
“Xanh hóa” từ vật dụng…
Từ một Thủ đô đông đúc với hơn 1.400 tấn rác thải nhựa mỗi ngày, giờ đây Hà Nội đang từng bước thay đổi cốt lõi cách vận hành ngành du lịch. Bắt đầu từ những điều tưởng như nhỏ nhặt nhất như bàn chải đánh răng, dao cạo râu, túi ni-lông hay gói nhỏ sữa tắm trong khách sạn, các sản phẩm nhựa dùng một lần sẽ phải ngừng sử dụng hoàn toàn. Từ năm 2026, các cơ sở lưu trú và điểm du lịch không được phép sử dụng những vật dụng nhựa dùng một lần. Tiếp đó là lộ trình cấm túi ni-lông miễn phí tại chợ, cửa hàng tiện lợi; tiến tới năm 2031, Hà Nội sẽ dừng hẳn việc sản xuất và nhập khẩu các loại nhựa dùng một lần và sản phẩm chứa vi nhựa.
Chính sách này được giới chuyên môn đánh giá là bước đi mang tính cách mạng trong phát triển bền vững ngành du lịch Thủ đô. Tổng thư ký Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Quốc Trí nhận định: “Chuyển đổi xanh không chỉ là xu hướng mà là con đường tất yếu. Nhưng đây là con đường không bằng phẳng, nhất là với những doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, vốn chiếm phần lớn trong ngành du lịch Hà Nội”. Theo ông Trí, khó khăn lớn nhất nằm ở nguồn lực tài chính để đầu tư thay thế toàn bộ vật dụng bằng chất liệu thân thiện môi trường. Do đó, ông đề xuất cần sớm ban hành chính sách ưu đãi về thuế, tín dụng xanh và truyền thông để tạo động lực cho doanh nghiệp chuyển mình.
Không chỉ dừng lại ở khách sạn, lộ trình xanh còn được mở rộng tới các quán cà phê, nhà hàng, cửa hàng đồ uống trong khu vực Vành đai 1, từ cuối năm nay. Việc thí điểm không sử dụng đồ nhựa dùng một lần trong không gian ẩm thực, dịch vụ này không chỉ nhằm giảm lượng rác thải nhựa mà còn giúp nâng tầm hình ảnh du lịch Hà Nội trong mắt du khách quốc tế: một thành phố hiện đại, thân thiện với môi trường và nhân văn trong cách ứng xử với thiên nhiên.
Đến “xanh hóa” sản phẩm du lịch
Theo báo cáo "Sustainable Tourism Global Report 2023" của UNWTO (Tổ chức Du lịch thế giới), khoảng 75% du khách quốc tế sẵn sàng trả thêm chi phí cho các dịch vụ du lịch thân thiện với môi trường.
Để du lịch xanh trở thành bản sắc, Hà Nội đang song song phát triển một hệ sinh thái điểm đến, sản phẩm, cộng đồng, truyền thông bền vững và đồng bộ. Trong số đó, các xã quanh vùng núi Ba Vì đang nổi lên như một hiện tượng tiềm năng của du lịch xanh Thủ đô. Được mệnh danh là “lá phổi xanh” phía Tây Hà Nội, khu vực vùng núi Ba Vì sở hữu rừng nguyên sinh, khí hậu ôn hòa, cộng đồng dân tộc bản địa cùng hệ sinh thái du lịch văn hóa, tâm linh, sinh thái giàu bản sắc.
Do đó, ngành du lịch Hà Nội đã bước đầu triển khai các mô hình du lịch xanh tại các xã quanh núi Ba Vì như: du lịch cộng đồng với người Dao, tắm lá thuốc, nghỉ dưỡng wellness, tour trekking kết hợp văn hóa tâm linh tại đền Thượng, khu di tích K9… Những sản phẩm này, nếu được đầu tư tốt, có thể định vị Ba Vì thành điểm đến chữa lành tiêu biểu cho du khách Thủ đô và khu vực phía Bắc.
Đồng thời, Hà Nội đang đẩy mạnh du lịch xanh trong nội đô với các sản phẩm sáng tạo như tour xe điện khám phá 28 tuyến phố cổ do Công ty Đồng Xuân tổ chức; tour đi bộ kiến trúc Pháp, tour xe đạp làng cổ Cổ Loa, Bát Tràng, Thăng Long tứ trấn… do Hanoitourist xây dựng. Phường Hoàn Kiếm, trung tâm văn hóa của Hà Nội cũng đã triển khai du lịch không khói thuốc tại 30 điểm di tích nhằm tạo môi trường thân thiện, sạch đẹp cho khách quốc tế.
Bà Thái Thị Thanh Lan, Chủ nhiệm Captour nhận định: “Hà Nội đang đi đúng hướng khi vừa thúc đẩy sản phẩm xanh, vừa nâng cao tiêu chuẩn phục vụ. Điều cần làm là đẩy mạnh kết nối, truyền thông, đào tạo và tạo điều kiện cho người dân địa phương trở thành những đại sứ kể chuyện, quảng bá chính quê hương mình bằng trải nghiệm thực tế”.
Thực tế, Hà Nội đã và đang tổ chức nhiều lớp tập huấn về ứng xử văn minh, xử lý rác thải, hạn chế túi nilon, tuyệt đối không buôn bán động vật hoang dã, lồng ghép với các tour tham quan học tập mô hình điểm. Đặc biệt, ngành du lịch đang phối hợp cùng các sở, ngành hoàn thiện bộ tiêu chí du lịch xanh bao gồm tiết kiệm năng lượng, bảo vệ đa dạng sinh học, đóng góp cho cộng đồng… để từ đó làm căn cứ đánh giá và hỗ trợ các điểm đến chuyển đổi.
Theo Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang, những mô hình như du lịch sinh thái Hương Sơn đã bước đầu ghi nhận hiệu quả rõ nét, khi lượng khách trải đều quanh năm, doanh thu từ du lịch và dịch vụ chiếm gần 35% cơ cấu kinh tế địa phương.
Trong bối cảnh quốc tế ngày càng đánh giá cao trách nhiệm môi trường và tiêu chuẩn bền vững trong lựa chọn điểm đến, nếu Hà Nội kiên trì lộ trình xanh một cách nghiêm túc, không chỉ nâng tầm thương hiệu mà còn tạo ra lợi thế cạnh tranh bền vững cho ngành du lịch. Bắt đầu từ một chiếc bàn chải tre thay cho bàn chải nhựa, từ một túi vải thay cho túi nilon, Hà Nội đang từng bước chuyển mình, không chỉ trong tư duy phát triển, mà cả trong cách kể chuyện với thế giới.