Để doanh nghiệp, doanh nhân không còn cô đơn

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Doanh nghiệp đang khó tứ bề, hơn lúc nào hết họ cần sự đồng hành của xã hội, trong đó có các nhà báo.
Nhiều chính sách tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp được ban hành sau khi báo chí vào cuộc phản ánh, kiến nghị. Nhiều chính sách tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp được ban hành sau khi báo chí vào cuộc phản ánh, kiến nghị.

Một ngày nọ, Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp thủy điện Việt Nam gọi điện cho người viết chia sẻ câu chuyện đang khiến nhiều doanh nghiệp điện bức xúc. Đó là quy định của cơ quan thuế khiến doanh nghiệp bế tắc trong việc thực hiện thủ tục hoàn thuế giá trị gia tăng, thậm chí có nguy cơ bị truy thu ngược trở lại hàng nghìn tỷ đồng.

Máu tò mò nổi lên, tôi xin anh thông tin liên lạc của hàng loạt doanh nghiệp đang gặp vướng mắc này để tìm hiểu cặn kẽ câu chuyện. Thậm chí, tôi còn thực hiện chuyến đi thực địa một dự án thủy điện đang bị vướng hoàn thuế tại một tỉnh miền núi xa xôi, rồi chạy sang Hiệp hội Doanh nghiệp thủy điện, đi gặp chuyên gia phỏng vấn để viết bài.

Chia sẻ câu chuyện này với một nhóm đồng nghiệp báo khác, họ cũng rất quan tâm và cùng tham gia. Sau khi loạt bài gỡ rối cho các doanh nghiệp điện được xuất bản, tôi nhận được tin nhắn cảm ơn từ lãnh đạo một doanh nghiệp trong ngành. Ông cho biết, sau khi báo chí vào cuộc phản ánh, Chính phủ và Bộ Tài chính đã có văn bản gỡ khó cho doanh nghiệp.

Mấy bữa nay, tôi lại tiếp tục ngồi đọc chồng hồ sơ dầy cộp về hành trình 3 năm theo đuổi hoàn thuế giá trị gia tăng của Công ty cổ phần An Phát - doanh nghiệp chuyên xuất khẩu tinh bột sắn. Lại viết, lại phỏng vấn. Doanh nghiệp mòn mỏi chờ được gỡ tắc để hoạt động xuất nhập khẩu trở lại và họ tin rồi sẽ được giải quyết, vì cái đúng sẽ chiến thắng.

“Báo chí là người bạn đồng hành, khi có vấn đề gì, doanh nghiệp cũng tìm đến báo chí để kêu than, giãi bày. Báo chí là một trong những luồng thông tin đầu tiên doanh nghiệp tiếp cận. Không phải những lúc vui, báo chí mới chia sẻ cùng doanh nghiệp, mà ngay cả khi doanh nghiệp rơi vào hoàn cảnh khó khăn, báo chí cũng vẫn đồng hành”, ông Phạm Minh Khoa, Giám đốc Công ty cổ phần An Phát chia sẻ.

Chia sẻ tại một buổi tọa đàm trên truyền hình mới đây, ông Khoa bảo, doanh nghiệp ngành gỗ rất đáng thương, họ còn khó khăn hơn cả doanh nghiệp của ông. Sau giai đoạn căng mình chống đỡ với khó khăn từ đại dịch Covid -19 và lãi suất tăng vọt trong năm 2022, số phận của họ trên thương trường rất mong manh, tồn tại hay không tồn tại là vấn đề đang được đặt ra với các doanh nghiệp ngành này.

Trong môi trường kinh doanh nhiều thử thách, sóng gió, giờ là lúc cộng đồng doanh nghiệp cần được động viên, tháo gỡ khó khăn để họ duy trì và phát triển. Bảo vệ doanh nhân, bảo vệ doanh nghiệp cũng là bảo vệ nền kinh tế, bảo vệ sinh kế cho người dân. Doanh nhân cần được sự chia sẻ của cả xã hội. Trong bối cảnh này, cần có cách nhìn bao dung hơn, thông cảm hơn với doanh nhân. Bởi đằng sau họ là hàng ngàn, hàng vạn người lao động, là sức mạnh kinh tế của đất nước.

Giai đoạn này, ngay cả những doanh nghiệp đầu ngành, có tích lũy và nền tảng bền vững cũng có nhiều trăn trở, tâm tư. Ông Bùi Việt Quang, Tổng giám đốc Công ty cổ phần May Sông Hồng (mã MSH), doanh nghiệp có khoảng 11.000 lao động, với quỹ lương hơn 100 tỷ đồng mỗi tháng, chia sẻ, đảm bảo được công ăn việc làm và phúc lợi cho người lao động hiện là áp lực không nhỏ.

Các tập đoàn Mỹ, châu Âu đang dịch chuyển nhà máy sang các vị trí địa lý gần như Trung Mỹ, châu Phi để giảm chi phí vận chuyển, nhân công. Đặc thù của dệt may là tháng Hè làm đơn hàng mùa Đông, tháng Đông lại làm hàng Hè. Hiện hàng dệt kim các hãng có xu hướng dịch chuyển sang các thị trường khác nên quý III năm nay, May Sông Hồng sẽ tiếp tục khó khăn về đơn hàng, quý IV thì đơn hàng dồi dào hơn.

“Hội đồng quản trị và Ban Tổng giám đốc May Sông Hồng đều thống nhất, dù khó khăn thế nào, cổ tức cho cổ đông có thể thấp hơn, lợi nhuận có thể thấp hơn, Công ty cũng phải giữ vững chính sách cho người lao động. Còn công nhân là còn nhà máy, để mất công nhân là nhà máy mất. Khi thị trường thuận lợi, họ lại làm tốt cho Công ty”, ông Quang chia sẻ.

Các giải pháp trọng tâm mà May Sông Hồng thực hiện trong năm 2023 bao gồm tiếp tục phát triển các khách hàng FOB truyền thống và tiềm năng, thị trường chăn ga gối nệm và logistics để đảm bảo mục tiêu tăng trưởng doanh thu cũng như ổn định công việc cho người lao động; tiết kiệm chi phí, tiếp tục khâu số hóa quản trị để nâng cao hiệu quả hoạt động.

Đội ngũ kinh doanh phải rất linh hoạt chủ động trong việc khai thác các khách hàng và đơn hàng mới đảm bảo đáp ứng yêu cầu hàng hóa của các nhà máy, đây là yêu cầu của lãnh đạo Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG. Với hơn 16.000 lao động ở 13 nhà máy, giữ tăng trưởng về doanh thu và lợi nhuận cũng như đảm bảo công việc cho người lao động là thách thức lớn nhưng Công ty đang làm tốt.

Ảnh tác giả

Báo chí chính thống, chân chính lúc nào cũng là bạn của doanh nghiệp.

Ông Vũ Tiến Lộc, Nguyên Chủ tịch VCCI

Hình thành chuỗi sản xuất sản phẩm dệt may trọn gói là xu hướng tất yếu của ngành dệt may thế giới, TNG cũng không thể nằm ngoài xu hướng này nếu muốn thâm nhập ngày càng sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Ông Nguyễn Đức Mạnh, Tổng giám đốc TNG chia sẻ, từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát, thế giới đã có bài học đắt giá về việc thiếu chủ động nguồn cung trong khi đứt gãy chuỗi cung ứng. Các nhà mua hàng cũng có xu hướng cắt giảm nhân công và các công đoạn trung gian, ưu tiên lựa chọn nhà sản xuất có khả năng cung cấp các giải pháp trọn gói. Bên cạnh đó, hình thành chuỗi sản xuất cũng giúp doanh nghiệp chủ động kế hoạch sản xuất, tăng giá trị gia tăng của sản phẩm và tối ưu hoá lợi nhuận.

Những doanh nghiệp như vậy đang xoay chuyển nghịch cảnh và họ được các cơ quan báo chí nêu gương, cổ vũ. Nhìn rộng hơn, những phong trào, mô hình kinh doanh thành công, tạo giá trị cho xã hội, hay câu chuyện về những doanh nhân bản lĩnh và trí tuệ được phản ánh trên báo chí sẽ lan truyền năng lượng tích cực, thúc đẩy sự phát triển chung của nền kinh tế.

Từng có nhiều năm ở vị trí người đứng đầu tổ chức đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam và cũng là người khá gần gũi với báo giới, ông Vũ Tiến Lộc, nguyên Chủ tịch VCCI nhận xét: “Quan hệ báo chí với doanh nghiệp luôn có hai mặt. Đó là báo chí chính thống, chân chính lúc nào cũng là bạn của doanh nghiệp, còn báo chí không chân chính luôn làm doanh nghiệp dè chừng. Báo chí đưa thông tin không chính xác do được cung cấp thông tin không đúng nhưng không kiểm chứng, trong khi người đưa ra thông tin đó không có tâm, thì thực sự khi đó báo chí là tai họa cho doanh nghiệp”.

“Báo chí cần đi vào cung cấp thông tin một cách chuẩn mực, có kiểm chứng”, ông Lộc nói và nhấn mạnh, nếu thông tin tích cực sẽ cổ vũ, thúc đẩy doanh nghiệp, nếu tiêu cực sẽ đẩy doanh nghiệp sụp đổ. Báo chí như tấm gương phản ánh gương mặt của doanh nghiệp, thực trạng của doanh nghiệp. Nếu thông tin báo chí tích cực thì họ có niềm tin với doanh nghiệp đó. Ngược lại, doanh nghiệp bị tránh xa”.

Việc lên án những doanh nhân, doanh nghiệp làm ăn bất chính là điều cần thiết phải làm với báo chí chính thống, nhưng việc cổ vũ, động viên, đặc biệt xây dựng hình tượng doanh nhân nói chung rất quan trọng hiện nay. Vai trò của những doanh nhân trong xây dựng đất nước cần được đề cao. Không thể vì một số hiện tượng tiêu cực mà xã hội có cái nhìn thiếu thiện cảm với cộng đồng doanh nhân.

Anh Việt

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục