Trong số hơn 8.400 bậc cha mẹ ở 15 quốc gia và vùng lãnh thổ tham gia khảo sát, phụ huynh ở Hồng Kông (Trung Quốc) có mức chi mạnh nhất với 132.161 USD. Tiếp đến là Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (99.378 USd) và Singapore (70.939 USD).
Các khoản chi này bao gồm học phí, tài liệu, di chuyển và ăn ở.
Nhận xét về các kết quả của cuộc khảo sát, Giáo sư Colin B. Grant, Phó chủ tịch (Phân khúc quốc tế), Trường đại học Southampton (Anh), cho biết, nỗ lực vươn đến đến thành công còn được thể hiện qua cách lựa chọn ngành học, trong đó STEM (khoa học, kỹ thuật, kỹ sư và toán học) và các ngành kinh doanh/tài chính được ưu tiên lựa chọn.
Sự lựa chọn này phù hợp với các quốc gia có nhu cầu về đội ngũ chuyên gia có kỹ năng cao và là nơi mà tầm quan trọng của những lĩnh vực này trên thị trường lao động được dự báo sẽ tiếp tục tăng lên trong những năm tới.
Để giảm bớt áp lực của các chi phí học tập cho con cái lên tình hình tài chính gia đình, điều quan trọng là nên lập kế hoạch và tiết kiệm từ trước
Thực tế, tại Việt Nam hiện nay cũng phản ánh bức tranh chung trên toàn cầu.
Theo HSBC, cha mẹ Việt xem trọng tương lai giáo dục của con cái họ, thể hiện qua việc chi tiêu cho giáo dục chiếm gần phân nửa (47%) tổng chi tiêu của gia đình, theo khảo sát người tiêu dùng của Nielsen, tháng 8/2016.
Ngày càng nhiều gia đình cân nhắc cho con đi du học nhằm nâng cao chất lượng giáo dục cho con cái.
Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, tính đến cuối năm 2016, số người Việt Nam đang học tập tại nước ngoài đã lên đến 130.000 người với chỉ khoảng 4% trong số đó du học bằng ngân sách nhà nước.
Các quốc gia có nhiều du học sinh Việt Nam nhất là Nhật Bản, Úc, Mỹ, Trung Quốc, Anh. Dù học tập trong nước hay du học, sinh viên Việt Nam đều thể hiện ưu tiên đối với các lĩnh vực STEM.
Cụ thể, theo “Đánh giá báo cáo các thị trường du học sinh hàng đầu” của Ban quản trị thương mại quốc tế, Bộ Thương mại Mỹ, các ngành học STEM xếp thứ hai trong danh sách các ngành học được du học sinh Việt Nam lựa chọn nhiều nhất (chiếm 28,4%), chỉ sau kinh doanh và quản trị (chiếm 32,6%).
Lĩnh vực được nhiều sinh viên lựa chọn học tập là khoa học, kỹ thuật, kỹ sư và toán học
Mặc dù cha mẹ sẵn sàng hỗ trợ để con cái họ thăng tiến trong sự nghiệp, nhưng theo HSBC, nhiều người vẫn chưa có một kế hoạch tiết kiệm từ trước cho các chi phí quan trọng liên quan đến các cấp học cao hơn.
Cụ thể, học phí cho một chương trình sau đại học ngành kỹ sư kéo dài 2 năm tại Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất có thể vào khoảng 26.400 USD, ở Mỹ là 21.000 USD và ở Úc là 19.700 USD.
Gần 3/4 các bậc cha mẹ (74%) đang dùng thu nhập hằng ngày để lo liệu chi phí học tập của con, trong khi gần 1/4 (22%) thừa nhận rằng, họ không biết phải lo liệu bao nhiều tiền mỗi năm.
Nhiều người đã và đang chấp nhận cắt giảm các hoạt động giải trí (40%), làm việc thêm giờ (21%), bỏ ít tiền hơn vào tiết kiệm và đầu tư dài hạn (20%), cũng như nhận thêm một công việc phụ (18%) để lo cho việc học tập của con cái.
Thêm nữa, 82% các bậc cha mẹ sẵn sàng hy sinh các ưu tiên cá nhân để giúp con cái của họ thành đạt.
Các bậc cha mẹ ở Trung Quốc là những người có sự chuẩn bị về tài chính tốt nhất, với hơn phân nửa (55%) cho biết, họ đang vun đắp ngân sách giáo dục cho con cái thông qua các hình thức tiết kiệm, đầu tư và bảo hiểm và hơn hai phần năm (43%) đã có sẵn một kế hoạch tiết kiệm cụ thể dành cho giáo dục.
Trái lại, chưa đầy một phần mười các bậc cha mẹ tại Anh (5%), Úc (8%) và Mexico (8%) có kế hoạch này.
Ông Sabbir Ahmed, Giám đốc toàn quốc Khối Dịch vụ tài chính cá nhân và quản lý tài sản, HSBC Việt Nam nhận định, là một nền kinh tế mới nổi, Việt Nam ngày càng tham gia mạnh mẽ vào thị trường toàn cầu, dẫn đến nhu cầu ngày càng tăng về lực lượng lao động chất lượng cao.
Đầu tư vào giáo dục được xem là chìa khóa để xây dựng đội ngũ nhân lực này, cũng là để nâng cao tính cạnh tranh của mỗi cá nhân trên thị trường lao động.
"Tôi quan sát thấy các bậc cha mẹ tại Việt Nam hiểu được thực tế này. Tuy nhiên, cũng như các bậc cha mẹ trên toàn cầu, cha mẹ Việt cũng có chung một mối lo âu rằng, giáo dục con cái rất tốn kém và việc thiếu một kế hoạch từ trước có thể khiến cho con họ không thể phát huy được hết tiềm năng của mình.
Để giảm bớt áp lực của các chi phí học tập cho con cái lên tình hình tài chính gia đình, điều quan trọng là nên lập kế hoạch và tiết kiệm từ trước.
Các bậc cha mẹ nên tìm đến các chuyên gia để được tư vấn đưa ra những quyết định đúng đắn và phát triển một kế hoạch tài chính dài hạn cho cả gia đình”, ông Sabbir Ahmed nói.