Để kênh huy động vốn trái phiếu phát triển lành mạnh

(ĐTCK) Các nhà đầu tư cá nhân thường bị yếu tố lãi suất cao vẫy gọi, lại thêm chào mời thời gian đầu tư linh hoạt, có thể rút trước hạn bất kỳ thời điểm nào, nên rất dễ chạy theo những đợt phát hành trái phiếu đầy rủi ro.
Ảnh Internet Ảnh Internet

Là kênh huy động vốn có tốc độ tăng trưởng mạnh trong vòng 2 năm nay, trái phiếu doanh nghiệp đang trở thành sản phẩm thu hút nhiều nhà đầu tư cá nhân.

Cũng phải lưu ý rằng, rủi ro cho nhà đầu tư tham gia mua trái phiếu doanh nghiệp là luôn có. Thiếu tổ chức đánh giá xếp hạng tín nhiệm (credit rating) và đặc biệt, thiếu thông tin về dòng tiền trả nợ của doanh nghiệp, là những điều khiến rủi ro nhà đầu tư tăng cao.

Trao đổi với Đầu tư Chứng khoán, chị Nguyễn Minh Thư, hiện sống tại Hà Nội cho biết, chị đang mua 10 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp tại 2 công ty chứng khoán.

“Các môi giới đều cam kết công ty chứng khoán và ngân hàng sẽ hỗ trợ mua lại kể từ sau 6 tháng (hoặc 1 năm). Tôi mua trái phiếu dựa vào uy tín của ngân hàng thực hiện phát hành, chứ không nắm được thông tin về doanh nghiệp”, chị Thư nói.

Thế nhưng, trên hợp đồng giao dịch, câu chuyện lại có phần khác biệt. Hợp đồng giao dịch trái phiếu với một công ty chứng khoán trực thuộc ngân hàng của chị có nội dung quy định cho phép nhà đầu tư có thể bán lại sau 6 tháng kể từ khi mua nếu công ty chứng khoán có thể (còn tiền - PV). Tại công ty chứng khoán còn lại, dù môi giới khẳng định chắc nịch về việc có bảo lãnh thanh khoản, nhưng hợp đồng giao dịch hoàn toàn không đề cập.

Vì sao lại có sự khác biệt này? Câu chuyện nằm ở việc lách quy định pháp luật. Lãnh đạo một công ty chứng khoán cho biết, nếu có điều khoản bảo lãnh thanh khoản, ngân hàng sẽ bị tính khoản trái phiếu này vào hạn mức và công ty chứng khoán có thể bị coi là đã huy động vốn trái quy định pháp luật. Do đó, các công ty chứng khoán đang thực hiện cam kết bằng miệng với khách hàng.

Vậy, cam kết bằng miệng này có hiệu lực không nếu doanh nghiệp phát hành xảy ra sự cố? Nhà đầu tư cũng không rõ hiện nay cơ quan nào đứng ra quản lý thị trường trái phiếu doanh nghiệp.

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước quản lý về phát hành trái phiếu ra công chúng có thực hiện giám sát và kiểm tra các đợt phát hành trái phiếu riêng lẻ nhưng “lách luật” bán cho trên 100 nhà đầu tư?

Cũng phải nói thêm rằng, có những sản phẩm trái phiếu được doanh nghiệp quảng bá lãi suất tới 10 - 11%, nhưng đó là lãi suất tính trên việc nhà đầu tư phải chú ý tái đầu tư khoản lãi trả trước theo kỳ hạn 6 tháng/lần và chưa trừ thuế thu nhập cá nhân, phí rút trước hạn... Khi không được thông tin đầy đủ, nhà đầu tư nhỏ lẻ thường nắm “đằng lưỡi”.

Vấn đề lớn hơn đặt ra với tốc độ phát triển nóng của thị trường trái phiếu doanh nghiệp là rủi ro doanh nghiệp có ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường nếu không được quản trị tốt?

Ông Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế nhận xét, công bố thông tin liên quan đến phát hành trái phiếu rất sơ sài; để cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển, cần quy định cơ sở pháp lý chặt chẽ cho nhà phát hành, tổ chức tư vấn và chính nhà đầu tư trên tiêu chí bảo vệ nhà đầu tư; chú trọng tính minh bạch thông tin; đặc biệt đạo đức nghề nghiệp của các bên tham gia vào toàn bộ quá trình phát hành luôn được đặt lên hàng đầu.

Còn ông Đặng Văn Thanh, Chủ tịch Hội Kế toán Kiểm toán Việt Nam cho rằng, khi phát hành trái phiếu doanh nghiệp, báo cáo tài chính phải được kiểm toán bởi các công ty kiểm toán được thừa nhận, được cho phép bởi Chính phủ, nhất là phải có báo cáo tài chính xác nhận tại thời điểm doanh nghiệp phát hành.

Cơ quan quản lý cũng đã có những động thái tích cực với sự phát triển bền vững của thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Đơn cử, quy định mới tại Nghị định 163/2018/NĐ-CP của Chính phủ về chào bán trái phiếu riêng lẻ có hiệu lực từ 1/2/2019 đã chặn bớt những hành vi lách luật được giới chuyên môn nhận xét lâu nay.

Theo đó, doanh nghiệp chào bán trái phiếu riêng lẻ phải thực hiện công bố thông tin như công ty đại chúng trên cổng thông tin về trái phiếu của Sở Giao dịch trái phiếu; phải thực hiện lưu ký tập trung trái phiếu.

Đáng chú ý, trong vòng 1 năm đầu tiên kể từ khi phát hành, trái phiếu chỉ được phép giao dịch trong phạm vi dưới 100 nhà đầu tư, không kể nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, trừ trường hợp theo quyết định của Tòa án hoặc thừa kế theo quy định của pháp luật.

Sau thời gian nêu trên, trái phiếu doanh nghiệp được giao dịch không hạn chế về số lượng nhà đầu tư; trừ trường hợp doanh nghiệp phát hành có quyết định khác.

Với quy định này, mức độ minh bạch của thị trường được kỳ vọng tăng đáng kể so với trước. Điều quan trọng còn lại là khả năng giám sát và đảm bảo thực hiện nghiêm các quy định chặt chẽ đã ban hành, bởi thực tế cho thấy, quy định hạn chế giao dịch của trái phiếu riêng lẻ có thể vẫn “bị lách”, nếu bên phát hành cố tình huy động vốn từ lượng lớn các nhà đầu tư.

Bùi Sưởng - Anh Việt

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục