Để chuyển đổi số an toàn, cần hành lang pháp lý đầy đủ

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Cùng với quá trình chuyển đổi số, các hoạt động tấn công mạng là không thể tránh khỏi. Điều này không chỉ đúng ở Việt Nam mà còn trên toàn thế giới. Các tổ chức tín dụng (TCTD) là đối tượng thường bị tấn công nhiều hơn so với các doanh nghiệp khác.
Để chuyển đổi số an toàn, cần hành lang pháp lý đầy đủ

4 nhóm khó khăn, thách thức chính

Thông tin tại Toạ đàm trực tuyến “Đảm bảo an ninh, an toàn cho thanh toán điện tử trong kỷ nguyên số” do Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ tổ chức sáng 21/8 cho thấy, bên cạnh những thuận lợi, tình hình an toàn thanh toán, đặc biệt rủi ro gian lận trong thanh toán điện tử cũng tăng mạnh và có nhiều diễn biến phức tạp, khó dự báo.

Ông Phạm Anh Tuấn, Vụ Trưởng vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết, đứng ở góc độ cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan này đánh giá có 4 nhóm khó khăn, thách thức chính.

Thứ nhất, hành lang pháp lý chưa theo kịp sự tiến bộ của khoa học công nghệ. Nhiều sản phẩm dịch vụ áp dụng hình thức công nghệ tiên tiến hiện đại nhưng chưa có đủ văn bản quy phạm pháp luật hay hành lang pháp lý chưa theo kịp, dẫn đến việc vận dụng cũng như ứng xử gặp nhiều khó khăn.

Thứ hai, tội phạm gia tăng ở mức độ cao so với nhiều năm. Ngành ngân hàng cũng như các bộ ngành trong thời gian qua triển khai rất quyết liệt các biện pháp ngăn chặn, song vẫn chưa theo kịp.

Thứ ba, thiếu tương thích giữa các hạ tầng. Có thể nói, hiện nay, ngân hàng sử dụng dữ liệu của ngân hàng, cơ quan công an sử dụng dữ liệu của cơ quan công an (ngoại trừ Đề án 06 đang bước đầu triển khai), nhà mạng viễn thông cũng sử dụng dữ liệu riêng, không khai thác được.

Thứ tư, vấn đề con người. Tâm lý, thói quen tiêu dùng tiền mặt của người dân ở vùng sâu, vùng xa, hải đảo vẫn còn lớn. Kỹ năng sử dụng các dịch vụ ngân hàng số của người dân còn nhiều hạn chế đã góp phần tiếp tay cho các đối tượng lừa đảo, gian lận.

Bà Winnie Wong, Giám đốc Quốc gia của Mastercard tại Việt Nam, Campuchia và Lào cho biết, cùng với quá trình chuyển đổi số, các hoạt động tấn công mạng là không thể tránh khỏi. Điều này không chỉ đúng ở Việt Nam mà còn trên toàn thế giới. Thực tế, ngân hàng và các tổ chức tài chính là đối tượng thường bị tấn công nhiều hơn so với các doanh nghiệp khác. Do đó, khi chúng ta thực hiện chuyển đổi số, không chỉ các các tổ chức tài chính mà cả nước cần chung tay bảo vệ các giao dịch tài chính.

Cần cơ sở pháp lý được khai thông

Theo bà Winnie Wong, có một số giải pháp mà cùng nhau có thể thực hiện bởi đây chắc chắn là công cuộc của cả ngành chứ không chỉ riêng đơn vị nào, đó là:

Thứ nhất, các ngân hàng sẽ cần đầu tư vào công nghệ để đảm bảo an ninh an toàn. Ngoài ra, cần có sự hợp lực với cơ quan quản lý như Ngân hàng Nhà nước để đảm bảo về mặt chính sách để chúng ta có cơ sở pháp lý trong trường hợp sự cố xảy ra.

Thứ hai, giáo dục người dùng là việc cần được đầu tư bởi cả ngành tài chính. Bởi dù công nghệ có tốt đến đâu thì đến cuối cùng hoạt động của người dùng vẫn là yếu tố then chốt. Kể cả khi chúng ta có công nghệ tốt, năng lực nhân sự tốt, nếu người dùng vẫn quyết định tiến hành giao dịch thì chúng ta không thể ngăn chặn.

Bà bà Winnie Wong cho biết thêm, Mastercard cũng đang hợp lực cùng với các ngân hàng và tổ chức tài chính để xây dựng các giao dịch an toàn và bảo mật. Trong 5 năm vừa qua, chúng tôi đã đầu tư hơn 5 tỷ USD vào việc tự phát triển công nghệ, mua các công nghệ mới hoặc đầu tư vào các công ty công nghệ để có thể tạo ra sự đổi mới giúp ngăn chặn tấn công và củng cố an ninh mạng. Trong 3 năm vừa qua, chúng tôi đã ngăn chặn được 35 tỷ USD từ các cuộc tấn công mạng nhờ các công nghệ và các quan hệ đối tác...

"Tất cả những nỗ lực này để tiếp tục bảo vệ và đảm bảo mọi giao dịch đều an toàn và bảo mật, đặc biệt là ở Việt Nam”, bà Winnie Wong nói.

Bà Winnie Wong, Giám đốc Quốc gia của Mastercard tại Việt Nam, Campuchia và Lào phát biểu tại sự kiện

Bà Winnie Wong, Giám đốc Quốc gia của Mastercard tại Việt Nam, Campuchia và Lào phát biểu tại sự kiện

Còn ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho rằng, để chuyển đổi số được toàn diện hơn trong lĩnh vực ngân hàng nói riêng và toàn xã hội nói chung, tôi cho rằng, đầu tiên là hành lang pháp lý phải đầy đủ. Chính phủ cần sớm công bố Nghị định thay thế Nghị định 101/2012/NĐ-CP về thanh toán không dùng tiền mặt.

“Tôi rất kỳ vọng, thời gian tới Chính phủ sẽ sớm ban hành được Nghị định thay thế Nghị định 101 này. Tôi cũng thấy tội cho ngành Ngân hàng, trong bối cảnh như vậy vẫn phải loay hoay, vẫn cố gắng làm sao làm được tốt”, ông Hùng nói.

Cũng theo ông Hùng, cơ chế thử nghiệm (Regulatory Sandbox) trong lĩnh vực công nghệ tài chính đã được đề cập đến nhiều nhưng đến nay vẫn chưa được phê duyệt. Được biết, NHNN đã trình Chính phủ Nghị định về Sandbox để phê duyệt cơ chế thử nghiệm này cách đây 2 năm. Do đó, để chuyển đổi số trong ngành ngân hàng diễn ra một cách toàn diện, cần phải có hành lang pháp lý đầy đủ.

“Nếu như 2 Nghị định (Nghị định thay thế Nghị định 101/2012/NĐ-CP và Nghị định về Sandbox) được Chính phủ ký ban hành trong quý III/2023, ngay lập tức Ngân hàng Nhà nước sẽ ban hành 7 thông tư hướng dẫn liên quan. Tất cả những nội dung này chúng tôi cũng đã chuẩn bị rất kỹ lưỡng và chi tiết. Trong thời gian tới, sau khi Nghị định được ký thì Thông tư cũng sẽ được lấy ý kiến rộng rãi trong xã hội và các bộ, ban, ngành liên quan. Trên cơ sở đó, Ngân hàng Nhà nước sẽ chính thức ban hành các thông tư liên quan, có hiệu lực từ ngày 1/1/2024”, ông Phạm Anh Tuấn kỳ vọng.

Ông Văn Anh Tuấn, Giám đốc cao cấp An ninh Thông tin Techcombank tại sự kiện

Ông Văn Anh Tuấn, Giám đốc cao cấp An ninh Thông tin Techcombank tại sự kiện

Ông Văn Anh Tuấn, Giám đốc cao cấp An ninh Thông tin Techcombank cho biết, nếu được khai thông về chính sách quản lý rõ ràng, sẽ giúp các TCTD thực hiện tốt vấn đề chuyển đổi số hơn nữa và tiếp tục triển khai đồng bộ từ con người đến công nghệ.

“Ngân hàng là ngành kinh doanh đặc thù, chịu sự quản lý của Ngân hàng Nhà nước nên nếu hành lang pháp lý được khai thông, chắc chắn sẽ tạo điều kiện cho các ngân hàng mạnh tay đầu tư”, ông Văn Anh Tuấn nói.

Nhuệ Mẫn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục