Đầu tư Sân bay Long Thành cần thiết chứ chưa cấp thiết

Chia sẻ với báo chí bên hành lang Quốc hội, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, TS. Nguyễn Đức Kiên sau khi phân tích hàng loạt yếu tố liên quan đến việc đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành (Sân bay Long Thành) đã đi đến kết luận: “Đầu tư xây dựng Sân bay Long Thành là cần thiết chứ không cấp thiết trong thời điểm hiện nay”.
TS. Nguyễn Đức Kiên, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội TS. Nguyễn Đức Kiên, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội

Phân tích về việc cần thiết phải xây dựng Sân bay Long Thành, TS. Nguyễn Đức Kiên cho rằng, hiện Việt Nam chưa có sân bay nào tầm cỡ khu vực, ngang tầm với vị thế của một đất nước đang phát triển về mọi mặt, kể cả kinh tế, đối ngoại, du lịch thu hút đầu tư nước ngoài…

“Xây dựng Sân bay Long Thành không phải bây giờ mới đặt ra, mà đã được các cơ quan hữu quan, chuyên gia kinh tế bàn bạc, thảo luận lên kế hoạch từ những năm 1997-1998. Vấn đề là triển khai ở thời điểm nào, theo phương án nào để đạt hiệu quả nhất”, ông Kiên nhấn mạnh.

Mặc dù vậy, theo ông Kiên, xây dựng Sân bay Long Thành chưa thực sự cấp thiết, nên việc đầu tư không phải triển khai trong năm 2015, năm 2016 mà sẽ thực hiện trong nhiệm Kỳ sau của Quốc hội (2016 - 2021).

Thời điểm nào xây dựng, xây dựng với quy mô nào, tổng nguồn vốn bao nhiêu, huy động nguồn vốn từ đâu để xây dựng sẽ được Quốc hội nhiệm kỳ XIV bàn bạc, thảo luận.

Bình luận về việc xây dựng Sân bay Long Thành chưa cấp thiết, ông Kiên cho rằng, trong thời gian tới, chưa có Sân bay Long Thành cũng chưa ảnh hưởng nhiều tới sự phát triển kinh tế - xã hội, chưa ảnh hưởng tới thu hút đầu tư nước ngoài, vận chuyển hành khách quốc tế cũng như đáp ứng nhu cầu vận chuyển hành khách, hàng hóa trong nội địa.

Khi triển khai dự án này phải rà soát lại nhiều vấn đề đang đặt ra đối với Sân bay Tân Sơn Nhất, như khả năng khai thác Sân bay Tân Sơn Nhất. Và rộng hơn, triển khai dự án này phải đặt trong tổng thể quy hoạch phát triển hệ thống giao thông vận tải Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, xem ngành hàng không chiếm tỷ trọng bao nhiêu phần trăm trong vận tải hành khách, hàng hóa.

Do vận tải hàng không hiện tại chiếm vai trò chủ đạo trong vận tải hành khách quốc tế, nên phải tính toán xem trong tương lai ngành nào (đường bộ, đường biển, đường không, đường sắt) sẽ là xương sống, đóng vai trò chủ đạo, chủ đạo ở mức độ nào trong bảo đảm vận tải hành khách quốc tế, từ đó mới tính toán xem xây dựng Sân bay Long Thành quy mô cỡ nào, lộ trình xây dựng ra sao, tổng mức đầu tư bao nhiêu…

Được biết, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội vừa tổ chức cuộc họp với các thành viên (ngày 23/10) để thảo luận các nội dung liên quan đến đầu tư xây dựng Sân bay Long Thành trước khi trình dự án này ra Quốc hội (ngày 29/10/2014).

Các thành viên Ủy ban Kinh tế đã đặt ra nhiều vấn đề cần phải giải quyết trước khi Quốc hội cho ý kiến về vấn đề này, như nếu nâng tầm Sân bay Cam Ranh trở thành sân bay quốc tế sẽ tác động thế nào tới vận chuyển khách du lịch từ Nga qua Sân bay Tân Sơn Nhất (khách du lịch Nga đến Việt Nam du lịch, nghỉ dưỡng tại Khánh Hòa chủ yếu vận chuyển qua Sân bay Tân Sơn Nhất). Tương tự, khi nâng cấp Sân bay Cần Thơ và Sân bay Phú Quốc sẽ tác động thế nào tới năng lực khai thác của Sân bay Tân Sơn Nhất. Ngoài ra, việc cải tạo, nâng cấp hệ thống đường thủy ở Nam bộ, đầu tư tuyến đường cao tốc Trung Lương - Cần Thơ với vận tốc 120 km/giờ… chiếm tỷ trọng thế nào trong việc vận chuyển hành khách, hàng hóa trong nội địa.

“Những nội dung trên đã được các chuyên gia kinh tế, giao thông, đại biểu Quốc hội và đại diện Bộ Giao thông - Vận tải phát biểu, bình luận, phân tích rất thẳng thắn. Các ý kiến góp ý, bình luận này sẽ được gửi tới các đại biểu Quốc hội để đại biểu có cái nhìn toàn diện, khách quan về dự án có quy mô hàng chục ngàn tỷ đồng này”, ông Kiên cho biết thêm.

Trả lời các cơ quan thông tin đại chúng liên quan đến huy động vốn xây dựng Sân bay Long Thành, TS. Nguyễn Đức Kiên cho biết, vấn đề này chưa được các thành viên Ủy ban Kinh tế thảo luận cụ thể.

“Như các dự án, công trình quan trọng quốc gia trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư khác, Dự án Sân bay Long Thành trước mắt thực hiện theo Nghị quyết 49/2010/QH12 và kể từ ngày 1/1/2015 thực hiện theo Luật Đầu tư công. Trong 2 văn bản pháp luật này không đề cập cụ thể tới việc nguồn vốn đầu tư bao nhiêu, huy động thế nào, huy động ở đâu… nên khi trình Quốc hội cho ý kiến vào Dự án này, các đại biểu chưa bàn tới nguồn vốn”, ông Kiên giải thích.

“Vấn đề đặt ra là, nếu việc đầu tư xây dựng Sân bay Long Thành có hiệu quả, khả năng thu hồi vốn nhanh thì sẽ có nhiều biện pháp huy động, và không loại trừ khả năng huy động vốn của các thành phần kinh tế cùng tham gia đầu tư bên cạnh nguồn vốn có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước”, TS. Nguyễn Đức Kiên cho biết.

Mạnh Bôn
Baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục