Chặn “bóng ma” tín dụng đen

Tín dụng đen phủ bóng ma u ám không chỉ trên thị trường tài chính Việt Nam, mà cả trong đời sống xã hội nói chung, đòi hỏi phải sớm có giải pháp ngăn chặn và đẩy lùi.
Chặn “bóng ma” tín dụng đen

Những câu chuyện được kể tại một hội nghị liên quan về vấn đề này do Ngân hàng Nhà nước tổ chức cuối tuần qua tại Gia Lai càng cho thấy độ tinh vi, tính phức tạp và hệ lụy xã hội khôn lường của hình thức tín dụng đen. 

Với lãi suất rất cao, nói đúng hơn là “cắt cổ”, từ 240 đến 600%/năm, rất nhiều trường hợp người vay không có khả năng trả nợ do lãi mẹ đẻ lãi con. Và đó là lúc đòi nợ thuê hoành hành, với các hành vi hết sức manh động, như đe dọa, khủng bố về tinh thần, đánh đập, hành hạ... Đã có trường hợp, người vay bị đánh đến mức tử vong.

Chỉ riêng ở Lâm Đồng đã có 17 công ty đòi nợ thuê. Cũng chỉ riêng ở địa phương này, từ năm 2018 đến nay, đã phát hiện 87 vụ việc liên quan đến hoạt động tín dụng đen. Công an đã khởi tố 19 vụ, 50 bị can; xử lý hành chính 16 vụ, 30 đối tượng.

Hiện Lâm Đồng còn đang giải quyết 34 vụ, trong đó khởi tố 10 vụ, 25 bị can.

Còn trên phạm vi cả nước, trong vòng 4 năm trở lại đây, đã có 7.624 vụ phạm tội liên quan đến tín dụng đen, bao gồm 56 vụ giết người, 398 vụ gây thương tích, 629 vụ cướp tài sản, 836 vụ cưỡng đoạt tài sản, 1.809 vụ lừa đảo, 3.581 vụ lạm dụng tín nhiệm, 165 vụ hủy hoại tài sản…

Ở các thành phố lớn như TP.HCM, Bình Dương… tín dụng đen diễn biến rất phức tạp. Nhưng “vòi bạch tuộc” tín dụng đen còn len lỏi, hoành hành kinh khủng hơn ở các khu vực nông thôn, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, gây ảnh hưởng khôn lường tới an ninh xã hội và đời sống người dân. Ở vùng Tây Nguyên, nhiều gia đình phải bán nhà để trả nợ vì dính đến tín dụng đen…

Cuộc sống nghèo khó, thiếu tiền cho các nhu cầu thiết yếu, như tiêu dùng, chữa bệnh, thậm chí là thiếu tiền cho lô đề, cờ bạc… khiến người dân tìm đến tín dụng đen ngày càng nhiều hơn. Không phải ai cũng tiếp cận được vốn vay từ ngân hàng, bởi thủ tục quá khó khăn, thì tìm đến tín dụng đen, dù lãi suất cắt cổ, nhưng thủ tục lại nhanh và được cấp tiền ngay.

Bởi thế, để đẩy lùi tín dụng đen thì giải pháp phải được thực hiện một cách toàn diện. Một mặt, quản lý, xử lý nghiêm minh các hoạt động liên quan đến tín dụng đen, đặc biệt là đòi nợ thuê; mặt khác, phải tạo điều kiện cho người dân, đặc biệt là ở vùng núi, vùng sâu vùng xa, được tiếp cận thuận lợi hơn, nhanh hơn các khoản vay từ ngân hàng nhằm đáp ứng các nhu cầu từ sản xuất - kinh doanh, đến các nhu cầu thiết yếu như chữa bệnh, tiêu dùng.

Tất nhiên, cần nhận rõ và phân biệt mục đích của người vay, theo đó sẽ chỉ tạo điều kiện tối đa để người dân tiếp cận tín dụng với các khoản vay chính đáng. Còn các khoản vay để bài bạc, lô đề cần được kiểm soát và ngăn chặn kịp thời.

Thêm nữa, cũng cần phát triển tín dụng tiêu dùng. Nếu phát triển được hình thức này sẽ hạn chế được tín dụng đen. Tất nhiên, cũng phải có các chính sách, quy định minh bạch để người dân tìm hiểu kỹ trước khi đặt bút ký vay tài chính.

Ở đây, cũng cần phải nhấn mạnh một điều rằng, cần tuyên truyền để người dân - nhất là người dân ở vùng sâu, vùng xa - hiểu rõ hơn về sự nguy hiểm, tính phức tạp của tín dụng đen để phòng bị và tránh xa. Không phải ngẫu nhiên, mà tín dụng đen được ví chẳng khác nào “cướp ngày”.

Rõ ràng, các ngành, các cấp, đặc biệt là ngành ngân hàng - như chỉ đạo đầu năm của Thủ tướng Chính phủ - phải phối hợp với Bộ Công an, chính quyền quyết liệt đẩy lùi “tín dụng đen”. Nếu hợp sức thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, kiên quyết, thì “bóng ma” tín dụng đen sẽ không thể phủ bóng đen lên thị trường tài chính và cuộc sống của người dân.

Hà Nguyễn
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục