Năm 2017, Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 Ban chấp hành Trung ương Ðảng khóa XII đã khẳng định tầm quan trọng của việc thúc đẩy phát triển khu vực kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Chúng tôi đánh giá đây là một cột mốc quan trọng bởi trong quá khứ, doanh nghiệp tư nhân Việt Nam đã phải trải qua một quá trình phát triển nhiều sóng gió. Không được chính thức công nhận chính thức mà coi như “một con buôn, con phe…”.
Nhưng nhờ chính sách “Ðổi mới” của Ðảng được ban hành tại Ðại hội Ðảng lần thứ 6, khu vực tư nhân mới được chính thức công nhận là một bộ phận cấu thành của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa của nền kinh tế nhiều thành phần.
Sau đó, Luật Doanh nghiệp được ban hành vào năm 1999 đã tạo ra sự phát triển bùng nổ của các doanh nghiệp tư nhân trong nước.
Từ đó đến nay, môi trường pháp lý và chính sách cho khu vực kinh tế tư nhân liên tục được cải thiện và dần được hoàn thiện theo chuẩn quốc tế.
Trước hết, cần nhấn mạnh đến đóng góp quan trọng của kinh tế tư nhân đối với phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, năm 2016, khu vực tư nhân trong nước chiếm 38,6% GDP, khu vực tư nhân nước ngoài (FDI) đóng góp 18,95% vào GDP.
Các doanh nghiệp tư nhân đã vượt qua khu vực doanh nghiệp nhà nước về phương diện tạo thu nhập cho người lao động và khoảng cách này ngày một nới rộng hơn.
Việc làm do các doanh nghiệp khu vực tư nhân tạo ra giúp hàng triệu người lao động dịch chuyển từ các công việc có thu nhập thấp hơn trong lĩnh vực nông nghiệp sang làm việc ở những ngành có năng suất cao hơn, với mức thu nhập tốt hơn.
Các doanh nghiệp tư nhân đóng góp khoảng 39 tỷ USD vào ngân sách nhà nước vào năm 2016, chiếm 79,8% tổng thu ngân sách.
Tỷ trọng đóng góp của các doanh nghiệp tư nhân trong tổng thu ngân sách nhà nước đã tăng từ 11,9% năm 2010 lên 14,3% năm 2016, tức là từ khoảng 3 tỷ USD đến 7 tỷ USD mỗi năm tính theo giá trị tuyệt đối.
Như vậy, khu vực tư nhân đóng góp chính cho tạo việc làm, giảm nghèo, cải thiện điều kiện sống, tăng trưởng bền vững và toàn diện cho nền kinh tế Việt Nam. Tuy nhiên, khu vực kinh tế tư nhân đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.
Ðó là khó khăn trong huy động vốn do thị trường vốn chưa phát triển mạnh, lãi suất ngân hàng duy trì ở mức cao, nên nhất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh và khả năng tích tụ nguồn lực của khu vực này thấp.
Hiện mới chỉ có khoảng 21% doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, thấp hơn nhiều so với tỷ lệ 46% ở các nước trong khu vực ASEAN.
Tỷ suất lợi nhuận của các doanh nghiệp tư nhân trong nước thấp hơn so với lãi suất trung bình khi vay vốn ngân hàng.
Tỷ lệ lợi nhuận thấp gây ra nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp tư nhân và cho các nhà đầu tư tiềm năng hiện đang cân nhắc khả năng đầu tư vào các doanh nghiệp tư nhân trong nước hay không.
Ðó là chất lượng nguồn nhân lực thấp do đào tạo và giáo dục chưa được chú trọng, trong khi chi phí nhân công lại gia tăng liên tục trong những năm gần đây.
Bên cạnh đó là khó khăn trong việc đầu tư cho đổi mới công nghệ. Ðặc biệt là môi trường kinh doanh còn nhiều khó khăn thách thức, thể hiện qua khoảng cách đang ngày càng lớn dần giữa số lượng doanh nghiệp đã đăng ký kinh doanh và số lượng những doanh nghiệp đang thực sự hoạt động.
Theo Tổng cục Thống kê, chỉ có 427.000 doanh nghiệp tư nhân đang thực sự hoạt động trong năm 2015 (chiếm 49,5% tổng số doanh nghiệp đã đăng ký tính đến năm 2015).
Ðiều đáng lo ngại là khoảng cách này có xu hướng ngày một nới rộng hơn trong những năm gần đây.
Ðể kinh tế tư nhân trở thành một động lực tăng trưởng quan trọng của nền kinh tế như khẳng định tại Nghị quyết TW 5, chúng tôi cho rằng, cần tập trung xóa bỏ những điểm nghẽn sau:
Thứ nhất, cần đẩy nhanh tiến trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, tạo sân chơi bình đẳng giữa các loại hình doanh nghiệp.
Nghị quyết 12-NQ/TW về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước đã nhấn mạnh “tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước theo hướng kiên quyết cổ phần hóa, bán vốn tại những doanh nghiệp mà Nhà nước không cần nắm hoặc không cần giữ cổ phần, vốn góp chi phối, kể cả những doanh nghiệp đang kinh doanh có hiệu quả; đồng thời xử lý triệt để, bao gồm cả việc cho phá sản các doanh nghiệp nhà nước yếu kém”.
Ðây là một chủ trương đúng đắn, cần tập trung thực hiện để thu hút các nguồn lực đại chúng vào nền kinh tế, tạo ra những bước thay đổi mạnh mẽ về chất ở các doanh nghiệp.
Tuy vậy, trong 3 năm qua, vẫn nổi lên vấn đề đáng e ngại là tỷ lệ vốn nhà nước bán ra rất thấp, Nhà nước vẫn nắm cổ phần chi phối ở nhiều doanh nghiệp, do đó những thay đổi cơ bản trong quản trị của các doanh nghiệp này chưa có gì đáng kể.
Các doanh nghiệp nhà nước vẫn đang nắm vai trò chủ đạo ở hầu hết các lĩnh vực và ngành kinh tế quan trọng (ví dụ như điện, nước, hóa chất…), thậm chí trong nhiều lĩnh vực kinh tế kém quan trọng hơn và trong các hoạt động thương mại như xi măng, dệt may…
Ðặc biệt, trong hơn 1 năm trở lại đây, tiến trình cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước gặp nhiều khó khăn, bế tắc do liên quan đến việc thực thi áp dụng các quy định mới về định giá doanh nghiệp, sắp xếp đất đai…
Thứ hai, chúng ta cần đặt trọng tâm chính sách vào việc tạo điều kiện thuận lợi để Việt Nam ngày càng có nhiều công ty lớn và được quản trị tốt hơn, thay vì là chỉ hướng vào mục tiêu hình thành quá nhiều doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ.
Muốn vậy, chúng ta cần phải có những cải cách dài hạn, cụ thể là phải tạo ra được cơ chế khuyến khích học tập và đổi mới sáng tạo toàn diện.
Trước mắt là những chính sách ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy hiện đại hóa trong các ngành công - nông nghiệp, tập trung hơn vào cạnh tranh và giảm điều tiết thị trường, chính sách phát triển doanh nghiệp cần ưu tiên vào việc nâng cao năng lực của doanh nghiệp tư nhân trong việc ứng dụng và nâng cao trình độ công nghệ.Các công ty tư nhân lớn trong nước thường có trình độ quản trị công ty tốt hơn và tuân thủ đầy đủ hơn các yêu cầu về minh bạch thông tin.
Nhờ đó, các doanh nghiệp này có thể tiếp cận tốt hơn với các nguồn lực tài chính và nguồn nhân lực. Và chính điều này lại đóng góp thêm cho cải thiện hiệu quả và năng suất của các doanh nghiệp.
Thứ ba, cần xóa bỏ sự phân biệt đối xử giữa các doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp nhà nước, giữa doanh nghiệp tư nhân trong nước và doanh nghiệp FDI.
Theo một khảo sát của Phòng Công nghiệp và thương mại Việt Nam (VCCI) công bố năm 2017, các doanh nghiệp tư nhân trong nước vẫn nằm trong nhóm các doanh nghiệp chịu thiệt thòi nhất.
Có tới 38% doanh nghiệp được hỏi cho rằng “sự ưu ái của chính quyền địa phương với các doanh nghiệp nhà nước đã gây khó khăn cho hoạt động của doanh nghiệp”.
Hơn 42% doanh nghiệp được hỏi đồng ý với nhận định rằng, “chính quyền địa phương dường như ưu tiên việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài hơn là việc phát triển khu vực tư nhân trong nước”.
Các chiến lược trước đây của Chính phủ nhằm giao vai trò chủ đạo cho các doanh nghiệp nhà nước cũng ảnh hưởng tới khả năng của các doanh nghiệp tư nhân trong việc phát triển và khai thác triệt để các cơ hội do quá trình toàn cầu hóa mang lại.
Doanh nghiệp nhà nước không bị buộc đối diện với sự cạnh tranh gay gắt nhờ khả năng tiếp cận thuận lợi hơn tới các nguồn lực cho phát triển và nhờ những hạn chế áp đặt với doanh nghiệp tư nhân.
Các tập đoàn kinh tế nhà nước được ưu tiên hơn khi tiếp cận các nguồn lực về đất đai, kim ngạch xuất khẩu, tín dụng, cơ hội nhận các hợp đồng từ khu vực công…
Một điểm quan trọng nữa là cần có một chính sách khẳng định rõ ràng về việc các doanh nghiệp tư nhân trong nước sẽ là trụ cột của nền kinh tế và của năng lực cạnh tranh quốc gia.
Ðảng và Nhà nước cần tiếp tục chỉ đạo, tuyên truyền để Nghị quyết số 10-NQ/TW 2017 của Ban Chấp hành Trung ương “về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” được nhận thức đầy đủ, triển khai trên thực tế nhằm tạo thuận lợi cho doanh nghiệp tư nhân trong giải quyết thủ tục hành chính, tiếp cận tín dụng, các chính sách của nhà nước…
Việc cần làm ngay trước mắt là phải nhận diện và đánh giá lại một cách chính xác về quy mô và đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân, từ đó có những thay đổi căn bản trong nhận thức để tạo ra những chính sách thuận lợi cho sự phát triển của khu vực này.