Báo cáo Bộ Chính trị Dự án sân bay Long Thành

Chính phủ sẽ báo cáo Bộ Chính trị xem xét quyết định chủ trương đầu tư Dự án cảng hàng không quốc tế Long Thành.

Báo cáo đầu tư Dự án xây dựng sân bay Long Thành sẽ xin ý kiến Quốc hội tại kỳ họp thứ tám, tháng 10/2014 Báo cáo đầu tư Dự án xây dựng sân bay Long Thành sẽ xin ý kiến Quốc hội tại kỳ họp thứ tám, tháng 10/2014

Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ giao Bí thư Ban cán sự đảng Bộ Giao thông - Vận tải thừa ủy quyền Bí thư Ban cán sự đảng Chính phủ, thay mặt Ban cán sự đảng Chính phủ báo cáo Bộ Chính trị xem xét quyết định chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng cảng hàng không quốc tế Long Thành.

Thủ tướng Chính phủ thông qua Báo cáo đầu tư Dự án đầu tư xây dựng cảng hàng không quốc tế Long Thành như đề nghị của Ban cán sự đảng Bộ Giao thông - Vận tải.

Cụ thể, Thủ tướng đồng ý xây dựng sân bay Long Thành từng bước đạt cấp 4F; giữ vai trò là cảng hàng không quốc tế cửa ngõ và quan trọng của quốc gia, dự kiến trong tương lai sẽ trở thành trung tâm trung chuyển vận tải hàng không tại khu vực Đông Nam Á.

Sân bay có công suất khai thác đạt 100 triệu hành khách/năm và 5 triệu tấn hàng hóa/năm (đến hết năm 2030); trong đó giai đoạn I (đến năm 2025), hình thành cảng hàng không quốc tế trung chuyển công suất 25 triệu hành khách/năm và 1,2 triệu tấn hàng hóa/năm hỗ trợ giảm tải cho sân bay Tân Sơn Nhất.

Sân bay sẽ đặt tại huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai trên diện tích giải phóng mặt bằng là 5.000 ha. Dự án có khái toán tổng mức đầu tư toàn bộ giai đoạn I là 7,837 tỷ USD, trong đó phân kỳ giai đoạn 1a có tổng mức đầu tư là 5,662 tỷ USD.

Liên quan tới công trình quan trọng của đất nước, vào cuối chiều 8/10/2014, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành việc trình Quốc hội xem xét, thông qua Báo cáo đầu tư Dự án cảng hàng không quốc tế Long Thành trị giá hơn 7,8 tỷ USD ngay tại kỳ họp tháng 10.

Theo Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Đinh La Thăng, việc nghiên cứu đầu tư xây dựng Sân bay Long Thành đã được chính thức đề cập từ những năm 1980. Quá trình nghiên cứu với sự tham gia của nhiều tổ chức, chuyên gia trong và ngoài nước đã dần hoàn thiện ý tưởng về một cảng hàng không quốc tế lớn bậc nhất toàn quốc, có khả năng phát triển thành một trung tâm trung chuyển hàng không quốc tế. Việc đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành đã trở nên cấp bách và cần thiết.

Hiện nay tại nhiều thời điểm, hoạt động khai thác tại Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất đã rơi vào tình trạng quá tải; nhà ga hành khách hiện hữu đã khai thác đạt công suất thiết kế. Trong khi đó, việc mở rộng Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất để đạt công suất 40-50 triệu hành khách vào khoảng năm 2025-2030 là không khả thi.

Việc mở rộng Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất là chuyển không thể bởi rất nhiều lý do, trong đó UBND TP.HCM khẳng định quan điểm không tán thành nếu chủ trương mở rộng Tân Sơn Nhất được phê duyệt và đã có văn bản đề nghị sớm triển khai việc xây dựng Cảng Hàng không quốc tế Long Thành.

Lãnh đạo UBND TP.HCM chính thức khẳng định rằng, địa phương này không thể kham nổi sức ép giao thông trong trường hợp sân bay Tân Sơn Nhất nới công suất tối đa từ 20 triệu khách hiện nay lên 25 triệu khách.

Bộ trưởng Đinh La Thăng cũng cho biết là việc khai thác các cảng hàng không khác như Cần Thơ, Liên Khương… để giảm tải cho sân bay Tân Sơn Nhất cũng không phù hợp vì mỗi cảng hàng không có vai trò riêng trong từng khu vực kinh tế, phục vụ cho một thị trường hàng không nhất định.

“Nếu được đầu tư sớm, sân bay Long Thành có nhiều lợi thế trong việc cạnh tranh với các cảng hàng không trong khu vực với vai trò là cảng hàng không trung chuyển”, Bộ trưởng Thăng tự tin.

Anh Minh
Baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục