Năng suất lao động của Việt Nam rất thấp

Theo TS. Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, xuất phát điểm của nền kinh tế thấp; quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động còn chậm; máy móc, thiết bị và quy trình công nghệ lạc hậu; chất lượng nguồn nhân lực hạn chế... là những yếu tố khiến cho năng suất lao động của Việt Nam còn có khoảng cách so với các nước trong khu vực ASEAN.
Năng suất lao động của Việt Nam rất thấp

Thưa ông, những năm vừa qua, tốc độ tăng năng suất lao động của Việt Nam dẫn đầu khu vực, nhưng thực tế, năng suất lao động của nước ta đang đứng ở đâu so với các nước trong khu vực?

Năng suất lao động của toàn nền kinh tế theo giá hiện hành năm 2018 ước đạt 102 triệu đồng/lao động (tương đương 4.512 USD), tăng 8,8 triệu đồng/lao động so với năm 2017 (tương đương 346 USD). Tính theo giá so sánh năm 2010, năng suất lao động toàn nền kinh tế năm 2018 tăng 5,93% so với năm trước, bình quân giai đoạn 2016-2018 tăng 5,75%/năm. Năng suất lao động của Việt Nam có sự cải thiện đáng kể theo hướng tăng đều qua các năm.

Việt Nam là quốc gia có tốc độ tăng năng suất lao động cao trong khu vực ASEAN. Tính chung giai đoạn 2008 - 2017, năng suất lao động theo sức mua tương đương năm 2011 (PPP 2011) của Việt Nam tăng trung bình 4%/năm, cao hơn so với Singapore tăng 0,9%/năm; Malaysia (1,1%/năm); Thái Lan (2,6%/năm); Philippines (3,3%/năm); Indonesia (3,4%/năm).

Tuy nhiên, mức năng suất lao động của Việt Nam hiện nay vẫn rất thấp so với các nước trong khu vực. Cụ thể, tính theo PPP 2011, năng suất lao động của Việt Nam năm 2017 đạt 10.232 USD, chỉ bằng 7,2% của Singapore; 18,4% của Malaysia; 36,2% của Thái Lan; 43% của Indonesia và bằng 55% của Philippines. Đáng chú ý là, chênh lệch về mức năng suất lao động giữa Việt Nam với các nước vẫn tiếp tục gia tăng.

Xuất phát điểm của nền kinh tế thấp, nhưng những năm vừa qua, quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tích cực chính là động lực để tăng năng suất lao động của Việt Nam?

Quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động của Việt Nam trong những năm qua là một thành tựu đáng ghi nhận, nhưng chưa đủ để thu hẹp khoảng cách tuyệt đối về giá trị năng suất lao động so với các nước trong khu vực do xuất phát điểm năng suất lao động của Việt Nam thấp.

Không thể phủ nhận quá trình chuyển dịch cơ cấu lao động tuy diễn ra khá nhanh, nhưng lao động trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản hiện nay còn lớn. Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm nay, lao động từ 15 tuổi trở lên đang làm việc là 54,3 triệu người, trong đó, lao động làm việc ở khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, dù giảm 3,1 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước, nhưng vẫn chiếm 35,3% tổng số lao động trong toàn nền kinh tế.

Trong khi đó, lao động làm việc ở khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 28,9% (tăng 2,3 điểm phần trăm). Số lao động làm việc trong khu vực dịch vụ, nhất là những ngành dịch vụ mang tính chất động lực hay huyết mạch của nền kinh tế, như tài chính, ngân hàng, du lịch…, có năng suất lao động cao mới chỉ chiếm 35,8% và chỉ tăng 0,8 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm 2018.

Năng suất lao động của Việt Nam năm 2017 đạt 10.232 USD, chỉ bằng 7,2% của Singapore; 18,4% của Malaysia; 36,2% của Thái Lan; 43% của Indonesia và bằng 55% của Philippines

Năng suất lao động của khu vực nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản chỉ bằng 38,9% mức năng suất lao động chung của nền kinh tế; bằng 30,4% khu vực công nghiệp, xây dựng và bằng 33,7% các ngành dịch vụ, do đa số lao động trong khu vực này làm các công việc giản đơn, có tính thời vụ, không ổn định, nên giá trị gia tăng tạo ra thấp, dẫn đến năng suất thấp, kéo toàn bộ năng suất lao động chung của toàn ngành kinh tế xuống.

Với những diễn biến trong chuyển dịch cơ cấu lao động như hiện nay, trong tương lai gần, năng suất lao động của Việt Nam sẽ có đột phá?

Trong tương lai gần, sự dịch chuyển lao động từ nông thôn sang thành thị; từ nông nghiệp sang công nghiệp, dịch vụ; từ khu vực phi chính thức sang chính thức vẫn tiếp tục diễn ra, góp phần cải thiện mức tăng năng suất lao động chung. Tuy nhiên, xu hướng này không thể kéo dài khi Việt Nam phát triển lên mức cao hơn, thu nhập ở khu vực nông thôn gia tăng, cơ cấu kinh tế ổn định sẽ làm giảm đáng kể dư địa cho việc chuyển dịch cơ cấu lao động.

Do đó, để thu hẹp về năng suất lao động so với các nước, Việt Nam cần phải nâng cao năng suất lao động trong khu vực doanh nghiệp, tức là tăng năng suất nội ngành, thay vì tăng năng suất qua chuyển dịch cơ cấu lao động. Nâng cao năng suất lao động nội ngành là xu hướng mới và phổ biến ở các nền kinh tế tiên tiến, vì tăng năng suất nội ngành đóng vai trò chủ đạo trong việc tăng năng suất của nền kinh tế.

Thưa ông, tăng năng suất lao động nội ngành làm sao được khi mà quy mô doanh nghiệp quá nhỏ; máy móc, dây chuyền, thiết bị, công nghệ lạc hậu; trình độ tổ chức, quản lý sản xuất thấp; chất lượng nguồn nhân lực còn hạn chế…?

Đây thực sự là một thách thức trong phát triển kinh tế nói chung, cũng như tăng năng suất lao động nói riêng, vì đối với một quốc gia, tăng trưởng GDP nếu chỉ dựa trên tăng việc làm giản đơn, trình độ công nghệ và tay nghề lao động thấp, thì thường không cao và thiếu bền vững.

Tự do hóa thương mại và cách mạng công nghiệp 4.0 vừa là cơ hội để Việt Nam thu hẹp khoảng cách năng suất lao động với các nước, nhưng cũng đưa đến nguy cơ “dễ bị bỏ lại xa hơn” so với các quốc gia trên thế giới, nếu không có định hướng phát triển đúng và giải pháp hiệu quả.

Tôi cho rằng, muốn tăng năng suất lao động để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, thay vì kinh tế tăng trưởng phụ thuộc vào thâm dụng lao động, vốn, tài nguyên, trước mắt, Chính phủ sớm thành lập Ủy ban Năng suất Quốc gia, trong đó thiết lập một cơ quan thường trực, chuyên sâu về năng suất lao động có nhiệm vụ phối hợp các động lực tăng năng suất quốc gia của Việt Nam như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore… đã thực hiện.

Ngoài ra, xây dựng và thực hiện thành công Chiến lược quốc gia về nâng cao năng suất lao động với mục tiêu chung và cụ thể trong từng giai đoạn; phát động phong trào tăng năng suất trong tất cả các khu vực của nền kinh tế, trong đó chọn một số lĩnh vực sử dụng nhiều lao động như may mặc, sản xuất máy móc thiết bị, điện tử… và một số địa phương thực hiện thí điểm, từ đó nhân rộng ra toàn bộ nền kinh tế.

Đi kèm với các chính sách trên, Việt Nam phải tiếp tục ban hành và thực thi các giải pháp mang tính đột phá, tạo áp lực để các tổ chức kinh tế tiếp cận, ứng dụng công nghệ, từng bước nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo trong hoạt động sản xuất - kinh doanh; đặt doanh nghiệp vào vị trí trung tâm của các chính sách đổi mới, tạo môi trường chính sách hỗ trợ nâng cao năng lực công nghệ cho doanh nghiệp nhằm tăng năng suất lao động với các sản phẩm mới, công nghệ cao; có giải pháp khuyến khích doanh nghiệp sắp xếp lại để có quy mô lao động tối ưu (từ 100 đến 299 lao động/doanh nghiệp) nhằm đạt được năng suất lao động cao nhất.

Bên cạnh đó, Việt Nam phải tiếp tục thực hiện các chính sách ưu đãi về đất đai, ưu đãi về thuế, tín dụng... với doanh nghiệp sử dụng dây chuyền công nghệ cao, hiện đại; khuyến khích doanh nghiệp đầu tư đổi mới, sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất, tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu; khuyến khích, tạo thuận lợi, hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực và đội ngũ doanh nhân…

Mạnh Bôn
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục