Insurtech vào mùa gặt

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Quá trình chuyển đổi số của nhóm ngành bảo hiểm (Insurtech) đang mang lại kết quả khi liên tiếp cho ra mắt sản phẩm mới.
Insurtech đang phát triển khá nhanh tại tại Việt Nam Insurtech đang phát triển khá nhanh tại tại Việt Nam

Thêm sản phẩm cho kênh trực tuyến

Trung tuần tháng 6/2021, Manulife Việt Nam chính thức đưa ra thị trường sản phẩm bảo hiểm chăm sóc sức khỏe mới “Max - Sống khỏe” trên trang thương mại điện tử của Công ty. Sản phẩm bảo hiểm chăm sóc sức khỏe hạn mức cao này được xem là cột mốc mới nhất trong nỗ lực số hóa sản phẩm bảo hiểm của Manulife Việt Nam nói riêng và ngành bảo hiểm nói chung.

Là một sản phẩm chăm sóc sức khỏe chuyên biệt, “Max - Sống khỏe” cung cấp ba chương trình bảo hiểm cạnh tranh với mức phí định kỳ không đổi chỉ từ 560.000 đồng/năm, hạn mức bảo hiểm dao động từ 1-2 tỷ đồng và hợp đồng được đảm bảo có hiệu lực trong suốt 3 năm kể từ khi kích hoạt...

“Manulife Việt Nam luôn nỗ lực cung cấp những trải nghiệm đặc biệt cho khách hàng thông qua hành trình chuyển đổi số”, ông Sang Lee - Giám đốc điều hành Manulife Việt Nam nói. Được biết, trang bán bảo hiểm trực tuyến Manulife Shop chính thức đi vào hoạt động từ tháng 4/2021 và một sản phẩm bảo hiểm chăm sóc sức khỏe khác được bán ra cùng thời điểm là “Max - Tự tin”.

Khi đại dịch Covid-19 xảy đến, việc các hình thức giải trí ngoài trời bị hạn chế tạo điều kiện cho lượng thời gian truy cập Internet tăng lên. Trong bối cảnh đó, lời giải cho bài toán tiếp cận khách hàng phù hợp và hiệu quả hơn chính là tiếp thị số.

Trên thị trường, ngoài Manulife Việt Nam, nhiều doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ khác cũng đẩy mạnh triển khai bán bảo hiểm trực tuyến thời gian qua có thể kể tới là Prudential, AIA, Generali, FWD…, sản phẩm bán ra cũng khá đa dạng.

Đơn cử, vào cuối tháng 4/2021, FWD Việt Nam đưa thêm một giải pháp bảo hiểm 100% trực tuyến có tên gọi “FWD Bộ 3 bảo vệ”. Đây là sản phẩm đầu tiên trên thị trường mang đến giải pháp chuyên biệt với quy trình tham gia hoàn toàn trực tuyến.

Tại Generali Việt Nam, là một trong những doanh nghiệp tiên phong chuyển đổi số trên thị trường, nhà bảo hiểm này đã bán bảo hiểm trực tuyến từ khá sớm. Hiện nay, Generali Việt Nam cung cấp 3 sản phẩm trên kênh này gồm bảo hiểm tai nạn, bảo hiểm ung thư và bảo hiểm sức khỏe.

Tương tự, MAP Life đã phát triển một số dự án chiến lược trong năm qua tập trung hoàn toàn vào chuyển đổi kỹ thuật số. “Cuộc khủng hoảng Covid-19 càng làm nổi bật nhu cầu bán hàng trực tuyến và tôi chắc chắn rằng, chúng ta sẽ có ngày càng nhiều khách hàng trong kênh bán hàng này”, ông Ko Young Wan, tân Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc MAP Life nói.

Tập trung cao độ cho chuyển đổi số

Theo thống kê của Statista, một công ty chuyên nghiên cứu thu nhập và thống kê dữ liệu về thị trường và người tiêu dùng của Đức, trong giai đoạn 2012-2020, Mỹ là quốc gia đứng đầu thế giới về đầu tư và giao dịch công nghệ bảo hiểm với tỷ trọng lên tới 53% thị phần toàn cầu, tiếp theo là các quốc gia khu vực Tây Âu như Anh, Pháp, Đức… với tỷ trọng hơn 15%, hai quốc gia đứng đầu châu Á là Trung Quốc và Ấn độ có tỷ trọng lần lượt là 7% và 4%...

Cũng theo công ty nghiên cứu này, dân số châu Á chiếm 43% dân số thế giới, nhưng mới nắm giữ 13% tổng phí bảo hiểm toàn cầu, trong đó các nước Đông Nam Á chỉ chiếm 3,8%. Đông Nam á được nhìn nhận là thị trường có tiềm năng phát triển mạnh về lĩnh vực bảo hiểm và bảo hiểm kỹ thuật số do tỷ lệ tham gia trung bình còn rất thấp so với thế giới.

