Chủ tịch Thanh Hóa yêu cầu các ngành chú trọng giải ngân vốn ODA, đầu tư công
Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, Nguyễn Đình Xứng nhấn mạnh, việc giải ngân vốn ODA và đầu tư công vừa là nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội vừa là nhiệm vụ ngoại giao.
Ông Nguyễn Đình Xứng, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa. |
Thông tin từ Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh, tại Thanh Hóa, tổng kế hoạch vốn nước ngoài cấp phát từ ngân sách Trung ương năm 2020 là 608,013 tỷ đồng, trong đó vốn từ năm 2019 kéo dài sang năm 2020 là 144,513 tỷ đồng. Nguồn vốn này được phân bổ để triển khai 13 dự án trên địa bàn tỉnh.
Tính đến ngày 26 - 10, toàn tỉnh đã giải ngân được 242,109 tỷ đồng, đạt 40% kế hoạch vốn được giao. Trong đó, trong gần 3 tháng gần đây đã giải ngân được 118,775 tỷ đồng, bằng 98% giá trị giải ngân của cả 7 tháng trước đó (123,334 tỷ đồng). Tỷ lệ dự kiến đến hết năm 2020 đạt khoảng 80%; còn khoảng 20% vốn không thể giải ngân theo đúng kế hoạch.
Như vậy, tình hình giải ngân vốn ODA cho các dự án tại Thanh Hóa vẫn còn chậm và chưa đạt yêu cầu đề ra. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này có cả khách quan và chủ quan. Về chủ quan, là do các chủ đầu tư thiếu tính quyết liệt trong đôn đốc, chỉ đạo thực hiện; công tác chuẩn bị hồ sơ, dự án còn chậm. Ngoài ra, công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng ở nhiều dự án còn chậm, ảnh hưởng đến tiến độ thi công nhiều dự án, không có khối lượng để giải ngân vốn. Thực tế năng lực, trách nhiệm của một số cán bộ, công chức trong xử lý hồ sơ, tham mưu giải quyết khó khăn, vướng mắc cho các dự án còn hạn chế.
Cùng với đó, nguyên nhân khách quan là do sự chồng chéo, bất cập của nhiều văn bản quy phạm pháp luật; quy trình thủ tục giải ngân; một số dự án chưa ký hợp đồng vay lại vốn ODA; sự khác biệt về trình tự, thủ tục, chính sách của Việt Nam và nhà tài trợ về đấu thầu; những vướng mắc trong việc giải phóng mặt bằng và tái định cư.
Từ nay đến cuối năm, để các dự án bảo đảm tiến độ thi công và giải ngân vốn, ông Nguyễn Đình Xứng lưu ý, đối với các chủ đầu tư phải lo phối hợp với các ngành, đấu mối vốn đối ứng, phối hợp với các địa phương để đẩy nhanh giải phóng mặt bằng cho triển khai dự án…Đối với các sở ngành liên quan, cần có hướng giải quyết những khó khăn vướng mắc, nếu quá thẩm quyền phải có báo cáo ngay với Chủ tịch UBND tỉnh. Với những dự án thiếu vốn đối ứng của tỉnh, các sở Tài chính, sở Kế hoạch và Đầu tư cùng chủ đầu tư bàn bạc, tham mưu, đến ngày 3 - 11, phải đề xuất tìm được nguồn huy động vốn đối ứng cho các dự án.
Hiện nay, Thanh Hóa có 3 dự án đang có nhiều vướng mắc chưa thể giải quyết với khoảng 96 tỷ đồng cần giải ngân; và có khả năng chưa thể giải ngân hết trong năm 2020. Ông Xứng yêu cầu chủ đầu tư và các sở liên quan phải có đề xuất UBND tỉnh để báo cáo Trung ương xin chủ trương điều chỉnh vốn sang năm 2021.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có 23 chương trình, dự án ODA đang triển khai thực hiện, với tổng mức đầu tư 11.224 tỷ đồng; trong đó, 15 dự án do tỉnh quản lý, bố trí kế hoạch vốn; 8 dự án do Trung ương quản lý, bố trí kế hoạch vốn.
Vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước đạt 354.600 tỷ đồng
So với cùng kỳ, tốc độ tăng vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước tiếp tục đạt mức cao nhất trong giai đoạn 2016 - 2020.
Vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước tháng 10/2020 ước tính đạt 52.000 tỷ đồng, tăng 42,2% so với cùng kỳ năm trước.
Nguồn: Tổng cục Thống kê |
Tính chung 10 tháng năm 2020, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước đạt 354.600 tỷ đồng, bằng 69,8% kế hoạch năm và tăng 34,4% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2019 bằng 68,8% và tăng 6,7%).
Cụ thể, vốn Trung ương quản lý đạt 62.100 tỷ đồng, bằng 67,7% kế hoạch năm và tăng 67,8% so với cùng kỳ năm trước; vốn địa phương quản lý đạt 292.500 tỷ đồng, bằng 70,3% kế hoạch năm và tăng 29%.
Nguồn: Tổng cục Thống kê |
Theo thống kê, tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam tính đến ngày 20/10/2020 bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 23,5 tỷ USD, giảm 19,4% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó có 2.100 dự án được cấp phép mới với số vốn đăng ký đạt 11,7 tỷ USD, giảm 32,1% về số dự án và giảm 9,1% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước; có 907 lượt dự án đã cấp phép từ các năm trước đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư với số vốn tăng thêm đạt 5,7 tỷ USD, tăng 4,4%; có 5.451 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị góp vốn đạt 6,1 tỷ USD, giảm 43,5%. Trong tổng số lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài có 1.392 lượt góp vốn, mua cổ phần làm tăng vốn điều lệ của doanh nghiệp với giá trị vốn góp gần 2,5 tỷ USD và 4.059 lượt nhà đầu tư nước ngoài mua lại cổ phần trong nước mà không làm tăng vốn điều lệ với giá trị hơn 3,6 tỷ USD. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện 10 tháng ước tính đạt 15,8 tỷ USD, giảm 2,5% so với cùng kỳ năm trước.
Đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài trong 10 tháng năm 2020 có 107 dự án được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư mới với tổng số vốn đầu tư của phía Việt Nam là 314,5 triệu USD; có 28 lượt dự án điều chỉnh vốn với số vốn tăng thêm đạt 163,8 triệu USD. Tính chung tổng vốn đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài (vốn cấp mới và tăng thêm) 10 tháng đạt 478,3 triệu USD, tăng 16,1% so với cùng kỳ năm trước.
Thêm 2 gói thầu tại Dự án đường cao tốc Bắc – Nam tìm được nhà thầu
Tính đến thời điểm này đã có 5/13 gói thầu xây lắp thuộc 3 dự án thành phần cao tốc Bắc – Nam phía Đông chuyển đổi hình thức đầu tư PPP sang đầu tư công tìm được nhà thầu.
Hiện trường thi công cao tốc Mai Sơn - Quốc lộ 45. Ảnh: Lê Hoàng. |
Theo thông tin của baodautu.vn, Bộ GTVT vừa phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu Gói thầu số 12-XL -Thi công xây dựng đoạn Km301 - Km307, Dự án thành phần đầu tư xây dựng đoạn Mai Sơn - Quốc lộ 45. Đơn vị trúng thầu là Liên danh Công ty Cổ phần Tập đoàn Đèo Cả - Công ty Cổ phần đầu tư xây dựng Hải Thạch - Tổng Công ty đầu tư xây dựng Hoàng Long – CTCP với giá trúng thầu 1.344 tỷ đồng. Thời gian thực hiện hợp đồng là 24 tháng.
Bộ GTVT cũng đã phê duyệt Gói thầu số 10-XL: Thi công xây dựng đoạn Km274+111,86 - Km289+500 thuộc Dự án thành phần đầu tư xây dựng đoạn Mai Sơn - Quốc lộ 45. Đơn vị trúng thầu gói thầu này là liên danh Doanh nghiệp tư nhân xây dựng Xuân Trường - Công ty TNHH Tập đoàn Sơn Hải với giá trúng thầu là 1.628 tỷ đồng. Thời gian thực hiện hợp đồng là 24 tháng.
Trước đó, Bộ GTVT đã hoàn tất các thủ tục lựa chọn nhà thầu của 3 gói thầu xây lắp đầu tiên trong số 13 gói thầu xây lắp của 3 dự án thành phần cao tốc Bắc – Nam phía Đông chuyển đổi hình thức đầu tư từ PPP sang đầu tư công là Phan Thiết – Dầu Giây, Vĩnh Hảo – Dầu Giây và Mai Sơn – Quốc lộ 4.
Theo đó, Gói thầu XL - 03: Thi công xây dựng đoạn Km47+672 - Km83 (bao gồm khảo sát, thiết kế bản vẽ thi công), Dự án thành phần đầu tư xây dựng đoạn Phan Thiết - Dầu Giây đã được trao cho Liên danh Tổng công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex) - Công ty TNHH Thương mại và Xây dựng Trung Chính với giá trúng thầu (đã bao gồm thuế VAT, dự phòng) là 2.300 tỷ đồng. Gói thầu sử dụng vốn ngân sách Nhà nước này có thời gian thực hiện hợp đồng là 24 tháng. Gói thầu xây lắp số 3 chính là gói thầu lớn nhất tại Dự án thành phần cao tốc Dầu Giây – Phan Thiết với giá gói thầu là 2.319 tỷ đồng.
Gói thầu XL - 01: Thi công xây dựng đoạn Km134+000 - Km154+000, nút giao Vĩnh Hảo và tuyến nối QL1 (bao gồm khảo sát, thiết kế BVTC), Dự án thành phần đầu tư xây dựng đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết được trao cho Liên danh Tổng công ty Thăng Long - Công ty cổ phần Đạt Phương - Công ty TNHH Xây dựng Tự Lập với giá trúng thầu (đã bao gồm thuế VAT, chi phí dự phòng) là 1.687,68 tỷ đồng; thời gian thực hiện hợp đồng là 24 tháng.
Gói thầu XL -11: Thi công xây dựng đoạn Km289+500 - Km301+000 (bao gồm khảo sát, thiết kế bản vẽ thi công), Dự án thành phần đầu tư xây dựng đoạn Mai Sơn - Quốc lộ 45 đã được trao cho Liên danh Công ty Cổ phần tập đoàn đầu tư xây dựng Cường Thịnh Thi, Tổng Công ty 319 Bộ Quốc phòng và Công ty TNHH Định An với giá trúng thầu 852,357 tỷ đồng (bao gồm dự phòng và 10% thuế VAT); thời gian thực hiện hợp đồng là 24 tháng.
Đối với các gói thầu xây lắp còn lại, nếu không phát sinh các tình huống đấu thầu, Bộ GTVT sẽ phấn đấu lựa chọn xong nhà thầu để có thể triển khai thi công đồng loạt trên toàn tuyến trong khoảng 1 – 2 tuần nữa.
Điều chỉnh kế hoạch đầu tư trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2016-2020
Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 1638/QĐ-TTg điều chỉnh kế hoạch đầu tư trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2016-2020 và điều chỉnh kế hoạch đầu tư vốn nước ngoài nguồn ngân sách trung ương năm 2020 của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương.
Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ quyết định điều chỉnh giảm 1.091,151 tỷ đồng kế hoạch đầu tư trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2016-2020 của các dự án đã được giao kế hoạch đầu tư trung hạn và điều chỉnh tăng tương ứng 1.091,151 tỷ đồng kế hoạch đầu tư trung hạn vốn ngân sách trung ương cho các dự án trong nội bộ của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương.
Đồng thời, điều chỉnh tăng 187,14 tỷ đồng kế hoạch đầu tư trung hạn vốn nước ngoài nguồn ngân sách trung ương từ nguồn dự phòng 10% vốn ngân sách trung ương tại các địa phương cho các dự án của các địa phương.
Thủ tướng Chính phủ cũng điều chỉnh giảm 9.318,342 tỷ đồng kế hoạch đầu tư vốn nước ngoài nguồn ngân sách trung ương năm 2020 đã giao cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương đồng thời bổ sung 517,142 tỷ đồng kế hoạch đầu tư vốn nước ngoài năm 2020 cho các địa phương.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư chịu trách nhiệm toàn diện trước Thủ tướng Chính phủ, các cơ quan thanh tra, kiểm tra và các cơ quan liên quan về tính chính xác của các nội dung, số liệu báo cáo, danh mục và mức vốn điều chỉnh, bổ sung của từng dự án, bảo đảm đúng quy định của pháp luật.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu căn cứ kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương, danh mục và mức vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2016-2020 và năm 2020 được giao, điều chỉnh ở trên, các bộ, cơ quan trung ương và địa phương thông báo cho các đơn vị danh mục và mức vốn từng dự án theo quy định, gửi báo cáo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính trước ngày 25/10/2020; chịu trách nhiệm phân bổ, giao kế hoạch đầu tư vốn nước ngoài nguồn ngân sách trung ương năm 2020 được bổ sung cho các dự án theo quy định Luật Đầu tư công và các Nghị định hướng dẫn.
Có thể vận hành thương mại đường sắt Cát Linh - Hà Đông trước Đại hội Đảng XIII
Đây là cam kết của Bộ trưởng Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về tình hình triển khai dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh-Hà Đông chiều 28/10.
Thủ tướng chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ chiều 18/10 |
Báo cáo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về tình hình triển khai dự án đường sắt đô thị Hà Nội tuyến Cát Linh - Hà Đông, Bộ trưởng Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể cho biết, từ nay đến giữa tháng 11/2020, từ 8 đến 10 chuyên gia tư vấn của Pháp sẽ sang Việt Nam để đánh giá an toàn dự án. Sau đó, phấn đấu trong tháng 12, hoàn thành nghiệm thu có điều kiện. Bộ trưởng Giao thông vận tải cam kết, sẽ cố gắng tối đa để đưa dự án vào vận hành thương mại trước Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII.
Ghi nhận ý kiến của Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, Thủ tướng nêu rõ, việc dự án chậm trễ là khuyết điểm cần nhanh chóng khắc phục, đồng thời rút kinh nghiệm chung cho các công trình, dự án nói chung, trong đó có dự án của Bộ Giao thông vận tải.
Hiện nay khối lượng xây lắp và thiết bị đã cơ bản hoàn thành, đã nghiệm thu 5/5 hạng mục công trình và 9/11 chuyên ngành thiết bị. Công việc chính hiện nay là hoàn thiện hồ sơ để nghiệm thu các công trình thành phần, thanh quyết toán, vận hành thử toàn bộ hệ thống, đồng thời tiếp tục thực hiện đánh giá an toàn của tư vấn trong quá trình vận hành thử hệ thống.
Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, TP. Hà Nội có tinh thần hợp tác cao hơn nữa, liên tục hơn nữa, dành nhiều thời gian xử lý các vấn đề đặt ra. Vấn đề sử dụng nhanh chóng, an toàn đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông là nhiệm vụ chính trị đặc biệt mà chủ đầu tư, TP. Hà Nội phải tập trung sức lực. Các ngành phải xắn tay hợp tác tháo gỡ với trách nhiệm cao nhất.
Thủ tướng nêu rõ quan điểm an toàn phải đặt lên hàng đầu. Các chuyên gia, nhà tư vấn, các cuộc kiểm tra kỹ thuật cần làm đầy đủ để kết luận dự án hoàn toàn bảo đảm an toàn.
Thủ tướng nhấn trí với ý kiến Bộ Xây dựng và Văn phòng Chính phủ, việc nghiệm thu công trình sau khi Hội đồng Nghiệm thu Nhà nước có ý kiến chính thức đưa vào sử dụng. Về bàn giao tài sản, do thời điểm bàn giao dự án chưa quyết toán công trình, giá trị bàn giao chưa được xác định, Thủ tướng giao Bộ Tài chính hướng dẫn Bộ Giao thông vận tải, UBND TP. Hà Nội thủ tục bàn giao tài sản dự án đúng quy định pháp luật.
Hà Nội chuẩn bị các điều kiện cụ thể, nhất là nguồn nhân lực, quy trình, chế độ cho công nhân viên…, phối hợp với Bộ Giao thông vận tải khẩn trương thực hiện các yêu cầu chính đáng của tổng thầu nói chung và bàn giao, sử dụng công trình thành thạo.
Hải Phòng chuẩn bị đầu tư Dự án nâng cấp cải tạo, mở rộng đường tỉnh 351
UBND thành phố Hải Phòng vừa có Quyết định số 3107/QĐ-UBND giao nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư Dự án nâng cấp cải tạo, mở rộng đường tỉnh 351 cho Sở Giao thông Vận tải thành phố.
Đường tỉnh 351 giữ vai trò trục chính, là tuyến giao thông quan trọng trên địa bàn huyện An Dương |
Theo đó, Dự án nâng cấp cải tạo, mở rộng đường tỉnh 351 đoạn từ ngã tư Long Thành, xã Nam Sơn đến cầu Kiến An, xã Hồng Thái, huyện An Dương (Hải Phòng) có quy mô đường cấp III đồng bằng, với chiều dài tuyến 7 km; bề rộng nền đường 25 m, mặt đường 18 m. Gồm 4 làn xe cơ giới, 2 làn xe thô sơ và hệ thống hạ tầng kỹ thuật trên tuyến.
Đường tỉnh 351 là con đường giữ vai trò trục chính, là tuyến giao thông quan trọng trên địa bàn huyện An Dương, có vai trò kết nối giao thông giữa các tuyến Quốc lộ 5, Quốc lộ 10, Quốc lộ 17B, đường Máng Nước, đường An Kim Hải và đến các khu công nghiệp lớn của thành phố như Khu công nghiệp Nomura, Khu công nghiệp Tràng Duệ, Khu công nghiệp An Dương... chính vì vậy lưu lượng, mật độ người và các phương tiện tham gia giao thông đi lại trên các tuyến đường này rất lớn, đặc biệt là vào các giờ cao điểm thường xảy ra ùn tắc cục bộ.
Chưa kể gần đây tuyến đường World Bank mới được đưa vào khai thác vận hành nên lưu lượng người và phương tiện tham gia giao thông trên tuyến tăng đột biến, tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn giao thông. Do đó, việc nâng cấp mở rộng đường tỉnh 351 là rất cần thiết, góp phần quan trọng trong việc đảm bảo an toàn giao thông và phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của huyện An Dương nói riêng cũng như thành phố Hải Phòng nói chung.
Lâm Đồng: Bổ sung dự án Trường đua Thiên Mã vào danh mục ưu tiên
Điều chỉnh cục bộ quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Lâm Đồng được bổ sung một số nội dung, trong đó có Dự án đầu tư Trường đua ngựa, đua chó Thiên Mã.
Ảnh minh họa |
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã ký Quyết định phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Lâm Đồng đến năm 2020 tại Quyết định số 1462/QĐ-TTg ngày 23/8/2011 của Thủ tướng Chính phủ.
Cụ thể, bổ sung Mục d, Điểm 4, Khoản III, Điều 1 Quyết định số 1462/QĐ-TTg về định hướng về phát triển văn hóa thông tin, thể dục thể thao: "Tăng cường xã hội hóa các nguồn lực đầu tư cho công trình thể dục thể thao gắn với các hoạt động khai thác dịch vụ, du lịch chất lượng cao".
Bổ sung Dự án đầu tư Trường đua ngựa, đua chó Thiên Mã - Madagui - Câu lạc bộ Polo và ngựa biểu diễn (có hoạt động kinh doanh đặt cược) vào danh mục các dự án ưu tiên nghiên cứu đầu tư thời kỳ 2011 - 2020 tỉnh Lâm Đồng nêu tại Khoản V, Điều 1 Quyết định số 1462/QĐ-TTg.
Quyết định này là bộ phận không tách rời của Quyết định 1462/QĐ-TTg ngày 23/8/2011 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Lâm Đồng đến năm 2020.
Dự án đầu tư Trường đua ngựa Madagui tại thôn 4 xã Đạ Oai (huyện Đạ Huoai) đã được UBND tỉnh Lâm Đồng cấp giấy chứng nhận cho Công ty trách nhiệm hữu hạn Hồng Lam - Madagui từ ngày 29/1/2011 nhưng không có nội dung đặt cược. Qua 3 lần điều chỉnh, đến nay, dự án này được đổi tên thành Trường đua ngựa, đua chó Thiên Mã - Madagui - Câu lạc bộ Polo và ngựa biểu diễn.
Ông Tony Blair đề xuất Việt Nam hợp tác với Tập đoàn Oracle triển khai Hệ thống Quản lý y tế số
Cựu Thủ tướng Anh Tony Blair bày tỏ mong muốn hỗ trợ Việt Nam trong thu hút các dòng đầu tư chất lượng cao trong thời gian tới.
Chiều 27/10, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã điện đàm với cựu Thủ tướng Anh Tony Blair, Chủ tịch điều hành Viện Tony Blair vì sự thay đổi toàn cầu.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh |
Tại cuộc điện đàm, Cựu Thủ tướng Anh Tony Blair chúc mừng và đánh giá cao kết quả tích cực của Việt Nam trong phòng chống dịch Covid-19 và là một trong số ít những nền kinh tế duy trì tăng trưởng dương trong năm 2020. Ông Tony Blair nhấn mạnh vai trò của chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ trong phòng chống dịch Covid-19; đề xuất khả năng hợp tác với Tập đoàn Oracle (Mỹ) trong triển khai Hệ thống Quản lý y tế số tại Việt Nam nhằm ứng phó dịch Covid-19.
Cựu Thủ tướng Tony Blair đánh giá cao môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam không ngừng được cải thiện. Với những kết quả đạt được trong phòng chống dịch Covid-19 và Hiệp định EVFTA chính thức có hiệu lực, Việt Nam đang nổi lên là một điểm sáng trong thu hút dòng đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) toàn cầu đang dịch chuyển. Ông Tony Blair bày tỏ mong muốn hỗ trợ Việt Nam trong thu hút các dòng đầu tư chất lượng cao trong thời gian tới.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Phạm Bình Minh đánh giá cao cựu Thủ tướng Tony Blair đã có đóng góp thúc đẩy quan hệ Việt Nam và Anh cũng như tư vấn, cung cấp kiến nghị chính sách cho Việt Nam trong một số lĩnh vực như thu hút FDI, triển khai mô hình đối tác công tư (PPP)… trong thời gian qua. Trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp trên toàn cầu, Việt Nam chủ trương thúc đẩy hợp tác quốc tế trong phòng, chống dịch bệnh Covid-19, nhất là nghiên cứu, sản xuất và phân phối vắc-xin và thuốc điều trị.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Phạm Bình Minh khẳng định thu hút đầu tư nước ngoài chất lượng cao và hợp tác phát triển công nghệ là các định hướng ưu tiên của Việt Nam trong phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn tới; mong muốn hai bên thúc đẩy hợp tác trong thu hút dòng đầu tư nước ngoài chất lượng cao, hướng tới các dự án FDI sử dụng công nghệ cao, thành lập các trung tâm đổi mới sáng tạo, nghiên cứu và phát triển (R&D) và có sự liên kết với hệ thống doanh nghiệp trong nước thông qua đào tạo nguồn nhân lực, phát triển công nghiệp hỗ trợ.
Đà Nẵng: Hơn 7.000 tỷ đồng cho kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2021
Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. Đà Nẵng cho biết, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có Công văn số 6872/BKHĐT-TH thông báo dự kiến kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2021 cho thành phố Đà Nẵng.
Tổng số vốn dự kiến kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2021 cho thành phố Đà Nẵng là hơn 7000 tỷ đồng. |
Theo đó, tổng số vốn dự kiến kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2021 cho thành phố Đà Nẵng là 7.075 tỷ đồng.
Cụ thể, vốn ngân sách địa phương là 5.242 tỷ đồng. Trong đó chi xây dựng cơ bản vốn tập trung trong nước là 2.019 tỷ đồng; Đầu tư từ nguồn thu sử dụng đất: 2.700 tỷ đồng; Đầu tư từ nguồn xổ số kiến thiết là 165.000 triệu đồng; Đầu tư từ nguồn bội chi ngân sách địa phương là 357.800 triệu đồng.
Vốn ngân sách trung ương được bố trí trong dự kiến kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2021 cho thành phố Đà Nẵng là 1.832 tỷ đồng. Gồm vốn trong nước là 1.362 tỷ đồng, Vốn nước ngoài: 470.000 triệu đồng.
Số vốn trong nước 1.362 tỷ đồng sẽ đầu tư các dự án kết nối, có tác động liên vùng có ý nghĩa thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững: 927.000 triệu đồng (Đầu tư xây dựng công trình nút giao thông khác mức tại nút giai thông ngã ba Huế dự kiến bố trí 727.000 triệu đồng và Đầu tư xây dựng Bến cảng Liên Chiểu dự kiến bố trí 200.000 triệu đồng). Thu hồi các khoản ứng trước là 129.565 triệu đồng;
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị thành phố Đà Nẵng triển khai phân bổ kế hoạch vốn đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2021 theo các nguyên tắc, tiêu chí phân bổ quy định tại Nghị quyết số 973/2020/UBTVQH14 ngày 8/7/2020 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quyết định số 26/2020/QĐ-TTg ngày 14/9/2020 của Thủ tướng Chính phủ và hướng dẫn tại Công văn số 6872/BKHĐT-TH ngày 16/10/2020 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Đồng thời, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị thành phố Đà Nẵng báo cáo phương án phân bổ kế hoạch vốn ngân sách Trung ương năm 2021 trước ngày 25/10/2020 và cập nhật trên hệ thống thông tin về đầu tư sử dụng vốn nhà nước. ng dịch bệnh Covid-19, nhất là nghiên cứu, sản xuất và phân phối vắc-xin và thuốc điều trị.
Vẫn có đến 23,48 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam
Trong 10 tháng qua, vẫn có 23,48 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam, tuy giảm gần 20% so với cùng kỳ nhưng vẫn là kết quả khá tích cực trong bối cảnh Covid-19.
Trong 10 tháng năm 2020, lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt 10,7 tỷ USD.. |
Số liệu vừa được Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) công bố, tính đến ngày 20/10/2020, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam đạt 23,48 tỷ USD, bằng 80,6% so với cùng kỳ năm 2019.
Trong số này, vốn đăng ký mới đạt 11,66 tỷ USD, giảm 9,1% so với cùng kỳ; vốn tăng thêm dặt trên 5,71 tỷ USD, tăng 4,4% so với cùng kỳ.
Theo lý giải của Cục Đầu tư nước ngoài, vốn điều chỉnh trong 10 tháng qua tăng chủ yếu là do có Dự án Tổ hợp hoá dầu Miền Nam Việt Nam tại Bà Rịa - Vũng Tàu (Thái Lan) điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm 1,386 tỷ USD và Dự án Khu Trung tâm đô thị tây hồ Tây (Hàn Quốc) điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm 774 triệu USD.
Ngoài ra, còn có 5.451 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài, với tổng giá trị vốn góp là 6,11 tỷ USD, giảm 43,5% so với cùng kỳ. Con số này cũng đã khiến cơ cấu giá trị góp vốn, mua cổ phần trong tổng vốn đầu tư cũng giảm so với cùng kỳ năm 2019 (từ 37,1% trong 8 tháng năm 2019 xuống 26% trong 10 tháng năm 2020).
Điều đáng chú ý là, vốn thực hiện của các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài tiếp tục xu hướng giảm, ước đạt 15,8 tỷ USD, bằng 97,5% so với cùng kỳ năm 2019.
Những con số thống kê này một lần nữa cho thấy đại dịch Covid-19 đã tác động mạnh tới đầu tư nước ngoài như thế nào, kể cả là vốn đăng ký mới hay vốn đầu tư thông qua góp vốn mua cổ phần, hay vốn giải ngân.
Tuy vậy, theo Cục Đầu tư nước ngoài, nhiều doanh nghiệp đầu tư nước ngoài đang dần hồi phục, duy trì hoạt động sản xuất - kinh doanh tốt, tạo đà cho bước tăng trưởng nhanh hơn trong những tháng cuối năm 2020.
Đặc biệt, hiện vẫn có rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài quan tâm, tin tưởng và có nhu cầu đầu tư vào Việt Nam.
Theo Cục Đầu tư nước ngoài, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, việc đi lại của các nhà đầu tư cũng như các quyết định đầu tư mới và mở rộng quy mô dự án đầu tư nước ngoài tiếp tục bị ảnh hưởng. Tuy vậy, xét trong bối cảnh đầu tư toàn cầu suy giảm rất mạnh do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 thì kết quả này tốt hơn nhiều quốc gia khác, thể hiện sức hấp dẫn của Việt Nam trong mắt giới đầu tư quốc tế.
Số liệu thống kê cho thấy, 10 tháng qua, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 18 ngành lĩnh vực. Trong đó, lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt 10,7 tỷ USD, chiếm 45,7% tổng vốn đầu tư đăng ký. Lĩnh vực sản xuất, phân phối điện đứng thứ 2 với tổng vốn đầu tư trên 4,8 tỷ USD, chiếm 20,5% tổng vốn đầu tư đăng ký.
Tiếp theo, lần lượt là các lĩnh vực hoạt động kinh doanh bất động sản, bán buôn bán lẻ với tổng vốn đăng ký gần 3,5 tỷ USD và 1,4 tỷ USD. Còn lại là các lĩnh vực khác.
Nếu tính theo đối tác đầu tư, Singapore dẫn đầu trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư vào Việt Nam trong 10 tháng qua, với tổng vốn đầu tư 7,51 tỷ USD, chiếm 31,9% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam.
Hàn Quốc đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư 3,42 tỷ USD, chiếm 14,6% tổng vốn đầu tư. Trung Quốc đứng vị trí thứ 3 với tổng vốn đầu tư đăng ký 2,17 tỷ USD, chiếm 9,2% tổng vốn đầu tư. Tiếp theo là Nhật Bản, Thái Lan, Đài Loan,...
Tuy nhiên, nếu xét theo số lượng dự án mới thì Hàn Quốc đứng vị trí thứ nhất (528 dự án); Trung Quốc đứng vị trí thứ hai (294 dự án); Nhật Bản đứng thứ ba (226 dự án); Hồng Kông đứng thứ tư (164 dự án)…
Đắk Lắk đề xuất bổ sung dự án điện gió quy mô hơn 2.000 tỷ đồng
UBND tỉnh Đắk Lắk vừa có văn bản 9033/UBND-CN đề nghị Bộ Công thương bổ sung dự án Nhà máy Điện gió Thắng Lợi Đắk Lắk vào quy hoạch phát triển điện lực tỉnh Đắk Lắk giai đoạn 2016 - 2025, có xét đến năm 2035.
Dự án Nhà máy Điện gió Thắng Lợi Đắk Lắk do Công ty cổ phần Cà phê Thắng Lợi nghiên cứu đầu tư tại xã Hòa Đông, huyện Krông Pắc. Nhà máy là công trình cấp II, nhóm B, có quy mô công suất 49,5 MW gồm 11 tua bin (công suất 4,5 MW/tuabin), sản lượng điện sản xuất dự kiến 187,75 triệu kWh/năm. Tổng mức đầu tư dự án khoảng 2.090 tỷ đồng.
Tỉnh Đắk Lắk đang thu hút được nhiều dự án năng lượng tái tạo. |
Tại Đắk Lắk, Công ty cổ phần Cà phê Thắng Lợi đang đề xuất chủ trương khảo sát, bổ sung quy hoạch đầu tư điện mặt trời nổi Thắng Lợi, tại vùng hồ Ea Nhái, xã Cuôr Đăng, huyện Cư M’gar. Tổng công suất nhà máy dự kiến 200 MW với tổng mức đầu tư dự kiến 3.000 tỷ đồng.
Với tiềm năng lớn về năng lượng tái tạo, tỉnh Đắk Lắk đã thu hút dòng vốn lớn của các nhà đầu tư về năng lượng gió và năng lượng mặt trời. Trong 9 tháng năm 2020, UBND tỉnh Đắk Lắk đã trình Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công thương xem xét bổ sung quy hoạch phát triển điện lực quốc gia gồm 41 dự án điện gió với tổng công suất 3.700 MW của 27 nhà đầu tư đề xuất và 19 dự án điện mặt trời với tổng công suất 4.193 MWp.
Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản số 795/TTg-CN ngày 25/6/2020 về việc bổ sung danh mục các dự án điện gió và lưới điện đấu nối vào Quy hoạch phát triển điện VII điều chỉnh, trong đó có 6 dự án điện gió trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk được bổ sung vào quy hoạch với tổng công suất dự kiến 657 MW.
Cụ thể là: dự án Nhà máy điện gió Ea H’leo 1,2 công suất 57MW; dự án Nhà máy điện gió Ea Nam công suất 400 MW; dự án Nhà máy điện gió Cư Né 1 công suất 50 MW; dự án Nhà máy điện gió Cư Né , công suất 50 MW; dự án Nhà máy điện gió Krông Búk 1 công suất 50 MW; dự án Nhà máy điện gió Krông Búk 2 công suất 50 MW. Riêng dự án Trang trại phong điện Tây Nguyên giai đoạn 1 công suất 28,8 MW đã xây dựng xong 12/12 tuabin gió: Trong quý I/2020 đã đưa vào vận hành 5 tuabin gió, công suất 12 MW; dự kiến trong năm 2020 sẽ vận hành phát điện 7 tuabin còn lại.
Tỉnh Đắk Lắk cũng có 5 dự án điện mặt trời với công suất 190 MWp đã hoàn thành, đưa vào vận hành phát điện.
Đề xuất đầu tư 5.702 tỷ đồng phát triển 2 hành lang đường thủy và logistics phía Nam
Ban quản lý các dự án đường thủy vừa đề nghị Bộ GTVT phê duyệt Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án Phát triển các hành lang đường thủy và Logistics khu vực phía Nam (Dự án SWLC).
Dự án dự kiến triển khai tại TP.HCM, thành phố Cần Thơ và các tỉnh Vĩnh Long, Bến Tre, Tiền Giang, Long An, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, với mục tiêu chính là nâng cấp hạ tầng 2 hành lang đường thủy tại khu vực phía Nam.
Vận chuyển hàng hóa trên kênh Chợ Gạo - Tiền Giang. |
Trong đó, Hành lang Đông - Tây (qua sông Hậu, sông Trà Ôn, kênh Măng Thít, sông Cổ Chiên, kênh Chợ Lách, sông Tiền, kênh Kỳ Hôn, kênh Rạch Lá, sông Vàm Cỏ, kênh Nước Mặn, sông Rạch Cát, sông Soài Rạp, sông Lòng Tàu, sông Đồng Tranh, sông Tắc Cua/Tắc Bài, sông Gò Gia, sông Thị Vải) sẽ được nâng cấp đạt cấp II đường thủy nội địa với chiều rộng luồng rộng 55 m đối với kênh; rộng 75 m đối với sông, chiều sâu chạy là âm 3,3 m, bán kính cong tối thiểu 500 m đối với kênh và 700 m đối với sông để có thể giúp đội tàu thiết kế đề xuất tàu tự hành trọng tải 1.500 tấn, đội sà lan 2x500 tấn, tàu container 3 lớp lưu thông an toàn.
Đối với Hành lang Bắc - Nam (qua các sông Đồng Nai, sông Nhà Bè, sông Lòng Tàu, sông Đồng Tranh, sông Tắc Cua/Tắc Bài, sông Gò Gia, sông Thị Vải), Dự án sẽ nâng cấp đạt cấp II đường thủy nội địa với chiều rộng luồng là 60 m đối với kênh, 90 m đối với sông, chiều sâu chạy tàu âm 7 m, bán kính cong tối thiểu 500 m đối với kênh và 700 m đối với sông để có thể vận hành đội tàu thiết kế đề xuất tàu trọng tải 3.000 - 5.000 tấn, tàu container 4 lớp.
Tính toán sơ bộ của Ban quản lý các dự án đường thủy, Dự án sẽ nạo vét khoảng 8 triệu m3 và nâng cấp tuyến luồng đạt cấp II đường thủy nội địa; kè bảo vệ bờ dài khoảng 28km cho các vị trí xung yếu trên tuyến đường thủy, chống sạt lở tại các khu vực dân cư đông đúc đồng thời góp phần tạo mỹ quan xanh sạch đẹp dọc tuyến; cải tạo nâng cấp 2 cầu: Cầu Trà Ôn và Cầu Chợ Lách 2; xây dựng 16 bến khách ngang sông trong đó thay thế 10 bến hiện hữu và 6 bến làm mới tại 3 vị trí cắt cong tại sông/kênh Măng Thít, kênh Rạch Lá (mỗi vị trí xây dựng 2 bến ở 2 bên bờ).
Bên cạnh đó, Dự án còn xây dựng và hoàn trả 8 km đường dân sinh và các cầu dân sinh dọc theo tuyến kênh, cải thiện và kết nối hệ thống hạ tầng giao thông, thúc đẩy phát triển kinh tế, đời sống người dân khu vực có dự án đi qua.
Với các hạng mục công trình nói trên, tổng mức đầu tư sơ bộ của Dự án lên tới 5.702 tỷ đồng và trở thành một trong những khoản đầu tư phát triển hệ thống đường thủy nội địa lớn nhất từ trước đến nay. Dự án được đề xuất đầu tư bằng hình thức ngân sách nhà nước cấp phát 100% sử dụng nguồn vốn vay ODA của Ngân hàng Thế giới; vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam; vốn viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Úc.
Theo kế hoạch, thời gian chuẩn bị Dự án là tư tháng 10/2019 đến tháng 12/2021’ thời gian thực hiện Dự án là từ tháng 1/2022 đến tháng 6/2025.
Sau khi hoàn thành, Dự án sẽ góp phần nâng cao hiệu quả và an toàn của hai tuyến đường thủy nội địa trọng điểm ở Đồng bằng sông Cửu Long và Đông Nam bộ đồng thời cải thiện khả năng tiếp cận và di chuyển từ Đồng bằng sông Cửu Long cũng như các Khu công nghiệp Bình Dương và Đồng Nai kết nối với TP.HCM và các cảng nước sâu xuất nhập khẩu dọc sông Thị Vải.
Bên cạnh đó, Dự án còn góp phần hoàn thiện mạng lưới hạ tầng giao thông, giảm ùn tắc giao thông trên các tuyến đường thủy trọng điểm và giảm chi phí vận tải, dự án sẽ góp phần xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao an toàn giao thông đường thủy và an ninh khu vực biên giới các tỉnh thuộc Đồng bằng sông Cửu Long và Đông Nam Bộ.
Hiện hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông đang là điểm nghẽn trong dịch vụ hậu cần tại Việt Nam. Vận chuyển hàng rời từ khu vực Đồng bằng sông Cửu Long tới các cảng ở TP. HCM phải đi qua kênh Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang, vào mùa cao điểm có thể mất tới 24-36 giờ một phần vì tình trạng tắc nghẽn do một số đoạn trên tuyến chưa được cải tạo đồng bộ; tuyến vận tải hiện tại đi qua sông Tiền, sông Vàm Nao, sông Hậu khá dài, mất nhiều thời gian để đến được Cảng Cần Thơ. Các tuyến đường bộ kết nối với các cảng ở TPHCM đặc biệt là cảng Cát Lái thường xuyên bị tắc nghẽn vào mùa xuất khẩu cao điểm, các doanh nghiệp phải dự phòng thời gian vận chuyển hơn 1,5 lần so với thường ngày để đảm bảo giao hàng đúng hạn. Trong khi các cảng ở khu vực TP.HCM đang bị quá tải thì cụm cảng Cái Mép-Thị Vải chưa được tận dụng và khai thác hiệu quả.
Kết quả nghiên cứu cũng cho thấy, mặc dù vận tải đa phương thức khu vực Đông Nam Bộ (hành lang Bắc-Nam) hiện khá tốt với lưu lượng container dày đặc nhưng vận tải container khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (hành lang Đông-Tây) còn rất khiêm tốn (chiếm chưa đến 2% lượng hàng hóa vận chuyển) do tĩnh không các cầu trên tuyến không đồng bộ và tuyến luồng không đồng cấp.
Chốt phương án đầu tư sân bay Điện Biên trong tháng 10/2020
Bộ GTVT và Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp được yêu cầu sớm thống nhất phương án đầu tư xây dựng mở rộng cảng hàng không Điện Biên.
Theo Quy hoạch tổng thể GTVT hàng không được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2018, cảng hàng không Điện Biên là sân bay cấp 3C; giai đoạn đến năm 2020, công suất 0,3 triệu lượt hành khách/năm; giai đoạn đến năm 2030 là 2 triệu lượt hành khách/năm. |
Theo Quy hoạch tổng thể GTVT hàng không được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2018, cảng hàng không Điện Biên là sân bay cấp 3C; giai đoạn đến năm 2020, công suất 0,3 triệu lượt hành khách/năm; giai đoạn đến năm 2030 là 2 triệu lượt hành khách/năm.
Theo thông tin của baodautu.vn, Văn phòng Chính phủ vừa có công văn số 8846/VPCP – CN về việc mở rộng cảng hàng không Điện Biên.
Theo đó, trên cơ sở đề nghị của Bộ GTVT, ý kiến các Bộ: Quốc phòng, Tài chính, Tư pháp, Xây dựng; Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (CMSC), UBND tỉnh Điện Biên, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng giao Bộ GTVT và Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp thống nhất phương án đầu tư xây dựng mở rộng Cảng hàng không Điện Biên, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 10/2020.
Hiện đang có khá nhiều cấn cá từ phía CMSC đối với cả 2 phương án đầu tư Dự án mở rộng cảng hàng không Điện Biên mà Bộ GTVT báo cáo Thủ tướng Chính phủ tại công văn số 8189/BGTVT – KHĐT ngày 19/8/2020. Đây cũng chính là các phương án đầu tư mà Bộ GTVT và Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam - ACV đã chỉnh sửa trên cơ sở các ý kiến góp ý của CMSC sau đó trình lại Chính phủ.
Cụ thể, thay vì đầu tư một nhà ga hành khách mới, quy mô 2 triệu lượt hành khách/năm như đề xuất trước đó, ACV cho biết sẽ tận dụng nhà ga hành khách hiện hữu có công suất khoảng 300.000 lượt hành khách/năm để cải tạo, mở rộng, đảm bảo khai thác khoảng 500.000 lượt hành khách/năm. Cách làm tương tự cũng được đơn vị đang khai thác cảng hàng không Điện Biên áp dụng cho Nhà điều hành cảng với mục tiêu thiết thực là kéo giảm chi phí đầu tư. Cùng với đó, sân đỗ máy bay cũng được tiết giảm đáng kể quy mô khi ACV chỉ thiết kế 1 vị trí đỗ tàu bay ATR72 và 2 vị trí đỗ tàu bay A320/A321.
Với quy mô đã được co gọn rất nhiều như trên, tổng mức đầu tư mới của Dự án Mở rộng Cảng hàng không Điện Biên chỉ còn 1.539 tỷ đồng, trong đó, chi phí đầu tư khu bay là 999,4 tỷ đồng, chi phí khu hàng không dân dụng là 256 tỷ đồng; phần còn lại là dự phòng phí. Về phương án đầu tư Bộ GTVT và ACV thống nhất kiến nghị cấp có thẩm quyền triển khai đầu tư Dự án theo 2 hướng. Với phương án 1, ACV đầu tư toàn bộ hệ thống khu bay (đường cất hạ cánh, sân đỗ…) và khu hàng không dân dụng (nhà ga, nhà làm việc, đường giao thông kết nối) bằng vốn của doanh nghiệp trên diện tích đất sạch do UBND tỉnh Điện Biên thực hiện giải phóng mặt bằng và bàn giao cho Cảng vụ hàng không để triển khai thủ tục giao, thuê đất cho ACV. Phương án 2, ACV chỉ đầu tư khu hàng không dân dụng, các hạng mục khu bay và giải phóng mặt bằng toàn bộ cảng hàng không Điện Biên sẽ do UBND tỉnh Điện Biên đảm nhận.
Tuy nhiên, ngoài việc chưa làm rõ được bản chất và sự khác nhau giữa 2 phương án nói trên và mối quan hệ trong việc bỏ vốn đầu tư của ACV và quyền sở hữu, khai thác, thu hồi vốn đầu tư của doanh nghiệp, CMSC tiếp tục bày tỏ sự quan ngại lớn về hiệu quả tài chính của Dự án.
Tại công văn số 1680, ngay cả khi ACV đã tiến hành rà soát, điều chỉnh quy mô đầu tư công trình nhưng CMSC vẫn cho rằng với tỷ lệ hoàn vốn nội bộ - IRR đạt có 3,07%; giá trị hiện tại thuần - NPV đạt (-) 1.250 tỷ đồng; thời gian hoàn vốn lớn hơn 50 năm nên Dự án không phù hợp với Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp, đặc biệt về việc đầu tư bảo đảm bảo toàn và phát triển vốn.
“Tại thời điểm hiện nay, quyết định đầu tư mới ngay Cảng hàng không Điện Biên hoàn thành trong giai đoạn 2021 – 2025 là không phù hợp với khả năng cân đối nguồn vốn của ACV”, công văn số 1680/UBQLV - CNHT do bà Nguyễn Thị Phú Hà, Phó Chủ tịch CMSC ký nêu rõ.