Đẩy lùi tín dụng đen bằng phát triển tài chính tiêu dùng

Ngành ngân hàng đã vào cuộc để đẩy mạnh phát triển tín dụng tiêu dùng chính thức nhằm đẩy lùi tín dụng phi chính thức.
Sau hơn 10 năm có mặt tại Việt Nam, Home Credit công bố đã cung cấp được hơn 10 triệu hợp đồng cho vay tín dụng tiêu dùng. Sau hơn 10 năm có mặt tại Việt Nam, Home Credit công bố đã cung cấp được hơn 10 triệu hợp đồng cho vay tín dụng tiêu dùng.

Đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng tiêu dùng

Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Chi nhánh TP.HCM cho biết, năm 2018, dư nợ của tổ chức tín dụng trên địa bàn tăng 14,69% so với năm trước, là mức tăng thấp nhất trong 5 năm qua. Trong khi đó, tín dụng tiêu dùng lại có xu hướng tăng nhanh, năm 2015, dư nợ tín dụng thuộc lĩnh vực tiêu dùng chỉ chiếm 12,73% tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn, thì năm 2017 chiếm 18,36% và tiếp tục tăng trong năm qua.

Lãnh đạo NHNN TP.HCM cho rằng, cần phát huy tích cực hoạt động tín dụng tiêu dùng, song phải đảm bảo kiểm soát rủi ro, hạn chế những tồn tại phát sinh liên quan về lãi suất, về phương thức thu hồi nợ, quản lý nợ trong lĩnh vực tài chính tiêu dùng.

Theo các chuyên gia tài chính - tiền tệ, khi tín dụng chính thức, trong đó có tín dụng tiêu dùng tăng trưởng mạnh, sẽ đẩy lùi tín dụng phi chính thức, tức tín dụng đen. Hiện hầu hết các ngân hàng đều đẩy mạnh cho vay tiêu dùng không chỉ ở thành thị, mà còn xuống cả khu vực nông thôn. Bên cạnh đó, sự tăng trưởng không ngừng của các công ty tài chính và sự cạnh tranh gay gắt trong lĩnh vực tài chính - tiêu dùng sẽ đem lại sự thuận tiện cho người dân có nhu cầu vốn tiêu dùng. Chủ trương của NHNN là, thời gian tới, các ngân hàng thương mại đẩy mạnh tín dụng chính thức xuống vùng sâu, vùng xa để đẩy lùi tín dụng phi chính thức.

Lâu nay, các ngân hàng thương mại đã đẩy mạnh cho vay tiêu dùng, nhưng thị trường chỉ thực sự phát triển và cạnh tranh trong những năm gần đây khi có nhiều hơn các công ty tài chính tham gia. Trong đó, thị trường có sự gia nhập của các tập đoàn tài chính 100% vốn nước ngoài hoặc liên doanh với đối tác trong nước khi mua lại 49% cổ phần của công ty tài chính trong nước.

Đáng chú ý là, quan tâm tham gia vào công ty tài chính Việt thời gian qua chủ yếu là các tập đoàn tài chính đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, với mục tiêu chiếm lĩnh thị trường tài chính - tiêu dùng Việt Nam được đánh giá tiềm năng lớn, nhưng chưa được khai thác hết, cho dù đã có nhiều công ty tài chính.

Đẩy lùi tín dụng đen

Theo đánh giá của NHNN, khu vực nông nghiệp, nông thôn có nhu cầu vay tiêu dùng ngày càng cao, số lượng các tổ chức tín dụng mở rộng cho vay sang địa bàn này ngày một tăng, kịp thời cung cấp vốn phục vụ sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản và nhu cầu vốn phục vụ phát triển nông thôn, góp phần đẩy lùi tình trạng tín dụng đen.

Chuyên gia tài chính - ngân hàng, TS. Cấn Văn Lực nhận định, tiêu dùng cá nhân hiện chiếm tới 66 - 67% GDP và có vai trò rất quan trọng đối với tăng trưởng kinh tế. Để phục vụ nhu cầu tiêu dùng cá nhân, nếu tín dụng chính thức không phát triển, tín dụng đen sẽ có chỗ để nở rộ. Bên cạnh đó, hoạt động cho vay với lãi suất “cắt cổ” cần phải được kiểm soát chặt chẽ.

Tín dụng tiêu dùng là một giải pháp cho nhu cầu tài chính của nhóm khách hàng không đủ điều kiện tiếp cận vốn vay ngân hàng. Song thị trường tương đối mới mẻ này vẫn tiềm ẩn rủi ro mà cả bên cho vay và người đi vay cần phải suy xét. Thông thường, người tiêu dùng chỉ nhìn vào tiện ích của dịch vụ mà không xem xét kỹ càng khả năng trả nợ, hay sự cần thiết của khoản vay, dẫn đến chi tiêu vượt quá khả năng trả nợ. Đến khi khi lâm vào cảnh nợ nần, chậm trễ trong thanh toán, người vay mới bắt đầu xem lại hợp đồng, than phiền về vấn đề lãi suất, phí phạt..., thay vì chủ động trao đổi với nhân viên tư vấn về các yếu tố này trước khi quyết định ký kết.

Lãi suất cho vay tiêu dùng của các công ty tài chính có phần cao hơn ngân hàng cũng có lý do của nó. Trước hết là chi phí vốn của công ty tài chính cao do không có chức năng huy động vốn. Giá trị của khoản vay thấp, kỳ hạn ngắn (khoảng 6 - 18 tháng) dẫn đến các chi phí thu hồi nợ, quản lý khoản vay, chi phí phục vụ cao hơn bình thường. Do ngành tài chính tiêu dùng có rủi ro cao, nên mặt bằng lãi suất sẽ cao hơn so với ngân hàng bán lẻ hay ngân hàng thương mại.

Theo lãnh đạo của các công ty tài chính - tiêu dùng, khi bóc tách các chi phí, sẽ thấy mức lãi suất đưa ra là hợp lý và lợi nhuận từ một khoản vay tương đối phù hợp so với chi phí mà công ty phải trả. Hơn nữa, mức lãi suất cho vay của công ty tài chính cũng được điều chỉnh cho nhiều đối tượng khác nhau, tùy vào chất lượng hồ sơ khách hàng và mức rủi ro của khoản vay tín chấp. Mức độ rủi ro được xác định theo các tiêu chí: mức thu nhập, lịch sử tín dụng, đối tượng khách hàng…

Theo TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế - ngân hàng, việc các công ty tài chính và ngân hàng thương mại đẩy mạnh cho vay tiêu dùng sẽ góp phần hạn chế sự tăng trưởng của tín dụng đen đang hoàng hành. Tuy nhiên, trong bối cảnh các công ty tài chính đang từng bước chiếm lĩnh thị phần, các yêu cầu đối với hồ sơ vay thường đơn giản, nên nhiều khách hàng không quan tâm nhiều, đến khi trả nợ mới biết. Để giúp người dân tiếp cận gần hơn với vốn tiêu dùng, lãi suất cho vay cũng cần được các công ty tài chính xem xét ở mức phù hợp hơn.

Tọa đàm về cho vay tiêu dùng

Nhằm cung cấp các thông tin hữu ích tới bạn đọc và người dân, Báo

Đầu tư tổ chức tọa đàm về hoạt động cho vay tiêu dùng năm thứ ba với chủ đề “Phát triển tín dụng tiêu dùng - Giải pháp đẩy lùi tín dụng đen”. Tọa đàm diễn ra vào sáng 15/3/2019 tại Trụ sở Báo Đầu tư (47 - Quán Thánh, quận Ba Đình, Hà Nội).

Tham gia tọa đàm có các diễn giả: TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM); Bà Trần Kim Anh, Phó vụ trưởng Vụ Kinh tế - Tổng hợp (Ban Kinh tế Trung ương); ông Nguyễn Tú Anh, Phó vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (Ngân hàng Nhà nước); TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế; Luật sư Trần Minh Hải, Giám đốc điều hành Basico và nhiều chuyên gia kinh tế - tài chính khác.


baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục