Số hóa bảo hiểm đã vượt qua các thách thức ban đầu

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Vài năm trở lại đây, các khái niệm về Insurtech (bảo hiểm số) đang ngày càng trở nên phổ biến và là một hoạt động không thể thiếu của bất kỳ công ty bảo hiểm nào.
Số hóa bảo hiểm đã vượt qua các thách thức ban đầu

Trạng thái sẵn sàng

Mặc dù doanh thu trực tiếp từ các kênh “bảo hiểm số” chưa nhiều, tuy nhiên, thị trường bảo hiểm Việt Nam đã ghi nhận những thành tựu ban đầu, được xem là nền tảng để tạo đà cho bảo hiểm số phát triển trong tương lai.

Đầu tiên và cũng có thể coi là quan trọng nhất đó là “trạng thái sẵn sàng” của các doanh nghiệp bảo hiểm. Nếu như trước đây, chỉ có một vài doanh nghiệp bảo hiểm có sự đầu tư công nghệ vào bảo hiểm số thì hiện nay gần như không có doanh nghiệp nào đứng ngoài xu hướng này.

Lý do của sự chuyển đổi chính là những lợi ích vượt trội mà bảo hiểm số mang lại cho doanh nghiệp. Đại dịch Covid-19 đã dần tạo nên thói quen sử dụng công nghệ trong quá trình làm việc với công ty bảo hiểm. Không đơn thuần là mua bảo hiểm online, mà còn là toàn bộ hành trình với tất cả “điểm chạm” mà khách hàng cần có khi làm việc với công ty bảo hiểm, chiều ngược lại, công nghệ chính là tiện ích thu hút và giữ chân khách hàng.

Hơn nữa, xét về góc độ hiệu quả vận hành, việc ứng dụng công nghệ sẽ giúp công ty bảo hiểm đơn giản hóa được các thủ tục, tăng năng suất lao động và tiết kiệm được nhiều chi phí quản lý. PTI cho biết, khi sử dụng công nghệ vào công tác giám định, Công ty đã tiết giảm được khoảng 30% tổng chi phí vận hành, thời gian rút ngắn được khoảng 1/3 so với trước đây.

Chưa bao giờ, nhiều ứng dụng công nghệ hiện đại như trí tuệ nhân tạo (AI), chuỗi khối (blockchain), nhận dạng ký tự quang học (OCR), định danh khách hàng điện tử (eKYC) được triển khai mạnh mẽ trong mọi hoạt động của kinh doanh bảo hiểm, từ bồi thường online, mua bảo hiểm trực tuyến, trung tâm giải đáp 24/7…

“Điểm sáng” nổi bật thứ hai của bảo hiểm số là sự ra đời các sản phẩm bảo hiểm công nghệ. Vài năm trước, công nghệ của bảo hiểm chỉ đơn thuần là cho phép khách hàng mua bảo hiểm online thì hiện nay nó là ứng dụng thành tựu của cuộc cách mạng 4.0 để đóng gói lại toàn bộ sản phẩm.

AI, Internet vạn vật được áp dụng triệt để trong việc xây dựng sản phẩm “toàn trình”, tức là công nghệ sẽ được áp dụng 100% trong toàn bộ các điểm từ xây dựng sản phẩm, tính phí, tính quyền lợi cũng như chi trả bồi thường.

Mới đây nhất, PVI phối hợp với công ty Insurtech Iggo ra mắt sản phẩm Bảo hiểm Chỉ số Thời tiết đầu tiên tại Việt Nam. Với sự hỗ trợ bảo lãnh phát hành từ PVI và SCOR, Igloo đã sử dụng công nghệ blockchain để phát triển Bảo hiểm Chỉ số thời tiết, tự động hóa việc giải quyết các yêu cầu bảo hiểm thông qua việc ứng dụng các hợp đồng thông minh.

Dựa trên dữ liệu lượng mưa được thu thập từ Tổng cục Khí tượng Thuỷ văn và giám sát bởi Igloo, Bảo hiểm Chỉ số thời tiết sẽ tự động thanh toán các khoản bồi thường dựa trên những giá trị đã được xác định trước cho người nông dân trong trường hợp xảy ra tổn thất do các sự kiện thời tiết hoặc thiên tai. Khâu giám định bồi thường được loại bỏ giúp giảm chi phí giao dịch và cho phép nông dân nhận được thanh toán nhanh hơn.

Việc tích hợp blockchain cũng sẽ đảm bảo tính bảo mật, toàn vẹn và quyền riêng tư cho dữ liệu của nông dân. Trong khi đó, chỉ trong tháng 11/2022, PTI liên tục cho ra mắt 3 sản phẩm bảo hiểm số gồm Bảo hiểm Trời mưa, Bảo hiểm tích lũy sau mỗi giao dịch thành công JupviecCare, Bảo hiểm mua hàng chính hãng. Tất cả đều sử dụng AI trong toàn bộ quá trình tính phí và bồi thường.

Đối với các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ, khối doanh nghiệp được nhìn nhận đã có sự chuyển đổi tích cực hơn, xây dựng được hệ sinh thái tương đối hoàn chỉnh thì chuyển đổi số không còn là vấn đề mới mẻ.

Trong một cuộc khảo sát người tiêu dùng ở châu Á - Thái Bình Dương, 66% số người được hỏi cho biết, các tính năng trực tuyến là tiêu chí chính để họ ra quyết định mua bảo hiểm nhân thọ. Điều này cho thấy, để tồn tại và phát triển, các công ty bảo hiểm bắt buộc phải có chiến lược chuyển đổi kỹ thuật số kết hợp với lộ trình thực hiện hợp lý và xoay quanh khách hàng.

Tại Việt Nam, các công ty bảo hiểm như Manulife, Generali, AIA, Prudential, Chubb Life, FWD đang là những công ty đứng đầu thị trường trong việc ứng dụng hiệu quả công nghệ và xây dựng hệ sinh thái công nghệ thông minh tương thích với nhu cầu riêng biệt của từng khách hàng, qua đó mang đến cho khách hàng hành trình trải nghiệm bảo hiểm hoàn toàn trực tuyến.

Mới đây, FWD ra mắt Trợ lý công nghệ Fi được phát triển trên nền tảng AI, có khả năng tương tác hai chiều và giải đáp khách hàng với các thông tin liên quan đến bảo hiểm một cách dễ dàng và nhanh chóng từ thông tin sản phẩm, hướng dẫn đóng phí và nhận hợp đồng bảo hiểm đến hướng dẫn cập nhật, hoặc điều chỉnh thông tin hợp đồng, các bước yêu cầu giải quyết quyền lợi bảo hiểm…

Đến nay, FWD là doanh nghiệp tiên phong loại bỏ hoàn toàn giấy tờ và tiền mặt trong giao dịch, phát hành 100% hợp đồng bảo hiểm điện tử và số hóa mọi quy trình để giúp trải nghiệm của khách hàng ngày một thuận tiện và đơn giản hơn.

Bùng nổ Insurtech và kiện toàn hành lang pháp lý

Bảo hiểm số cũng kéo theo sự bùng nổ số lượng các công ty Insurtech hoạt động tại Việt Nam. Tỷ lệ thâm nhập bảo hiểm trong năm 2019 đối với lĩnh vực kinh doanh phi nhân thọ ở Indonesia, Philippines và Việt Nam dưới 1%, thấp hơn nhiều so với mức trung bình toàn cầu là 3,88%.

“Số hóa” ngành bảo hiểm đang ghi nhận những tín hiệu tích cực, nhưng để đạt được như những nước phát triển trên thế giới thì vẫn là một chặng đường dài.

Con số này là minh chứng cho thấy dư địa phát triển của thị trường bảo hiểm khu vực trong tương lai, cũng chính là lý do vì sao các công ty bảo hiểm Insurtech nước ngoài lại quan tâm nhiều đến Việt Nam. Đa phần các công ty này đều là những công ty đã ứng dụng thành công từ thị trường các nước phát triển như INCOME (Singapore), Papay (Hàn Quốc)…

Việc xuất hiện nhiều công ty Insurtech có lợi thế về công nghệ sẽ mở ra cơ hội hợp tác để các doanh nghiệp bảo hiểm trong nước tận dụng được các tiến bộ về công nghệ, rút ngắn thời gian nghiên cứu và xây dựng.

Hiện nay, người tiêu dùng đã dần quen với việc mua bảo hiểm online cũng như nhận giấy chứng nhận bảo hiểm điện tử. Pháp luật cũng ngày càng “thông thoáng” và tạo điều kiện cho việc ứng dụng số hóa trong ngành bảo hiểm, chẳng hạn việc chấp nhận giấy chứng bảo hiểm điện tử cho bảo hiểm trách nhiệm dân sự bắt buộc của chủ xe cơ giới.

Sự chấp nhận của thị trường với các kênh bán hàng trực tuyến cũng đặt ra yêu cầu đối với các công ty bảo hiểm cần phải đẩy mạnh số hóa toàn diện các mặt hoạt động để phục vụ khách hàng tốt nhất. Việc cung cấp dịch vụ trực tuyến không chỉ dừng lại ở khâu bán hàng, mà tất cả các hoạt động khác cũng cần triển khai online đồng bộ.

Hiện nay, song song với các công cụ bán hàng, các doanh nghiệp bảo hiểm cũng phát triển các ứng dụng di động giúp khách hàng có thể gửi hồ sơ bồi thường trực tuyến, theo dõi lịch sử chi trả bồi thường, tra cứu các thông tin liên quan như cơ sở y tế, garage liên kết hay các thông tin sản phẩm, dịch vụ, khuyến mại… Các tiện ích đồng bộ này sẽ mang tới cho khách hàng những trải nghiệm “dịch vụ số” trọn vẹn.

Làn sóng bảo hiểm số cũng đã khiến các cơ quan quản lý phải có những điều chỉnh cho phù hợp với xu hướng mới, tạo điều kiện để các doanh nghiệp phát triển mạnh hơn nữa. Thông tư 04/2021/TT-BTC và Nghị định 03/2021/NĐ-CP đã góp phần “cởi trói” cho những khó khăn gặp phải.

Ngoài ra, trước sự phát triển như vũ bão của công nghệ và các ứng dụng của công nghệ vào ngành này, có ý kiến cho rằng, cơ quan quản lý cần sớm có quy định cho phép chia sẻ thông tin dữ liệu để nắm bắt nhu cầu của khách hàng, cũng như kiểm soát rủi ro và thông tin an toàn bảo mật được đảm bảo tốt hơn.

“Số hóa” ngành bảo hiểm đang ghi nhận những tín hiệu tích cực, nhưng để đạt được như những nước phát triển trên thế giới thì vẫn là một chặng đường dài. Bên cạnh nỗ lực số hóa, thay đổi công nghệ của từng doanh nghiệp bảo hiểm, còn cần sự chung tay của toàn thị trường, nhiều ngành nghề, lĩnh vực. Kỳ vọng, với những nền tảng tích cực như hiện nay, “số hóa” ngành bảo hiểm sẽ đạt được những thành tựu lớn trong thời gian tới.

Nguyễn Ngọc

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục