Để sản phẩm OCOP du lịch hấp dẫn du khách

0:00 / 0:00
0:00
Du lịch nông thôn với các sản phẩm du lịch tiêu chuẩn OCOP đã và đang giúp các địa phương đạt mục tiêu kép, vừa phát triển du lịch, vừa tiêu thụ sản phẩm, tạo sinh kế bền vững cho người dân.
Du khách tham quan trang trại Đồng quê tại huyện Ba Vì (Hà Nội). Ảnh: Hạnh Phúc Du khách tham quan trang trại Đồng quê tại huyện Ba Vì (Hà Nội). Ảnh: Hạnh Phúc

Gần 80 sản phẩm, dịch vụ du lịch cộng đồng đạt OCOP

Thống kê của Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO) cho thấy, lượng du khách tham gia các hình thức du lịch nông thôn, sinh thái chiếm khoảng 10%, với doanh thu khoảng 30 tỷ USD/năm. Trung bình mỗi năm, tỷ lệ khách đi du lịch nông thôn tăng 10 - 30%.

Để đánh thức tiềm năng du lịch nông nghiệp, nông thôn, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 922/QĐ-TTg, ngày 2/8/2022 phê duyệt Chương trình Phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025. Chương trình này cũng nhằm triển khai hiệu quả Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025.

Theo Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương, sau hơn 4 năm triển khai Chương trình “Mỗi xã, phường một sản phẩm” (OCOP), Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương triển khai hiệu quả nhiều sản phẩm, trong đó có nhóm sản phẩm “Dịch vụ du lịch cộng đồng và điểm tham quan du lịch”. Đến nay, cả nước đã có gần 80 sản phẩm, dịch vụ du lịch cộng đồng được xác định là sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên.

Ông Nguyễn Ngọc Bích, chuyên gia phát triển du lịch bền vững, Giám đốc đổi mới sáng tạo của Dự án Du lịch Thụy Sỹ vì sự phát triển bền vững tại Việt Nam, cho rằng, điều quan trọng nhất để phát triển sản phẩm du lịch nông thôn đạt OCOP đủ sức hấp dẫn du khách là cần có nhiều cuộc đối thoại công – tư để chính quyền hiểu được người dân và doanh nghiệp đang làm gì, đang cần gì, để từ đó xây dựng và điều chỉnh chính sách hỗ trợ phát triển du lịch nông nghiệp nông thôn sát thực tiễn.

Thực tế cho thấy, phát triển du lịch nông thôn gắn với Chương trình OCOP là hướng đi hiệu quả cho phát triển du lịch nông thôn. Đặc biệt, bộ Tiêu chí về dịch vụ du lịch cộng đồng và điểm du lịch đã có nhiều định hướng gắn với xây dựng nông thôn mới, như hạ tầng, môi trường, văn hóa, tổ chức cộng đồng…

Nước mắm Phú Quốc là ví dụ thành công của mô hình phát triển du lịch dựa trên nền tảng sản phẩm OCOP. Chủ tịch Hiệp hội Nước mắm Việt Nam Hồ Kim Liên cho biết, với lịch sử 200 năm, sản phẩm nước mắm truyền thống Phú Quốc đã trở thành nét văn hóa của người dân vùng đảo, từ đó thu hút khách du lịch tới đây.

Tại TP. Hà Nội, Điểm dịch vụ du lịch làng quê Hồng Vân (Thường Tín) và Khu sinh thái Phù Đổng Green Park (Gia Lâm) sau khi được công nhận sản phẩm OCOP 4 sao đã trở thành điểm du lịch thu hút du khách.

Hình thành sản phẩm du lịch đặc trưng

Theo TS. Nguyễn Tiến Định, Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), mô hình du lịch nông thôn không chỉ đem lại sinh kế cho nông dân, mà còn góp phần bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống, cảnh quan môi trường sinh thái. Đồng thời hỗ trợ cho sự phát triển đa dạng, bền vững của điểm đến du lịch.

Tuy nhiên, loại hình du lịch này chủ yếu vẫn mang tính tự phát, manh mún, nhỏ lẻ, chủ yếu là khai thác các sản phẩm sẵn có, chưa tạo ra sự độc đáo về văn hóa và giá trị gia tăng sản phẩm. Một số nguyên nhân chính là do thiếu quy hoạch; cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển lĩnh vực này chưa cụ thể.

Bên cạnh đó, kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất phụ trợ chưa được đầu tư hoàn chỉnh, chất lượng chưa cao. Các sản phẩm na ná nhau trong cùng một vùng, miền. Nhiều điểm đến gặp khó khăn trong việc kết nối với doanh nghiệp lữ hành để hoàn thiện, xây dựng sản phẩm cũng như thu hút khách du lịch.

Chia sẻ về những bất cập trong quá trình khai thác loại hình du lịch nông thôn, bà Trần Thị Lan, Viện Nghiên cứu phát triển du lịch thông tin, không ít mô hình còn sao chép lẫn nhau, chưa tạo được nét riêng. Bên cạnh đó, cơ chế quản lý đất đai cho nông nghiệp, nông thôn vẫn còn chưa thỏa đáng. Nhiều điểm du lịch chưa có sự hợp tác với nhau dẫn đến chưa kết nối được sự tham gia của cộng đồng.

Theo bà Lan, để khắc phục những bất cập trong quá trình phát triển loại hình du lịch nông nghiệp, nông thôn đòi hỏi cơ quan quản lý cần xây dựng chính sách, cơ chế hỗ trợ người dân, doanh nghiệp đầu tư, xây dựng, khai thác điểm đến.

Dưới góc độ doanh nghiệp du lịch, ông Vũ Văn Tuyên, Giám đốc Công ty du lịch Travelogy Việt Nam cho rằng, để các sản phẩm OCOP du lịch hấp dẫn du khách, ngành du lịch cần xác định được đối tượng khách du lịch mục tiêu, từ đó xây dựng sản phẩm và đưa ra các hoạt động tiếp thị sản phẩm phù hợp. “Thị trường chính của du lịch nông nghiệp, nông thôn hiện chủ yếu vẫn là du khách nội địa, với nhu cầu sử dụng thực phẩm sạch, trải nghiệm văn hóa bản địa ở vùng nông thôn của người thành phố rất lớn”, ông Tuyên phân tích.

Từ kinh nghiệm hoạt động lữ hành, bà Phan Yến Ly, Giám đốc Công ty Tư vấn, Truyền thông và Sự kiện Cánh Cam đề xuất giải pháp “Mỗi huyện, mỗi xã một sản phẩm du lịch nông nghiệp, nông thôn đặc trưng”, nhằm giúp các sản phẩm du lịch nông nghiệp, nông thôn của các địa phương không bị trùng lặp, nhàm chán; tránh cạnh tranh không lành mạnh; tạo nên sức hút du khách qua các thông điệp và câu chuyện truyền thông riêng biệt.

“Việc triển khai giải pháp Mỗi quận, huyện một sản phẩm du lịch đặc trưng của TP.HCM đã giúp huy động nguồn lực của các địa phương trong việc khai thác tài nguyên du lịch đáp ứng nhu cầu đa dạng của du khách. Chương trình đã truyền cảm hứng cho người làm du lịch ở Thành phố. Vì vậy, có thể lan rộng mô hình này”, bà Ly dẫn chứng.

Để du lịch nông thôn phát triển bền vững, ông Nguyễn Đức Thắng, Trưởng khoa Du lịch (Trường đại học Công nghệ Đông Á) khuyến nghi, ngành du lịch cần xây dựng bộ tiêu chuẩn công nhận, đánh giá chất lượng sản phẩm dịch vụ du lịch đặc trưng tại khu vực nông thôn, từ đó thống nhất cách thức quản lý. Đồng thời đẩy mạnh hợp tác kinh tế quốc tế huy động vốn đầu tư nước ngoài vào hạ tầng cơ sở.

Hạnh Phúc
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục