
Đề xuất miễn giấy phép xây dựng với các công trình, dự án đã có quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 được nhiều chuyên gia và đại diện doanh nghiệp đồng tình, bởi đây là một bước đi cần thiết trong cải cách thủ tục hành chính, nhằm tháo gỡ điểm nghẽn lớn cho thị trường bất động sản.
Tại TP.HCM, có 112 dự án được rà soát và đủ điều kiện để miễn giấy phép xây dựng. Đây đều là các dự án đã được phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500 hoặc thiết kế đô thị riêng, có thiết kế cơ sở được chấp thuận theo quy định. Cơ quan chức năng cho biết, sẽ tiếp tục cập nhật, bổ sung các dự án mới đủ điều kiện để được hưởng chính sách miễn giấy phép xây dựng. Động thái này được kỳ vọng sẽ tạo hiệu ứng lan tỏa, tạo tiền lệ tốt để các địa phương khác nghiên cứu, áp dụng.
Ông Lê Hữu Nghĩa, Phó chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM cho rằng, việc bỏ giấy phép xây dựng không phải là khái niệm mới, bởi trước năm 2013, quy định này từng được áp dụng. Cụ thể, với các dự án nằm trong khu vực đã có quy hoạch chi tiết 1/500, bản vẽ quy hoạch đã thể hiện đầy đủ thông số như chiều cao công trình, mật độ xây dựng, khoảng lùi… do đó không nhất thiết phải xin phép xây dựng lần nữa, miễn là công trình thi công đúng với nội dung quy hoạch đã được phê duyệt.
Việc quay lại thực hiện miễn phép xây dựng cho các dự án đã rõ quy hoạch không chỉ hợp lý về mặt quản lý nhà nước, mà còn giúp tiết kiệm thời gian, chi phí cho doanh nghiệp và người dân, bởi một trong những nguyên nhân khiến giá nhà leo thang chính là do thủ tục hành chính kéo dài, phát sinh chi phí không nhỏ cho nhà đầu tư, cuối cùng được cộng dồn vào giá bán sản phẩm.
“Việc rút gọn các khâu như xin giấy phép xây dựng là biện pháp trực tiếp giúp giảm chi phí đầu tư, từ đó tạo dư địa giảm giá bán, nhất là ở phân khúc nhà ở giá rẻ đang rất cần hỗ trợ để cân bằng cung - cầu thị trường”, ông Nghĩa phân tích.
Bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, Nhà sáng lập kiêm CEO Công ty Sen Vàng chia sẻ, việc bỏ giấy phép xây dựng giúp doanh nghiệp tiết kiệm được 3 - 6 tháng trong quá trình chuẩn bị dự án. Điều này đồng nghĩa với việc giảm 1 - 5% tổng chi phí đầu tư, chủ yếu nhờ cắt bỏ các khoản chi phí hành chính, chi phí hồ sơ rườm rà và thời gian chờ đợi.
Theo bà Ngọc, tỷ lệ chi phí tưởng như nhỏ này lại tạo ra khác biệt lớn trên thị trường bất động sản, đặc biệt trong bối cảnh lãi vay và chi phí vốn cao. Với những dự án có giá trị hàng trăm, hàng ngàn tỷ đồng, việc tiết kiệm vài phần trăm chi phí đồng nghĩa với khả năng điều chỉnh giá bán hợp lý hơn. Đây là một cơ hội đáng kể để kéo giảm giá nhà ở, nhất là với phân khúc bình dân.
Đồng quan điểm, bà Giang Huỳnh, Giám đốc bộ phận Nghiên cứu và S22M Savills Việt Nam cũng cho rằng, rút ngắn thời gian xử lý thủ tục giúp doanh nghiệp tối ưu hóa vận hành, đưa sản phẩm ra thị trường đúng thời điểm.
Trên thực tế, quá trình xin giấy phép xây dựng thường kéo dài, không chỉ ảnh hưởng đến tiến độ triển khai, mà còn làm gia tăng chi phí, gây áp lực tài chính và khả năng quay vòng vốn của doanh nghiệp.
“Chính sách miễn phép xây dựng cần được triển khai đồng bộ với một cơ chế hậu kiểm chặt chẽ và hệ thống số hóa dữ liệu minh bạch. Việc này sẽ giúp giám sát chất lượng thi công, tiến độ dự án, đồng thời nâng cao hiệu quả quản lý”, bà Giang Huỳnh đề xuất.
Dù ủng hộ miễn giấy phép xây dựng, song ông Lê Hữu Nghĩa cũng nhấn mạnh, điều này không đồng nghĩa với buông lỏng quản lý. Ngược lại, cần có cơ chế hậu kiểm nghiêm khắc, trong đó quy định rõ chế tài xử lý nếu chủ đầu tư, nhà thầu xây dựng sai quy hoạch. Phải buộc tháo dỡ phần vi phạm, không cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu và có thể rút giấy phép hoạt động của nhà thầu vi phạm để nâng cao tính răn đe và xây dựng văn hóa tuân thủ.
Giảm bớt các thủ tục hành chính như miễn giấy phép xây dựng, kết hợp với cơ chế hậu kiểm chặt chẽ, không chỉ là một cải cách kỹ thuật, mà còn là chiến lược giúp thị trường bất động sản bền vững hơn. Với cách tiếp cận này, Nhà nước sẽ “buông đúng chỗ, siết đúng điểm”, tạo điều kiện để phát triển nguồn cung nhà ở hợp pháp, giá hợp lý, đặc biệt là nhà ở bình dân vốn đang rất thiếu hụt tại các đô thị lớn.