TP.HCM gỡ vướng sổ hồng hơn 2.300 nhà, đất

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Năm 2003, UBND TP.HCM từng có chủ trương mua lại quỹ nhà ở trong các dự án thương mại để phục vụ tái định cư, nhưng sau đó bãi bỏ khiến 2.312 nhà, đất “kẹt” sổ hồng từ đó tới nay.
Khu nhà ở Dương Hồng. Khu nhà ở Dương Hồng.

Dù đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính, đầu tư hạ tầng và bán hết sản phẩm, nhưng gần 20 năm qua, 25 căn nhà thuộc dự án Khu nhà ở Dương Hồng 9B4 - 9B8 (huyện Bình Chánh, TP.HCM) do Công ty cổ phần Thương mại xây dựng và Kinh doanh nhà Dương Hồng (thành viên của Tập đoàn Vạn Phúc) làm chủ đầu tư vẫn chưa được cấp sổ hồng khiến người dân khiếu nại, còn doanh nghiệp thì lâm vào thế khó.

Năm 2003, UBND TP.HCM đã ban hành Chỉ thị số 07/2003/CT-UB, trong đó yêu cầu các chủ đầu tư dự án nhà ở đều phải dành từ 10% quỹ đất ở xây dựng nhà ở hoặc 20% quỹ nhà ở bán theo nguyên tắc bảo toàn vốn (có kiểm toán) cho Nhà nước để đưa vào quỹ nhà, đất phục vụ chương trình tái định cư cho các dự án trọng điểm của Thành phố.

Sau đó, TP.HCM tiếp tục ban hành Chỉ thị số 24/2004/CT-UB ngày 31/8/2004 về đầu tư xây dựng 30.000 căn hộ chung cư dành cho việc tái định cư trên địa bàn nhằm khuyến khích các doanh nghiệp bất động sản tham gia đầu tư xây dựng chung cư phục vụ tái định cư. Sau khi xây dựng hoàn thành, quỹ nhà này sẽ bán lại cho Thành phố theo giá thành xây dựng cộng lợi nhuận định mức theo quy định.

Căn cứ theo 2 chỉ thị này, phần lớn các dự án nhà ở thương mại được giao đất trong giai đoạn 2003-2005, TP.HCM đều yêu cầu chủ đầu tư dành 10% quỹ đất ở hoặc 20% quỹ nhà ở hoặc bán lại căn hộ chung cư trong dự án cho Thành phố để phục vụ tái định cư. Tuy nhiên, sau đó 1 năm, TP.HCM có công văn bãi bỏ chủ trương này.

“Trên cơ sở văn bản bãi bỏ đó, chúng tôi đã triển khai, kinh doanh toàn bộ sản phẩm nhà ở thương mại theo quy hoạch chi tiết được phê duyệt. Tuy nhiên, sau 20 năm, khoảng 10% nhà ở tại dự án vẫn chưa thể ra được sổ hồng, khiến nhiều khách hàng khiếu nại, khiếu kiện, gây ảnh hưởng đến uy tín chủ đầu tư”, ông Phạm Danh - Chủ tịch HĐQT Công ty Dương Hồng cho hay.

Ngoài dự án trên, thống kê Sở Xây dựng TP.HCM cũng cho thấy, có khoảng 17 dự án nhà ở thương mại với khoảng 2.312 căn nhà, đất có vướng mắc liên quan việc xác định nghĩa vụ tài chính phát sinh từ việc Thành phố không mua lại quỹ nhà trong dự án để phục vụ tái định cư.

Chẳng hạn, dự án Khu nhà ở Tiến Hùng (Ehome 3) tại quận Bình Tân được UBND TP.HCM chấp thuận chủ trương không thực hiện mua lại 200 căn hộ để phục vụ tái định cư từ tháng 8/2016, đồng thời giao Sở Tài chính chủ trì cùng các đơn vị liên quan hướng dẫn chủ đầu tư là Công ty cổ phần Đầu tư Nam Long thực hiện nghĩa vụ tài chính phát sinh (nếu có).

Tuy nhiên, do chưa có văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận có phát sinh nghĩa vụ tài chính hay không từ việc Thành phố không mua lại quỹ nhà ở, đất ở phục vụ tái định cư, để chủ đầu tư có cơ sở thực hiện nghĩa vụ tài chính và làm thủ tục cấp giấy chứng nhận cho người mua nhà.

Một số dự án khác cũng trong tình trạng tương tự có thể kể tới là RivaPark, quận 4 (300 căn hộ); Chung cư Phương Việt, quận 8 (244 căn hộ); Hà Đô Centrosa Garden (200 căn hộ); Khu dân cư An Hội 3 (288 căn hộ)…

Sở Xây dựng TP.HCM đang xây dựng đề án cho UBND Thành phố xem xét, xin ý kiến Thành ủy để tháo gỡ vướng mắc trên. Trong đó, xác định rõ các tiêu chí để phân loại và xử lý vướng mắc như nguồn gốc pháp lý của khu đất; cơ sở pháp lý để đề nghị dự án phải thực hiện bố trí nhà ở tái định cư; nhà đầu tư có hay không hưởng các ưu đãi liên quan đến việc bố trí nhà ở tái định cư; việc thực hiện hoàn tất nghĩa vụ tài chính của nhà đầu tư; nhu cầu của Thành phố trong việc mua lại nhà/đất để bố trí tái định cư tại thời điểm hiện nay…

Song, theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, với các tiêu chí trên, Thành phố hoàn toàn có thể chỉ đạo giải quyết ngay việc cấp sổ hồng cho khách hàng đã mua căn hộ thuộc diện dự kiến phục vụ tái định cư trong dự án nhà ở thương mại, mà dự án nhà ở thương mại đó đã có đầy đủ pháp lý, đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính với Nhà nước.

Bởi nếu phải chờ Sở Xây dựng lập và trình đề án thì còn phải mất rất nhiều thời gian, trong khi có những trường hợp đã rõ, có thể giải quyết được ngay.

Trọng Tín

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục