Đẩy nhanh gỡ vướng pháp lý dự án

(ĐTCK) Tại khu vực phía Nam, nhiều dự án nhà ở bị đình trệ nhiều năm do vướng pháp lý đang được chính quyền các địa phương đẩy nhanh tốc độ gỡ vướng để sớm đưa sản phẩm ra thị trường.
Dự án NovaWorld Phan Thiet. Ảnh: Lê Toàn.

Dự án tỷ USD có lối ra

Sau thời gian dài chờ đợi, các dự án trọng điểm của Tập đoàn Novaland cũng chính thức có những bước chuyển biến tích cực về pháp lý.

Mới đây, UBND tỉnh Bình Thuận (nay là tỉnh Lâm Đồng) đã ban hành quyết định cho phép chuyển hình thức sử dụng đất đối với dự án Tổ hợp khu du lịch Thung lũng Đại Dương (dự án NovaWorld Phan Thiet), do Công ty TNHH Delta - Valley Bình Thuận (thuộc Tập đoàn Novaland) làm chủ đầu tư.

Theo đó, phần diện tích 3.810.986,7 m2 trong tổng diện tích 7.994.306,5 m2 đất thương mại - dịch vụ thuộc dự án được cho phép chuyển từ hình thức trả tiền thuê đất hàng năm sang hình thức thuê đất trả tiền một lần cho cả thời gian thuê.

UBND tỉnh Bình Thuận giao Sở Nông nghiệp và Môi trường chịu trách nhiệm luân chuyển thông tin địa chính đến Chi cục Thuế khu vực XV, tổ chức xác định giá đất cụ thể, đồng thời chỉ đạo Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh chỉnh lý hồ sơ địa chính, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho doanh nghiệp sau khi hoàn thành nghĩa vụ tài chính.

Trước đó, UBND tỉnh Bình Thuận đã ban hành quyết định chấp thuận điều chỉnh chủ trương đầu tư cho dự án NovaWorld Phan Thiet. Việc điều chỉnh lần này tập trung vào cập nhật mục tiêu và tiến độ thực hiện dự án.

Dự án Novaworld Phan Thiết có quy mô gần 1.000 ha, tổng vốn đầu tư khoảng 5 tỷ USD, được cấp chứng nhận đầu tư lần đầu năm 2008 và đã điều chỉnh nhiều lần trong quá trình triển khai do tồn tại nhiều vướng mắc pháp lý.

Novaland cho biết, việc điều chỉnh chủ trương đầu tư và chuyển hình thức sử dụng đất đối với dự án là điều kiện tiên quyết để Tập đoàn có cơ sở tiếp tục làm việc với các tổ chức tín dụng nhằm cấp vốn cho dự án tiếp tục triển khai.

Một dự án tỷ USD khác của Novaland là Aqua City cũng mới hoàn tất đồng bộ 3 cấp quy hoạch, làm cơ sở để thực hiện thủ tục thông báo đủ điều kiện kinh doanh và ngân hàng giải ngân các gói tín dụng như đã cam kết.

Theo đó, các dự án thành phần của dự án Aqua City gồm Khu đô thị Aquacity và Khu đô thị Aqua Waterfront City đã chính thức hoàn thiện quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500, đồng bộ với quy hoạch phân khu 1/5.000 của Phân khu C4 theo quy hoạch chung TP. Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai.

Cũng tại Phân khu C4, Khu đô thị Waterfront do Công ty TNHH Thành phố Waterfront Đồng Nai (công ty con của Tập đoàn Nam Long) làm chủ đầu tư vừa được phê duyệt quy hoạch 1/500.

Cột mốc pháp lý này là bước tiến tích cực cho dự án thực hiện thủ tục thông báo đủ điều kiện kinh doanh cho các phân khu và là cơ sở để các tổ chức tài chính triển khai cung cấp thêm các gói tín dụng như đã cam kết trước đó.

Riêng với dự án Aqua City, hiện các ngân hàng đã giải ngân các gói tín dụng lên đến 3.250 tỷ đồng để triển khai xây dựng các phân khu. Đồng thời, một số tổ chức tài chính cam kết cung cấp các gói vay với tổng giá trị trên 10.000 tỷ đồng để Novaland tiếp tục triển khai hạ tầng, xây dựng và bàn giao nhà trong giai đoạn 2025-2026.

Tạo nguồn hàng mới cho thị trường

Tại TP.HCM, dự án Khu nhà ở Tân An Huy tại huyện Nhà Bè đã có lối ra sau hơn 20 năm không thể triển khai do vướng pháp lý. Trong chỉ đạo mới đây, lãnh đạo UBND TP.HCM yêu cầu chủ đầu tư phải nghiêm túc, khẩn trương thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ tài chính với ngân sách nhà nước. Đây là điều kiện tiên quyết để các cơ quan chức năng xem xét cho phép dự án tiếp tục triển khai.

Cụ thể, để bảo đảm việc thu hồi khoản nợ thuế gần 181 tỷ đồng, Thành phố đã đồng ý cho phép thành lập một tài khoản do Chi cục Thuế khu vực II quản lý.

Mọi khoản thu của chủ đầu tư từ khách hàng và đối tác sẽ nộp vào tài khoản này. Cơ quan thuế sẽ giám sát và trích nộp tiền thuế còn nợ, phần còn lại sau khi hoàn tất nghĩa vụ sẽ được sử dụng để tiếp tục đầu tư, hoàn thiện dự án.

Khi hàng chục ngàn sản phẩm bất động sản được “giải thoát” khỏi tình trạng pháp lý không rõ ràng, nguồn cung trên thị trường sẽ được cải thiện đáng kể. Điều này đặc biệt có ý nghĩa khi số lượng sản phẩm mới tiếp tục khan hiếm, giúp thị trường cân bằng hơn giữa cung và cầu.

Ông Nguyễn Hồng Hải - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Tân An Huy cho biết, sau 7 năm tiếp quản Công ty từ chủ đầu tư cũ, những vướng mắc lớn nhất về tài chính và pháp lý cơ bản đã được tháo gỡ. Việc Thành phố đồng ý cho mở tài khoản riêng là một cơ chế rất minh bạch, vừa giúp Nhà nước thu hồi đủ thuế, vừa mở đường triển khai dự án đúng luật.

Ngoài dự án này, một số dự án từng vướng sai phạm trước đó cũng đang được xem xét hướng tháo gỡ, trong đó có dự án Khu thương mại dịch vụ - căn hộ Bình Đăng (quận 8 cũ) do Công ty cổ phần Phát triển địa ốc Sài Gòn 5 làm chủ đầu tư bị đình trệ từ nhiều năm nay do gặp một số khó khăn, vướng mắc về thủ tục pháp lý như điều chỉnh tên sau cổ phần hóa, điều chỉnh quy hoạch…

Trong cuộc họp mới đây, UBND TP.HCM đã thống nhất cho phép Công ty Địa ốc Sài Gòn 5 tiếp tục triển khai dự án, dựa trên các hồ sơ pháp lý đã được cơ quan có thẩm quyền thẩm định và phê duyệt trước đây. Điều này bảo đảm tính liên tục và hợp pháp của dự án, tạo điều kiện để doanh nghiệp tập trung nguồn lực hoàn thành các giai đoạn tiếp theo.

Lãnh đạo Thành phố giao các cơ quan liên quan khẩn trương cập nhật nội dung Đồ án quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 đã được phê duyệt tại dự án vào Đồ án quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000.

Sở Xây dựng TP.HCM được giao xem xét cấp giấy phép xây dựng cho dự án dựa trên Đồ án quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 đã được phê duyệt và các ý kiến chỉ đạo của UBND Thành phố. Việc cấp phép cần được hoàn thành trước ngày 20/7/2025.

Tương tự, dự án Khu trung tâm thương mại và căn hộ cao cấp tại đường Bến Nghé, phường Tân Thuận Đông, quận 7 (tên thương mại là Shizen Home), sau khi hoàn thành xây dựng phần móng, chủ đầu tư nhiều lần nộp hồ sơ đề nghị cấp cấp thông báo nhà ở đủ điều kiện được bán, cho thuê mua đối với nhà ở thương mại nhưng chưa được giải quyết do phải rà soát việc chuyển mục đích sử dụng đất, chuyển nhượng quyền sử dụng khu đất thực hiện dự án từ Công ty cổ phần Cảng Rau Quả cho Công ty TNHH Gotec Việt Nam.

Trong cuộc họp tháo gỡ vướng mắc mới đây, lãnh đạo UBND TP.HCM kết luận rằng, để tránh lãng phí tài nguyên, nguồn lực và đảm bảo không làm thiệt hại, thất thoát ngân sách nhà nước, Thành phố giao Sở Nông nghiệp và Môi trường nghiên cứu quy định pháp luật để xác định nghĩa vụ tài chính tăng thêm của dự án mà nhà đầu tư cần phải nộp bổ sung để khắc phục các điểm chưa phù hợp trong quá trình thực hiện dự án; đồng thời chủ động, phối hợp trao đổi với nhà đầu tư về phương án xử lý theo nguyên tắc nhà đầu tư phải thực hiện xong nghĩa vụ tài chính phát sinh thêm thì mới có cơ sở xem xét tiếp tục triển khai dự án.

Thực tế, từ cuối năm 2024 đến nay, nhiều dự án bị tắc nghẽn nhiều năm của các chủ đầu tư như Đất Xanh, Hoàng Quân, Phát Đạt, CT Group… đã tái gia nhập thị trường sau khi được tháo gỡ vướng mắc pháp lý.

Một trong số đó là dự án The Privé của Đất Xanh, trước đây có tên là Gem Riverside, đình trệ từ năm 2018. Sau thời gian dài hoàn thiện pháp lý liên quan đến thủ tục đầu tư và tính tiền sử dụng đất, tháng 9/2024, dự án này đã được cấp phép xây dựng và đang được giới thiệu ra thị trường.

Theo các chuyên gia, khi hàng chục ngàn sản phẩm bất động sản được “giải thoát” khỏi tình trạng pháp lý không rõ ràng, nguồn cung trên thị trường sẽ được cải thiện đáng kể. Điều này đặc biệt có ý nghĩa khi số lượng sản phẩm mới tiếp tục khan hiếm, giúp thị trường cân bằng hơn giữa cung và cầu.

Trong bối cảnh niềm tin thị trường từng suy giảm do các vướng mắc pháp lý kéo dài, động thái gỡ vướng của chính quyền các địa phương tạo điều kiện để các dự án nhà ở đủ điều kiện quay trở lại giao dịch, giúp cải thiện tâm lý bên mua và gia tăng thanh khoản cho thị trường.

Trọng Tín

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục