Ngoài nghi vấn giao dịch lòng vòng để quay vòng nợ phải thu, công ty này cũng tồn tại những giao dịch bất thường khác.
Ẩn số Dược phẩm Thiên Sơn
“Không chỉ có giao dịch lòng vòng khép kín giữa Dược Cửu Long với 1 công ty con và 1 khách hàng có nợ, tại Dược Cửu Long cũng tồn tại những khoản giao dịch bất thường giữa nhóm Dược Cửu Long với 2 khách hàng khác; trong đó, Dược Cửu Long dường như chỉ đóng vai trò trung chuyển trong ngày”, nguồn tin của Đầu tư Chứng khoán nhận xét khi nói về thực trạng giao dịch của công ty này.
Trong ngày 30/12/2013, ngày làm việc cuối cùng của năm 2013, 10 giao dịch mua vào từ CTCP Dược Minh Hải được Dược Cửu Long thực hiện liên tiếp, có tổng trị giá hơn 3,8 tỷ đồng. Một lượng doanh thu tương tự, chính xác con số đến từng đồng cũng được Dược Cửu Long thực hiện thông qua 10 giao dịch bán hàng cho Công ty TNHH Dược phẩm Thiên Sơn cũng được thực hiện trong ngày 30/12/2013.
Với khách hàng Dược phẩm Thiên Sơn, 10 giao dịch này chưa phải là tất cả. Trong ngày 21/12/2013, tức là 9 ngày trước khi xảy ra 10 giao dịch mang tính “bật tường” này, Dược Cửu Long cũng thực hiện 9 giao dịch bán hàng, với giá trị xấp xỉ con số trên, hơn 3,8 tỷ đồng. Giá trị các khoản giao dịch này, tương tự trường hợp trên, cũng bằng đúng tổng giá trị của 9 giao dịch khác (chính xác đến hàng đơn vị đồng), thực hiện trong các ngày 13, 17, 21/12/2013, với đối tác bán hàng cho Dược Cửu Long là Công ty TNHH Dược phẩm Indico.
Xa hơn chút nữa, trong các tháng 9, 10, 11/2013, Dược Cửu Long thực hiện 3 giao dịch bán hàng cho Thiên Sơn trên cơ sở 6 giao dịch tương ứng mua từ Công ty TNHH Dược phẩm An Tâm.
Tổng giá trị các giao dịch bán cho Thiên Sơn là hơn 17,6 tỷ đồng.
Những tài liệu mà Đầu tư Chứng khoán ghi nhận được cho thấy, ngoài các nhóm giao dịch mà bên mua vào là Thiên Sơn, Dược Cửu Long cũng đồng thời thực hiện một lượng không nhỏ các giao dịch dạng trên, với các đối tượng khác, với tổng giá trị lên tới hàng chục tỷ đồng.
Nếu như các giao dịch mang tính lòng vòng đầy bất thường của Dược Cửu Long thực hiện với đối tác và một công ty con trực thuộc, rất dễ dàng để chỉ ra mối quan hệ vòng tròn giao dịch do có đủ chứng từ các bên. Đối với các giao dịch bất thường nói trên, do đối tác còn lại là bên thứ 3, không thuộc DCL, nên chưa có đủ căn cứ chứng từ để nói đây là giao dịch lòng vòng. Tuy nhiên, các giao dịch này đều được nhận xét là bất thường, bởi theo các nguồn tin mà Đầu tư Chứng khoán ghi nhận được, tương tự như các giao dịch lòng vòng đã phản ánh trong các bài báo trước, các nhóm giao dịch nói trên đều không hề có sự luân chuyển xuất - nhập kho của hàng hóa đi kèm.
Một doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh thương mại, nhưng lại xuất hiện một lượng không nhỏ những giao dịch mua – bán hàng hóa không đi kèm với xuất – nhập kho hàng hóa và nhiều giao dịch diễn ra trong ngày, với các con số đầu vào – đầu ra hoàn toàn khớp nhau. Câu hỏi đặt ra là, Dược Cửu Long nhắm đến mục tiêu gì khi thực hiện các giao dịch ấy?
Nợ xấu Dược Cửu Long nhiều đến đâu?
Tại thời điểm 31/12/2013, Thiên Sơn là khách hàng nợ Dược Cửu Long nhiều nhất, hơn 31,3 tỷ đồng. Tổng giá trị giao dịch bán bất thường mà Dược Cửu Long thực hiện với Thiên Sơn (không kèm hàng hóa, chỉ có giao dịch trên giấy) là hơn 17,6 tỷ đồng.
Tương tự như vậy, đối với các khách nợ khác của mình, những khách nợ được cho là… có nợ tồn đọng lâu năm và có giao dịch nằm trong nhóm giao dịch bất thường, giao dịch lòng vòng (do không có luân chuyển hàng hóa đi kèm), tổng giá trị giao dịch bất thường các loại cũng lên tới gần 80 tỷ đồng, bao gồm khoảng 45 tỷ đồng bán bất thường.
“Khoảng 45 tỷ đồng giao dịch bán bất thường đã được Dược Cửu Long thực hiện với các khách hàng có nợ bị nghi ngờ là tồn đọng nhiều năm. Đây là điều rất bất thường. Lý do duy nhất để giải thích cho các giao dịch trên, là số tiền nợ của các khách hàng này đã bị quá hạn thanh toán và việc tạo một giao dịch khống là để đảo tuổi nợ của khách hàng. Với giao dịch này, khách thanh toán nợ cũ và chuyển thành nợ mới chỉ trong một bút toán, trong khi số tiền Công ty thu được về bản chất là bằng 0”, một nguồn tin nội bộ từ Dược Cửu Long cho hay.
Nếu những nghi ngờ trên là xác thực, số nợ mà Dược Cửu Long đã quay vòng có thể lên tới hơn 45 tỷ đồng. Đây có thể cũng là số lợi nhuận bị sụt giảm, nếu Công ty không thực hiện các nhóm giao dịch bất thường nói trên và hạch toán trích lập dự phòng nghiêm túc theo quy định tại Thông tư 228/TT-BTC của Bộ Tài chính.
Trong kịch bản này, con số lợi nhuận của Dược Cửu Long năm 2013 có thể sẽ rơi về mức xấp xỉ âm 10 tỷ đồng, chứ không phải là dương 30 tỷ đồng sau thuế như đã báo cáo.
Những bí ẩn về con số nợ của khách hàng
Ngoài con số nợ xấu ẩn phía sau những giao dịch mang tính bất thường nói trên, một vấn đề đáng quan tâm là cách hạch toán bất nhất của Dược Cửu Long liên quan đến số dư nợ phải thu của khách hàng.
Tìm hiểu từ các nguồn tin của Đầu tư Chứng khoán cho thấy, có khách hàng của Dược Cửu Long trong các năm 2011, 2012 được Công ty hạch toán nợ, có xác nhận công nợ đầy đủ, nhưng sang năm 2013 lại được Công ty… hạch toán giảm thẳng số dư phải thu trên bảng cân đối tài sản và giảm trừ thẳng vào doanh thu năm, với lý do… nhầm lẫn giai đoạn trước!
Một trường hợp khác, nguồn tin cho hay, khách hàng có số dư nợ phải trả khá lớn tại Dược Cửu Long, nhưng khi làm việc ba bên với ngân hàng và cả tài liệu thuế, lại cho thấy, số dư phải trả Dược Cửu Long của khách hàng này rất khiêm tốn, chưa bằng số lẻ mà Dược Cửu Long hạch toán.
Vì sao tồn tại những sự lạ đời này? Khách nợ trong các giao dịch trên là ai? Đầu tư Chứng khoán sẽ tiếp tục phản ánh trong thời gian tới, để điều tra rõ hơn thực trạng tại Dược Cửu Long.