Tại Việt Nam, Insurtech tuy mới hình thành vài năm gần đây, nhưng phát triển khá nhanh. Hầu hết các công ty bảo hiểm tại Việt Nam đã đầu tư vào công nghệ để phục vụ hoạt động kinh doanh cũng như đơn giản hóa quy trình hoạt động. Đối với các doanh nghiệp phi nhân thọ, việc bán hàng qua kênh trực tuyến là phổ biến do sản phẩm có kỳ hạn ngắn và đơn giản hơn, còn các doanh nghiệp nhân thọ thì hạn chế hơn bởi tính chất phức tạp của sản phẩm, cho nên doanh thu phí bảo hiểm từ kênh này chưa đáng kể.

Dẫu vậy, bán bảo hiểm trực tuyến vẫn là một phần quan trọng trong chiến lược chuyển đổi số của các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ. Khảo sát nhanh của Báo Đầu tư Chứng khoán về chủ đề này cho thấy, hầu hết doanh nghiệp bảo hiểm đã và đang đầu tư mạnh cho chuyển đổi số, tập trung vào các ứng dụng trọng yếu như phần mềm quản lý nguồn lực (ERP), quản lý khách hàng (CRM), điện toán đám mây, an ninh mạng; phân tích và xử lý dữ liệu lớn (big data)… Một số công ty cũng đã đi trước trong việc đầu tư vào trí tuệ nhân tạo (AI), Internet vạn vật (IoT) hay các ứng dụng thực tế ảo (VR/AR/MR)…

Mới đây, Prudential Việt Nam đã triển khai tính năng định danh khách hàng điện tử (eKYC) nhằm giúp đội ngũ tư vấn tài chính dễ dàng xác nhận danh tính của khách hàng bằng công nghệ sinh trắc học. Khi đăng ký eKYC thành công, khách hàng sẽ được xác thực nhanh chóng khi thực hiện các dịch vụ, hợp đồng mà không cần những giấy tờ, thủ tục xác thực hiện hành. Được biết, trong năm 2020, gần 100% hồ sơ yêu cầu bảo hiểm và hơn 70% hồ sơ yêu cầu giải quyết quyền lợi bảo hiểm của Prudential Việt Nam được nộp trên nền tảng trực tuyến.

Tại AIA Việt Nam, việc vận hành dữ liệu dựa trên nền tảng điện toán đám mây của Microsoft. Hãng bảo hiểm này cũng đang chuyển đổi cách thu nhập, phân tích và sử dụng dữ liệu. Việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ đã giúp các bộ phận liên quan trong Công ty hình dung rõ hơn về từng khách hàng, hoàn cảnh và nhu cầu riêng biệt của họ, từ đó đưa ra các sản phẩm phù hợp hơn.

“Tương tự như khi triển khai các công cụ bán hàng kỹ thuật số mới để hỗ trợ cho đội ngũ chuyên viên tư vấn tài chính, việc chuyển đổi số cũng gặp phải những trở ngại nhất định, nhưng trong xu hướng số hóa toàn cầu, quá trình này là không thể đảo ngược và không có gì có thể cản trở được. Hiện tại, chúng tôi đang tập trung nguồn lực xây dựng chiến lược xúc tiến ứng dụng chuyển đổi số tại Việt Nam với các mục tiêu rõ ràng đặt ra cho 5 năm tới”, đại diện một doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ cho hay.

Theo báo cáo của Công ty Adsota, Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia có tỷ lệ thâm nhập Internet lớn nhất thế giới. Trong năm 2019, trung bình mỗi người Việt dành khoảng 6,5 tiếng mỗi ngày để truy cập Internet. Khi đại dịch Covid-19 xảy đến, việc các hình thức giải trí ngoài trời bị hạn chế càng tạo điều kiện cho lượng thời gian này tăng lên. Trong bối cảnh đó, lời giải cho bài toán tiếp cận khách hàng phù hợp và hiệu quả hơn chính là tiếp thị số.

“Việc khách hàng có được kế hoạch nghỉ hưu thoải mái hay việc bảo vệ được gia đình họ trước những rủi ro cuộc sống tưởng như khó thực hiện, nhưng khả năng đạt được những mục tiêu này lại được định hình bởi các quyết định nhỏ mà chúng ta đưa ra hàng ngày. Manulife Việt Nam đã và đang thay đổi mối quan hệ và nhận thức của khách hàng về bảo hiểm bằng cách đầu tư vào việc nâng cao trải nghiệm khách hàng, cung cấp các giải pháp số hóa vượt trội và xa hơn nữa là thúc đẩy khả năng chuyển đổi của ngành bảo hiểm”, ông Sang Lee nhìn nhận.

Gia Linh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục