Trái phiếu bất ngờ hút khách

(ĐTCK) Số liệu từ Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho thấy, khối lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp trong năm 2018 tăng tới 94% so với năm 2017. Các tháng đầu năm 2019 cũng ghi nhận sự sôi động trong lĩnh vực này. Bà Trần Thị Thu Thanh, Phó tổng giám đốc Công ty Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS) lý giải với Đầu tư Chứng khoán về hiện tượng này. 
Trái phiếu bất ngờ hút khách

Theo bà, tại sao kênh trái phiếu lại có sự chuyển động tích cực như vậy và triển vọng của kênh huy động vốn này thế nào?

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp tiếp tục phát triển trong những năm qua. Theo báo cáo của Bộ Tài chính, đối với thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ, dư nợ đến cuối năm 2018 đạt khoảng 437.000 tỷ đồng, bằng 7,86% GDP và tăng 40,8% so với năm 2017. Nhìn về cơ cấu doanh nghiệp phát hành, có thể thấy chủ yếu là công ty bất động sản (35%) và ngân hàng thương mại (27,7%).

Khối ngân hàng thương mại trong giai đoạn 2017 - 2018 đã có sự tăng quy mô về khối lượng phát hành. Riêng trong năm 2017, khối lượng phát hành của các ngân hàng thương mại là 70.000 tỷ đồng.

Sự tăng trưởng quy mô phát hành của khối ngân hàng thương mại xuất phát từ nguyên nhân chính là nhằm đáp ứng các hệ số an toàn theo tiêu chuẩn Basel II từ năm 2020. Quy định về tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn của ngân hàng giảm từ 45% năm 2018 xuống 40% từ ngày 1/1/2019 (theo Thông tư 16/2018/TT-NHNN, sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 36/2014/TT-NHNN quy định các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài), dự kiến 35 - 37% trong năm 2020 và 30 - 34% trong giai đoạn 2021 - 2022.

Trong khi đó, việc các doanh nghiệp bất động sản tìm đến kênh phát hành trái phiếu doanh nghiệp là do một số nguyên nhân.

Thứ nhất, thị trường bất động sản đã diễn biến khá sôi động trong năm 2018 và hiện tại, xu hướng M&A các dự án bất động sản vẫn đang được quan tâm. Do đó, nhu cầu vốn để M&A và triển khai các dự án đầu tư xây dựng rất lớn và các doanh nghiệp này tìm tới kênh trái phiếu, nhất là khi vốn vay ngân hàng bị thắt chặt do quy định về tỷ lệ nguồn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn đề cập đến ở trên.

Thứ hai là định hướng của Ngân hàng Nhà nước trong việc đẩy mạnh chuyển dịch sang cơ cấu tín dụng bền vững, giữ tỷ trọng vừa phải với khu vực cho vay bất động sản.

Thứ ba là huy động vốn thông qua trái phiếu giúp doanh nghiệp chủ động được nguồn vốn dài hạn cho các dự án lớn từ nhiều nhà đầu tư, không phụ thuộc vào một ngân hàng; kỳ hạn vốn trái phiếu cũng phù hợp với chu kỳ kinh doanh của các dự án bất động sản, đáp ứng được nhu cầu của các doanh nghiệp bất động sản từ 3 - 5 năm.

Thứ tư, nghị định mới về phát hành trái phiếu doanh nghiệp được kỳ vọng tạo ra khung pháp lý cho sự phát triển của thị trường trái phiếu doanh nghiệp vốn còn nhiều dư địa để phát triển, bởi quy mô của thị trường hiện vẫn còn nhỏ so với các nước trong khu vực.

Cụ thể, Nghị định 163/2018/NÐ-CP có hiệu lực từ 1/2/2019 đã nới lỏng một số điều kiện phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ để tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp huy động vốn thông qua phát hành trái phiếu tốt hơn như bỏ điều kiện doanh nghiệp phát hành trái phiếu phải có lãi năm liền kề trước năm phát hành. Ðồng thời, quy định cụ thể về điều kiện để doanh nghiệp phát hành trái phiếu thành nhiều đợt, cho phép doanh nghiệp phát hành trái phiếu để huy động vốn làm nhiều đợt phù hợp với tiến độ thực hiện dự án đầu tư.

Do đó, Nghị định 163 là một trong các yếu tố để phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi cho cả bên phát hành và bên mua, đồng thời nâng cao tính công khai, minh bạch trong quá trình huy động vốn trái phiếu, qua đo, giải quyết được khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp trong việc phát hành trái phiếu riêng lẻ, góp phần hỗ trợ huy động vốn để phát triển sản xuất - kinh doanh, giảm lệ thuộc vào kênh tín dụng ngân hàng. 

Thời gian qua đã chứng kiến những thương vụ huy động vốn thành công qua phát hành trái phiếu có quy mô lên tới vài nghìn tỷ đồng như của Vingroup. Bà đánh giá nhu cầu vốn của doanh nghiệp năm 2019 và dài hạn hơn như thế nào; về phía các nhà đầu tư, đã có sự quan tâm hơn trước với kênh này ra sao?

Trái phiếu bất ngờ hút khách ảnh 1

 Bà Trần Thị Thu Thanh, Phó tổng giám đốc Công ty Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS).

Quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp của Việt Nam còn tương đối khiêm tốn so với nhu cầu và sự phát triển của nền kinh tế. Năm 2019 và các năm tới, thị trường trái phiếu doanh nghiệp được kỳ vọng sẽ tiếp tục tăng trưởng khả quan vì nền kinh tế Việt Nam vẫn đang hấp dẫn dòng vốn ngoại, tiền đồng dần ổn định nhờ lạm phát được kiểm soát tốt hơn.

Nếu như trước đây, bên mua trái phiếu phát hành riêng lẻ chủ yếu là các ngân hàng thương mại, một số tổ chức tài chính, bảo hiểm, thì thời gian gần đây, trái phiếu đã thu hút các nhà đầu tư cá nhân và đặc biệt là các nhà đầu tư tổ chức nước ngoài như quỹ đầu tư, các công ty bảo hiểm nước ngoài. Trong đó, các định chế tài chính nước ngoài như CGIF đã không e dè tham gia bảo lãnh thanh toán các đợt phát hành trái phiếu bằng tiền đồng của doanh nghiệp Việt Nam.

Tuy nhiên, thị trường trái phiếu doanh nghiệp trong dài hạn cần tiếp tục hoàn thiện về cơ chế vận hành: có nhà tạo lập thị trường, có hệ thống đánh giá xếp hạng tín nhiệm và minh bạch thông tin. 

Các doanh nghiệp cần chú ý những vấn đề gì khi triển khai huy động vốn qua kênh trái phiếu?

Ðể huy động vốn qua kênh trái phiếu và tạo được uy tín trên thị trường phát hành, thông qua đó giảm chi phí vốn trong dài hạn, các doanh nghiệp cần minh bạch thông tin đến nhà đầu tư một cách thường xuyên và định kỳ, sử dụng vốn trái phiếu đúng mục đích phát hành. Doanh nghiệp phát hành phải cân đối được nhu cầu, thời điểm sử dụng vốn để đảm bảo sử dụng vốn hiệu quả cũng như cân đối dòng tiền để thanh toán gốc, lãi trái phiếu đúng hạn. 

Ðược biết, năm 2018, SHS đã triển khai một số thương vụ rất thành công, bà có thể chia sẻ về những thương vụ này?

Trong quý IV/2018, SHS đã thực hiện tư vấn thu xếp bảo lãnh phát hành thành công 2.200 tỷ đồng trái phiếu cho Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) với kỳ hạn 10 năm, lãi suất cố định cho các nhà đầu tư chuyên nghiệp nước ngoài.

Ðây là trái phiếu có tài sản đảm bảo là trái phiếu chính phủ, nhưng điểm khác biệt với các trái phiếu có bảo đảm tương tự tại cùng thời điểm và cũng làm nên tính hấp dẫn của sản phẩm SHS cấu trúc cho ACB là ở chỗ sản phẩm này có tính thanh khoản cao, các nhà đầu tư có thể tự do mua bán, chuyển nhượng một cách linh hoạt, thuận tiện bất kỳ khi nào; lãi suất hấp dẫn, kỳ hạn dài tới 10 năm và đặc biệt an toàn vì khi xảy ra sự kiện vi phạm, các tài sản bảo đảm là các trái phiếu chính phủ được xử lý theo một cơ chế tối ưu và được bên thứ ba là đại lý quản lý tài sản bảo đảm uy tín đảm nhiệm và đảm bảo an toàn vốn tối đa cho nhà đầu tư.

Với cấu trúc sản phẩm trên, SHS đã đưa ra một sản phẩm có tính chất đối trọng lại với các trái phiếu doanh nghiệp có bảo lãnh của các tổ chức quốc tế có định hạng tín nhiệm cao trên thị trường phát hành sơ cấp Việt Nam như CGIF (quỹ bảo lãnh tín dụng đầu tư ASEAN+3), Guarantco (công ty dịch vụ bảo lãnh đa quốc gia thuộc PIDG); đồng thời cung cấp cho các nhà đầu tư sản phẩm đầu tư dài hạn, an toàn, hiệu quả, có tính thanh khoản cao.

Không phải công ty chứng khoán nào cũng có thể tham gia mảng này, bà có thể chia sẻ những khó khăn cũng như thách thức mà SHS đã trải qua?

Thị trường bấy lâu nay khá quen thuộc với hình ảnh một SHS mạnh trong mảng môi giới, tư vấn thoái vốn, phát hành cổ phiếu... Tư vấn phát hành trái phiếu là một nghiệp vụ SHS mới triển khai, do đó, chúng tôi cần thời gian và liên tục truyền thông để các nhà đầu tư, các doanh nghiệp biết về SHS.

Thông qua thực tế các giao dịch thành công trên thị trường, SHS đã dần chứng minh được năng lực, kinh nghiệm của mình trên thị trường trái phiếu, một thị trường dành cho các định chế lớn và đòi hỏi sự chuẩn mực ở mức cao nhất.

Khi triển khai tư vấn phát hành trái phiếu cho khách hàng, SHS sẽ thực hiện đánh giá toàn diện tài chính doanh nghiệp để tư vấn chiến lược huy động vốn chủ và vốn nợ tối ưu cho doanh nghiệp. Mục tiêu của chúng tôi không chỉ dừng lại ở số vốn huy động được cho khách hàng, mà chúng tôi nỗ lực để làm tốt vai trò một đơn vị trung gian, nhà tạo lập thị trường đồng hành cùng tổ chức phát hành và các nhà đầu tư, tư vấn những điều khoản, điều kiện phù hợp, cân bằng lợi ích của hai bên. Qua đó, hình ảnh và uy tín của tổ chức phát hành dần được khẳng định trên thị trường vốn, đồng thời vai trò cầu nối của SHS cũng được phát huy một cách hiệu quả.

Minh Hà

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục