Tại buổi họp báo về chuỗi sự kiện “Ngày không tiền mặt năm 2023” (16/6/2019-16/6/2023) nhằm tiếp tục góp phần tích cực hiện thực hóa các mục tiêu của Chính phủ tại các Đề án Nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng cho nền kinh tế; Đề án Đẩy mạnh thanh toán qua ngân hàng đối với các dịch vụ công; Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; và Đề án Phát triển thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) giai đoạn 2021-2025 được tổ chức vào ngày 26/5/2023 tại TP.HCM, ông Phạm Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Thanh toán, NHNN đã chia sẻ một số thành tựu nổi bật của TTKDTM.
Cụ thể, hành lang pháp lý về lĩnh vực thanh toán tiếp tục được hoàn thiện, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển và sử dụng các phương tiện và dịch vụ thanh toán mới.
Theo đó, thời gian vừa qua, NHNN, Bộ, ngành liên quan nghiên cứu, tham mưu trình Quốc hội, Chính phủ ban hành và ban hành theo thẩm quyền nhiều văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến lĩnh vực thanh toán… Riêng NHNN cũng đã nghiên cứu, ban hành nhiều chính sách để thúc đẩy TTKDTM, như: Thông tư hướng dẫn mở tài khoản thanh toán của cá nhân bằng phương thức điện tử (eKYC); Thông tư hướng dẫn phát hành thẻ eKYC; Kế hoạch chuyển đổi số ngành Ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030;... Ngoài ra, NHNN cũng đã thành lập Tổ công tác và Ban hành Kế hoạch của ngành Ngân hàng triển khai Đề án 06.
Về cơ sở hạ tầng kỹ thuật và công nghệ phục vụ TTKDTM, nhất là thanh toán điện tử trong năm qua tiếp tục được chú trọng đầu tư, mở rộng, nâng cao chất lượng, phát huy hiệu quả, đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của người dân, doanh nghiệp và toàn xã hội. Trong 03 tháng đầu năm 2023 so với cùng kỳ năm 2022, hoạt động TTKDTM tiếp tục tăng trưởng khá.
Số lượng giao dịch qua Hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng tăng 8,55% về giá trị; Số lượng giao dịch qua Hệ thống chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử tăng 70,77% về số lượng và tăng 18,55% về giá trị. Đến cuối tháng 3/2023, toàn thị trường có 21.347 máy ATM và có 430.625 máy POS; tăng tương ứng 3,88% và 26,34% so với cùng kỳ năm 2022. Số lượng giao dịch qua POS tăng 37,57% về số lượng và tăng 32,09% về giá trị, giao dịch qua ATM tiếp tục giảm 2,37% về số lượng và giảm 4,02% về giá trị cho thấy xu hướng dịch chuyển từ rút tiền mặt sang TTKDTM.
Các dịch vụ thanh toán trực tuyến phát triển mạnh mẽ; những giải pháp thanh toán mới, hiện đại, tiết kiệm chi phí như thanh toán qua mã phản hồi nhanh (QR code), thanh toán phi tiếp xúc (contactless),… đã được các tổ chức tín dụng, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán áp dụng, tích hợp vào trong sản phẩm, dịch vụ để nâng cao tiện ích, an toàn bảo mật, đem lại lợi ích lớn, giá trị thiết thực cho khách hàng. Qua đó góp phần phổ biến TTKDTM đến với người dân và doanh nghiệp.
Cụ thể: Tỷ lệ người dân có tài khoản ngân hàng đạt 74,63%; Giao dịch TTKDTM tăng 53,51% về số lượng; qua kênh Internet tăng 88,11% về số lượng và 7,43% về giá trị; qua kênh điện thoại di động tăng 65,55% về số lượng và 13,31% về giá trị; qua phương thức QR code tăng 160,71% về số lượng và 43,84% về giá trị; Tổng số tài khoản Mobile-Money được đăng ký và sử dụng là hơn 3,71 triệu tài khoản với gần 8,88 nghìn điểm kinh doanh được thiết lập, 15,3 nghìn đơn vị chấp nhận thanh toán.
Nhiều dịch vụ ngân hàng có thể được thực hiện hoàn toàn trên kênh số với quy trình, thủ tục đơn giản, nhanh chóng, có ngay kết quả. Tính đến cuối năm 2022, có 40 ngân hàng đã triển khai chính thức quy trình mở tài khoản thanh toán eKYC với hơn 11,9 triệu tài khoản thanh toán mở bằng eKYC đang hoạt động; có 22 ngân hàng triển khai chính thức mở thẻ eKYC với gần 10,8 triệu thẻ mở bằng eKYC đang hoạt động. Ngoài ra, đến tháng 4/2023, Ngân hàng Nhà nước đã phối hợp với Bộ Công an (C06) hoàn thành xác thực hơn 25 triệu thông tin tín dụng khách hàng vay với cơ sở dữ liệu quốc gia.
Phát huy những kết quả đã đạt được, thời gian tới, lãnh đạo Vụ Thanh toán NHNN cho biết sẽ tiếp tục áp dụng một số giải pháp nhằm thúc đẩy TTKDTM, cụ thể:
Thứ nhất, tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện hành lang pháp lý, cơ chế, chính sách, thúc đẩy TTKDTM đáp ứng yêu cầu thực tiễn, trước mắt tập trung vào việc hoàn thiện, trình Chính phủ Nghị định về TTKDTM và các văn bản hướng dẫn Nghị định 101, Nghị định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động công nghệ tài chính trong lĩnh vực ngân hàng; đồng thời, chủ động rà soát, xây dựng kế hoạch sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền của NHNN về ứng dụng/ chia sẻ dữ liệu trong hoạt động ngân hàng, thúc đẩy triển khai Đề án 06.
Thứ hai, tiếp tục triển khai hiệu quả các Đề án của Chính phủ, của ngành Ngân hàng về TTKDTM và chuyển đổi số. Phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, địa phương để nghiên cứu, thiết lập hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, thống nhất nhằm tạo thuận lợi và thúc đẩy kết nối liên thông mang lợi ích tổng thể cho người dân, doanh nghiệp.
Thứ ba, tiếp tục ứng dụng, phát triển các sản phẩm, dịch vụ thanh toán trên thiết bị di động; triển khai hiệu quả việc thí điểm dịch vụ Mobile-Money nhằm thúc đẩy TTKDTM ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa; phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan thúc đẩy thanh toán điện tử trong khu vực Chính phủ, dịch vụ hành chính công.
Thứ tư, tăng cường phối hợp với Bộ Công an và các cơ quan liên quan trong quá trình nghiên cứu, xây dựng cơ chế chính sách và thực hiện công tác bảo đảm an toàn, an ninh; thúc đẩy ứng dụng công nghệ số, khai thác hiệu quả dữ liệu trong thiết kế, phát triển và cung ứng sản phẩm, dịch vụ tiện ích phù hợp với nhu cầu, hành vi của từng nhóm đối tượng khách hàng đi cùng với công tác đảm bảo an ninh an toàn và bảo mật thông tin khách hàng; Tăng cường đảm bảo an ninh, an toàn hệ thống công nghệ thông tin trong ngành Ngân hàng; bảo vệ quyền lợi hợp pháp của khách hàng..
Thứ năm, tiếp tục chú trọng triển khai thực hiện các hoạt động thông tin tuyên truyền và giáo dục tài chính đến người dân, doanh nghiệp có đầy đủ kiến thức, kỹ năng cần thiết và yên tâm trải nghiệm sử dụng dịch vụ TTKDTM một cách an toàn như các Chương trình, chuỗi sự kiện Ngày không tiền mặt do Báo Tuổi trẻ đầu mối tổ chức.
Về định hướng trong truyền thông thời gian tới, NHNN cho biết sẽ tiếp tục đẩy mạnh truyền thông giáo dục tài chính cho người dân ở vùng sâu, vùng xa, nông thôn, giới trẻ, các đối tượng yếu thế trong xã hội về các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng, hướng dẫn và bảo vệ người tiêu dùng sử dụng các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng. Hoạt động truyền thông sẽ hướng tới đa dạng các phương tiện và hình thức thể hiện đảm bảo dễ nhớ, dễ hiểu, dễ vận dụng, dễ lan tỏa;
Đồng thời nắm bắt các xu hướng truyền thông hiện đại, công chúng quan tâm, sử dụng nhiều như truyền thông trên mạng xã hội; không chỉ thông qua các chương trình truyền hình mà còn lan toả rộng rãi trên mạng xã hội. Tương tác với công chúng để gia tăng hiệu quả chương trình; tiếp tục đẩy mạnh truyền thông giáo dục tài chính trong hệ thống giáo dục phổ thông, Đại học trên toàn quốc… Qua đó nâng cao kiến thức, kỹ năng sử dụng và khả năng tiếp cận dịch vụ tài chính ngân hàng đối với công chúng, góp phần thúc đẩy TTKDTM và hiện thực hóa các mục tiêu của Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia, cũng như góp phần thúc đẩy chuyển đổi số ngành Ngân hàng, vì mục tiêu Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số...
Các hoạt động chính trong chuỗi sự kiện:
* Hội thảo quốc gia "Kết nối dữ liệu, thanh toán thông minh thúc đẩy phát triển xã hội” được tổ chức vào ngày 16/6, tại khách sạn Rex, TP.HCM với quy mô khoảng 400 khách mời từ Trung ương đến địa phương. Sự kiện sẽ đề cập các chủ đề gia tăng kết nối dữ liệu, thúc đẩy thanh toán thông minh; những vấn đề cần phải giải quyết để tích hợp, kết nối, liên thông dữ liệu giữa các ngành, lĩnh vực, hệ thống…; vấn đề an binh bảo mật trong hoạt động thanh toán; sự bùng nổ của công nghệ thanh toán và các vấn đề phải đối mặt… Phiên thảo luận của sự kiện cũng là cơ hội để các nhà hoạch định chính sách, các tổ chức tín dụng, trung gian thanh toán, các doanh nghiệp, các chuyên gia cùng tham gia thảo luận các nội dung và vấn đề cụ thể, hướng đến những giải pháp để thúc đẩy việc TTKDTM tại Việt Nam. Buổi hội thảo cũng sẽ được livestream trên fanpage của Ngày không tiền mặt và Báo Tuổi Trẻ.
* Cuộc thi Chiến thần không tiền mặt bắt đầu vào ngày 16/6/2023, kết thúc ngày 15/7/2023 và công bố giải thưởng trong ngày 21/7/2023. Người tham dự quay một clip ngắn trong đó có ít nhất 3 giao dịch không tiền mặt đồng thời chứng minh và nói lên cảm nghĩ về những lợi ích thiết thực mà những giao dịch không tiền mặt này mang lại. Các clip này được đăng trên Tiktok, Facebook và dẫn link về microsite của chương trình Ngày không tiền mặt. Cuộc thi hướng đến sự quan tâm của những người trẻ, tận dụng những tiện ích của thanh toán không tiền mặt để hướng tới cuộc sống thông minh.
* Điểm nhấn của năm 2023 là Lễ hội “Cashless Town” kéo 3 ngày 16, 17, 18/6/2023 tại đường Lê Lợi. Đây là hoạt động do Chương trình Ngày không tiền mặt phối hợp Sở Công thương TP.HCM tổ chức với sự đồng hành của các nhà cung ứng, các ngân hàng, tổ chức tín dụng. Lễ hội được tổ chức theo mô hình xã hội không tiền mặt thu nhỏ trong đó người tham dự tham quan mua sắm, ăn uống, vui chơi giải trí mà không dùng tiền mặt. Đồng thời người tham quan còn được nhận các ưu đãi từ các nhà đồng hành, trải nghiệm tiện ích từ các dịch vụ công trực tuyến và tham quan triển lãm Lịch sử tiền tệ. Bên cạnh đó còn có các hoạt động biểu diễn nghệ thuật ở sân khấu chính...
Ngoài ra còn phải kể đến, Big Boom khuyến mãi tập trung là chương trình trong đó người dùng được mua hàng với ưu đãi từ các bên như bên bán hàng, bên trung gian thanh toán…Cùng rất nhiều hoạt động dành cho người tiêu dùng và doanh nghiệp từ các ngân hàng, tổ chức thẻ, ví điện tử, nhà bán lẻ đồng hành hưởng ứng chương trình.