Thưa ông, chất lượng của nguồn lao động Việt Nam trong 3 thập niên qua, kể từ khi Việt Nam áp dụng chính sách thu hút đầu tư nước ngoài, đã có có những thay đổi gì?
Ba thập niên là quãng thời gian đủ dài để mọi việc có thể thay đổi một cách cơ bản trước tác động của nhiều yếu tố như chính trị, kinh tế, văn hóa, môi trường... Kinh tế Việt Nam đã có những bước phát triển mạnh do nhiều yếu tố tác động, trong đó có tác động tích cực từ dòng vốn FDI. Chất lượng nguồn lao động Việt Nam cũng chịu sự tác động như vậy.
Theo số liệu lưu trữ của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), nếu tính đến cuối năm 1995 - năm cuối cùng của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm, cả nước mới có khoảng 210.000 lao động làm việc trong các doanh nghiệp FDI, thì đến nay con số này đã là 4 triệu lao động, chưa kể số lượng lớn lao động gián tiếp khác trong các doanh nghiệp vệ tinh, các ngành nghề cung cấp hàng hóa, dịch vụ cho các doanh nghiệp FDI.
TS. Phan Hữu Thắng
Đặc biệt, số lao động trực tiếp trong các doanh nghiệp FDI đã chuyển đổi chất lượng từ thợ thủ công sang lao động có chất lượng cao, lành nghề, có thể đảm đương các vị trí quan trọng trong doanh nghiệp như chuyên gia cao cấp hay cán bộ quản trị doanh nghiệp…
Năm 2017, các doanh nghiệp FDI đã đào tạo và sử dụng hơn 2,3 triệu công nhân kỹ thuật trong lắp ráp và vận hành. Từ đó, đội ngũ lao động này đã trở thành những người có trình độ chuyên môn kỹ thuật giỏi, cũng có những người trở thành cán bộ quản trị giỏi và là nòng cốt trong các doanh nghiệp. Bên cạnh đó, lao động Việt Nam cũng đã thay đổi theo nguyên tắc, tác phong công nghiệp và tuân thủ văn hóa doanh nghiệp.
Có thể thấy, yêu cầu về chất lượng đối với lao động của các doanh nghiệp FDI ngày càng cao. Nếu như trước đây, các doanh nghiệp FDI chủ yếu tuyển dụng nhân công giá rẻ, thì bây giờ, họ yêu cầu lao động có kỹ thuật, tay nghề cao. Vậy lao động Việt Nam cần phải chuẩn bị những gì trước yêu cầu này, thưa ông?
Để giải quyết được vấn đề này, cần xem xét từ 2 góc độ: một là từ bản thân người lao động, đặc biệt là lao động trẻ và gia đình họ; hai là từ công tác phát triển lực lượng lao động có tay nghề cao của Nhà nước.
Trước hết, bản thân những người lao động phải cố gắng học hỏi ngay từ khi đào tạo tại các trường đào tạo nghề, chọn được những nghề phù hợp với năng lực, lấy việc tinh thông nghề nghiệp làm mục tiêu phấn đấu. Đồng thời, xã hội và gia đình phải coi trọng việc học nghề tại các trường dạy nghề, chứ không chỉ có một con đường đào tạo, học tập tại các trường đại học.
Đối với công tác quản lý nhà nước về nguồn lực lao động, đã đến lúc cần có chiến lược quốc gia về phát triển nguồn nhân lực, trong đó ưu tiên tập trung đầu tư cho đào tạo nguồn nhân lực trong các lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ mũi nhọn và những ngành có giá trị gia tăng cao... Chiến lược này phải được thực hiện cụ thể, sát sao, bài bản, tương ứng với từng ngành nghề cụ thể.
Bên cạnh việc đào tạo nguồn nhân lực mới và nhân lực trẻ, cần tiến hành đào tạo lại nguồn lực lao động hiện có nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của lao động Việt Nam, thúc đẩy quá trình chuyển dịch lao động từ thu nhập thấp sang lao động có trình độ cao và thu nhập cao, chống nguy cơ bị sa thải. Việc đào tạo nâng cao chất lượng này dựa trên cơ sở đòi hỏi của cách mạng công nghiệp 4.0 và gắn đào tạo với nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp theo từng lĩnh vực cụ thể.
Xin ông cho biết, trước đây, các doanh nghiệp FDI có chú trọng đến việc đào tạo nguồn nhân lực hay không?
Nguồn lực lao động là yếu tố quyết định thành công hay thất bại của doanh nghiệp. Để có được thành công như vừa qua, các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam đã có những đầu tư nhất định cho việc đào tạo lại lao động khi tiếp nhận họ vào làm việc.
Việc chuyển chất lượng nguồn nhân lực Việt Nam từ thấp sang cao, như trên đã nêu, là một phần minh chứng cụ thể cho công tác đào tạo nguồn nhân lực của các doanh nghiệp FDI. Rất tiếc là, cho đến nay, chúng ta chưa có được một báo cáo nghiên cứu chuyên sâu về đề tài đào tạo nguồn nhân lực Việt của các doanh nghiệp FDI, nên chưa thấy hết được các mặt ưu - khuyết của vấn đề này để điều chỉnh và phát triển.
Một số doanh nghiệp FDI đã đầu tư nguồn tài chính và công sức lớn để đào tạo nhân lực, chẳng hạn như Toyota Việt Nam với rất nhiều chương trình cho sinh viên ngành kỹ thuật. Chính họ đã tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cho doanh nghiệp của mình và xã hội. Ông đánh giá thế nào về điều này?
Tôi đánh giá rất cao những đóng góp của doanh nghiệp FDI, bởi tôi được biết, một số doanh nghiệp FDI đã đưa ra chiến lược cũng như đổ nhiều công sức, tiền của vào công cuộc đào tạo, nâng cao chất lượng và duy trì sự bền vững của nguồn nhân lực.
Nói riêng về Toyota Việt Nam, không thể phủ nhận những tác động tích cực từ doanh nghiệp này. Nổi bật trong số đó là các chương trình đào tạo kỹ thuật được Toyota Việt Nam triển khai từ năm 2000 với mục tiêu hỗ trợ các trường đại học, cao đẳng đào tạo kỹ thuật, dạy nghề chuyên ngành ô tô, nâng cao chất lượng đào tạo sinh viên, kỹ thuật viên lành nghề thông qua các mẫu xe và thiết bị kỹ thuật trực quan được cung cấp bởi Toyota. Để sau đó, các học viên có cơ hội được tuyển dụng vào làm việc tại hệ thống đại lý của Toyota Việt Nam, cũng như đóng góp nguồn nhân lực dồi dào cho ngành công nghiệp ô tô Việt Nam.
Thông qua những hoạt động hỗ trợ này, công tác đào tạo và học tập tại các cơ sở giáo dục - đào tạo sẽ được nâng cao không chỉ về lý thuyết, mà cả hoạt động thực hành, từ đó hứa hẹn, Việt Nam sẽ đón nhận nhiều hơn nữa các thế hệ kỹ sư ô tô lành nghề trong tương lai.
Tôi được biết, đến nay, Chương trình đã đào tạo thành công gần 3.000 sinh viên, trong đó, trên 600 sinh viên đã được tuyển dụng vào làm việc tại hệ thống đại lý của Toyota Việt Nam.
Ngoài ra, Toyota Việt Nam đã có nhiều hoạt động chuyển giao công nghệ, hỗ trợ, tư vấn kỹ thuật từ chuyên gia Toyota quốc tế và trong nước cho các doanh nghiệp Việt Nam như Nhựa Hà Nội, LeGroup…
Bên cạnh đó, Toyota Việt Nam đã hợp tác với Trường Đại học Bách khoa Hà Nội triển khai Chương trình Monozukuri đào tạo cho các doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng suất lao động và hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Nhờ đó, những sinh viên kỹ thuật có cơ hội tiếp cận và hiểu sâu hơn về Hệ thống sản xuất Toyota (TPS) và những bí quyết thành công của Toyota.
Theo tôi, việc nhân rộng cách làm của Toyota Việt Nam đến các doanh nghiệp FDI khác là một hướng đi cần được nghiên cứu thực hiện.
Sự hỗ trợ của Toyota Việt Nam trong các chương trình đào tạo kỹ thuật cho các trường đại học, cao đẳng trên cả nước đang mang lại những tín hiệu tích cực cho chất lượng nguồn nhân lực nước ta, thể hiện đóng góp của doanh nghiệp trong việc phát triển nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp ô tô Việt Nam.
Từ năm 2000 đến nay, Toyota Việt Nam đã tư vấn cho 7 trường đại học, cao đẳng chuyên ngành kỹ thuật trên cả nước về việc sửa đổi và xây dựng nội dung chương trình đào tạo, góp phần nâng cao năng lực, chất lượng đào tạo và trình độ chuyên môn cho sinh viên thông qua chương trình đào tạo kỹ thuật Toyota (T-TEP).
Toyota Việt Nam cũng dành tới gần 1 triệu USD và 8 chiếc ô tô phục vụ cho công tác đào tạo và giảng dạy tại các trường này. Qua Chương trình, Toyota có thêm nguồn lao động chất lượng, có trình độ, từ đó giải quyết được bài toán nan giải về nhân lực, đồng thời Chương trình cũng giúp sinh viên trở thành đội ngũ lao động có tay nghề cao, đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp và xã hội.
Ngoài ra, Toyota không ngần ngại chia sẻ bí quyết thành công của mình cho các doanh nghiệp Việt và sinh viên kỹ thuật qua Chương trình Monozukuri, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực cho Việt Nam thông qua việc tiếp cận, hiểu sâu hơn về hệ thống sản xuất Toyota. Sau 14 năm triển khai, Toyota đã tổ chức thành công 47 khóa đào tạo cho 368 học viên đến từ hơn 129 doanh nghiệp và sinh viên cũng như nhận được những đánh giá tích cực về chất lượng và hiệu quả thực tiễn của chương trình.
Bốn doanh nghiệp đã từng tham gia khóa học Monozukuri bao gồm: Công ty TNHH Công nghiệp chính xác Việt Nam, Công ty cổ phần Sản xuất Thương mại LeGroup, Công ty TNHH Diesel Sông Công và Công ty TNHH Liên doanh Vĩnh Hưng. Sau khi tham gia khóa học, các doanh nghiệp đều đã và đang áp dụng Hệ thống sản xuất Toyota (TPS) vào thực tế sản xuất và đạt được nhiều thành công đáng kể như cải thiện môi trường sản xuất, giảm mặt bằng và sắp xếp dòng chảy sản xuất, giúp doanh nghiệp tăng năng suất, nâng cao chất lượng, đảm bảo an toàn lao động, giảm nhân công, giảm lãng phí, giảm tối đa lượng sản phẩm lỗi trong dây chuyền… từ đó góp phần không nhỏ cho sự phát triển của doanh nghiệp.