Đầu tư tuần qua: 711 dự án, vốn hơn 148.000 tỷ đồng; 614 tỷ đồng xây đường kết nối bến cảng Lạch Huyện

Đề xuất đầu tư 614 tỷ đồng xây đường kết nối 4 bến cảng Lạch Huyện; Đà Nẵng có 711 dự án đầu tư trong nước, tổng vốn hơn 148.000 tỷ đồng…
Đầu tư tuần qua: 711 dự án, vốn hơn 148.000 tỷ đồng; 614 tỷ đồng xây đường kết nối bến cảng Lạch Huyện

Đó là hai trong số nhiều thông về đầu tư đáng chú ý trong tuần qua.

Nghiên cứu bổ sung vào quy hoạch 2 sân bay hải đảo là Lý Sơn và Phú Quý

Cục Hàng không Việt Nam đề xuất nghiên cứu, khảo sát để bổ sung vào quy hoạch một số sân bay dân dụng khu vực hải đảo như Lý Sơn (Quảng Ngãi), Phú Quý (Bình Thuận).

Cảng hàng không Chu Lai được quy hoạch là một trong những đầu mối logistics hàng không lớn.

Cảng hàng không Chu Lai được quy hoạch là một trong những đầu mối logistics hàng không lớn.

Đây là đề xuất mới nhất của Cục Hàng không Việt Nam tại dự thảo Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đang được lấy ý kiến công khai.

Theo đó, trong thời kỳ 2021-2030, Cục Hàng không Việt Nam đề xuất quy hoạch 28 cảng hàng không, bao gồm 14 cảng hàng không quốc tế, 14 cảng hàng không quốc nội. Trong đó, 14 cảng hàng không quốc tế gồm: Nội Bài, Long Thành, Tân Sơn Nhất, Vân Đồn, Cát Bi, Thọ Xuân, Vinh, Phú Bài, Đà Nẵng, Cam Ranh, Chu Lai, Cần Thơ, Phú Quốc và Liên Khương; 14 cảng hàng không quốc nội gồm: Lai Châu, Điện Biên, Sa Pa, Nà Sản, Quảng Trị, Pleiku, Phù Cát, Tuy Hòa, Buôn Ma Thuột, Phan Thiết, Đồng Hới, Rạch Giá, Cà Mau và Côn Đảo;

Cũng trong giai đoạn này, Cục Hàng không Việt Nam kiến nghị cấp có thẩm quyền cho phép nghiên cứu, khảo sát, đánh giá và báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định việc bổ sung quy hoạch, xây dựng cảng hàng không tại các đảo (như Lý Sơn, Phú Quý,...) và quần đảo có nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Cũng tại dự thảo Quy hoạch, định hướng đến năm 2050, Cục Hàng không Việt Nam kiến nghị quy hoạch 29 cảng hàng không, bao gồm 14 cảng hàng không quốc tế, 15 cảng hàng không quốc nội, trong đó cảng hàng không mới duy nhất được đưa vào quy hoạch trong giai đoạn này là Cao Bằng.

Bên cạnh đó, Cục Hàng không Việt Nam kiến nghị tiếp tục duy trì vị trí quy hoạch cảng hàng không quốc tế Hải Phòng là Tiên Lãng (đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch vị trí tại Quyết định 640/QĐ-TTg ngày 28/4/2011) nhằm mục đích dự bị cho cảng hàng không quốc tế Nội Bài và cảng hàng không quốc tế Cát Bi.

Liên quan đến việc thiết lập các trung tâm logistics vận tải hàng không, Cục Hàng không Việt Nam kiến nghị bố trí các trung tâm logistics làm đầu mối tập kết hàng hóa tại các cảng hàng có nhu cầu vận tải lớn hơn 250.000 tấn/năm. Các trung tâm logistics đảm bảo các điều kiện về kho vận và kết nối các loại hình giao thông thích hợp để vận tải hàng hóa. Quy hoạch trung tâm logistics tại các cảng hàng không gồm: Nội Bài, Tân Sơn Nhất, Long Thành, Chu Lai, Vân Đồn, Cần Thơ và một số cảng hàng không khác khi có nhu cầu vận tải hàng hóa đạt tiêu chí nêu trên. Hình thành trung tâm logistics hàng hóa lớn, trung chuyển quốc tế tại các hàng không quốc tế Chu Lai.

Theo tính toán, diện tích đất chiếm dụng dự kiến của quy hoạch tổng thể hệ thống cảng hàng không đến năm 2030 khoảng 20.393 ha, đến năm 2050 khoảng 22.121 ha. Tổng nhu cầu vốn đầu tư hệ thống cảng hàng không đến năm 2030 khoảng 403.106 tỷ đồng.

Trong vòng 10 năm tới, Cục Hàng không Việt Nam kiến nghị ưu tiên đầu tư xây dựng mở rộng, nâng cấp các cảng hàng không quốc tế lớn đóng vai trò đầu mối như: Long Thành giai đoạn 1; nhà ga T3 cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, mở rộng nhà ga T2 cảng hàng không quốc tế Nội Bài; đầu tư xây dựng mở rộng, nâng cấp các các hàng không tại vùng sâu, vùng xa, vùng núi, hải đảo như: cảng hàng không Điện Biên, cảng hàng không Côn Đảo, Sa Pa; đầu tư xây dựng các cảng hàng không bảo đảm quốc phòng - an ninh như: Phan Thiết, Thọ Xuân…

Khởi công nâng cấp Bến cảng số 1 Cảng Quy Nhơn vào tháng 8/2021

Dự án nâng cấp cầu cảng số 1 cảng Quy Nhơn quy mô 1 cầu cảng liền bờ dài 480m, tiếp nhận trọng tải đến 30 nghìn tấn và sẽ được đầu tư bằng nguồn vốn của doanh nghiệp cảng.

Theo Công ty CP cảng Quy Nhơn (Bình Định), hiện đơn vị này đã hoàn thành các bước chuẩn bị đầu tư dự án xây dựng nâng cấp bến số 1 cảng Quy Nhơn như: thỏa thuận vị trí, thông số kỹ thuật tuyến bến với Cục Hàng hải VN; UBND tỉnh Bình Định phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500 mở rộng cảng và thủ tục đánh giá tác động môi trường; Hồ sơ báo cáo nghiên cứu khả thi dự án cũng đã được Bộ GTVT thẩm định… để có thể tiến tới khởi công xây dựng vào tháng 8/2021.

Theo văn bản thỏa thuận với Cục Hàng hải Việt Nam, dự án nâng cấp cầu cảng số 1 cảng Quy Nhơn sẽ có quy mô 1 cầu cảng liền bờ dài 480m, tiếp nhận tàu tổng hợp, container trọng tải đến 30.000 DWT, được đầu tư bằng nguồn vốn của doanh nghiệp cảng.

Theo lãnh đạo UBND tỉnh Bình Định, cảng Quy Nhơn dù là một trong những cảng lớn nhất miền Trung, là động lực kinh tế cho địa phương và khu vực khi thu hút lượng hàng hóa lớn từ vùng Tây Nguyên, Nam Lào, Campuchia, song nhiều năm qua, cảng hầu như không được đầu tư dẫn đến sự quá tải về công suất và hạn chế trong hệ thống luồng dẫn vào cảng.

Số liệu qua từng năm cho thấy, năm 2010, hàng qua cảng Quy Nhơn đạt 4,5 triệu tấn (gấp đôi công suất thiết kế), đến năm 2019, sau khi được Tổng công ty hàng hải VN tiếp nhận lại, sản lượng hàng hóa qua cảng đã tăng vọt lên 9,1 triệu tấn và tiếp tục đạt hơn 12 triệu tấn vào năm 2020.

Đến nay, hiệu suất khai thác lên tới 2.500 tấn/mét cầu cảng, gấp năm lần công suất thiết kế. Vì vậy, việc nâng cấp, mở rộng cảng Quy Nhơn là vô cùng cần thiết để đáp ứng sự tăng trưởng của hàng hóa, thúc đẩy sự phát triển KT-XH của địa phương.

Để tạo thuận lợi cho công tác xây dựng nâng cấp bến số 1 cảng Quy Nhơn, tháng 4/2021, UBND tỉnh Bình Định đã có văn bản kiến nghị và được Bộ GTVT chấp thuận chấm dứt hoạt động bến phao xăng dầu của Công ty CP Petec Bình Định (nằm trong phạm vi dự án) để dự án được triển khai theo đúng kế hoạch.

Cảng hàng không Liên Khương vận hành thử nghiệm công trình xử lý chất thải

Cảng hàng không Liên Khương (huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng) sẽ vận hành thử nghiệm các công trình xử lý chất thải từ ngày 7/6/2021.

Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Lâm Đồng vừa thống nhất để Cảng hàng không Liên Khương (thị trấn Liên Nghĩa, huyện Đức Trọng) đưa các công trình xử lý chất thải vào vận hành thử nghiệm.

Theo đó, thời gian bắt đầu vận hành thử nghiệm là ngày 7/6/2021; thời gian kết thúc vận hành thử nghiệm là ngày 1/9/2021; thời gian vận hành ổn định từ ngày 26/8/2021 đến ngày 1/9/2021. Trong quá trình vận hành thử nghiệm, nếu có sự thay đổi so với kế hoạch, Sở Tài nguyên và Môi trường đề nghị Cảng hàng không Liên Khương có báo cáo bằng văn bản để được kiểm tra, giám sát theo quy định.

“Trường hợp gây ra sự cố môi trường hoặc ô nhiễm môi trường, Cảng hàng không Liên Khương phải dừng ngay hoạt động vận hành thử nghiệm và báo cáo kịp thời về Sở Tài nguyên và Môi trường để được hướng dẫn giải quyết; chịu trách nhiệm khắc phục sự cố môi trường, bồi thường thiệt hại và bị xử lý theo quy định của pháp luật”, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Lâm Đồng nêu.

Trước đó, ngày 11/12/2019, ông Nguyễn Văn Yên, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng đã ký văn bản chấp thuận cho Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam - CTCP điều chỉnh, bổ sung một số nội dung trong đề án bảo vệ môi trường chi tiết Cảng hàng không Liên Khương tại thị trấn Liên Nghĩa, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng theo đề nghị điều chỉnh, thay đổi một số nội dung so với Đề án bảo vệ môi trường chi tiết của công trình này.

UBND tỉnh Lâm Đồng yêu cầu Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam - CTCP thực hiện và tuân thủ đúng các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường trong quá trình hoạt động của Cảng hàng không Liên Khương; đồng thời giao Sở Tài nguyên và Môi trường giám sát việc bảo vệ môi trường đối với Cảng hàng không Liên Khương theo đúng quy định.

Kon Tum cấp chủ trương đầu tư dự án nhà máy chiết xuất dược liệu

Dự án có diện tích 5.500m2, công suất thiết kế 1.500 tấn sản phẩm củ tươi/năm, sản phẩm dịch vụ là tinh chất Curcumin dưới dạng bột, tinh chất sâm dưới dạng bột …

Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Kon Tum cho biết vừa cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho Công ty Cổ phần Thương mại Nông nghiệp và Dược liệu Đồng xanh Kon Tum để triển khai Dự án Nhà máy chiết xuất đa năng dược liệu Đồng Xanh số 1 Kon Tum, tại Khu Công nghiệp Hòa Bình, thành phố Kon Tum.

Dự án được thực hiện tại KCN Hòa Bình, TP Kon Tum.

Dự án được thực hiện tại KCN Hòa Bình, TP Kon Tum.

Theo đó, dự án có diện tích đất sử dụng 5.500m2, công suất thiết kế 1.500 tấn sản phẩm củ tươi/năm; quy mô xây dựng bao gồm: Cửa hàng giới thiệu và bán sản phẩm, Khu văn phòng làm việc và điều hành sản xuất, sân bãi đậu xe, nhà bảo vệ, khu nhà xưởng gồm khu tập kết nguyên liệu, khu rửa, nhà sơ chế, khu chiết suất, khu tinh chế dược liệu, khu đóng gói, đóng viên thành phẩm, kho thành phẩm.

Sản phẩm, dịch vụ cung cấp của dự án là tinh chất Curcumin dưới dạng bột, tinh chất sâm dưới dạng bột hoặc chế phẩm như viên nang, viên nhộng.

Dự án có tổng mức đầu tư 12 tỷ đồng, thời gian hoạt động là 39 năm 7 tháng kể từ ngày cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư lần đầu.

Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh Kon Tum yêu cầu nhà đầu tư phải làm thủ tục đăng ký cấp tài khoản sử dụng trên hệ thống thông tin quốc gia về đầu tư theo quy định của pháp luật. Đồng thời, nhà đầu tư phải có trách nhiệm triển khai thực hiện dự án theo đúng mục tiêu, nội dung, tiến độ cam kết; tuân thủ các quy định của pháp luật hiện hành về đầu tư, đất đai, môi trường, phòng cháy chữa cháy, xây dựng, lao động, nghĩa vụ tài chính và các quy định khác có liên quan. Nghiêm túc thực hiện các quy định, quy chuẩn, tiêu chuẩn Việt Nam về PCCC. Dự án phải được thẩm duyệt thiết kế về PCCC trước khi thi công và nghiệm thu về PCCC trước khi đưa vào sử dụng theo quy định.

“Trường hợp nhà đầu tư không hoàn thành các thủ tục đầu tư theo quy định, không thực hiện dự án, chậm tiến độ dự án mà không có lý do hợp lý, Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh sẽ thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư này, nhà đầu tư tự chịu trách nhiệm về các khoản chi phí đã đầu tư”, BQL Khu kinh tế Kon Tum cho biết.

Cũng theo Ban quản lý Khu kinh tế Kon Tum cho biết, tính đến tháng 5/2021, tại các khu kinh tế, khu – cụm công nghiệp Kon Tum đã có 121 dự án được cấp chủ trương đầu tư với tổng vốn đầu tư đăng ký là 4.412 tỷ đồng. Trong đó, có 42 dự án đang triển khai xây dựng cơ bản hoặc đã hoàn thành nhưng chưa hoạt động với tổng mức đầu tư đăng ký 2.864 tỷ đồng; có 61 dự án đã hoạt động với vốn đầu tư đăng ký 1.254 tỷ đồng.

Thủ tướng nêu 5 quan điểm lớn khi xây dựng đường cao tốc trong 10 năm tới

Bộ GTVT được giao khẩn trương hoàn thiện, làm sâu sắc thêm nội dung dự thảo Báo cáo, Tờ trình Bộ Chính trị về việc thực hiện đường cao tốc giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030.

Văn phòng Chính vừa có Thông báo số 141/TB- VPCP thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại cuộc họp về thực hiện xây dựng đường bộ cao tốc giai đoạn 2021 - 2025 và định hướng đến năm 2030.

Thi công cao tốc Bắc - Nam phía Đông đoạn qua Quảng Trị.

Thi công cao tốc Bắc - Nam phía Đông đoạn qua Quảng Trị.

Theo đó, Thủ tướng đánh giá cao sự chuẩn bị của Bộ Giao thông Vận tải (GTVT), trong thời gian ngắn đã rất nỗ lực xây dựng dự thảo Tờ trình, Báo cáo, cơ bản đáp ứng quan điểm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện xây dựng đường bộ cao tốc giai đoạn 2021 - 2025 và định hướng đến năm 2030.

Thông báo số 141 cho biết là cuộc họp thống nhất 5 quan điểm lớn liên quan đến việc đầu tư, xây dựng đường cao tốc trong 10 năm tới.

Một là, trong 20 năm qua chúng ta chỉ làm được gần 1.200 km đường bộ cao tốc. Trong 10 năm tới (2021 - 2030), chúng ta cần phải làm gần 4.000 km đường bộ cao tốc mới. Đây là nhiệm vụ chính trị, là trách nhiệm và vinh dự của chúng ta trước Đảng, Nhà nước và nhân dân. Chúng ta quyết tâm thực hiện thành công nhiệm vụ được giao với sự vào cuộc của các bộ, ngành, địa phương, của nhân dân, của ngân hàng và cả hệ thống chính trị.

Hai là, với nhiệm vụ được giao, ngân sách nhà nước cân đối tối đa cũng chỉ đáp ứng được một phần nhu cầu vốn. Do vậy phải huy động tất cả các nguồn lực khác, cả trong và ngoài nước. Vốn ngân sách trung ương chỉ mang tính khơi nguồn, vốn xã hội hóa là quyết định; đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) là chính.

Ba là, kế họach đầu tư cần hợp lý giữa các vùng, miền, nhất là đồng bằng sông Cửu Long, Tây Bắc, Tây Nguyên và Nam Trung bộ, những vùng động lực; phải có trọng tâm, trọng điểm (tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, các tuyến vành đai của thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh) và lộ trình phù hợp để phát huy cao nhất hiệu quả đầu tư.

Bốn là, phải đổi mới tư duy quản lý, đẩy mạnh phân quyền, phân cấp đầu tư cho các địa phương. Địa phương mong muốn có đường cao tốc thì phải chủ động vào cuộc, chịu trách nhiệm giải phóng mặt bằng. Giao các địa phương là cơ quan có thẩm quyền. Chính phủ hỗ trợ một phần chi phí xây lắp và có chính sách linh hoạt đối với các địa phương khó khăn.

Năm là, cá thể hóa trách nhiệm cá nhân; chống tham nhũng tiêu cực, lợi ích nhóm. Tất cả phải vì dân, vì nước, đặt lợi ích quốc gia dân tộc lên trên hết.

Thủ tướng giao Bộ GTVT tiếp thu các ý kiến góp ý xác đáng của các bộ, ngành tại cuộc họp ngày hôm nay để tiếp tục hoàn thiện Hồ sơ, trong đó tên Báo cáo cần cân nhắc điều chỉnh lại thành “Báo cáo thực hiện xây dựng đường bộ cao tốc giai đoạn 2021 - 2025 và định hướng đến năm 2030”.

Báo cáo phải tập trung đánh giá kết quả trong 5 năm gần đây và nhìn lại 20 năm qua; những mặt được, chưa được; nguyên nhân chủ quan, khách quan và đặc biệt là các bài học kinh nghiệm (về công tác lãnh đạo, chỉ đạo; công tác tổ chức thực hiện; việc huy động nguồn lực; cơ chế, chính sách; cân đối vùng, miền...). Số liệu đánh giá cần chi tiết một số Dự án đường cao tốc đã triển khai (phụ lục bảng biểu minh họa rõ về tổng mức đầu tư, nguồn vốn, tiến độ, vướng mắc...) để thấy rõ ưu điểm, nhược điểm của từng mô hình đầu tư, từng cơ chế, chính sách.

Thủ tướng đề nghị Bộ GTVT cần xác định rõ nhu cầu đầu tư đường cao tốc; bám sát các điều kiện thực tế, cũng như các khó khăn vướng mắc... để từ đó xác định đúng tình hình, có bước đi thích hợp.

Cụ thể, mục tiêu xuyên suốt là đến năm 2025 phải cơ bản hoàn thành đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông (toàn quốc có khoảng 3.000 km), đến năm 2030 có khoảng 5.000 km đường bộ cao tốc; bảo đảm đúng tiến độ, chất lượng, tiết kiệm, chống tiêu cực, tham nhũng...

Báo cáo cần xác định rõ thứ tự ưu tiên để lựa chọn các dự án cấp bách triển khai trước, mục tiêu phấn đấu hoàn thành cao tốc Bắc - Nam phía Đông vào thời điểm thích hợp; đề xuất giải pháp huy động nguồn lực và tổ chức thực hiện (trong đó phân cấp, chia sẻ trách nhiệm của địa phương; đề xuất cơ chế, chính sách để thực hiện được mục tiêu, trên cơ sở đúng thẩm quyền của từng cấp...).

Về tổ chức thực hiện, Thủ tướng đề nghị các đơn vị liên quan phải quán triệt quan điểm “Nói phải làm”, “Suy nghĩ phải chín, tư tưởng phải thông, quyết tâm phải cao, nỗ lực phải lớn”. Báo cáo phải thể hiện rõ công tác tổ chức thực hiện để đạt được mục tiêu như: nâng cao trách nhiệm từng cấp và hệ thống chính trị trong công tác đầu tư xây dựng, từ công tác chuẩn bị đầu tư, giải phóng mặt bằng, thực hiện đầu tư; thống nhất tư tưởng, hành động kịp thời, quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm...

Thủ tướng giao Bộ GTVT khẩn trương hoàn thiện, làm sâu sắc thêm nội dung dự thảo Báo cáo, Tờ trình Bộ Chính trị về việc thực hiện xây dựng đường bộ cao tốc giai đoạn 2021 - 2025 và định hướng đến năm 2030 theo phương thức cả gói. Mức hỗ trợ tổng thể của nhà nước không quá 50% theo đúng Luật PPP nhưng giao Chính phủ quyết định điều hành linh hoạt từng dự án cụ thể. Một số vướng mắc, trong thời gian chưa sửa luật thì xin cơ chế đặc thù bằng một Nghị quyết của Quốc hội.

Bộ Giao thông thúc Cục Hàng không Việt Nam tổ chức công bố quy hoạch Sân bay Quảng Trị

Việc công bố Quy hoạch cảng hàng không Quảng Trị giai đoạn đến năm 2030 đã được phê duyệt từ cuối tháng 1/2021 sẽ giúp địa phương có cơ sở quản lý đất đai và trật tự xây dựng.

Bộ Giao thông Vận tải (GTTVT) vừa có công văn yêu cầu Cục Hàng không Việt Nam thực hiện nhiệm vụ được giao theo quy định tại điểm c, khoản 6, Điều 2 Quyết định số 2606/QĐ-BGTVT ngày 7/9/2017 của Bộ GTVT; điều 2 Quyết định số 188/QĐ-BGTVT ngày 26/01/2021 của Bộ GTVT; khẩn trương chủ trì, phối hợp với UBND tỉnh Quảng Trị và các cơ quan liên quan tổ chức công bố quy hoạch; công bố các thông tin liên quan về quy hoạch cảng hàng không Quảng Trị theo quy định hiện hành làm cơ sở quản lý đất đai và trật tự xây dựng trong phạm vi quy hoạch.

Một phương án thiết kế sân bay Quảng Trị. (Ảnh: Tâm Anh).

Một phương án thiết kế sân bay Quảng Trị. (Ảnh: Tâm Anh).

Tại điều 2, Quyết định số 188, Bộ GTVT đã giao Cục Hàng không Việt Nam chủ trì, phối hợp với UBND tỉnh Quảng Trị và các cơ quan liên quan tổ chức công bố quy hoạch; cập nhật các nội dung quy hoạch nêu trên vào quy hoạch của địa phương, bố trí và bảo vệ quỹ đất phù hợp nhu cầu phát triển của cảng hàng không theo quy hoạch được duyệt.

Trước đó, UBND tỉnh Quảng Trị đã phát văn bản đề nghị Bộ GTVT, Cục Hàng không Việt Nam quan tâm, sớm phối hợp với UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức công bố quy hoạch cảng hàng không Quảng Trị theo quy hoạch được phê duyệt.

Quy hoạch cảng hàng không Quảng Trị được Bộ GTVT phê duyệt tại Quyết định số 188/QĐ – BGTVT ngày 26/1/2021 với chức năng là cảng hàng không nội địa; tổng diện tích sử dụng là 316 ha tại huyện Gio Linh. Cấp sân bay Quảng Trị thuộc loại 4C theo tiêu chuẩn của Tổ chức hàng không dân dụng quốc tế và sân bay quân sự cấp II; có công suất 1 triệu hành khách/năm và 3.100 tấn hàng hóa/năm.

Sau khi quy hoạch được duyệt, UBND tỉnh Quảng Trị đã giao các cơ quan, đơn vị của tỉnh khẩn trương triển khai công tác cắm mốc quy hoạch sử dụng đất Dự án cảng hàng không Quảng Trị theo hồ sơ quy hoạch đã được Bộ GTVT phê duyệt làm cơ sở tổ chức công bố quy hoạch theo quy định; đến nay đã hoàn thành.

Theo quy hoạch tại điều 39, Luật Quy hoạch, trách nhiệm tổ chức công bố quy hoạch thuộc thẩm quyền của Bộ GTVT.

“Việc tổ chức công bố quy hoạch sẽ giúp chính quyền địa phương có cơ sở quản lý đất đai và quản lý trật tự xây dựng trong phạm vi khu vực quy hoạch cũng như công bố các thông tin liên quan theo quy định pháp luật”, UBND tỉnh Quảng Trị cho biết.

Đề xuất đầu tư 614 tỷ đồng xây đường kết nối 4 bến cảng Lạch Huyện

Đây là tuyến đường giao thông dài khoảng 1300 m,nằm sau các bến: số 3, số 4, số 5, số 6 thuộc Khu bến cảng Lạch Huyện, cảng biển Hải Phòng.

Ban quản lý Dự án Hàng hải vừa đề nghị Bộ GTVT xem xét, phê duyệt Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư - Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường giao thông sau bến số 3 đến bến số 6 thuộc Khu bến cảng Lạch Huyện, cảng biển Hải Phòng.

Một góc cảng Lạch Huyện - Hải Phòng.

Một góc cảng Lạch Huyện - Hải Phòng.

Theo đó, tuyến đường sẽ bắt đầu từ hạ lưu bến số 2 đến cổng chính của bến số 5 và số 6, dài khoảng 1.300m với quy mô tương tự tuyến đường sau bến số 1, số 2 Khu bến cảng Lạch Huyện thuộc Dự án Đầu tư xây dựng Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng (Hợp phần A) - Giai đoạn khởi động.

Tuyến có quy mô theo tiêu chuẩn đường cấp III, bề rộng nền đường 53,5 m, trong đó phía bên phải xây dựng 2 làn xe chạy rộng 7 m, bên trái 4 làn xe chạy rộng 15 m, còn lại là lề gia, dải an toàn, dải phân cách giữa. Dự kiến tổng mức đầu tư xây dựng tuyến đường khoảng 614 tỷ đồng, sử dụng vốn đầu tư công trong kế hoạch đầu tư trung hạn 2021-2025. Dự kiến thời gian thực hiện Dự án từ năm 2021 đến năm 2023, trong đó dự kiến khởi công dự án trong năm 2022; hoàn thành dự án và đưa vào khai thác sử dụng năm 2023.

Tuyến đường sau khi hoàn thành sẽ đáp ứng nhu cầu lưu thông hàng hóa của Khu bến cảng Lạch Huyện, cảng biển Hải Phòng, nâng cao năng lực thông hành và nhu cầu vận tải của khu vực; đồng thời góp phần mang lại hiệu quả phát triển về nhiều mặt kinh tế - xã hội, tạo thuận lợi cho việc đi lại và vận chuyển hàng hóa khu bến cảng Lạch Huyện.

Theo Ban quản lý dự án Hàng hải, từ khi Dự án đầu tư xây dựng 2 bến khởi động (bến số 1, số 2) thuộc khu bến cảng Lạch Huyện đi vào khai thác từ tháng 5/2018, sản lượng thông qua khu vực cảng Lạch Huyện tăng mạnh qua các năm. Cụ thể, năm 2018 đạt 64.881TEUs; năm 2019 đạt 418.571 TEUs, năm 2020 đạt 661.051 TEUs, dự kiến năm 2021 đạt 676.883 TEUs.

Do loại hình vận tải đường biển có những ưu thế nhất định so với các loại hình dịch vụ vận tải khác (khối lượng luân chuyển lớn, chi phí thấp hơn), bên cạnh đó với lợi thế có tuyến giao thông đường bộ kết nối thuận tiện với các tỉnh phía Bắc, cảng đặt tại khu vực tam giác phát triển kinh tế Hải Phòng - Hà Nội - Quảng Ninh nên Hải Phòng hiện nay thu hút được rất nhiều nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước. Qua đó cho thấy sự quan tâm, sức hút với các nhà đầu tư, tính cạnh tranh của khu vực cảng Lạch Huyện có ưu thế rõ ràng đối với các cụm cảng khác trong khu vực và cả nước.

Theo Quy hoạch phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; Quy hoạch chi tiết nhóm cảng biển phía Bắc (Nhóm 1) giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, khu bến cảng Lạch Huyện được quy hoạch dọc theo tuyến đê chắn sóng, tuyến đường sau cảng phục vụ nhu cầu vận chuyển hàng hóa từ bến số 1 đến bến số 9 và kết nối hạ tầng giao thông liên vùng.

Đối với các bến tiếp theo của khu bến Lạch Huyện, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1323/QĐ-TTg ngày 9/10/2019 phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án đầu tư các bến cảng container số 3 và số 4; Quyết định số 299/QĐ-TTg ngày 4/3/2021 phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án Đầu tư xây dựng bến số 5, số 6 khu bến cảng Lạch Huyện thuộc cảng biển Hải Phòng. Tại các quyết định này, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ GTVT phối hợp với UBND Tp. Hải Phòng đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng tuyến đường sau cảng để đảm bảo đồng bộ với tiến độ đầu tư, khai thác các bến cảng trong khu vực.

Bổ sung tuyến đường bộ cao tốc nối Phú Yên với Tây Nguyên vào quy hoạch

Bộ Giao thông Vận tải đã cập nhật tuyến đường bộ cao tốc miền Trung - Tây Nguyên (bao gồm tuyến cao tốc Phú Yên - Đắk Lắk) vào quy hoạch kết cấu hạ tầng giao thông Khu vực.

Theo Văn phòng UBND tỉnh Phú Yên, Bộ Giao thông Vận tải vừa có Công văn trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh Phú Yên do Ban Dân nguyện chuyển đến với nội dung đề nghị bổ sung quy hoạch tuyến đường bộ cao tốc nối Phú Yên với Tây Nguyên vào quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Các tuyến đường bộ cao tốc có vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng của tỉnh Phú Yên nói riêng và Khu vực Duyên hải Nam Trung Bộ, Tây Nguyên nói chung. (Ảnh minh họa)

Các tuyến đường bộ cao tốc có vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng của tỉnh Phú Yên nói riêng và Khu vực Duyên hải Nam Trung Bộ, Tây Nguyên nói chung. (Ảnh minh họa)

Theo đó, Bộ Giao thông Vận tải cho biết, tuyến đường bộ cao tốc nối tỉnh Phú Yên với Tây Nguyên được Bộ Giao thông Vận tải xác định là tuyến đường bộ có vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng của tỉnh Phú Yên nói riêng và Khu vực Duyên hải Nam Trung Bộ, Tây Nguyên nói chung.

Thực hiện Luật Quy hoạch số 21/2017/QH14, Bộ Giao thông Vận tải đang tổ chức lập Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong quá trình lập quy hoạch, Bộ Giao thông Vận tải đã chỉ đạo các đơn vị phối hợp với địa phương để định hướng phát triển, đồng bộ kết cấu hạ tầng giao thông giữa tỉnh Phú Yên với khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên và đã cập nhật tuyến đường bộ cao tốc khu vực miền Trung - Tây Nguyên (bao gồm 220km tuyến cao tốc Phú Yên - Đắk Lắk) vào quy hoạch này.

Theo Quy hoạch xây dựng vùng Nam Phú Yên - Bắc Khánh Hòa đến năm 2025 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (tại Quyết định số 127/QĐ-TTg ngày 2/2/2012), trong đó xác định rõ đây là vùng kinh tế tổng hợp đóng vai trò động lực của khu vực duyên hải Nam Trung Bộ, có tiềm năng lớn về phát triển kinh tế biển; cửa ngõ giao thông về đường bộ, đường thủy và hàng không của khu vực duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên và có ý nghĩa đặc biệt quan trọng về quốc phòng an ninh của quốc gia.

Được biết, tuyến cao tốc nối Phú Yên với Tây Nguyên dài 220 km sẽ nối từ cảng nước sâu Bãi Gốc, tỉnh Phú Yên qua TP. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đăk Lăk và kết thúc tại cửa khẩu Đăk Ruê.

Hiện nay, quy hoạch đang trình Hội đồng thẩm định Quy hoạch xem xét, có ý kiến làm cơ sở để Bộ Giao thông Vận tải trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Thủ tướng yêu cầu chấm dứt tình trạng “chạy” dự án, lợi ích nhóm

Đây là một nội dung được Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh trong phát biểu chỉ đạo tại phiên họp Chính phủ thường kỳ hôm nay, 3/6.

Phát biểu kết luận phiên họp Chính thường kỳ tháng 5/2021 diễn ra ngày 3/6, Thủ tướng Phạm Minh Chính dành nhiều thời gian đề cập tới vấn đề thúc đẩy đầu tư công, đầu tư phát triển hạ tầng.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5/2021 (Ảnh: Nhật Bắc)

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5/2021 (Ảnh: Nhật Bắc)

Cụ thể, Thủ tướng biểu dương Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã rất quyết liệt trong thời gian qua để rà soát, rút kinh nghiệm, điều chỉnh việc bố trí vốn đầu tư công trung hạn theo hướng sát tình hình, bám sát 3 khâu đột phá chiến lược và 6 nhiệm vụ trọng tâm, bảo đảm an sinh xã hội. Thủ tướng yêu cầu, phải có giải pháp mạnh mẽ, tích cực, quyết liệt hơn, tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong vấn đề này, cương quyết cắt giảm các Dự án dàn trải, chia cắt, manh mún, kéo dài.

Tại phiên họp, Chính phủ thống nhất với Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 và dự kiến kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025.

Tinh thần chung là phải rà soát, cắt giảm số lượng dự án, tập trung cho các dự án trọng điểm, cấp bách, hiệu quả, có sức lan tỏa cao; không để tình trạng dàn trải, manh mún, lãng phí nguồn lực; chấm dứt tình trạng “chạy” dự án, lợi ích nhóm.

Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp thu đầy đủ ý kiến các thành viên Chính phủ, hoàn thiện Báo cáo; trên cơ sở đó, làm việc trực tiếp với các cơ quan liên quan của Đảng, Quốc hội, báo cáo Ban Cán sự Đảng Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định trước khi báo cáo các cấp có thẩm quyền.

Chính phủ thống nhất sự cần thiết của Đề án thực hiện xây dựng đường bộ cao tốc giai đoạn 2021 - 2025 và định hướng đến năm 2030 nhằm thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đề ra. Đây là nhiệm vụ rất rất khó, phức tạp, cần huy động cả hệ thống chính trị và toàn dân vào cuộc, lấy khó khăn làm động lực để phấn đấu đi lên.

Thủ tướng nêu rõ, tinh thần là phải đổi mới mạnh mẽ tư duy quản lý, phát huy tính chủ động, năng động, sáng tạo của các địa phương trong đầu tư, xây dựng, bảo trì và khai thác các tuyến cao tốc. Đẩy mạnh phân cấp cho các địa phương trong giải phóng mặt bằng, Trung ương chỉ hỗ trợ chi phí xây lắp, vốn nhà nước đóng vai trò dẫn dắt, là “vốn mồi” để thu hút tối đa nguồn lực từ các thành phần kinh tế khác theo phương châm “đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư”, hài hòa lợi ích giữa nhà nước, nhà đầu tư và người dân.

Đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, xử lý hợp lý, hài hòa, hiệu quả để vừa phát triển các vùng động lực, cực tăng trưởng, vừa ưu tiên các vùng khó khăn. Kết hợp hài hòa, hợp lý giữa phát triển kinh tế với bảo đảm an ninh-quốc phòng, đối ngoại và an sinh xã hội; phát triển đường bộ cao tốc phải gắn với quy hoạch không gian phát triển và khai thác hiệu quả nhất quỹ đất bên đường.

Phấn đấu giảm thời gian triển khai dự án để sớm đưa công trình vào khai thác, phát huy hiệu quả. Giao Bộ Giao thông vận tải tiếp thu đầy đủ ý kiến các thành viên Chính phủ, hoàn thiện Đề án để trình các cấp có thẩm quyền.

Đôn đốc 13 địa phương gửi đề xuất sửa đổi quy định cản trở đầu tư, kinh doanh

13 địa phương này đã quá hạn gửi kiến nghị sửa đổi, bổ sung các quy định, văn bản quy phạm pháp luật để tháo gỡ vướng mắc cho đầu tư, kinh doanh.

Tại công văn số 514/TTg-PL ngày 22/4/2021, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khẩn trương rà soát, đề xuất phương án xử lý, kiến nghị, sửa đổi, bổ sung các quy định, văn bản quy phạm pháp luật để tháo gỡ vướng mắc, tạo sự đồng bộ, thống nhất, khả thi của hệ thống pháp luật, góp phần khơi thông và huy động mọi nguồn lực trong xã hội cho đầu tư, kinh doanh, phục vụ người dân, doanh nghiệp.

Tuy nhiên, đến nay vẫn còn một số tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chưa gửi văn bản (đã quá hạn): TPHCM, Bà Rịa-Vũng Tàu, Bạc Liêu, Bình Dương, Bình Phước, Đắk Lắk, Đồng Nai, Hải Dương, Kiên Giang, Nghệ An, Phú Yên, Quảng Bình, Thái Bình.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các tỉnh, thành phố trên khẩn trương gửi đề xuất, kiến nghị về Bộ Tư pháp để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Thủ tướng Chính phủ cũng giao Bộ Tư pháp tiếp tục đôn đốc các địa phương nêu trên thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; tổng hợp kết quả, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Đà Nẵng: Đấu giá 13 khu đất xây dựng bãi đậu đỗ xe công cộng

UBND TP. Đà Nẵng vừa thống nhất chọn 13 khu đất để thực hiện đấu giá, nhằm kêu gọi đầu tư xây dựng bãi đậu đỗ xe công cộng.

Theo Sở Giao thông vận tải Đà Nẵng, Thành phố đã có chủ trương về việc xây dựng phương án đấu giá các khu đất để đầu tư xây dựng bãi đậu xe công cộng.

Lượng ô tô cá nhân tăng nhanh, cộng với xe ô tô du lịch đổ về khiến Đà Nẵng khan hiếm bãi đậu xe

Lượng ô tô cá nhân tăng nhanh, cộng với xe ô tô du lịch đổ về khiến Đà Nẵng khan hiếm bãi đậu xe

“Phương án này được Sở Tài nguyên và môi trường Đà Nẵng xây dựng để đấu giá đất các khu đất đầu tư xây dựng bãi đậu đỗ xe công cộng, trong đó công bố 13 khu đất được đấu giá”, lãnh đạo Sở Giao thông vận tải Đà Nẵng cho hay.

Cụ thể, 13 khu đất với tổng diện tích đất trên 48.838m2 được đấu giá đất quyền sử dụng đất để đầu tư xây dựng bãi đậu xe công cộng.

Trong đó, quận Hải Châu có 5 khu đất tại các vị trí: 51A Lý Tự Trọng; 10 Lý Thường Kiệt; 19 Lê Hồng Phong; khu đất ký hiệu quy hoạch A2 đường Nguyễn Văn Linh và 1 khu đất đường Thái Phiên.

Quận Sơn Trà có 3 khu tại các vị trí: vệt khai thác quỹ đất đường Võ Văn Kiệt - Võ Nguyên Giáp (đoạn đường quy hoạch 6m); khu vực khu đất thương mại dịch vụ phía đông nam nút giao thông đường Phạm Văn Đồng - đường Ngô Quyền (3 mặt tiền đường Phạm Văn Đồng, Ngô Quyền và An Nhơn 12) và khu đất 4 mặt tiền đường Ngô Quyền, Dương Đình Nghệ, An Nhơn 12 và An Nhơn 14.

Tại quận Ngũ Hành Sơn có 3 khu gồm: khu tái định cư phía đông Xưởng 38 và 387, phường Mỹ An (4 mặt tiền đường An Thượng 28, Lê Lộ, Đỗ Bí, đường bê tông); vệt phân lô khai thác quỹ đất dọc tuyến đường Võ Nguyên Giáp (đoạn qua Khu tái định cư nam Phan Tứ, mặt tiền đường Võ Nguyên Giáp), phường Mỹ An; tại khu góc tây nam nút giao Võ Nguyên Giáp - Phan Tứ (3 mặt tiền đường Võ Nguyên Giáp - Phan Tứ - Mỹ Đa Đông 10).

Tại quận Cẩm Lệ có 2 khu tại các vị trí là khu dân cư An Hòa, phường Khuê Trung (4 mặt tiền đường Thăng Long, An Hòa 1, Phạm Tứ và đường dẫn lên cầu Nguyễn Tri Phương); khu dân cư Khuê Trung - Đò Xu - Hòa Cường, phường Khuê Trung (3 mặt tiền đường Đỗ Thúc Tịnh, Trịnh Đình Thảo, Hoàng Dư Khương).

Đà Nẵng có 711 dự án đầu tư trong nước, tổng vốn hơn 148.000 tỷ đồng

Dù bị tác động của dịch bệnh Covid-19, nhưng kinh tế - xã hội của TP. Đà Nẵng có dấu hiệu phục hồi tốt.

Cục Thống kê TP. Đà Nẵng vừa công bố báo cáo kinh tế xã hội 5 tháng đầu năm 2021 trên địa bàn Thành phố. Theo đó, kinh tế - xã hội TP. Đà Nẵng trong 5 tháng đầu năm 2021 có dấu hiệu phục hồi tương đối tốt trong bối cảnh diễn biến dịch bệnh Covid-19 đang phức tạp.

Kinh tế - xã hội TP. Đà Nẵng có dấu hiệu phục hồi.

Kinh tế - xã hội TP. Đà Nẵng có dấu hiệu phục hồi.

Về thu hút đầu tư, tính đến ngày 15/5, Thành phố có 711 Dự án đầu tư trong nước, tổng vốn đầu tư gần 148.200 tỷ đồng. Trong đó, có 343 dự án đầu tư trong nước ngoài khu công nghiệp (KCN), khu công nghệ cao (KCNC) với tổng vốn đầu tư là 121.500 tỷ đồng và 368 dự án đầu tư trong nước trong các KCN, KCNC, tổng vốn đầu tư 26.700 tỷ đồng.

Về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), trong tháng 5, Đà Nẵng đã cấp mới cho 3 dự án với tổng vốn đăng ký 1,14 triệu USD. Lũy kế đến ngày 15/5, Thành phố có 902 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư trên 3.862 triệu USD. Ngoài ra, trong 5 tháng đầu năm 2021, Thành phố phê duyệt tiếp nhận 24 khoản viện trợ phi Chính phủ nước ngoài (NGO) với tổng giá trị cam kết lên đến 33,12 tỷ đồng.

Tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn TP. Đà Nẵng đến ngày 15/5 ước đạt 8.735 tỷ đồng, tăng 3,8% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, thu ngân sách Trung ương đạt 3.728 tỷ đồng; thu ngân sách địa phương đạt 5.007 tỷ đồng. Trong tổng thu ngân sách Nhà nước, thu nội địa đạt 6.837 tỷ đồng, bằng 92,8% so với cùng kỳ năm trước; thu từ hoạt động cân đối xuất, nhập khẩu ước đạt 1.697 tỷ đồng, tăng 106,8% so với cùng kỳ năm 2020.

Trong 5 tháng, Đà Nẵng cũng đã cấp mới giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cho 1.729 doanh nghiệp, chi nhánh và văn phòng đại diện với tổng vốn điều lệ đăng ký đạt 10.081 tỷ đồng, tăng 17,2% về số doanh nghiệp và tăng 20,5% về số vốn so với cùng kỳ 2020. Trong đó, tính riêng từ ngày 15/4-15/5/2021 đã cấp mới cho 420 doanh nghiệp, chi nhánh và văn phòng đại diện với tổng vốn điều lệ đăng ký đạt 1.537 tỷ đồng. Tuy nhiên, cũng có 344 doanh nghiệp, đơn vị trực thuộc giải thể và có 1.472 doanh nghiệp khác tạm ngừng hoạt động.

Trong khi các lĩnh vực công nghiệp xây dựng, nông lâm nghiệp và thủy sản đều giữ được mức tăng trưởng, thì thương mại và dịch vụ của TP. Đà Nẵng tiếp tục chịu nhiều tác động do Covid-19. Ước tính tháng 5/2021, doanh thu dịch vụ lưu trú và ăn uống ước đạt 880 tỷ đồng, bằng 60,9% so với tháng trước và giảm 22,9% so cùng kỳ năm 2020.

Dịch bệnh Covid-19 quay trở lại lần 4, đã tác động tiêu cực, phá vỡ kỳ vọng của TP. Đà Nẵng về một mùa hè sôi động với nhiều dịch vụ du lịch đa dạng, phong phú, hấp dẫn thu hút khách du lịch khắp cả nước. Nếu tính tại thời điểm cuối tháng 4 năm 2021, tổng số lượt khách cơ sở lưu trú phục vụ ước tính trong tháng là 277,9 nghìn lượt, cao gấp 7 lần so với tháng cùng kỳ năm 2020 thì dự kiến tháng 5 năm 2021 chỉ đạt 65,3 nghìn lượt khách, bằng 23,5% tháng trước tháng báo cáo (tháng 4/2021) và giảm 51,2% so với cùng kỳ năm 2020.

Khánh Hòa đề xuất nâng cấp Cảng Cam Ranh đón tàu trọng tải 70.000 DWT

Cảng Cam Ranh hiện tiếp nhận tàu trọng tải đến 30.000 - 50.000DWT, khi được nâng cấp, Cảng sẽ có khả năng tiếp nhận được tàu “khủng” lên tới 70.000 DWT.

Cảng Cam Ranh tiền thân là Cảng Ba Ngòi, đây là cảng thương mại quốc tế thuộc vịnh Cam Ranh, phường Ba Ngòi, Cam Ranh, Khánh Hòa.

Cảng Cam Ranh là một trong những cầu cảng lớn nhất tỉnh Khánh Hòa

Cảng Cam Ranh là một trong những cầu cảng lớn nhất tỉnh Khánh Hòa

Cảng được xây dựng vào tháng 11/1991 do công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên cảng Cam Ranh khởi công. Công trình có tổng chiều dài cầu cảng là 308m, độ sâu luồng là 10,2 m, độ sâu trước bến là 11,6m. Sở hữu những thông số ấn tượng nên cảng biển này đã tiếp nhận nhiều loại tàu có trọng tải lớn lên tới 30.000 DWT.

Hiện nay, cảng Cam Ranh là một trong những cầu cảng lớn nhất tỉnh Khánh Hòa, mớn nước sâu, diện tích lớn, kín gió, nằm gần sân bay Cam Ranh và tuyến đường hàng hải quốc tế. Đối với ngành du lịch Khánh Hòa, nơi đây nắm giữ vai trò then chốt trong viếc kết nối con đường ra đảo Bình Ba.

Theo Sở Giao thông vận tải Khánh Hòa, đơn vị vừa báo cáo thực hiện Dự án nâng cao năng lực khai thác cầu cảng Cam Ranh theo đề xuất của Công ty Cổ phần Cảng Cam Ranh với lãnh đạo UBND tỉnh. “Cảng Cam Ranh hiện nay là một trong những cảng biển có lượng tàu, hàng hóa thông qua lớn trong khu vực Nam Trung bộ với 2 cầu tàu tổng chiều dài hơn 600m, có khả năng tiếp nhận tàu trọng tải đến 30.000 - 50.000DWT”, lãnh đạo Sở Giao thông vận tải Khánh Hòa cho hay.

Để nâng cấp Cảng, Công ty Cổ phần Cảng Cam Ranh đề xuất xây mới cầu dẫn nối từ bờ ra cầu cảng số 2 để tiếp nhận tàu tải trọng đến 70.000DWT giảm tải, tàu 7.000DWT phía trong (đang tiếp nhận tàu 3.000DWT).

Tuy nhiên, hiện nay, vị trí xây dựng cầu cảng chưa phù hợp theo Đồ án điều chỉnh quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 cảng Cam Ranh đã được UBND tỉnh phê duyệt vào năm 2016.

Theo Sở Giao thông vận tải Khánh Hòa, đối với việc tiếp nhận tàu hàng đến 70.000DWT giảm tải, Bộ Giao thông vận tải đã đồng ý chủ trương này. Về nội dung nạo vét hoàn thiện khu nước đậu tàu, vũng quay tàu, UBND tỉnh Khánh Hòa cũng đã thống nhất chủ trương đối với vị trí tiếp nhận chất nạo vét duy tu luồng hàng hải Ba Ngòi là khu mặt nước thuộc đất quy hoạch của Công ty Cổ phần Cảng Cam Ranh có diện tích khoảng 10,8ha (trong đó có 2,3ha đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất).

Hiện UBND tỉnh Khánh Hòa cũng đã giao UBND TP. Cam Ranh rà soát lại quy hoạch cảng Cam Ranh để điều chỉnh, cập nhật vào quy hoạch chung của tỉnh theo đúng quy định của pháp luật, tạo điều kiện cho cảng mở rộng, nâng cấp. Đồng thời, yêu cầu Công ty CP cảng Cam Ranh có văn bản đề nghị UBND tỉnh xin ý kiến Bộ Quốc phòng, trình Thủ tướng Chính phủ về việc nâng cấp cảng.

Hạnh Nguyên (tổng hợp)
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục