Theo quan điểm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, nhận thức là yếu tố đóng vai trò quyết định trong chuyển đổi số, trong đó: “… Mỗi cơ quan, tổ chức và cả quốc gia cần tận dụng tối đa cơ hội để phát triển chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, trong đó việc xác định sớm lộ trình và đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số trong từng ngành, từng lĩnh vực, từng địa phương có ý nghĩa sống còn, là cơ hội để phát triển các ngành, lĩnh vực, địa phương và nâng cao thứ hạng quốc gia. Đi nhanh, đi trước giúp dễ thu hút nguồn lực. Nếu đi chậm, đi sau, khi chuyển đổi số đã trở thành xu hướng phổ biến thì nguồn lực trở nên khan hiếm, cơ hội sẽ ít đi, sẽ bỏ lỡ cơ hội phát triển”.
Những kết quả tích cực
Đóng vai trò là đơn vị thuộc Bộ Tư pháp có chức năng tham mưu, giúp Bộ trưởng Bộ Tư pháp trong quản lý nhà nước và tổ chức thi hành pháp luật về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ và đăng ký biện pháp bảo đảm, thực hiện các dịch vụ công về đăng ký, cung cấp thông tin biện pháp bảo đảm và giao dịch, tài sản khác theo thẩm quyền và thủ tục được pháp luật quy định, Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm (Cục Đăng ký) đã thực hiện bài bản, có hiệu quả các chức năng, nhiệm vụ này gắn với chuyển đổi số và đạt được những kết quả tích cực:
* 100% hồ sơ đăng ký, cung cấp thông tin về biện pháp bảo đảm thuộc thẩm quyền của Bộ Tư pháp đều được số hóa;
* 100% nhóm dịch vụ công về đăng ký, cung cấp thông tin về biện pháp bảo đảm (6 dịch vụ công) thuộc phạm vi quản lý của Bộ Tư pháp đều đạt và đáp ứng khả năng cung cấp ở mức độ dịch vụ công trực tuyến toàn trình bởi Hệ thống đăng ký trực tuyến (hệ thống) do Cục Đăng ký quản lý, vận hành. Theo số liệu thống kê, tỷ lệ đăng ký, cung cấp thông tin trực tuyến về biện pháp bảo đảm đã tăng hơn 68% so với thời điểm bắt đầu chính thức triển khai hệ thống (năm 2012 đạt 17,58% và hiện nay đạt 87% tính đến tháng 11/2024). Chữ ký số cũng đã được áp dụng toàn bộ trong quá trình giải quyết hồ sơ và trả kết quả đăng ký, cung cấp thông tin trực tuyến cho người dân, doanh nghiệp.
Hệ thống đã hoàn thành việc thực hiện tích hợp dịch vụ công trực tuyến về đăng ký biện pháp bảo đảm bằng động sản trên Cổng dịch vụ công Quốc gia và một số hỗ trợ thông tin khác như:
Một là, hệ thống giám sát, đo lường mức độ cung cấp và sử dụng dịch vụ chính phủ số (hệ thống EMC) của Bộ Thông tin và Truyền thông để thực hiện đo lường, đánh giá, theo dõi, quản lý việc cung cấp và hiệu quả sử dụng thông tin và dịch vụ công trực tuyến;
Hai là, hệ thống Đăng ký xe của Bộ Công an (Cục Cảnh sát giao thông đường bộ) để chia sẻ, đồng bộ dữ liệu số về đăng ký biện pháp bảo đảm bằng phương tiện giao thông cơ giới đường bộ thông qua Trục liên thông văn bản quốc gia theo quy định của pháp luật về quản lý, kết nối, chia sẻ dữ liệu;
Ba là, hệ thống Thanh toán thương mại điện tử quốc gia (Keypay) của Bộ Công thương (Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số) để chuyển đổi, tích hợp nền tảng thanh toán trực tuyến tạo thuận lợi trong việc thanh toán các khoản phí theo quy định cho các cá nhân, tổ chức trong đăng ký, tra cứu thông tin về biện pháp bảo đảm.
Những kết quả nêu trên xuất phát từ việc Bộ Tư pháp nói chung, Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm nói riêng đã sớm nhận thức được tầm quan trọng của việc ứng dụng công nghệ, mà sau này là hoạt động chuyển đổi số và sự nhất quán, nỗ lực, quyết tâm, bài bản, tuần tự trong quá trình thực hiện. Mới đây, tại Lễ trao giải thưởng Chuyển đổi số Việt Nam - Vietnam Digital Awards 2024, Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm đã được vinh danh là 1 trong 11 “Cơ quan nhà nước chuyển đổi số xuất sắc” với sản phẩm Hệ thống đăng ký trực tuyến biện pháp bảo đảm bằng động sản.
Tiếp tục đẩy nhanh tốc độ chuyển đổi
Trên cơ sở những kết quả đạt được, có thể nói, đến thời điểm hiện tại, lĩnh vực đăng ký biện pháp bảo đảm đã cơ bản hoàn thành quá trình tin học hóa (xây dựng, nâng cấp và từng bước hoàn thiện nền tảng ứng dụng); ứng dụng nền tảng số (tích hợp dịch vụ mới; kết nối, chia sẻ thông tin hình thành nền tảng dữ liệu chung); từng bước hướng tới chuyển đổi số (chuyển đổi cách thức và nâng tỷ lệ hoạt động đăng ký, cung cấp thông tin từ trực tiếp sang trực tuyến) với mục tiêu:
Thứ nhất, lấy người dân, doanh nghiệp, tổ chức là trung tâm, chủ thể và động lực phát triển của hoạt động chuyển đổi số;
Thứ hai, vừa đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước về lĩnh vực đăng ký biện pháp bảo đảm, vừa góp phần đảm bảo tính minh bạch về tài sản, giao dịch trong nền kinh tế, trong hoạt động tố tụng, thi hành án, đảm bảo tính thông suốt của các chuỗi cung ứng vốn, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hỗ trợ thúc đẩy sự phát triển của kinh tế - xã hội ở từng địa phương cũng như của cả nước; góp phần quan trọng vào kết quả thực hiện nhiệm vụ xây dựng nền tảng dữ liệu số dùng chung của Chính phủ, phát triển chính phủ điện tử hướng tới chính phủ số của Bộ, ngành tư pháp.
Theo đó, việc tổ chức thực hiện chuyển đổi số trong lĩnh vực đăng ký biện pháp bảo đảm không những không được chậm lại, mà cần phải được triển khai khẩn trương, thống nhất hơn với lộ trình cụ thể, phù hợp, khả thi, hiệu quả và an toàn, để qua đó góp phần: Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công; làm tăng khả năng cạnh tranh, tạo ra giá trị mới, hỗ trợ các cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức trong quá trình tiếp cận nguồn vốn phục vụ sản xuất - kinh doanh và yêu cầu chung về phát triển kinh tế - xã hội. Để làm được điều này, Cục Đăng ký bước đầu xác định một số nội dung cần chú trọng thực hiện trong thời gian tới như:
Nghiên cứu, rà soát tổng thể hệ thống quy định pháp luật về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ, về đăng ký biện pháp bảo đảm để đề xuất hoàn thiện hành lang pháp lý về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ và đăng ký biện pháp bảo đảm có tính ổn định, minh bạch, khả thi, gắn với yêu cầu chuyển đổi số, kinh tế số, xã hội số, chính phủ số và hội nhập quốc tế, trong đó bao gồm cơ sở pháp lý để thúc đẩy hoạt động chuyển đổi số trong lĩnh vực đăng ký biện pháp bảo đảm.
Bảo đảm cung cấp dịch vụ công chất lượng cao cho các cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức, từ đó góp phần nâng cao tính minh bạch về tài sản, giao dịch trong nền kinh tế, trong tố tụng, thi hành án, đảm bảo tính thông suốt của các chuỗi cung ứng vốn, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, hỗ trợ thúc đẩy sự phát triển của kinh tế - xã hội ở từng địa phương cũng như của cả nước; tiết kiệm nguồn lực, nâng cao hiệu quả của các cơ quan, tổ chức liên quan trong quá trình xác minh thông tin phục vụ hoạt động quản lý nhà nước của đơn vị.
Nghiên cứu và thực hiện mở rộng kết nối, chia sẻ thông tin, dữ liệu số về biện pháp bảo đảm bằng động sản với hệ thống thông tin khác, cơ sở dữ liệu khác của các cơ quan có thẩm quyền liên quan để hình thành nền tảng dữ liệu số tin cậy dùng chung của Chính phủ; bước đầu ứng dụng công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big data)… vào hoạt động đăng ký, lưu trữ, phân tích thông tin, dữ liệu số nhằm tạo giá trị mới, nâng cao hiệu quả sử dụng, cung cấp thông tin về đăng ký biện pháp bảo đảm.
Xây dựng phần mềm hỗ trợ việc đăng ký, cung cấp thông tin tương thích với tất cả các thiết bị thông minh (điện thoại di động, máy tính bảng…) thông qua môi trường Internet để các cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức có thể dễ dàng sử dụng dịch vụ công trực tuyến về đăng ký, cung cấp thông tin về biện pháp bảo đảm. Qua đó, nâng cao tính minh bạch, cạnh tranh trong hoạt động đăng ký, cung cấp thông tin về biện pháp bảo đảm.
Tiếp tục đẩy mạnh truyền thông qua nhiều hình thức và phương tiện đa dạng, thường xuyên, nhằm góp phần phổ biến, nâng cao nhận thức của xã hội về việc sử dụng dịch vụ công trực tuyến nói chung và của lĩnh vực đăng ký biện pháp bảo đảm nói riêng.