Để những đóa hồng Việt tỏa sắc

(ĐTCK) Phụ nữ đang ngày càng đóng vai trò quan trọng trong hoạt động kinh doanh và trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt trong tiến trình hội nhập sâu rộng hướng tới Cộng đồng ASEAN và Cộng đồng ASEAN kinh tế. 
Việt Nam có đội ngũ doanh nhân nữ hùng hậu, tài năng Việt Nam có đội ngũ doanh nhân nữ hùng hậu, tài năng

Do đó, cần có những chính sách hỗ trợ và tạo điều kiện để phụ nữ tự tin đón bắt thời cơ hội nhập. Đó là thông điệp được đưa ra tại Diễn đàn “Doanh nhân nữ ASEAN 2015 - Biến cơ hội thành hiện thực” diễn ra cuối tuần qua tại Hà Nội.

“Hiện nay, tại Việt Nam, trung bình trong 4 người kinh doanh thì có một người là nữ. Phụ nữ đã làm chủ tới 1/4 các cơ sở sản xuất - kinh doanh trong cả nước. Đây là một tỷ lệ khá cao so với thế giới và điều này một lần nữa khẳng định phụ nữ Việt Nam đang ngày càng nâng cao vai trò của mình, cũng như có đóng góp to lớn trong xã hội cũng như công cuộc phát triển kinh tế”, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nói và cho biết, mục tiêu phấn đấu trong chiến lược phát triển của Việt Nam từ nay đến năm 2020 là đạt tỷ lệ 30% cơ sở kinh doanh do phụ nữ làm chủ.

Theo ông Lộc, trong nền kinh tế Việt Nam, vai trò của người phụ nữ tham gia hoạt động kinh tế - xã hội nói chung cũng như các nữ doanh nhân nói riêng không chỉ thể hiện ở việc họ nắm giữ các cơ sở sản xuất - kinh doanh. Phần lớn cơ sở kinh doanh người phụ nữ nắm giữ là các DNVVN, đa phần hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp, thương mại và dịch vụ gắn liền với nông nghiệp, nông thôn và nông dân, nên ngoài góp cho tăng trưởng, nguồn thu cho ngân sách, còn giải quyết công ăn việc làm cho lao động nữ.

“Bởi vậy, đánh giá một cách công bằng, đóng góp của phụ nữ trên thực tế là lớn hơn so với mức độ đóng góp về mặt tỷ trọng nhân lực của họ cho xã hội và nền kinh tế”, ông Lộc nhấn mạnh.

Theo một khảo sát của VCCI, trong những năm gần đây, khi nền kinh tế gặp nhiều khó khăn, cơ sở kinh doanh của các DN có doanh nhân nữ làm chủ thường có sức chịu đựng tốt hơn, bền vững hơn; tỷ lệ DN do phụ nữ làm chủ phải đóng cửa, gặp khó khăn hoặc phá sản thấp hơn so với DN do nam giới làm chủ. Do đó, các doanh nhân nữ cần được quan tâm và tạo điều kiện để phát huy tốt hơn vai trò trong kinh doanh.

Mặc dù vậy, theo PGS.TS Nguyễn Hồng Sơn, Hiệu trưởng Trường đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội, phụ nữ làm kinh tế nói chung cũng như các nữ doanh nhân thường gặp nhiều rào cản và khó khăn hơn so với nam giới khi khởi nghiệp. Nhiều ý kiến tại diễn đàn cho rằng, phụ nữ làm kinh doanh khó khăn so với nam giới rất nhiều, để đạt được một thành quả như nhau thì có thể công sức bỏ ra của chị em phải gấp 2 - 3 lần. Đặc biệt, với đặc thù truyền thống văn hóa và ý thức hệ về vai trò truyền thống của người phụ nữ trong gia đình, người phụ nữ tại các nước đang phát triển, ở các nước châu Á, trong đó có ASEAN còn phải dành nhiều thời gian hơn cho thiên chức làm mẹ, làm vợ. Do đó, diễn đàn đã lên tiếng kêu gọi các chính phủ cần quan tâm hơn nữa đối với cộng đồng doanh nhân nữ, có chương trình và hành động thiết thức giúp họ nâng cao năng lực, cải thiện các điều kiện và cơ hội có thể cạnh tranh bình đẳng với nam giới trên thương trường.

Với ý nghĩa này, VCCI đã lên tiếng đề xuất Mạng doanh nhân nữ ASEAN nên đưa ra những sáng kiến, kiến nghị thiết thực và đề nghị Ban thư ký ASEAN và Chính phủ các nước ASEAN quan tâm ủng hộ. Ngay tại diễn đàn lần này, VCCI đề nghị có chương trình xây dựng cộng đồng doanh nhân nữ ASEAN trong chương trình tổng thể xây dựng Cộng đồng Kinh tế ASEAN sau năm 2015.

“Một trong những ưu tiên quan trọng của Cộng đồng ASEAN mà các nước sẽ tập trung thực hiện trong việc bảo đảm quyền bình đẳng và khả năng đóng góp bình đẳng cho phụ nữ trong DNVVN sẽ là ưu tiên phát triển bền vững DNVVN, đặc biệt là DNVVN do nữ doanh nhân đứng đầu. Đây sẽ là một trong những yếu tố trọng tâm trong chiến lược phát triển của các nền kinh tế ASEAN và của Cộng đồng ASEAN trong quá trình hội nhập sâu hơn và trong quá trình thực hiện tầm nhìn sau năm 2015 hiện đang xây dựng để các lãnh đạo các nước thông qua vào cuối năm nay”, ông Lê Lương Minh, Tổng thư ký ASEAN cho biết.

Bà Chu Thị Thanh Hà, Phó tổng giám đốc Tập đoàn FPT

So với nam giới, nhận thức xã hội của nước ta vẫn còn đặt gánh nặng về trách nhiệm của phụ nữ trong gia đình. Bởi thế, bản thân phụ nữ khi tham gia vào công việc xã hội, nhất là với một ngành nghề đặc thù như công nghệ thông tin lại càng chịu thêm nhiều áp lực. Đây là một cản trở đối với họ, đặc biệt khi dự án bước vào giai đoạn nước rút, buộc phải thức đêm, làm thêm giờ, làm vào ngày nghỉ…

Tại FPT, để đạt được thành công tương đương nam giới, phụ nữ phải cố gắng gấp bội. Thực tế, số lượng nữ giới nắm giữ các vị trí trọng yếu khác nhau trong Tập đoàn cũng như tại các công ty thành viên không hề nhỏ.

Nhân lực phái nữ là một phần quan trọng của mọi tổ chức và ở FPT, vai trò và đóng góp của họ được ghi nhận bình đẳng. Với đặc tính thiên bẩm, phụ nữ FPT thậm chí còn có lợi thế hơn đồng nghiệp nam trong việc tìm hiểu mong muốn của đối tác, khách hàng, cách tiếp cận bền bỉ và mềm dẻo khiến công việc đạt kết quả cao.

Bà Phạm Thị Việt Nga, Tổng giám đốc CTCP Dược Hậu Giang (DHG)

DHG là một trong những DN có vị thế dẫn đầu ngành công nghiệp dược Việt Nam. Bởi vậy, DN đi lùi là các NĐT tài chính “mổ xẻ ngay; mình có lý do khách quan, nhưng với họ, con số là tất cả. Giữ vững vị thế dẫn đầu trong điều kiện cạnh tranh ngành ngày càng gay gắt luôn tạo áp lực đối với tôi và Ban điều hành. Tuy nhiên, niềm tin của khách hàng, người tiêu dùng, kỳ vọng của NĐT, đặc biệt là phải tạo việc làm, nâng cao cuộc sống cho người lao động luôn là động lực thúc đẩy tôi và Ban điều hành phải cố gắng, phấn đấu nhiều hơn nữa.

Ở DHG, sự thành công là kết tinh trí tuệ của nhiều người, từ người lao động, đội ngũ điều hành đến khách hàng, cổ đông và sự ủng hộ của các đối tác. Ngay trong những sự kiện quan trọng của Công ty như Hội nghị khách hàng, DHG đãi khách bằng những món ăn đặc biệt của người miền Tây, do chính người DHG làm. Khi ấy, vai trò của những chị em làm bếp rất quan trọng. Ở DHG không có ai là ngôi sao, không có nhóm ngôi sao và hầu như không có chính sách lương thưởng, cổ phiếu ưu đãi đặc biệt nào dành cho một nhóm người. Gia nhập DHG, trẻ hay già, nhất là các chị em nữ đều tâm huyết, nỗ lực phấn đấu.

Bà Trần Thị Đào, Phó chủ tịch, Tổng giám đốc CTCP dược phẩm Imexpharm (IMP)

Năm 2014 vừa qua, chính sách đấu thầu vào bệnh viện vẫn gặp trở ngại do ảnh hưởng của chính sách chọn thầu chú trọng thuốc giá rẻ. IMP là công ty sản xuất thuốc generics chất lượng hàng đầu Việt Nam, nên càng gặp khó khăn. Doanh thu từ kênh bệnh viện (ETC) giảm gần 50% so với năm 2013. Dù vậy, IMP kiên định không hạ thấp tiêu chuẩn chất lượng để hạ giá thành sản xuất. Thay vào đó, IMP tiếp tục đầu tư cho chất lượng và định vị lại thị trường mục tiêu. Kết quả, năm 2014, kênh nhà thuốc (OTC) tăng gần 40%.

Trong năm 2015, IMP sẽ đẩy mạnh thay đổi quản trị hiệu quả nguồn nhân lực, tiếp tục chiến lược định vị lại thị trường, đồng thời hoàn thiện chiến lược đầu tư nâng cấp hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn châu Âu.

Nhà lãnh đạo nào cũng có áp lực từ công việc, gặp khó khăn chung trong việc cân bằng công việc và cuộc sống gia đình. Tuy nhiên, mỗi người đều có cách riêng để dung hoà, có như vậy mới có thể thoái mái, nhiều năng lượng, sự minh mẫn và sức khoẻ cho công việc và cuộc sống. Bản thân là một lãnh đạo nữ, tôi có nhiều lợi thế, nhất là sự sâu sát, chặt chẽ, nhưng vẫn giữ được yếu tố mềm mỏng trong quản lý, tạo sự gắn kết toàn đội ngũ trong Công ty.

Bà Nguyễn Vũ Ngọc Trinh, Tổng giám đốc công ty TNHH Quản lý quỹ Manulife Việt Nam

Trong những ngày đầu bắt đầu công việc điều hành tại ManulifeAM Việt Nam, áp lực rất lớn, nhưng tôi may mắn có được ê-kíp, đội ngũ nhân viên xuất sắc, hoà đồng, nhất là cùng hướng đến mục tiêu vững mạnh của Công ty. Ngoài ra, Công ty là thành viên của Tập đoàn quản lý tài sản toàn cầu Manulife Asset Management nên nhận được sự hậu thuẫn mạnh mẽ.

Sau hơn 3 năm điều hành ManulifeAM Việt Nam, cá nhân tôi nghĩ, sự tự tin của một người lãnh đạo thật sự đến từ sự đoàn kết và khả năng của đội ngũ mà mình có và xây dựng được. Điều này đúng cho cả cánh mày râu lẫn những bóng hồng trong lĩnh vực tài chính, chứng khoán và cả những lĩnh vực khác. Thêm vào đó, phụ nữ được trời phú cho sự kiên nhẫn và uyển chuyển trong điều hành, đó cũng là một thế mạnh không nhỏ.

Năm 2014, thành quả của cả một đội ngũ là ManulifeAM Việt Nam tổng giá trị tài sản quản lý tăng 25%, đạt 10.357 tỷ đồng. Công ty cho ra mắt Quỹ đầu tư Cổ phiếu Manulife (MAFEQI), đây là quỹ mở đầu tiên của Manulife tại Việt Nam.

Năm 2015, chúng tôi kỳ vọng, ManulifeAM Việt Nam sẽ tiếp tục có sự tăng trưởng giá trị tài sản quản lý cao, đến từ hoạt động quản lý danh mục đầu tư và quản lý quỹ đầu tư. Bên cạnh đó, Công ty sẽ đẩy mạnh hoạt động quảng bá cho sản phẩm quỹ mở MAFEQI, với nền tảng là các hoạt động nhằm nâng cao nhận thức của công chúng về việc sử dụng các sản phẩm đầu tư tài chính cho hoạt động tích lũy tài chính, đặc biệt là tích lũy cho hưu trí.

Hiếu Minh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục