Đầu tư vào công nghệ bảo hiểm: Thay đổi hay biến mất?

(ĐTCK) Ngành bảo hiểm vốn luôn chậm chân trong lĩnh vực công nghệ nên có rất nhiều tiềm năng cho các doanh nghiệp mới thành lập thi nhau bước vào khai thác cơ hội. 
Các công ty công nghệ mới thành lập đang tìm cách vẽ lại chuỗi giá trị của ngành bảo hiểm Các công ty công nghệ mới thành lập đang tìm cách vẽ lại chuỗi giá trị của ngành bảo hiểm

Một trong những lý do chính khiến họ có khả năng thành công là vì các doanh nghiệp bảo hiểm hiện chưa thể đưa ra những cải tiến đột phá cho khách hàng trong không gian kỹ thuật số.

Trên thực tế, ngành bảo hiểm còn thua xa các dịch vụ tài chính khác, trong đó có dịch vụ ngân hàng cá nhân, trong việc mang đến những trải nghiệm cho các khách hàng sử dụng dịch vụ trực tuyến.

Xu hướng tất yếu

Nhìn ra quốc tế, một trong những công ty bảo hiểm công nghệ được đầu tư nhiều nhất là Zhong An, một doanh nghiệp bán bảo hiểm trực tuyến tại Trung Quốc, tập trung vào lĩnh vực bảo hiểm tài sản và thiệt hại, với vốn đầu tư ban đầu từ Alibaba và Tencent.

Đồng thời cũng phải kể đến những công ty mới thành lập khác như Zenefits, Oscar, Collective Health, và Clover, tập trung vào mảng bảo hiểm sức khỏe, tham gia cung cấp dịch vụ môi giới, giải pháp công nghệ, hoặc tự kinh doanh bảo hiểm sức khỏe. Oscar hiện đang được định giá hơn 1 tỷ USD.

Ông Phạm Trường Khánh, Giám đốc Công ty Dịch vụ kết nối khám chữa bệnh EasyCare. Ông Khánh có 18 năm kinh nghiệm trong ngành bảo hiểm cả nhân thọ và phi nhân thọ.

Một số công ty khác đang hướng vào bảo hiểm tử kỳ, tài sản và thiệt hại, bảo hiểm sức khoẻ, hoặc những lĩnh vực mới như peer-to-peer insurance (tạm dịch: bảo hiểm đồng đẳng).

Điều then chốt là các doanh nghiệp khởi nghiệp (start-up) sẽ làm được gì trong ngành bảo hiểm? Bà Jennifer Fitzgerald, Giám đốc điều hành của Genius Policy, vốn là một chuyên gia tư vấn McKinsey, cho rằng các công ty bảo hiểm thường chỉ tìm cách mang thêm các quyền lợi bảo hiểm cho khách hàng.

Trong khi đó, các công ty công nghệ mới thành lập đang tìm cách vẽ lại chuỗi giá trị của ngành bảo hiểm ở nhiều mảng khác nhau, từ bồi thường, phân phối đến đánh giá rủi ro.

Lãnh đạo của các tập đoàn bảo hiểm lớn nhất đều nhận thức được những thay đổi đang diễn ra và họ đã phản ứng như thế nào? Hãy nhìn vào những khoản đầu tư của họ đối với những start-up trong ngành công nghệ.

Một loạt hãng bảo hiểm như Aviva, AXA, Chubb, Liberty Mutual, MassMutual, Munich Re, New York Life, Ping An, Transamerica và các công ty khác đang đầu tư vào các start-up công nghệ. Theo CBINSIGHTS, số vụ đầu tư đã tăng lên hàng năm, từ 46 vụ trong năm 2012, lên 65 vụ trong năm 2013, 94 vụ trong năm 2014, 124 vụ trong năm 2015 và 174 vụ trong năm 2016.

Ở châu Á, số lượng giao dịch tăng từ 5 vụ trong năm 2013 lên 27 vụ vào năm 2016. Ấn Độ và Trung Quốc chiếm 59% tổng số vụ đầu tư vào các công ty công nghệ bảo hiểm ở châu Á vào năm 2016.

Rất nhiều công ty bảo hiểm đang hợp tác với các start-up, đặc biệt là trong mảng IoT (Internet of Things). Các hãng bảo hiểm đang ngày càng nhận ra tiềm năng của IoT trong hoạt động kinh doanh cốt lõi và chúng ta có thể thấy điều này qua các hoạt động hợp tác của họ.

Progressive hợp tác với Censio để cung cấp dịch vụ bảo hiểm dựa trên mức độ sử dụng xe ô tô của khách hàng thông qua ứng dụng Snapshot. Ứng dụng này giúp Progressive có thể tự động theo dõi và đo lường các dữ liệu về việc sử dụng xe như thời gian trong ngày, số km, số lần phanh gấp và khả năng giảm phí thông qua chương trình của Progressive.

Tại Đông Nam Á, Ant Financial hợp tác với Ascend Money của Thái Lan, một nhánh của Tập đoàn Charoen Pokphand để xây dựng một dịch vụ bảo hiểm kỹ thuật số, trước mắt là dành cho người đi xe máy. Axinan, một start-up bảo hiểm cho các đơn hàng bị trả lại, đang hợp tác với chợ trực tuyến Tokopedia của Indonesia và xử lý hơn 180.000 đơn đặt hàng mỗi tháng. Xu hướng hợp tác này sẽ tiếp tục gia tăng.

Ngày càng có nhiều hãng bảo hiểm tính đến việc thành lập công ty đầu tư mạo hiểm (corporate venture). Một số hãng đã đầu tư vào các dự án mạo hiểm mang tính chiến lược, bao gồm XL Catlin, AXA, Aviva vào năm 2015, Allianz, Fairfax, IAG, Liberty Mutual, Annexus, Cuna Mutual vào năm 2016, Aflac, Helvetia và Northwestern Mutual vào năm 2017. Điều đáng chú ý là số vụ đầu tư đang ngày càng gia tăng.

Ngoài ra, nhiều tập đoàn khai thác tài nguyên Internet hàng đầu như Google, Alibaba, Tencent, Baidu, và Rakuten cũng đã có những bước tiến vào ngành bảo hiểm. Google đã đầu tư vào ba dự án bảo hiểm sức khoẻ thông qua Google Ventures và Google Capita, đồng thời hợp tác với Liberty Mutual nhằm giảm phí bảo hiểm nhà cho khách hàng và hợp tác với American Family Insurance để giảm chi phí mua hệ thống báo cháy Nest.

Khoản đầu tư mạo hiểm mới nhất liên quan đến bảo hiểm của Google là vào công ty bảo hiểm trực tuyến Lemonade, chuyên kinh doanh bảo hiểm cho chủ nhà và người thuê nhà. Mặc dù Google đã thất bại trong một số thương vụ như Google Compare, chúng ta nên theo dõi sát sao những động tĩnh của ông lớn này bởi vì Google có những hiểu biết sâu sắc về người sử dụng Internet.

Start-up và công nghệ bảo hiểm

Hầu hết các start-up đều tập trung vào dịch vụ môi giới bảo hiểm, bao gồm nhân thọ, sức khỏe, tài sản và thiệt hại, hoặc sản phẩm khác. Liệu các start-up có hướng đến việc phát triển thành các công ty bảo hiểm thực sự?

Một số công ty ở châu Âu đang đi theo chiến lược này với dịch vụ bảo hiểm đồng đẳng, Công ty Zhong An ở Trung Quốc đang chuyển sang hướng này, còn Mass Mutual ở Hoa Kỳ đã bắt đầu bán sản phẩm bảo hiểm riêng mang tên Haven Life.

Trong khi đó, Công ty Oscar, cũng ở Hoa Kỳ, thì lại cung cấp bảo hiểm sức khỏe. Điều mà các nhà đầu tư và chuyên gia trong ngành bảo hiểm băn khoăn là không biết các start-up công nghệ có thể trở thành những công ty bảo hiểm thành công hay không, hay chỉ có thể phát triển tốt ở mảng môi giới bảo hiểm.

Tăng trưởng trong ngành công nghệ thường bắt đầu chậm và sau đó phát triển cực kỳ nhanh. Điều này có lẽ cũng sẽ lặp lại đối với các start-up công nghệ bảo hiểm. Rất nhiều giải pháp bắt đầu từ hôm nay hay trong thời gian tới sẽ bị bỏ qua hoặc chỉ có thể bắt đầu một cách khiêm tốn.

Tuy nhiên, cuối cùng, một số giải pháp sẽ phát triển, trở thành những cú huých thay đổi cả ngành bảo hiểm. Ngày ấy sẽ đến, có thể là 5, 10, hay 20 năm nữa, nhưng chắc chắn là có rất nhiều cơ hội đang mở ra cho các start-up công nghệ bảo hiểm. Mario Greco, Tổng giám đốc Tập đoàn bảo hiểm Zurich đã từng nói rằng, "ngành bảo hiểm sẽ phải thay đổi hoặc biến mất".

Bài học gì cho doanh nghiệp bảo hiểm Việt Nam?

Dù thị trường bảo hiểm Việt Nam nói chung còn khá sơ khai so với việc ứng dụng công nghệ của ngành bảo hiểm trên thế giới, nhưng theo E&Y, các công ty bảo hiểm thức thời cũng đang hành động phù hợp với năm xu hướng công nghệ chính như kỹ thuật số và tiếp thị đa kênh (omni-channel), big data và phân tích dữ liệu, đổi mới hệ thống quản lý thông tin cốt lõi nay đã lỗi thời, an ninh mạng và công nghệ bảo hiểm, blockchain.

Vì công nghệ là động lực chính cho chiến lược lấy khách hàng là trung tâm, đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động và cải thiện cách tính phí, các công ty bảo hiểm sẽ cần phải tiếp tục đầu tư vào năm lĩnh vực này để đạt được các mục tiêu kinh doanh cốt lõi sau: cải thiện cách tính phí bằng cách nâng cao khả năng thẩm định; hoạt động hiệu quả hơn nhờ công nghệ robot và tự động hóa quy trình; đổi mới và chuyển đổi sang kỹ thuật số…

Một số dự án đang chú ý trong công nghệ bảo hiểm

Baidu hợp tác với Allianz trong một chương trình bảo hiểm dựa trên tình huống, trong đó bao gồm các khoản bảo hiểm nhỏ cho giao dịch thường xuyên tại một địa điểm hay trên Internet, chẳng hạn việc ăn tối ở nhà hàng, mua vé...

Một số start-up chuyên cung cấp bảo hiểm theo yêu cầu. Ví dụ, Sure đang cung cấp Episodic Insurance, một hình thức bảo hiểm cho những giai đoạn đứt quãng. Cuvva, một công ty có trụ sở tại Edinburgh, sẵn sàng cung cấp bảo hiểm ô tô cho thời gian một tiếng, một ngày, một tuần hay bất cứ thời gian nào khách hàng yêu cầu.

Orbital Insight, một công ty chuyên cung cấp hình ảnh vệ tinh, đã thêm bảo hiểm vào danh mục sản phẩm của họ. Bằng cách sử dụng dữ liệu và các hình ảnh vệ tinh mà họ thu thập được, Orbital Insight có thể theo dõi những nơi có thiên tai hoặc khó tiếp cận nhằm giúp các công ty bảo hiểm và tái bảo hiểm hiểu rõ hơn về rủi ro. Giám đốc điều hành của họ là Jimmy Crawford trước đây từng làm việc tại Climate Corp, nên ông rất hiểu về hoạt động kinh doanh bảo hiểm, đặc biệt là về việc phân tích dữ liệu.

Beam Technology, khởi đầu với việc cung cấp bàn chải đánh răng thông minh, hiện đang cung cấp bảo hiểm nha khoa bằng cách khai thác dữ liệu về hoạt động vệ sinh răng miệng.

Phạm Trường Khánh
Đặc san Toàn cảnh Bảo hiểm Việt Nam 2017

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục