Đầu tư tuần qua: Chi 3.837 tỷ đồng cho đường Vành đai và 560 tỷ đồng mở rộng cảng

Đầu tư 3.837 tỷ đồng cho Dự án Đường Vành đai phía Tây TP. Cần Thơ; Bình Định: Chi gần 560 tỷ đồng nâng cấp, mở rộng Cảng Quy Nhơn...
Đầu tư tuần qua: Chi 3.837 tỷ đồng cho đường Vành đai và 560 tỷ đồng mở rộng cảng

Đó là hai trong số những thông tin về đầu tư đáng chú ý trong tuần qua.

Quảng Nam thu hút 199 dự án FDI, tổng vốn hơn 5,8 tỷ USD

UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, từ đầu năm 2021 đến nay, UBND tỉnh đã cấp mới 4 Dự án FDI với tổng vốn đầu tư 9,69 triệu USD thuộc nhiều lĩnh vực. Trong đó có một số Dự án lớn như Dự án Sản xuất nhựa dẻo, nhựa gia cố sợi thủy tinh, nhựa gia cố sợi carbon và công cụ phục vụ trong ngành công nghiệp ô tô và nội thất tại KCN Tam Thăng với tổng vốn đăng ký 7 triệu USD; dự án Nhà máy sản xuất đèn led trang trí, đèn tiết kiệm năng lượng tại KCN Thuận Yên với tổng vốn đăng ký 2 triệu USD… Tổng số dự án FDI còn hiệu lực trên địa bàn tỉnh đến nay là 199 dự án với tổng vốn đầu tư hơn 5,8 tỷ USD.

Khu du lịch Nam Hội An là dự án vốn FDI lớn đầu tư vào Quảng Nam.

Khu du lịch Nam Hội An là dự án vốn FDI lớn đầu tư vào Quảng Nam.

Ngoài ra, Quảng Nam cũng đã tiếp nhận 12 khoản viện trợ không hoàn lại từ các tổ chức phi chính phủ với tổng nguồn vốn hơn 22,4 tỷ đồng; trong đó có một số khoản viện trợ lớn như: Giảm ô nhiễm rác thải nhựa với các giải pháp địa phương - dự án LSPP trị giá 9 tỷ đồng; 2 container gạo cháo dinh dưỡng cho 30 trường mẫu giáo tại tỉnh Quảng Nam trị giá 4 tỷ đồng; hỗ trợ kinh phí cho người dân nghèo xây dựng nhà bị hư hỏng bởi mùa mưa lũ trị giá 1,4 tỷ đồng...

Về thành lập doanh nghiệp, lũy kế số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới là 666 doanh nghiệp với số vốn đăng ký hơn 5.400 tỷ đồng, tăng hơn 4,36% số doanh nghiệp đăng ký mới, vốn đăng ký tăng 8,5% so với cùng kỳ năm 2020. Tuy nhiên, số doanh nghiệp đăng ký mới tăng chậm so với cùng kỳ, số doanh nghiệp thông báo ngừng hoạt động tăng cao so với cùng kỳ do ảnh hưởng của dịch bệnh đã tác động trực tiếp đến hoạt động kinh doanh cũng như việc đầu tư mới vào sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Thu ngân sách nhà nước 5 tháng đầu năm 2021 tại tỉnh Quảng Nam tăng khá so với cùng kỳ năm 2020, nhất là thu từ các ngành chủ chốt như ô tô, thủy điện. Cụ thể, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh Quảng Nam 5 tháng năm 2021 là 11.796 tỉ đồng, đạt 61% dự toán và tăng 60% so với cùng kỳ. Trong đó, thu nội địa 9.166 tỉ đồng, đạt 57% dự toán năm và tăng 60% so với cùng kỳ. Thu xuất nhập khẩu 2.602 tỉ đồng, tăng 66% so với cùng kỳ.

Theo UBND tỉnh Quảng Nam do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, nhiều hoạt động trên địa bàn tỉnh vẫn gặp khó khăn, nhiều lĩnh vực dịch vụ - du lịch phải tạm ngừng hoạt động để phòng, chống dịch nên khó phục hồi; giải ngân vốn thấp so với cùng kỳ và chưa đạt yêu cầu; công tác giải phóng mặt bằng còn nhiều khó khăn, vướng mắc làm ảnh hưởng đến tiến độ các dự án.

Để hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn, UBND tỉnh Quảng Nam cho biết tiếp tục triển khai đồng bộ các nhóm giải pháp để tập trung tháo gỡ khó khăn, giải quyết vướng mắc và thúc đẩy sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19. UBND tỉnh đã ban hành Quyết định về quy định nội dung và mức chi hỗ trợ xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp đối mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2021-2025; tổ chức thành công Ngày hội khởi nghiệp sáng tạo tỉnh Quảng Nam lần thứ 2- Techfesh Quảng Nam 2021.

Quảng Nam cũng xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo cấp huyện và phát triển mạng lưới câu lạc bộ khởi nghiệp sáng tạo. Đến nay, toàn tỉnh có 17/18 huyện đã xây dựng và ban hành Kế hoạch xây dựng Hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo cấp huyện; Mạng lưới Câu Lạc bộ cấp huyện đã thành lập được tại 10 địa phương và 2 trường đại học, cao đẳng.

Đầu tư 8.607 tỷ đồng xây tuyến nối Hà Giang với cao tốc Nội Bài – Lào Cai

Ban quản lý Dự án 2 vừa đề nghị Bộ GTVT xem xét phê duyệt Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án xây dựng tuyến đường kết nối Hà Giang với cao tốc Nội Bài - Lào Cai.

Dự án có điểm đầu tại nút giao IC14 (lý trình Km149+705 đường cao tốc Hà Nội - Lào Cai), thuộc địa phận tỉnh Yên Bái; điểm cuối giao với Quốc lộ 2 (Km235+700 - lý trình Quốc lộ 2) tại khu vực huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang.

Một đoạn cao tốc Nội Bài - Lào Cai.

Một đoạn cao tốc Nội Bài - Lào Cai.

Dự án phân kỳ đầu tư theo 2 giai đoạn. Cụ thể, giai đoạn 1 sẽ đầu tư xây dựng tuyến với yếu tố bình diện, trắc dọc theo tiêu chuẩn đường cao tốc, mặt cắt ngang phân kỳ có chiều rộng nền đường 13,5m (đoạn khó khăn với vận tốc thiết kế 60km/h có bề rộng nền đường 12m).

Vị trí điểm đầu dự án theo phương án tận dụng nút giao IC14 và cầu Mậu A hiện tại tại, tuyến có điểm đầu tại km1+160 (giao với đường Hồng Hà thuộc địa phận thị trấn Mậu A, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái) và chiều dài tuyến khoảng 82,1 km. Giai đoạn hoàn chỉnh sẽ xây dựng với quy mô đường cao tốc hoàn chỉnh 4 làn xe, tốc độ thiết kế 80 - 100km/h, chiều rộng nền đường 22 - 24,75m.

Tổng mức đầu tư giai đoạn 1 khoảng 8.607 tỷ đồng từ nguồn vốn đầu tư công, sử dụng vốn ngân sách nhà nước và các nguồn vốn hợp pháp khác.

Hiện tại việc kết nối từ Hà Giang đi về khu vực đồng bằng sông Hồng, Hà Nội và cảng biển chỉ đi theo một đường độc đạo duy nhất là Quốc lộ 2. Theo kết quả đếm xe, lưu lượng xe trên Quốc lộ 2 hiện nay khoảng 13.204 PCU/ngày đêm. Quy mô Quốc lộ 2 hiện nay là đường cấp III miền núi, bề rộng nền đường 9m, bề rộng làn xe cơ giới là 6 m. Do vậy Quốc lộ 2 đã bắt đầu quá tải làm ảnh hưởng đến tốc độ thông hành của các phương tiện giao thông.

Theo Ban quản lý dự án 2, Hà Giang là địa phương có tiềm năng rất lớn về du lịch, văn hóa và khoáng sản. Đặc biệt cửa khẩu Thanh Thủy thuộc địa phận xã Thanh Thủy, huyện Vị Xuyên với vị thế là cửa khẩu quốc tế duy nhất nơi địa đầu tổ quốc, đã trở thành nơi giao thương, buôn bán và thu hút đông đảo khách du lịch.

Ngày 15/1/2010, khu kinh tế cửa khẩu Thanh Thủy được thành lập dự kiến bao gồm các phân khu: khu hành chính, khu phi thuế quan, khu công nghiệp,.. và trở thành nơi trọng điểm phát triển kinh tế của Hà Giang. Tuy nhiên, cửa khẩu Thanh Thủy nói riêng và tỉnh Hà Giang nói chung vẫn chưa phát huy được hết các tiềm năng này một phần là do hệ thống đường giao thông còn đi lại khó khăn.

Do đó việc xây dựng đường cao tốc kết nối Hà Giang với cao tốc Hà Nội - Lào Cai cũng chính là một phần giúp phát triển kinh tế - thương mại của khu vực phía Bắc nói chung và tỉnh Hà Giang nói riêng.

Dự án được thực hiện sẽ nâng cao khả năng kết nối giữa các tỉnh Hà Giang, Yên Bái, Tuyên Quang với cao tốc Nội Bài - Lào Cai, rút ngắn hành trình từ các trung tâm chính trị kinh tế của tỉnh Hà Giang và các địa phương khác có liên quan về thủ đô Hà Nội, nâng cao hiệu quả khai thác đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai và kết nối tiểu vùng GMS, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, xóa đói giảm nghèo, giảm thiểu tai nạn giao thông, tăng cường an ninh quốc phòng, nâng cao năng lực cạnh tranh kinh tế của tỉnh Hà Giang.

Hoàn thành xây dựng Sân bay Long Thành trước ngày 31/3/2025

Chủ đầu tư 4 dự án thành phần Sân bay quốc tế Long Thành sẽ phải hoàn thành công tác xây dựng, lắp đặt thiết bị trước ngày 31/3/2025 để chạy thử, nghiệm thu hoàn thành trong quý II/2025.

Đây là chỉ đạo mới nhất của Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể đối với tiến độ Dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1 được đề cập tại Thông báo số 214/TB – BGTVT.

Thi công hạng mục tường rào sân bay Long Thành.

Thi công hạng mục tường rào sân bay Long Thành.

Theo đó, Tư lệnh ngành GTVT yêu cầu các chủ đầu tư phải hoàn thành toàn bộ công tác xây dựng, lắp đặt thiết bị đối với cả 4 dự án thành phần trước ngày 31/3/2025 để tiến hành kiểm định, vận hành chạy thử, nghiệm thu hoàn thành trong quý II/2025 và đưa vào khai thác chính thức Dự án cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1 vào quý IV/2025.

Bộ trưởng Bộ GTVT giao Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam chủ trì, phối hợp với Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông khẩn trương chỉ đạo xây dựng và phê duyệt kế hoạch triển khai tổng thể đối với 4 dự án thành phần Dự án xây dựng cảng hàng không quốc tế Long Thành cùng với công tác giải phóng mặt bằng, chậm nhất ngày 8/7/2021 hoàn thành phê duyệt.

“Các cơ quan, đơn vị liên quan phải phối hợp chặt chẽ với tỉnh Đồng Nai để xây dựng tiến độ triển khai tổng thể với mốc hoàn thành toàn bộ công tác giải phóng mặt bằng trong năm 2021 theo đúng chỉ đạo của Chính phủ và Quốc hội”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể yêu cầu.

Bộ trưởng Bộ GTVT yêu cầu Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam, Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam, Cục Hàng không Việt Nam, Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao khẩn trương xây dựng báo cáo về tình hình triển khai Dự án cảng hàng không quốc tế Long Thành, trong đó nêu rõ khó khăn, vướng mắc, đề xuất, kiến nghị.

Được biết, đối với Dự án thành phần 3 - Các công trình thiết yếu trong Cảng hàng không do nhà đầu tư khai thác cảng, ACV đã đề ra kế hoạch triển khai các mốc tiến độ chính của Dự án, bắt đầu từ thời điểm khởi công tháng 1/2021 với công tác khảo sát thi công rà phá bom mìn vật nổ và kết thúc tháng 12/2025 sau khi hoàn thành quá trình xây dựng và vận hành thử nghiệm.

Tính đến giữa tháng 6/2021, ACV đã hoàn thành rà phá bom mìn cho hơn 25% tổng diện tích giai đoạn 1 của dự án và thi công được hơn 1.750m tường rào ranh giới. Dự kiến đơn vị này sẽ hoàn thành thi công 8.668m tường rào trong tháng 9/2021 và công tác rà phá bom mìn trong tháng 12/2021. Đối với hạng mục san nền thoát nước cho khu vực nhà ga hành khách và sân đỗ tàu bay đang được triển khai thiết kế để thi công trong tháng 11/2021 nhằm chuẩn bị mặt bằng khởi công phần móng nhà ga hành khách vào tháng 2/2022, các khu vực còn lại thi công trong Quý I/2022;

Liên quan đến công tác thiết kế kỹ thuật nhà ga hành khách, ACV cho biết đã lựa chọn đơn vị thiết kế là Liên danh tư vấn đứng đầu bởi Heerim (Hàn Quốc) tác giả phương án kiến trúc nhà ga hành khách. Bước thiết kế kỹ thuật đã được triển khai từ tháng 5/2021 và khẩn trương thực hiện quy trình thẩm định, phê duyệt trước phần móng công trình để khởi công nhà ga trong tháng 2/2022.

Đối với, Dự án thành phần 2 – Các công trình phục vụ quản lý bay do Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam (VATM) làm chủ đầu tư có tổng mức đầu tư 3.435 tỷ đồng dự kiến sẽ khởi công xây dựng từ tháng 6/2023 và hoàn thành đưa vào khai thác từ tháng 7/2025 đến tháng 12/2025.

Quỹ đầu tư Actis "rót" 20 triệu USD vào Khu công nghiệp An Phát 1

Tập đoàn An Phát Holdings (mã CK: APH) và Quỹ đầu tư hàng đầu về phát triển cơ sở hạ tầng bền vững Actis vừa ký kết thỏa thuận hợp tác trong 2 lĩnh vực: phát triển khu công nghiệp và nhà xưởng, kho bãi cho thuê.

Theo đó, Actis sẽ đầu tư hơn 20 triệu USD vào KCN An Phát 1 để sở hữu 49% cổ phần. Bên cạnh đó, hai bên đã ký kết biên bản ghi nhớ (MoU) về hợp tác phát triển dự án mở rộng và cho thuê nhà xưởng, kho bãi trị giá lên tới 250 triệu USD.

Actis và An Phát Complex ký thỏa thuận hợp tác phát triển dự án mở rộng và cho thuê nhà xưởng/kho bãi trị giá 250 triệu USD.

Actis và An Phát Complex ký thỏa thuận hợp tác phát triển dự án mở rộng và cho thuê nhà xưởng/kho bãi trị giá 250 triệu USD.

Ông Brian Chinappi, Giám đốc phụ trách lĩnh vực bất động sản Châu Á của Actis nói: “Đầu tư vào lĩnh vực bất động sản công nghiệp và hậu cần logistics nằm trong chiến lược đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng bền vững của Actis tại các thị trường phát triển châu Á và toàn cầu.

Đặc biệt, thị trường bất động sản công nghiệp và hậu cần của Việt Nam đang cho thấy tiềm năng tăng trưởng vượt bậc nhờ vào làn sóng chuyển dịch sản xuất; xuất nhập khẩu trong nước tăng trưởng mạnh và sự chuyển dịch nhanh chóng sang bán lẻ thương mại điện tử.

Việc đầu tư phát triển dự án KCN An Phát 1 được Actis lý giải là khởi đầu cho mối quan hệ hợp tác chiến lược giữa An Phát Holdings và Actis, để cùng nhau phát triển các dự án khu công nghiệp, nhà xưởng, kho bãi trên quy mô lớn.

Ông David Trần, đại diện Quỹ đầu tư Actis cho biết: Để tìm kiếm cơ hội đầu tư vào Việt Nam, Actis đã tìm hiểu nhiều doanh nghiệp trên thị trường trong nhiều năm qua. Actis nhìn nhận, An Phát Holdings là doanh nghiệp có đội ngũ quản trị năng lực, mạnh mẽ, minh bạch, văn hóa doanh nghiệp sáng tạo, đó là nền tảng để để xây dựng khu công nghiệp chất lượng cao, tiếp tục phát triển dự án nhà xưởng, kho bãi để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của thị trường.

Theo Đinh Xuân Cường, Phó chủ tịch, Tổng giám đốc Tập đoàn An Phát Holdings: “Thỏa thuận vừa được ký kết sẽ là bước đầu tiên trong quá trình hợp tác lâu dài giữa An Phát Holdings và Actis, nhằm phát triển An Phát 1 thành khu công nghiệp hàng đầu miền Bắc. Ngoài lượng vốn từ Actis, sự hợp tác này giúp An Phát Holdings có thêm nguồn lực để triển khai các dự án mới, mở rộng tiềm năng của mảng bất động sản khu công nghiệp.

Actis là nhà đầu tư toàn cầu về phát triển cơ sở hạ tầng bền vững. Quỹ đầu tư này đã có nhiều năm kinh nhiệm và bề dày hoạt động tại các thị trường mới nổi tại châu Phi, châu Á, châu Mỹ Latinh, huy động hơn 19 tỷ USD với hơn 260 khoản đầu tư trong suốt 20 năm qua.

Actis đã làm việc với các nhà đầu tư hàng đầu thế giới để nắm bắt cơ hội đầu tư vào lĩnh vực phát triển cơ sở hạ tầng bền vững. Với kinh nghiệm hoạt động lâu năm và phương pháp tiếp cận dựa trên giá trị, Actis mang lại lợi nhuận cạnh tranh cho các nhà đầu tư và tác động tích cực mang tính chuyển đổi cho các quốc gia, thành phố, cộng đồng mà Actis đã đầu tư. Hiện tại, Actis có đội ngũ hơn 120 chuyên gia đầu tư, làm việc tại 17 văn phòng trên toàn cầu.

KCN An Phát 1 là dự án thuộc Công ty cổ phần KCN Kỹ thuật cao An Phát 1, là công ty con của An Phát Bioplastics (mã CK: AAA), thành viên của Tập đoàn An Phát Holdings. KCN An Phát 1 cũng là một trong 04 khu công nghiệp mới tiêu biểu của tỉnh Hải Dương, với diện tích 180ha giai đoạn 1 và có vốn điều lệ là 375 tỷ. Khi đi vào hoạt động, doanh nghiệp dự kiến sẽ thu hút 50 – 70 nhà máy sản xuất, tạo việc làm cho khoảng 12.000 lao động, và đạt tỉ lệ cho thuê 100% vào năm 2024.

Mục tiêu của An Phát 1 là phát triển hạ tầng khu công nghiệp kĩ thuật cao, thân thiện môi trường hàng đầu Hải Dương, nơi thu hút nhà đầu tư từ nhiều lĩnh vực như điện tử, thực phẩm và đồ uống (F&B), nhựa, ép phun, công nghiệp hỗ trợ…

Hiện tại, An Phát 1 đang trong quá trình thực hiện giải phóng mặt bằng, chuẩn bị cho kế hoạch khởi công xây dựng vào tháng 7/2021. Dự kiến khu công nghiệp sẽ đi vào hoạt động và khai thác thương mại từ quý IV/2021

Quảng Bình bỏ 2 thủ tục khi doanh nghiệp đề xuất cấp chứng nhận đầu tư

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư Quảng Bình, thực hiện quy định tại Điều 33, Luật Đầu tư năm 2014 quy định về năng lực tài chính của nhà đầu tư khi nộp hồ sơ đề xuất chủ trương đầu tư thực hiện Dự án, phần lớn nhà đầu tư chứng minh vốn tự có bằng cách “xác minh số dư tài khoản ngân hàng”, chứng minh vốn huy động bằng “cam kết tín dụng giữa nhà đầu tư với các tổ chức tín dụng”. Để thực hiện các nội dung trên thì nhà đầu tư phải tốn thời gian và chi phí.

Quảng Bình đang nỗ lực trong công tác cải cách thủ tục hành chính nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.

Quảng Bình đang nỗ lực trong công tác cải cách thủ tục hành chính nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.

Qua thống kê, Sở Kế hoạch và Đầu tư Quảng Bình thấy rằng, số lượng nhà đầu tư nộp hồ sơ đề xuất chủ trương đầu tư tại Trung tâm hành chính công là khá lớn. Tuy nhiên, do nhiều lý do khách quan, như vị trí đề xuất không phù hợp với quy hoạch, không khả thi trong việc giải phóng mặt bằng, chưa kết nối cơ sở hạ tầng, có nguy cơ ô nhiễm môi trường, người dân không đồng thuận… nên số lượng dự án đủ điều kiện để báo cáo UBND tỉnh xem xét chủ trương đầu tư chiếm tỷ lệ khá thấp. Khi đó, những hồ sơ không đủ điều kiện xem xét chủ trương đầu tư đã tốn nhiều thời gian và chi phí để thực hiện các thủ tục nêu trên.

Vì vậy, để tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư nghiên cứu, đề xuất các dự án, hạn chế tối đa các rủi ro và các chi phí chưa cần thiết, Sở Kế hoạch và Đầu tư Quảng Bình cho biết sẽ tiến hành cắt giảm 2 thủ tục khi nộp hồ sơ đề xuất chủ trương đầu tư, gồm bỏ thủ tục chứng minh vốn tự có bằng cách “xác minh số dư tài khoản ngân hàng” và chứng minh vốn huy động bằng “cam kết tín dụng giữa nhà đầu tư với các tổ chức tín dụng”.

"Nhà đầu tư có trách nhiệm bổ sung các thủ tục nên trên khi dự án đề xuất có tính khả thi cao, được các sở, ngành và địa phương nhất trí để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh xem xét chủ trương thực hiện dự án", Sở Kế hoạch và Đầu tư Quảng Bình thông tin.

Cũng theo Sở Kế hoạch và Đầu tư Quảng Bình, hiện nay Sở đã thông báo để các nhà đầu tư thực hiện và đồng thời đề nghị các sở, ban, ngành, đơn vị cấp tỉnh và các địa phương hướng dẫn, phổ biến cho các nhà đầu tư khi nghiên cứu, đề xuất thực hiện dự án tại tỉnh.

Đà Nẵng sẽ triển lãm Điều chỉnh quy hoạch chung Thành phố

UBND TP. Đà Nẵng vừa ban hành Kế hoạch số 111/KH-UBND về việc triển khai Quyết định số 359/QĐ-TTg ngày 15/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Điều chỉnh quy hoạch chung TP. Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Một góc TP. Đà Nẵng

Một góc TP. Đà Nẵng

Theo đó, Thành phố sẽ tổ chức công bố công khai đồ án Điều chỉnh quy hoạch chung đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; tổ chức triển lãm Điều chỉnh quy hoạch chung TP. Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Đồng thời đăng tải tài liệu Điều chỉnh quy hoạch chung TP. Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trên Cổng thông tin điện tử thành phố, Trang thông tin điện tử cơ quan quản lý quy hoạch, UBND quận, huyện.

Ngoài ra còn cập nhật Điều chỉnh quy hoạch chung TP. Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 vào Dự án Xây dựng cơ sở dữ liệu không gian đô thị và quy hoạch TP. Đà Nẵng trên hệ thống GIS thuộc Đề án xây dựng thành phố thông minh;

Bên cạnh đó cũng liên tục cập nhật tình hình triển khai thực hiện Điều chỉnh quy hoạch chung TP. Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 để cơ quan có thẩm quyền công bố công khai kịp thời cho các tổ chức, cá nhân biết và giám sát thực hiện; nghiên cứu hình thành Trung tâm thông tin quy hoạch thành phố theo Thông báo số 55-TB/TU ngày 28/1/2021.

Tiếp đó, tổ chức rà soát và lập các chương trình, kế hoạch, quy hoạch, đề án cụ thể hóa Điều chỉnh quy hoạch chung TP. Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 với các nội dung cơ bản như: rà soát, điều chỉnh, lập quy hoạch các phân khu (bổ sung quy hoạch không gian ngầm); rà soát, điều chỉnh, lập quy hoạch các chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật;

Rà soát, điều chỉnh, bổ sung các quy hoạch, đề án, chương trình, kế hoạch phát triển các ngành, phát triển kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển ngành có liên quan đảm bảo phù hợp và kịp thời, tích hợp vào Quy hoạch thành phố thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050;

Rà soát, điều chỉnh, lập quy hoạch chung các xã nông thôn huyện Hòa Vang; rà soát, điều chỉnh quy hoạch Cảng Hàng không quốc tế Đà Nẵng; rà soát điều chỉnh Chương trình phát triển đô thị, lập khu vực phát triển đô thị, kế hoạch phát triển đô thị; mô hình hóa quy hoạch.

Bên cạnh đó, tổ chức lập và ban hành Quy chế quản lý kiến trúc TP. Đà Nẵng; xây dựng cơ chế, chính sách liên quan đến tài chính, đất đai để thực hiện các Dự án ưu tiên đầu tư; chủ động rà soát quy hoạch, bổ sung, điều chỉnh các chỉ tiêu phù hợp với quy chuẩn và thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội của địa phương trong quá trình triển khai thực hiện, báo cáo cấp thẩm quyền xem xét, quyết định…

Bình Định đề xuất được ủy quyền thẩm định dự án đường ven biển Cát Tiến - Diêm Vân

UBND tỉnh Bình Định vừa có công văn gửi Bộ Giao thông Vận tải đề nghị ủy quyền cho địa phương thực hiện công tác thẩm định dự án đường ven biển Cát Tiến - Diêm Vân.

Theo Lãnh đạo tỉnh này, HĐND tỉnh Bình Định khóa XIII đã thông qua nghị quyết về chủ trương đầu tư Dự án đường ven biển tỉnh Bình Định, đoạn Cát Tiến - Diêm Vân.

Đây là dự án nhóm A, thực hiện trong giai đoạn 2021 - 2024 trên địa bàn huyện Phù Cát và Tuy Phước. Tổng chiều dài đoạn tuyến là 13,5km, với tổng vốn đầu tư dự án khoảng 2.674 tỷ đồng bằng vốn ngân sách nhà nước.

Công trình được đầu tư xây dựng theo tiêu chuẩn thiết kế đường ôtô TCVN 4054-2005, đường cấp III, địa hình đồng bằng.

Mục tiêu của dự án là từng bước triển khai thực hiện Quy hoạch xây dựng vùng Tuy Phước đến năm 2035 và tầm nhìn đến năm 2050, định hướng điều chỉnh, bổ sung Quy hoạch chung xây dựng TP Quy Nhơn và vùng phụ cận đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050, định hướng phát triển mạng lưới giao thông trong quy hoạch tỉnh Bình Định.

Đồng thời, hoàn thiện tuyến đường từ thị trấn Cát Tiến (huyện Phù Cát) đến QL 19 mới, góp phần hoàn thành tuyến đường ven biển tỉnh Bình Định. Qua đó, đáp ứng nhu cầu vận tải, tăng cường kết nối giao thông các địa phương phía Đông ven biển của tỉnh với trung tâm TP Quy Nhơn; mở rộng, phát triển đô thị theo định hướng quy hoạch về phía Bắc TP. Quy Nhơn. Cùng với đó là đảm bảo an ninh quốc phỏng và phát triển quỹ đất để phát triển đô thị, dịch vụ thương mại, du lịch, phục vụ nhu cầu phát triển KT-XH của tỉnh trong tương lai.

Theo quy định, dự án trên phải được Bộ quản lý công trình chuyên ngành (Bộ Giao thông Vận tải) thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi và thẩm định bước triển khai sau thiết kế cơ sở.

Tuy nhiên, UBND tỉnh Bình Định nhận định đây là dự án giao thông có tính chất đơn giản, không yêu cầu cao về kỹ thuật – công nghệ, có tính chất tương đồng với các dự án nhóm B mà tỉnh đang triển khai đầu tư đối với các đoạn tuyến thuộc đường ven biển. Do đó, địa phương đã đề nghị Bộ Giao thông vận tải ủy quyền cho Sở Giao thông vận tải Bình Định được thực hiện công tác thẩm định thiết kế cơ sở và sau thiết kế cơ sở đối với dự án.

Được biết, theo quy hoạch chi tiết tuyến đường bộ ven biển Việt Nam tại Quyết định số 129 ngày 18/1/2010, đường ven biển đi qua tỉnh Bình Định có chiều dài khoảng 117,96km, được chia thành các đoạn tuyến để đầu tư theo từng giai đoạn.

Hiện nay, 4 đoạn tuyến (Cát Tiến - Đề Gi, Đề Gi - Mỹ Thành, Lại Giang - Thiện Chánh và đoạn đường Điện Biên Phủ nối dài đến khu đô thị Diêm Vân) đã được ngân sách trung ương hỗ trợ một phần, kết hợp với ngân sách tỉnh triển khai đầu tư.

5 đoạn tuyến còn lại (Quốc lộ 1D - Quốc lộ 19, Diêm Vân - Gò Bồi, Cát Tiến - Gò Bồi, Mỹ Thành - Lại Giang và Thiện Chánh - Tam Quan) đang được tỉnh thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư để đề xuất trung ương hỗ trợ từ vốn ngân sách trung ương, vốn đầu tư nước ngoài và ngân sách tỉnh.

Trước đó, UBND tỉnh đã đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét, trình Chính phủ xem xét, bố trí hỗ trợ từ ngân sách trung ương hoặc vốn đầu tư nước ngoài 7.593 tỷ đồng để hoàn thiện dự án trong giai đoạn 2021 - 2025, trong đó đẩy nhanh tiến độ 4 đoạn tuyến đã triển khai thi công là 1.970 tỷ đồng và triển khai xây dựng 5 đoạn tuyến còn lại là 5.623 tỷ đồng.

Phú Yên: 22.100 tỷ đồng cho kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025

Tại kỳ họp thứ 2 HĐND tỉnh Phú Yên khóa VIII được tổ chức bằng hình thức trực tuyến, các đại biểu đã biểu quyết thông qua gói đầu tư công trung hạn khoảng 22.100 tỷ đồng.

Theo báo cáo tóm tắt của UBND tỉnh Phú Yên về tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020, dự kiến kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 thì giai đoạn 2016-2020, việc thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả nổi bật. Trong đó, Phú Yên đã chủ động rà soát, cắt giảm các Dự án chưa thực sự cần thiết; bố trí vốn tập trung cho những dự án cấp bách.

Giai đoạn 2021-2025, tỉnh Phú Yên đặt ục tiêu nâng cao tốc độ tăng trưởng kinh tế, tăng cường ứng dụng khoa học và công nghệ vào sản xuất; phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sinh thái; đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động theo hướng công nghiệp, hiện đại; tập trung đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đường bộ, từng bước hiện đại; nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo và chất lượng nguồn nhân lực; nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, quốc phòng, an ninh được tăng cường…

Để thực hiện mục tiêu này, UBND tỉnh Phú Yên đã xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, dự kiến tổng nguồn vốn đưa vào cân đối là 22.100 tỷ đồng, tăng 14% so với kế hoạch trung hạn 2016-2020 được giao và tăng 72% so với kế hoạch vốn thực tế bố trí giai đoạn 2016-2020. Trong đó, ngân sách Trung ương hơn 5.400 tỷ đồng; ngân sách địa phương gần 16.700 tỷ đồng.

Cũng tại kỳ họp, các đại biểu thống nhất trong giai đoạn 2021-2025, tỉnh Phú Yên phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 5 năm đạt 8,5%/năm; đến năm 2025, GDP bình quân đầu người đến năm 2025 đạt 3.800 USD; tổng vốn đầu tư toàn xã hội bình quân 5 năm khoảng 95 nghìn tỷ đồng; tỷ lệ giải ngân kế hoạch đầu tư công hằng năm đạt trên 90%.

Vietcombank cho EVN vay 27.000 tỷ đồng xây Nhiệt điện Quảng Trạch 1

EVN và Vietcombank vừa ký thỏa thuận Hợp tác Toàn diện và Hợp đồng tín dụng tài trợ Dự án Nhà máy Nhiệt điện Quảng Trạch 1.

Theo nội dung Thỏa thuận hợp tác toàn diện được ký kết, các bên cam kết hợp tác toàn diện, lâu dài và cùng có lợi trên nhiều lĩnh vực hoạt động.

Vietcombank cho EVN vay 27.000 tỷ đồng xây dựng Nhà máy nhiệt điện Quảng Trạch 1

Vietcombank cho EVN vay 27.000 tỷ đồng xây dựng Nhà máy nhiệt điện Quảng Trạch 1

Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) sẽ ưu tiên sử dụng các sản phẩm, dịch vụ của nhau, đặc biệt trọng tâm đẩy mạnh hợp tác trong các lĩnh vực: tài trợ vốn cho EVN và các đơn vị thành viên, cung cấp các dịch vụ thanh toán và quản lý dòng tiền, thanh toán quốc tế và tài trợ thương mại, các sản phẩm dịch vụ ưu đãi cho cán bộ nhân viên của EVN.

Ngoài ra, Vietcombank cam kết tài trợ vốn và các sản phẩm dịch vụ cho các nhà thầu của EVN. Trên cơ sở các điều khoản của thỏa thuận, Vietcombank cùng EVN và các đơn vị thành viên sẽ cụ thể hóa các nội dung, sản phẩm dịch vụ hợp tác, tổ chức thực hiện để đạt được các mục tiêu đề ra.

Lễ ký thỏa thuận hợp tác toàn diện và Hợp đồng tín dụng Dự án Nhà máy Nhiệt điện Quảng Trạch 1 là dấu mốc quan trọng trong quan hệ hợp tác giữa hai bên, mở ra một giai đoạn hợp tác mới nhằm khai thác tốt nhất tiềm năng của mỗi bên, nâng tầm hiệu quả trong hoạt động, đóng góp cho sự phát triển bền vững của kinh tế xã hội đất nước…

Dự án Nhà máy Nhiệt điện Quảng Trạch I thuộc Trung tâm Điện lực Quảng Trạch, đây là công trình đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 428/QĐ-TTg ngày 18/3/2016 về điều chỉnh Quy hoạch Phát triển điện lực Quốc gia giai đoạn 2011 - 2020, tầm nhìn đến năm 2030 (Quy hoạch VII điều chỉnh); Văn bản số 1828/TTg-KTN của Thủ tướng Chính phủ ngày 15/10/2016 về việc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) được giao làm chủ đầu tư dự án Nhà máy Nhiệt điện Quảng Trạch I tại Trung tâm Điện lực Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình.

Dự án được EVN giao cho Ban Quản lý dự án Điện 2 làm đại diện chủ đầu tư cùng với các dự án tại Trung tâm Điện lực Quảng Trạch với tổng diện tích khoảng 48,6 hecta tại thôn Vĩnh Sơn, xã Quảng Đông, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình. Dự án bao gồm 2 tổ máy với tổng công suất lắp đặt 1.200 MW, khi đi vào vận hành nhà máy sẽ cung cấp cho hệ thống điện quốc gia sản lượng điện mỗi năm khoảng 8,4 tỷ kWh, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, nâng cao độ an toàn và ổn định cho hệ thống điện.

Gói thầu số 15 (EPC-QTI) - Thiết kế, cung cấp hàng hóa và xây lắp công trình Dự án Nhà máy Nhiệt điện Quảng Trạch I sẽ được thực hiện bởi Tổng thầu Liên danh gồm 03 nhà thầu Mitsubishi Corporation (Nhà thầu Nhật Bản), Hyundai E&C (Nhà thầu Hàn Quốc) và Tổng công ty Xây dựng số 1 (Nhà thầu Việt Nam). Đây đều là các nhà thầu lớn, uy tín, có năng lực và kinh nghiệm trong nhiều dự án nhiệt điện lớn. Dự án sử dụng công nghệ USC (trên siêu tới hạn) với thông số nhà máy cao nhất tại Việt Nam hiện nay.

Tổng mức đầu tư của dự án là 41.130 tỷ đồng, sử dụng nguồn vốn của EVN (30%) và vốn vay thương mại trong nước (70%) do Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) tài trợ. Vietcombank là tổ chức tín dụng đầu tiên đáp ứng đầy đủ các điều kiện theo Quyết định 13/2018/QĐ-TTg và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cấp tín dụng đối với EVN để thực hiện tài trợ Dự án Nhà máy nhiệt điện Quảng Trạch I với khoản tín dụng có giá trị 27.100 tỷ đồng, sẽ được giải ngân trong khoảng thời gian 04 năm theo tiến độ Dự án và có thời hạn vay vốn là 15 năm.

Nhà máy Nhiệt điện Quảng Trạch 1 được đánh giá sẽ là động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế hàng năm cho tỉnh Quảng Bình và khu vực Bắc Trung Bộ, qua đó góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho địa phương phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ, đóng góp vào ngân sách Nhà nước khoảng 1.200 tỷ đồng mỗi năm, tạo việc làm ổn định, lâu dài cho lao động địa phương, đặc biệt là lao động có trình độ cao.

Về công tác bảo vệ môi trường, nhà máy sẽ được trang bị đồng bộ các hệ thống xử lý nước thải, khí thải và lọc bụi do vậy hàm lượng phát thải khí sau khi được xử lý tuân thủ hoàn toàn các quy chuẩn về môi trường Việt Nam hiện hành và tương đương với các tiêu chuẩn của Ngân hàng Thế giới (World Bank) áp dụng.

Các thông số về môi trường nhà máy khi vận hành được truyền về Sở Tài nguyên Môi trường tỉnh Quảng Bình để giám sát trực tuyến và hiển thị công khai tại khu vực cổng nhà máy 24/24h theo đúng quy định của Nhà nước về quản lý môi trường.

Trong nhiều năm qua, Ngân hàng Vietcombank đã được Đảng, Nhà nước, Chính phủ tin tưởng giao thực hiện sứ mệnh cung ứng vốn tín dụng cho nhiều Dự án năng lượng trọng điểm Quốc gia như: Nhà máy Thủy điện Sơn La (6.000 tỷ đồng), Nhà máy Thủy điện Lai Châu (6.500 tỷ đồng), Nhà máy nhiệt đien ẹ Vĩnh Tân 4 (2.000 tỷ đồng), Nhà máy Thủy điện Hòa Bình mở rộng (4.000 tỷ đồng)…

Nhận thức được tầm quan trọng của điện năng đối với việc phát triển kinh tế - xã hội, Vietcombank đã và sẽ tiếp tục tài trợ cho nhiều Dự án lớn khác, đặc biệt ưu tiên đối với lĩnh vực năng lượng xanh, năng lượng tái tạo. Giá trị cấp tín dụng cho các dự án trong lĩnh vực năng lượng xanh, năng lượng tái tạo đã tăng mạnh tỷ trọng trong danh mục của Vietcombank trong thời gian vừa qua, tốc độ tăng trưởng năm 2020 so với 2019 là khoảng 160% và sẽ tiếp tục phát triển trong thời gian tới với tốc độ tăng trưởng dự kiến năm 2021 so với năm 2020 ở mức khoảng 244%.

Kiến nghị tăng vốn Dự án kè bờ sông Cần Thơ - Ứng phó biến đổi khí hậu TP. Cần Thơ

UBND TP. Cần Thơ vừa có văn bản số 155/BC-UBND gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo về tình hình thực hiện Dự án kè bờ sông Cần Thơ - Ứng phó biến đổi khí hậu TP.Cần Thơ.

Theo báo cáo của UBND TP. Cần Thơ, Dự án kè bờ sông Cần Thơ - Ứng phó biến đổi khí hậu TP. Cần Thơ có tổng chiều dài toàn tuyến công trình là 5.160 m, gồm: Đoạn kè bảo vệ bờ phải từ cầu Cái Sơn (phường An Bình, quận Ninh Kiều) đến tiếp giáp Dự án kè chống sạt lở khu vực chợ Mỹ Khánh, huyện Phong Điền, dài 2.710 m (chia thành 02 gói thầu); đoạn kè bảo vệ bờ trái từ gầm cầu Cái Răng đến rạch Ba Láng (phường Lê Bình, quận Cái Răng) sau đó tiến về huyện Phong Điền, tổng chiều dài là 2.450 m (gồm 02 gói thầu).

Dự án kè bờ sông Cần Thơ - Ứng phó biến đổi khí hậu TP. Cần Thơ đi dọc theo hai bên bờ chợ nổi Cái Răng về hướng huyện Phong Điền. Ảnh: Nguyễn Hữu Thành

Dự án kè bờ sông Cần Thơ - Ứng phó biến đổi khí hậu TP. Cần Thơ đi dọc theo hai bên bờ chợ nổi Cái Răng về hướng huyện Phong Điền. Ảnh: Nguyễn Hữu Thành

Về công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, tổng số trường hợp bị ảnh hưởng của dự án là 544 trường hợp. Trong đó, đã được phê duyệt: 522/544 trường hợp với giá trị là 340,192/429,667 tỷ đồng. Đã chi trả 401/522 trường hợp tương đương số tiền 230,253/340,192 tỷ đồng, còn lại 121 trường hợp chưa nhận với số tiền gần 110 tỷ đồng. Nhu cầu tái định cư khoảng 425 nền, đã bố trí 21 nền, còn lại 404 nền chưa bố trí.

Về công tác thi công xây dựng, tổng giá trị hợp đồng của 04 gói thầu là 509,215 tỷ đồng. Tính đến nay, tổng giá trị thực hiện của 04 gói thầu xây lắp là 175,944/509,215 tỷ đồng, đạt 34,55%.

Tại báo cáo trên, UBND TP. Cần Thơ cho rằng, trong quá trình thực hiện, Dự án đã gặp phải các khó khăn, vướng mắc, như: kinh phí bồi thường thực tế được các quận, huyện phê duyệt cho các hộ dân đến nay là 340,19 tỷ đồng, vượt kinh phí bồi thường trong dự án được duyệt là 235,410 tỷ đồng (Quyết định số 1027/QĐ-UBND ngày 13/4/2016 của Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ), vốn đã giải ngân cho công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư được 233,822/235,410 tỷ đồng, nên không thể chuyển tiếp kinh phí cho các địa phương để chi trả bồi thường cho các hộ dân. Do đó, dự án hiện nay đang được trình điều chỉnh tổng mức đầu tư.

Bên cạnh đó, do biến đổi khí hậu và tình trạng sạt lở 02 bên bờ sông diễn biến phức tạp, dẫn đến địa hình dòng sông có thay đổi, vì vậy để đảm bảo chất lượng công trình, phải tiến hành khảo sát địa hình lòng sông và điều chỉnh thiết kế của các gói thầu.

Do vậy, UBND TP. Cần Thơ kiến nghị bộ, ngành Trung ương hỗ trợ xem xét, thẩm định và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư của dự án để sớm hoàn thành công tác chi trả bồi hoàn cho các hộ dân.

Trước đó, vào ngày 22/3/2021, UBND TP. Cần Thơ đã có Tờ trình số 32/TTr-UBND trình Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định Báo cáo đề xuất chủ trương điều chỉnh đầu tư dự án, với các nội dung: Tổng mức đầu tư điều chỉnh: 1.095.363.057.520 đồng. Thời gian thực hiện dự án điều chỉnh: năm 2016 - 2023; ngày hạn rót vốn xin điều chỉnh: ngày 30/10/2022.

Dự án kè bờ sông Cần Thơ - Ứng phó biến đổi khí hậu TP. Cần Thơ được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh mục tại Quyết định số 2092/QĐ-TTg ngày 26/11/2015. Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng tại Quyết định số1027/QĐ-UBND ngày 13/4/2016, phê duyệt điều chỉnh dự án tại Quyết định số 338/QĐ-UBND ngày 26/02/2020 và phê duyệt điều chỉnh thời gian thực hiện dự án tại Quyết định số 111/QĐ-UBND ngày 18/01/2021. Đây là dự án nhóm B, do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng TP. Cần Thơ làm chủ dự án. Địa điểm xây dựng tại quận Ninh Kiều, quận Cái Răng và huyện Phong Điền, TP. Cần Thơ.

Dự án có tổng mức đầu tư trên 810,743 đồng (tương đương 33,781 triệu Euro), từ nguồn vốn ODA do Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) tài trợ và vốn đối ứng ngân sách địa phương. Trong đó, vốn vay ODA từ AFD trên 462 tỷ đồng, vốn viện trợ không hoàn lại từ AFD là 7,2 tỷ đồng và vốn đối ứng ngân sách địa phương trên 341 tỷ đồng. Thời gian thực hiện dự án: từ năm 2016 đến ngày 05 tháng 9 năm 2021.

Cần Thơ lập phương án đầu tư 5 nút giao trọng điểm, vốn khoảng 1.180 tỷ đồng

Việc đầu tư 5 nút giao trọng điểm trên địa bàn thành phố sẽ góp phần giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông vào giờ cao điểm. Dự án có tổng mức đầu tư dự kiến 1.180 tỷ đồng.

Nút giao giữa đường Mậu Thân- đường 3 tháng 2, quận Ninh Kiều thường bị ùn tắt giao thông vào giờ cao điểm

Nút giao giữa đường Mậu Thân- đường 3 tháng 2, quận Ninh Kiều thường bị ùn tắt giao thông vào giờ cao điểm

Theo Sở Giao thông vận tải TP. Cần Thơ, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ, Sở này đã tiến hành nghiên cứu và lập phương án đầu tư 5 nút giao trọng điểm trên địa bàn thành phố, bao gồm: Cải tạo, mở rộng nút giao giữa đường Mậu Thân - đường 3 tháng 2; nút giao giữa đường Mậu Thân - Nguyễn Văn Cừ - Võ Văn Kiệt; nút giao giữa đường Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Văn Cừ; nút giao giữa đường Nguyễn Văn Linh - đường 3 tháng 2 và nút giao giữa đường Nguyễn Văn Linh - đường 30 tháng 4.

Trong đó, giai đoạn 1 mở rộng nút giao cùng mức, bố trí các nhánh rẽ phải độc lập. Giai đoạn tiếp theo sẽ xem xét bố trí công trình cầu vượt hoặc hầm chui theo nhu cầu giao thông. Dự án có tổng mức đầu tư dự kiến 1.180 tỷ đồng.

Sở Giao thông vận tải TP. Cần Thơ cho biết, Dự án đã được UBND TP. Cần Thơ chấp thuận phương án đầu tư và phê duyệt giao nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư dự án cho Sở Giao thông vận tải tại Quyết định số 1234/QĐ-UBND ngày 09/6/2021. Sở Giao thông vận tải đã phê duyệt dự toán chuẩn bị đầu tư, đồng thời đã hoàn tất báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư thẩm định.

5 nút giao trên đều nằm trên địa bàn quận Ninh Kiều, trung tâm TP. Cần Thơ, nơi có lưu lượng người, xe qua lại đông đúc, thường hay bị ùn tắt giao thông vào giờ cao điểm, việc nâng cấp, cải tạo các nút giao đó sẽ góp phục khắc phục tình trạng này.

Đóng điện thành công trạm 500kV Dốc Sỏi (Quảng Ngãi) và 220kV Lao Bảo (Quảng Trị)

Tại Trạm biến áp 500kV Dốc Sỏi (Quảng Ngãi), Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) đã tổ chức nghiệm thu, đóng điện đường dây 500kV mạch 3 đoạn Dốc Sỏi – Pleiku 2.

Dự án đường dây 500kV Dốc Sỏi – Pleiku 2 là một trong 3 dự án thành phần thuộc cụm Dự án đường dây 500kV mạch 3 (Vũng Áng – Quảng Trạch –Dốc Sỏi – Pleiku 2) do EVNNPT làm chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án các công trình điện miền Trung (CPMB) quản lý, điều hành dự án. Dự án được khởi công tháng 12-2018, quy mô xây dựng đường dây 500kV mạch kép, tổng chiều dài khoảng 209km có điểm đầu là TBA 500kV Dốc Sỏi và điểm cuối là TBA 500kV Pleiku 2, bao gồm 429 vị trí móng, đi qua địa bàn các tỉnh Quảng Ngãi, Kon Tum và Gia Lai.

Trong khi đó, tại Quảng Trị, Ban QLDA các công trình điện miền Trung phối hợp với các đơn vị liên quan nghiệm thu đóng điện công trình máy biến áp AT2 (220kV-250MVA) TBA 220kV Lao Bảo thuộc dự án TBA 220kV Lao Bảo và đường dây 220kV Đông Hà - Lao Bảo (tỉnh Quảng Trị).

Đây là công trình năng lượng cấp I, nhóm B do Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) làm chủ đầu tư, Ban QLDA các công trình điện miền Trung (CPMB) quản lý điều hành Dự án, Công ty Truyền tải điện 2 tiếp nhận vận hành. Trạm biến áp 220kV Lao Bảo được xây dựng tại xã Tân Hợp, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị. Dự án có quy mô xây dựng mới 01 trạm biến áp 220/110/22kV với qui mô 2 máy biến áp, công suất 250MVA. Giai đoạn 1 lắp đặt trước 1 máy biến áp 220kV - 250MVA.

Việc hoàn thành Dự án sẽ đảm bảo cho các nhà máy điện gió vận hành thương mại (COD) trước ngày 1/11/2021 cho 17 nhà máy điện gió trong khu vực đăng ký truyền tải điện về TBA 220kV Lao Bảo. Dự án sẽ góp phần truyền tải công suất các nhà máy điện gió, các nhà máy thủy điện phía Tây tỉnh Quảng Trị lên hệ thống điện quốc gia; góp phần đảm bảo cung cấp điện an toàn, tin cậy cho phụ tải tỉnh Quảng Trị; nâng cao năng lực truyền tải và giảm tổn thất cho lưới điện khu vực.

Bình Định: Chi gần 560 tỷ đồng nâng cấp, mở rộng Cảng Quy Nhơn

Ngày 2/7, ông Nguyễn Phi Long, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho biết, đã ký văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư Dự án nâng cấp bến số 1 cảng Quy Nhơn của Công ty CP cảng Quy Nhơn.

Theo đó, bến số 1 sẽ được mở rộng ra phía khu nước trước bến hiện tại thêm 35 m (tổng chiều dài bến sau khi nâng cấp là 480 m), đảm bảo tiếp nhận đồng thời 2 tàu tổng hợp, container 30.000 DWT đầy tải.

Kết cấu bến cũng được tính toán thiết kế đảm bảo neo cập cho tàu tổng hợp, container 50.000 DWT đầy tải trong giai đoạn sau. Dự án có vốn đầu tư gần 510 tỷ đồng, theo kế hoạch khởi công vào quý 3/2021, hoàn thành đưa vào sử dụng cuối năm 2022.

Trước đó, UBND tỉnh Bình Định đã phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500 mở rộng cảng và thủ tục đánh giá tác động môi trường; Hồ sơ báo cáo nghiên cứu khả thi dự án cũng đã được Bộ GTVT thẩm định… để có thể tiến tới khởi công xây dựng vào quý 3/2021.

Chủ tịch UBND tỉnh này cũng đã ký văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư dự án mở rộng cảng Quy Nhơn đến năm 2030.

Theo đó, cảng được đầu tư mở rộng các hạng mục như: khu kho chứa hàng, khu bãi hàng, bãi container, khu hạ tầng kỹ thuật cảng... với diện tích khoảng 3,8 ha tại P.Hải Cảng (giai đoạn 1).

Tổng vốn đầu tư của dự án là 50 tỷ đồng, sẽ khởi công trong quý 3/2021 và hoàn thành đi vào hoạt động trong quý 1/2023.

Đà Nẵng có sẵn 22 khu đất sạch để kêu gọi đầu tư

Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư TP. Đà Nẵng vừa công bố 22 vị trí khu đất sạch nằm trong quỹ đất kêu gọi đầu tư TP. Đà Nẵng. Theo đó, các lô đất có tổng diện tích quy hoạch gần 340.000m2 đã được quy hoạch thuộc các lĩnh vực nhà ở, thương mại dịch vụ, giáo dục - đào tạo, y tế. Các khu đất này nằm ở những vị trí đắc địa thuộc các quận Sơn Trà, Cẩm Lệ, Ngũ Hành Sơn và huyện Hòa Vang. Theo kế hoạch, các khu đất này sẽ được tổ chức đấu giá trong năm 2021 và năm 2022.

Thành phố Đà Nẵng đã có sẵn 22 khu đất sạch để kêu gọi đầu tư.

Thành phố Đà Nẵng đã có sẵn 22 khu đất sạch để kêu gọi đầu tư.

Trong số 22 khu đất này có nhiều khu đất có diện tích quy hoạch lớn như: Dự án Không gian sáng tạo tại phường Hòa Xuân có diện tích quy hoạch điều chỉnh 172.980 m2, trong đó bố trí các công trình phục vụ nhu cầu làm việc, sáng tạo thuộc lĩnh vực công nghệ thông tin và lĩnh vực khác. Đi kèm là các công trình dịch vụ liên kết và kết hợp nhà ở cho chuyên gia, thương mại dịch vụ, văn hóa, thể dục thể thao…

Theo công bố của UBND TP. Đà Nẵng trước đó, dự án do Tập đoàn công nghệ CMC đề xuất đầu tư. Dự kiến tạo việc làm cho khoảng 12.000 lao động, vốn đầu tư khoảng 12.000 tỷ đồng.

Khu dịch vụ liền kề nhà ở (Khu công viên phần mềm số 2 - giai đoạn 1) có diện tích 24.452m2. Dự án nằm ở 2 mặt tiền đường Như Nguyệt là đường gom Cầu Thuận Phước. Theo quy hoạch, bên cạnh khu dịch vụ liền kề nhà ở, dự án gồm khối tòa nhà văn phòng ICT 20 tầng với tổng diện tích sàn xây dựng 26.267 m2; khối toà nhà văn phòng trụ sở ICT1 gồm 8 tầng với tổng diện tích sàn xây dựng 39.297 m2.

Khối tòa nhà văn phòng trụ sở kết hợp khu cà phê 8 tầng ICT2 với tổng diện tích sàn xây dựng 27.220 m2, cùng hệ thống sân bãi, giao thông nội bộ, cảnh quan cây xanh thảm cỏ, hệ thống hạ tầng kỹ thuật đồng bộ.

Ngoài ra, còn có những dự án khác như: Khu dân cư mới nam cầu Cẩm Lệ diện tích 20.855m2. Khu đất có vị trí 4 mặt tiền đường Nguyễn Hồng Ánh, Nguyễn Bảo, Lê Đình Diên và Hoàng Đạo Thành; Dự án khu dân cư An Hòa, khu tái định cư Hòa Minh 1…

Đầu tư 3.837 tỷ đồng cho Dự án Đường Vành đai phía Tây TP. Cần Thơ

Theo Sở Giao thông - Vận tải TP. Cần Thơ, Dự án Đường Vành đai phía Tây TP. Cần Thơ (nối Quốc lộ 91 đến Quốc lộ 61C) đã được sở này hoàn thành hồ sơ báo cáo nghiên cứu khả thi và đã trình Bộ Xây dựng thẩm định.

Dự án Đường Vành đai phía Tây TP. Cần Thơ khi hoàn thành sẽ góp phần giải tỏa áp lực giao thông khu vực trung tâm thành phố.

Dự án Đường Vành đai phía Tây TP. Cần Thơ khi hoàn thành sẽ góp phần giải tỏa áp lực giao thông khu vực trung tâm thành phố.

Đây là dự án có quy mô vốn lớn của thành phố, có điểm đầu giao Quốc lộ 91 (sau cầu Ô Môn), điểm cuối giao Quốc lộ 61C tại Km1+ 400. Tổng chiều dài đoạn tuyến khoảng 19,4 km. Dự án có tổng mức đầu tư dự kiến 3.837 tỷ đồng; thời gian dự kiến thực hiện năm 2021 - 2026.

Sở Giao thông - Vận tải TP. Cần Thơ thông tin, sau khi có kết quả thẩm định của Bộ Xây dựng, Báo cáo nghiên cứu khả thi được UBND thành phố phê duyệt và giao vốn thực hiện đầu tư, Sở sẽ trình phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu để triển khai đấu thầu rộng rãi gói thầu khảo sát và lập thiết kế bản vẽ thi công, dự toán và dự kiến tháng 9/2021 sẽ hoàn thành công tác lựa chọn nhà thầu và ký kết hợp đồng với nhà thầu trúng thầu.

Dự kiến tháng 12/2021, khi đảm bảo bàn giao mặt bằng thì sẽ triển khai đấu thầu rộng rãi gói thầu thi công xây dựng, gói thầu tư vấn giám sát, gói thầu bảo hiểm công trình và hoàn thành công tác lựa chọn nhà thầu, ký kết hợp đồng và khởi công dự án.

Dự án Đường Vành đai phía Tây TP. Cần Thơ được đầu tư nhằm giải tỏa áp lực giao thông khu vực trung tâm nội đô, từng bước hoàn chỉnh quy hoạch mạng lưới giao thông, góp phần phát triển kinh tế - xã hội thành phố.

Hạnh Nguyên (tổng hợp)
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục