
Cầu nối mềm cho hợp tác du lịch Việt - Hàn
Chia sẻ tại lễ khai trương Văn phòng Xúc tiến du lịch Việt Nam tại Hàn Quốc, ông Vũ Thế Bình, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam khẳng định, đây là bước đột phá chiến lược, thể hiện tư duy chủ động, bền vững trong công tác xúc tiến thị trường quốc tế trọng điểm. “Chúng ta không thể mãi trông chờ vào những sự kiện ngắn ngày. Du lịch Việt Nam cần hiện diện thường trực tại thị trường, đi cùng thế giới bằng cách làm bài bản, có chiều sâu”, ông nói.
Theo ông Bình, trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu ngày càng khốc liệt, hình ảnh điểm đến không thể chỉ được giới thiệu qua vài poster tại hội chợ. Việc đặt văn phòng đại diện tại Hàn Quốc cho phép các doanh nghiệp, địa phương Việt Nam tiếp cận trực tiếp với thị trường, tìm hiểu thị hiếu, nắm bắt xu hướng và định hình sản phẩm phù hợp. Đây cũng là minh chứng cho bước chuyển từ xúc tiến rời rạc sang kết nối có chiến lược, hướng tới hợp tác song phương thực chất hơn.
Đại sứ Việt Nam tại Hàn Quốc Vũ Hồ cũng nhìn nhận, văn phòng xúc tiến không chỉ là một công cụ tiếp thị, mà còn là “cầu nối mềm” giữa hai dân tộc. “Du lịch không chỉ là sự dịch chuyển, mà là hành trình của văn hóa và con người. Văn phòng xúc tiến sẽ mở ra thêm nhiều cơ hội hợp tác, chia sẻ khách và xây dựng sản phẩm phù hợp với thị hiếu mới”, ông nhấn mạnh.
Ngay trong ngày khai trương, hơn 80 doanh nghiệp hai nước đã tham gia chương trình roadshow, kết nối B2B, với sự hiện diện của 13 cơ quan truyền thông Hàn Quốc. Không còn bị giới hạn trong các hội chợ định kỳ, đây là dịp để doanh nghiệp Việt Nam trực tiếp “gặp gỡ thị trường” ngay trên đất Hàn, giới thiệu các điểm đến không chỉ quen thuộc như Đà Nẵng, Phú Quốc, Hà Nội mà còn gợi mở xu hướng mới: trải nghiệm văn hóa sâu sắc, nghỉ dưỡng cao cấp, du lịch MICE và wellness xanh, những điều đang được du khách Hàn Quốc đặc biệt quan tâm.
Ông Kim Nam Jun, quyền Giám đốc Ban Chiến lược Nội dung du lịch (Tổng cục Du lịch Hàn Quốc), đánh giá cao sự kiện này và bày tỏ kỳ vọng: “Với sự hiện diện chính thức tại Seoul, ngành du lịch hai nước sẽ có thêm kênh hợp tác hiệu quả, chuyên nghiệp và lâu dài hơn”.
Mô hình cần nhân rộng
Điểm đặc biệt của mô hình Văn phòng Xúc tiến du lịch Việt Nam tại Hàn Quốc là văn phòng do Hiệp hội Du lịch Việt Nam, tổ chức xã hội nghề nghiệp thành lập và vận hành, thay vì chỉ trông chờ vào ngân sách nhà nước hay chiến dịch ngắn hạn của các cơ quan quản lý. Cách làm này vừa linh hoạt, vừa bám sát thực tiễn, lại huy động được nguồn lực xã hội hóa, đúng với tinh thần đổi mới xúc tiến du lịch quốc gia.
Trong tương lai gần, mô hình này có thể được nghiên cứu nhân rộng tại các thị trường trọng điểm như Nhật Bản, Trung Quốc, châu Âu, Mỹ,… nơi Việt Nam cần có sự hiện diện sâu hơn để duy trì vị thế cạnh tranh. Khi mỗi thị trường là một thế giới riêng với văn hóa, hành vi tiêu dùng và thị hiếu đặc thù, việc có văn phòng thường trú chính là cách hiệu quả nhất để “hiểu khách trước khi mời khách”.
Văn phòng Xúc tiến du lịch Việt Nam tại Hàn Quốc là một mảnh ghép cần thiết cho chiến lược xây dựng thương hiệu điểm đến quốc gia. Đây cũng là tín hiệu cho thấy ngành du lịch Việt Nam đang chuyển mình từ thế bị động sang chủ động, từ quảng bá đơn lẻ sang kết nối hệ thống, từ xúc tiến theo sự kiện sang xúc tiến theo chuỗi giá trị.
Khi thế giới đã quen với hình ảnh “Việt Nam - điểm đến thân thiện”, là lúc cần nâng cấp trải nghiệm và khẳng định vị thế bằng hệ sinh thái xúc tiến, kết nối, truyền thông bài bản. Và mỗi văn phòng đại diện tại nước ngoài sẽ là một “đại sứ mềm” góp phần đưa du lịch trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn thực thụ.