Đề xuất bệnh viện công được dùng quyền sử dụng đất để liên doanh, liên kết

(ĐTCK) Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Tri Thức, do vướng mắc tại Luật Quản lý, sử dụng tài sản công hiện hành, các cơ sở y tế công lập không rất khó thực hiện liên doanh liên kết để có điều kiện trang bị cơ sở vật chất hiện đại phục vụ người bệnh.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trí Thức Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trí Thức

Bệnh viện lớn khó triển khai các dự án liên doanh, liên kết

Sáng 7/11, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 8, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán, Luật Kế toán, Luật Kiểm toán độc lập, Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Quản lý thuế và Luật Dự trữ quốc gia (dự án 1 Luật sửa 7 Luật về tài chính).

Tham gia góp ý kiến về Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, đại biểu Quốc hội Nguyễn Tri Thức (đoàn TP Hồ Chí Minh), Thứ trưởng Bộ Y tế nhận định, chủ trương liên doanh, liên kết trong y tế là một chủ trương rất đúng đắn, giúp cho ngành y tế có cơ hội để trang bị các trang thiết bị hiện đại phục vụ người bệnh.

Tuy nhiên, theo ông Thức, trong thực tế vì một số vướng mắc của Luật Quản lý tài sản công mà hiện giờ hầu hết các cơ sở y tế lớn rất khó để triển khai các đề án hoặc dự án liên doanh, liên kết.

Cụ thể, ở khoản 1 Điều 58 Luật Quản lý, sử dụng tài sản công quy định "đơn vị công lập được sử dụng tài sản công để liên doanh, liên kết với tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước trong các trường hợp:

Thứ nhất: "Là tài sản được giao, được đầu tư xây dựng, mua sắm để thực hiện nhiệm vụ Nhà nước giao nhưng chưa sử dụng hết công suất".

Thứ hai: "Là tài sản được đầu tư xây dựng, mua sắm theo dự án được cơ quan, người có thẩm quyền phê duyệt để phục vụ hoạt động liên doanh, liên kết mà không do ngân sách nhà nước đầu tư".

Như vậy, căn cứ vào khoản 1 Điều 58 như trên thì Luật Quản lý, sử dụng tài sản công chưa quy định dùng tài sản là quyền sử dụng đất để liên doanh, liên kết.

Vị đại biểu cho rằng, thực tế trong khi ngân sách nhà nước còn thiếu, bệnh viện công lập mong muốn được liên doanh, liên kết với các đơn vị, tổ chức xây mới cơ sở hạ tầng và trang thiết bị y tế trên khuôn viên của bệnh viện.

Nhưng ngoài việc được sử dụng các tài sản công theo quy định của luật để đưa vào liên doanh, liên kết thì quyền sử dụng đất cũng cần thiết được pháp luật quy định trong trường hợp này để xây dựng mới cơ sở trong khuôn viên đất của bệnh viện.

"Tuy nhiên, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công không quy định quyền sử dụng đất để liên doanh, liên kết, làm cho các cơ sở y tế thực sự rất khó khăn trong việc làm các đề án liên doanh, liên kết đầu tư xây dựng mới cơ sở hạ tầng phục vụ người bệnh", ông Thức nói.

Từ thực tế trên, Thứ trưởng Bộ Y tế kiến nghị đơn vị sự nghiệp công lập được sử dụng tài sản là quyền sử dụng đất để thực hiện liên doanh, liên kết trong các đề án liên doanh, liên kết của ngành y tế.

Khó xác định giá trị thương hiệu khi đưa vào liên doanh, liên kết

Cũng theo Thứ trưởng Bộ Y tế, điểm c khoản 3 Điều 58 Luật Quản lý, sử dụng tài sản công quy định "đối với tài sản là thương hiệu của đơn vị sự nghiệp công lập, việc xác định giá trị thương hiệu để góp vốn liên doanh, liên kết được thực hiện theo tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam, pháp luật sở hữu trí tuệ và pháp luật có liên quan".

Trên thực tế việc này là rất khó thực hiện, vì giá trị thương hiệu thực hiện theo tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam, theo pháp luật sở hữu trí tuệ và các pháp luật có liên quan rất khó thực thi.

Quốc hội thảo luận ở hội trường sáng 7/11 về dự án 1 luật sửa 7 luật

Quốc hội thảo luận ở hội trường sáng 7/11 về dự án 1 luật sửa 7 luật

Đơn cử, theo ông Thức, giá trị thương hiệu sẽ rất khác so với các phương pháp tính khác và lại quy định theo pháp luật có liên quan thì cũng không biết căn cứ vào pháp luật nào để xác định giá trị thương hiệu khi đưa vào liên doanh, liên kết.

"Từ đó, dẫn đến không minh bạch trong việc xác định giá trị thương hiệu. Đây là một vấn đề rất khó khăn, gần như không thể thực hiện trên thực tế", vị đại biểu nêu vấn đề.

Ông Thức cho rằng, giá trị thương hiệu liên quan tới uy tín chuyên môn, bác sĩ, kinh nghiệm lâu năm…. nên rất khó có cơ sở để xác định giá trị thương hiệu của một bệnh viện để tính vào giá trị liên doanh, liên kết.

"Do đó, tôi đề nghị luật cần quy định cụ thể trường hợp nào được xác định, thẩm định theo tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam, trường hợp nào được sử dụng, xác định theo pháp luật về sở hữu trí tuệ….,không nên quy định nhiều hình thức và chung chung như hiện nay", ông Thức nhấn mạnh.

Nên cho đơn vị sự nghiệp công được sử dụng giá trị của đất làm vốn góp

Cũng góp ý sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung (đoàn Thái Bình) đề nghị tăng quyền cho đơn vị tự chủ.

Theo đại biểu, từ trước đến giờ chưa có một quy định nào đối với tự chủ được bàn giao tài sản, cho nên bà đề nghị trong luật thiết kế một điều, một khoản quy định đối với việc quản lý, sử dụng tài sản công đối với đơn vị sự nghiệp tự chủ, đặc biệt là tự chủ nhóm 1 về chi đầu tư và chi thường xuyên để tăng thực quyền cho đơn vị này trong việc quản lý, sử dụng tài sản công và hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung (đoàn Thái Bình)
Đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung (đoàn Thái Bình)

Đối với ý kiến của đại biểu Nguyễn Tri Thức, bà Dung có thêm ý là tại điểm b khoản 2 Điều 34 của Luật Đất đai đã quy định đối với đất do đơn vị sự nghiệp công lập đang sử dụng mà có nhu cầu cho thuê, liên doanh, liên kết với tổ chức kinh tế thì phải có đề án sử dụng tài sản công và mục đích cho thuê liên doanh, liên kết được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công.

Tuy nhiên có vướng mắc là trong liên doanh, liên kết hiện nay chưa cho phép quyền sử dụng đất vào liên doanh, liên kết.

"Tôi kiến nghị nên sửa cho đơn vị sự nghiệp công được sử dụng giá trị của đất để góp vốn. Tuy nhiên, có một rào cản là không sử dụng quyền sử dụng đất này vào mục đích khác và đặc biệt đem để thế chấp làm một nguồn vốn góp khác", đại biểu nói.

Một vấn đề nữa đối với đơn vị tự chủ gắn liền với việc bàn giao tài sản, bà Dung đề nghị đơn vị tự chủ sẽ có quyền định đoạt đối với tài sản.

"Hiện nay, trong thực tế thực hiện đề án liên doanh, liên kết chúng tôi không được tự chủ phê duyệt. Đề nghị nghiên cứu đối với đơn vị tự chủ các đề án liên doanh, liên kết thì thủ trưởng đơn vị được phê duyệt và chịu trách nhiệm trên nguyên tắc bảo toàn tài sản và vốn nhà nước đã giao", đại biểu đoàn Thái Bình kiến nghị,

Minh Minh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục