Lý giải của Dược Cửu Long
Trong công văn gửi Sở GDCK TP. HCM (HOSE), nơi cổ phiếu DCL của Dược Cửu Long đang niêm yết, Ban Tổng giám đốc Dược Cửu Long mà đại diện là Tổng giám đốc Lương Văn Hóa cho rằng, tất cả những nội dung liên quan đến việc thay đổi nhân sự, hạch toán công nợ, thậm chí là giao dịch lòng vòng là điều bình thường.
Cụ thể, Dược Cửu Long cho biết, rút kinh nghiệp từ những khó khăn trong giai đoạn khủng khoảng 2010 - 2011, Công ty đã tập trung nâng cao hiệu quả hoạt động phân phối, cải tiến công tác bán hàng và thu hồi công nợ để lành mạnh tài chính. Với nỗ lực này, Dược Cửu Long đã xóa lỗ lũy kế và trả cổ tức cho cổ đông tỷ lệ 6% vốn điều lệ.
Về thay đổi nhân sự, Dược Cửu Long cho biết, đây là việc thay đổi trên cơ sở nguyện vọng cá nhân của Giám đốc tài chính và Giám đốc marketing, thực hiện theo đúng quy trình bổ nhiệm - miễn nhiệm nhân sự của Công ty.
Đối với các vấn đề nợ xấu và giao dịch lòng vòng, Dược Cửu Long cho hay, các khoản nợ, trong báo cáo tài chính được kiểm toán bởi E&Y Việt Nam, đều hạch toán đúng theo quy định tại Thông tư số 228/TT-BTC ngày 7/12/2009 cũng như đánh giá thực tế về khả năng thu hồi công nợ của từng khoản nợ.
Đặc biệt hơn, giải thích về các giao dịch lòng vòng, bất thường, Dược Cửu Long nhận xét: “Đây là các nghiệp vụ kinh doanh thông thường, góp phần điều hòa nguồn tài chính, luân chuyển hàng hóa và giúp Công ty giảm chi phí tài chính”.
Thực chất giao dịch lòng vòng, bất thường đến đâu?
Như Đầu tư Chứng khoán đã phản ánh, trong năm 2013, tại Dược Cửu Long tồn tại khá nhiều giao dịch mang tính lòng vòng, bất thường. Ngoài vòng trong giao dịch khép kín diễn ra trong 2 ngày là ngày 7/12 và ngày 9/12/2013 giữa Dược Cửu Long – VPC Sài Gòn (công ty 100% vốn của Dược Cửu Long) và An Tâm (một khách hàng có công nợ lớn tại Dược Cửu Lòng) đã thể hiện, một số giao dịch lòng vòng khép kín khác cũng được thực hiện (xem bảng).
Câu hỏi đặt ra là, với các giao dịch này, Dược Cửu Long được lợi gì trong việc điều tiết tài chính, luân chuyển hàng hóa, tiết kiệm chi phí như Công ty đã giải trình?
Một lưu ý nữa là, theo tài liệu mà Đầu tư Chứng khoán đã thu thập được, hàng hóa của các nghiệp vụ mua bán này không có nhập kho, xuất kho. Điều này có nghĩa là, các giao dịch trên chỉ có ý nghĩ về mặt hạch toán sổ sách, mà không tạo ra sự thay đổi gì về bản chất, cả trên cơ sở luân chuyển hàng hóa tồn kho cũng như giá trị gia tăng về tài chính.
Vậy, nếu không có ý nghĩa về mặt bản chất tài chính, luân chuyển hàng hóa tồn kho, vì sao Dược Cửu Long lại cần có những giao dịch này? Trong 4 giao dịch lòng vòng mà người viết đã thể hiện (1 giao dịch trong bài trước và 3 giao dịch còn lại), các đối tượng bên ngoài là: Hải Tâm, An Tâm, Đại Nam đều là các khách hàng có nợ Dược Cửu Long tại thời điểm 31/12/2013.
“Các khoản nợ của khách hàng này đều bị nghi ngờ đã quá hạn và tồn đọng lâu năm và việc giao dịch này giống như đảo nợ tín dụng ngân hàng, tức là quay vòng nợ làm giảm tuổi nợ của khách hàng”, một nguồn tin cho hay.
Trên thực tế, câu chuyện của Dược Cửu Long không chỉ tồn tại ở những khoản giao dịch lòng vòng như đã nói ở trên, mà còn xuất hiện nhiều giao dịch được đánh giá là bất thường với giá trị giao dịch không nhỏ. Các giao dịch này, điều bất ngờ là, không đi kèm với việc xuất – nhập kho, dù đã có hóa đơn, chứng từ giao dịch.
Dược Cửu Long đã có văn bản trả lời về “ý nghĩa” của giao dịch lòng vòng. Có điều, trong tư duy tài chính thông thường, ngay cả các chuyên gia tài chính cũng chưa hiểu được, những giao dịch vòng tròn khép kín, không có thực dòng di chuyển của hàng hóa kia, làm cách nào mang lại hiệu quả cho Công ty?
Thị trường đang chờ một sự phản hồi chi tiết hơn từ Dược Cửu Long, về cơ chế điều hòa tài chính, hiệu quả tiết kiệm chi phí và luân chuyển hàng hóa của ít nhất 4 nhóm giao dịch bất thường nói trên.
Đầu tư Chứng khoán sẽ tiếp tục phản ánh các vấn đề liên quan đến giao dịch bất thường của Công ty, cũng như những câu chuyện liên quan đến hạch toán công nợ của Dược Cửu Long.