Đầu tư hệ thống đường cao tốc: Phân kỳ 'đúng và trúng'

0:00 / 0:00
0:00
Việc Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) nhận nhiều chất vấn của đại biểu Quốc hội trong phiên chất vấn vào đầu tuần trước liên quan tới phân kỳ đầu tư một số tuyến cao tốc theo quy mô 2 làn xe hoặc 4 làn xe, nhưng chưa có làn dừng khẩn cấp liên tục, ít nhiều cho thấy những khó khăn, bất cập trong đầu tư hệ thống đường cao tốc.
Đầu tư hệ thống đường cao tốc: Phân kỳ 'đúng và trúng'

Đây là cấp công trình đường bộ cao nhất, có tác động lan tỏa lớn nhất, nhưng cũng tốn kém nhiều kinh phí nhất.

Cần phải nói thêm rằng, kể từ khi tuyến cao tốc đầu tiên (TP.HCM - Trung Lương) được khởi công năm 2004, sau gần 20 năm xây dựng, đến nay, cả nước đã đưa vào khai thác hơn 1.800 km đường cao tốc, trong đó có khoảng 743 km được phân kỳ đầu tư (khoảng 41%), gồm 371 km 2 làn xe và 372 km 4 làn xe có dải dừng xe khẩn cấp không liên tục.

Việc phân kỳ đầu tư các tuyến đường cao tốc chắc chắn sẽ tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông và nếu lưu lượng xe tăng nhanh, buộc phải sớm đầu tư mở rộng, thì sẽ gây lãng phí do không tận dụng lại được một số hạng mục công trình.

Song cần thông cảm với ngành GTVT, bởi việc đầu tư các tuyến đường bộ cao tốc hoàn chỉnh ngay theo quy mô quy hoạch cần nguồn vốn rất lớn, trong khi nguồn lực còn hạn chế (giai đoạn 2021 - 2025 nguồn vốn bố trí cho Bộ GTVT chỉ đáp ứng khoảng 66% so với nhu cầu). Chính vì vậy, việc nghiên cứu phân kỳ đầu tư phù hợp với nhu cầu vận tải và khả năng cân đối nguồn lực là cần thiết, nhằm sớm đầu tư đưa vào khai thác mạng lưới đường bộ cao tốc, kịp thời phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh cho các địa phương và các vùng, miền trong cả nước. Đây cũng là nhiệm vụ quan trọng, góp phần hiện thực hóa mục tiêu đến năm 2030 cả nước có 5.000 km đường cao tốc theo chủ trương của Đảng, Quốc hội và Chính phủ.

Bên cạnh đó, văn bản quy phạm pháp luật về xây dựng, quy hoạch, tiêu chuẩn thiết kế đường bộ cao tốc đã quy định việc phân kỳ đầu tư phù hợp với nhu cầu vận tải và khả năng triển khai thực hiện. Kinh nghiệm phát triển đường bộ cao tốc trên thế giới còn cho thấy, việc phân kỳ đầu tư mặt cắt ngang trong giai đoạn đầu xây dựng hệ thống đường cao tốc cũng đã được các nước như Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Malaysia, một số quốc gia châu Âu áp dụng rộng rãi.

Tuy nhiên, để tránh lãng phí nguồn lực, thực hiện phân kỳ “đúng và trúng”, công tác khảo sát, lựa chọn tuyến cao tốc thực hiện đầu tư cần được làm kỹ lưỡng, có tầm nhìn, tránh vừa xây xong đã phải lên kế hoạch phân cấp mở rộng như với một số phân đoạn cao tốc Bắc - Nam phía Đông. Bên cạnh đó, phải tuân thủ nguyên tắc chỉ phân kỳ đầu tư về bề rộng mặt cắt ngang, nhưng vẫn phải đảm bảo an toàn, tốc độ khai thác cũng như các tiêu chuẩn kỹ thuật, thực hiện giải phóng mặt bằng một lần theo quy mô quy hoạch để thuận lợi cho việc mở rộng trong giai đoạn tiếp theo.

Đặc biệt, trong quá trình khai thác, cơ quan quản lý đường bộ phải theo dõi lưu lượng giao thông, nghiên cứu các giải pháp phù hợp để nâng cao tốc độ khai thác, tăng cường ứng dụng công nghệ trong quản lý, điều hành để điều tiết giao thông, xử lý kịp thời sự cố, tránh gây ùn tắc…

Về dài hạn, Bộ GTVT và các địa phương cần khẩn trương rà soát, sắp xếp thứ tự ưu tiên các tuyến cao tốc đã được phân kỳ đầu tư để đề xuất, báo cáo cấp có thẩm quyền cho phép triển khai mở rộng khi đủ điều kiện về nguồn lực. Trong đó, tập trung ưu tiên mở rộng các tuyến cao tốc 2 làn xe lên tối thiểu 4 làn xe; hoàn thiện cao tốc Bắc - Nam phía Đông cùng các tuyến cao tốc kết nối liên vùng. Đồng thời, để thu hút tối đa nguồn lực ngoài ngân sách, sớm hoàn thiện các tuyến đường bộ cao tốc, cần sớm kiến nghị cấp có thẩm quyền ban hành cơ chế cho phép mở rộng, cải tạo, nâng cấp, hiện đại hóa đường cao tốc theo phương thức PPP, loại hợp đồng BOT.

Anh Minh
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục