Doanh nghiệp vào cuộc
Tại Hội nghị toàn quốc về Phát triển bền vững năm 2019, bà Wendy Cunningham, Chuyên gia Kinh tế trưởng World bank (WB) cho biết, theo khảo sát mới nhất của WB, 50% doanh nghiệp Việt Nam tham gia khảo sát cho biết, kỹ năng lao động thiếu hụt là một trong những nguyên nhân tác động lớn tới hiệu quả hoạt động - sản xuất kinh doanh của mình.
Tuy nhiên, chỉ 22% các công ty có hoạt động đào tạo chính thức cho nhân viên. Số còn lại có đào tạo, nhưng chỉ theo kiểu “cầm tay chỉ việc” ngắn hạn, thiếu đào tạo kỹ năng toàn diện.
Trong bối cảnh người lao động Việt Nam đang thiếu những kỹ năng chuyên sâu và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 gia tăng thêm áp lực nâng cao năng lực lao động, không thể dồn trách nhiệm đào tạo, cải thiện kỹ năng lao động lên các cơ sở giáo dục, mà cần sự hợp tác mang tính chiến lược giữa người sử dụng lao động là các doanh nghiệp và hệ thống đào tạo bao gồm các trường học cơ sở, trường dạy nghề.
Cuối cùng, người lao động phải đóng vai trò tích cực trong guồng quay này để đảm bảo việc làm cho chính bản thân mình.
Về vấn đề này, bà Nguyễn Thanh Hương, Giám đốc Nhân sự Toàn quốc ManpowerGroup Việt Nam chia sẻ câu chuyện, tại Trường Cao đẳng kỹ thuật Cao Thắng TP.HCM, Công ty Toyota Việt Nam đã đầu tư một phòng thí nghiệm, đưa tới sản phẩm xe hơi của hãng, đồng thời thường xuyên cử chuyên gia tới giảng dạy.
Hàng tuần các sinh viên có 2 tiết làm việc với xe của Toyota. Cuối kỳ, các em vượt qua vòng thi đều được tuyển dụng làm việc cho Công ty.
“Ðây là mô hình rất tốt, thể hiện sự phối hợp giữa doanh nghiệp và trung tâm đào tạo. Trong mối quan hệ này, tất cả các bên đều được hưởng lợi”, bà Hương nói và nhấn mạnh, để tạo nên các mối liên kết như vậy, cả doanh nghiệp và nhà trường phải chủ động tìm tới nhau trên tinh thần hợp tác.
Cùng quan điểm, ông Daniel Dulitzky, Giám đốc Chương trình Phát triển Con người khu vực Ðông Á Thái Bình Dương, Ngân hàng Thế giới cho biết, Việt Nam đang phải đối mặt với hai thách thức chính trong đảm bảo nguồn vốn nhân lực chất lượng cao, đó là cần thu hẹp khoảng cách cho các nhóm dân tộc thiểu số và tăng cường phát triển lực lượng lao động.
Một số khuyến nghị được đại diện Ngân hàng thế giới đưa ra bao gồm: cải cách các Chương trình mục tiêu quốc gia, cải cách hệ thống giáo dục đại học, thu hút thêm nữa sự đầu tư và tham gia của khu vực tư nhân trong lĩnh vực giáo dục đào tạo, từ đó tạo ra kết nối chặt chẽ hơn giữa các cơ sở đào tạo với các doanh nghiệp tuyển dụng lao động.
Gói kỹ năng cần thiết
Hiện tại, thị trường lao động đòi hỏi các cá nhân cần có gói kỹ năng bao gồm: kỹ năng chuyên môn, kỹ năng mềm và kỹ năng số. Trong kỹ năng mềm, vấn đề nổi cộm nhất với người lao động Việt Nam là ngoại ngữ, dù yếu tố này đã có những tiến triển tích cực thời gian qua.
Theo ManpowerGroup, 2 yếu tố vẫn là hạn chế đối với lao động người Việt so với các quốc gia khác trong khu vực là tiếng Anh và sự linh hoạt khi thay đổi địa bàn làm việc.
Bên cạnh đó, bối cảnh thay đổi nhanh chóng với lực đẩy từ công nghệ đang khiến những đòi hỏi của doanh nghiệp đối với người lao động ở mức cao hơn. Sau IQ và EQ, nhiều công ty có xu hướng sử dụng thước đo LQ (Learnability Quotient) - chỉ số đo lường khả năng học hỏi trong công tác tuyển dụng.
Theo định nghĩa của ManpowerGroup, khả năng học hỏi là sự mong muốn và khả năng phát triển kỹ năng cần thiết của người lao động để được tuyển dụng trong thời gian dài, bao gồm việc sẵn sàng đón nhận cái mới, khả năng tiếp thu và ứng dụng vào công việc của người lao động.
Nhờ kỹ năng này, người lao động có thể nhanh chóng thích ứng với môi trường việc làm, cũng như tiến bộ khoa học kỹ thuật hiện đại.
Bà Hương cũng chia sẻ khả năng học hỏi là yếu tố then chốt giúp các cá nhân và doanh nghiệp vươn tới thành công.