phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi từ quý II/2025 - quý II/2026; lựa chọn nhà thầu EPC từ quý III/2026 - quý I/2027; giải phóng mặt bằng quý II/2027 - quý II/2028; khởi công và xây dựng công trình từ quý II/2027 đến năm 2031.

UBND tỉnh Bình Dương cho biết, theo Kết luận của Hội nghị BCH Trung ương Đảng 11 khoá XIII ngày 12/4/2024, tỉnh Bình Dương sẽ sát nhập với TP.HCM và tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Do đó, tuyến đường sắt đô thị số 1, Thành phố mới Bình Dương – Suối Tiên hình thành để kết nối TP.HCM và khu vực thành phố mới Bình Dương là rất cần thiết tạo không gian phát triển mới, kết nối các khu vực kinh tế của TP.HCM sau sát nhập.

Việc hình thành tuyến đường sắt đô thị số 1, Thành phố mới Bình Dương – Suối Tiên sẽ liên kết và kết nối TP.HCM và tỉnh Bình Dương sẽ tạo không gian phát triển mới, đẩy nhanh quá trình phát triển đô thị và phân bổ dân cư, lao động dọc hành lang tuyến.

Với việc hình thành các nhà ga dọc tuyến đường sắt với cự ly trung bình khoảng 1,7 km sẽ phát triển các khu đô thị xung quanh vị trí nhà ga, phân bố lại dân cư, người lao động sinh sống dọc hành lang tuyến.

Anh Minh
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục