Đầu tư chứng khoán cần tầm nhìn 10 năm

(ĐTCK) Quyết định sang Việt Nam nhận nhiệm vụ tại công ty chứng khoán vào năm 2012, Chen Chia Ken (Jacky) đã khiến nhiều người bạn rất ngạc nhiên, vì khi đó, TTCK Việt Nam chưa có gì đáng kể. Tuy nhiên, sau 7 năm nhìn lại, anh cảm nhận đó là một sự lựa chọn may mắn và cũng có phần… dũng cảm khi dám nắm bắt cơ hội lúc mọi việc còn mơ hồ.
Đầu tư chứng khoán cần tầm nhìn 10 năm

Duyên đến Việt Nam và niềm tin vào Việt Nam

Nụ cười tươi tắn, đôn hậu của Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán Phú Hưng (PHS) luôn thường trực khiến suốt cuộc nói chuyện của chúng tôi, dù không cùng ngôn ngữ tiếng Việt, vẫn thật nồng ấm và thú vị. Anh đến Việt Nam ban đầu vì một bước ngoặt công việc, nhưng đã gắn bó 7 năm và nhận thấy, mình may mắn khi chọn gắn bó với nơi này.

Năm 2012, Jacky 41 tuổi, là Phó Chủ tịch cao cấp phụ trách Khối Kế hoạch - khối quan trọng nhất của một công ty chứng khoán nằm trong Top 3 công ty chứng khoán lớn nhất tại Đài Loan. Tại thời điểm đó, công việc của anh rất tốt, nhưng anh cũng hiểu rằng, ở Đài Loan, cơ hội để trở thành Tổng giám đốc là rất khó do tính cạnh tranh rất cao và cơ hội cho người trẻ tuổi là rất ít. Thực tế, tại Đài Loan rất khó tìm được Tổng giám đốc dưới 55 tuổi, vậy nên, Jacky muốn trải nghiệm một không gian làm việc mới, dù lúc đó anh chưa hiểu gì về Việt Nam.

fig come hereLàm việc trên TTCK Việt Nam lúc thuận lợi hay khó khăn, Jacky luôn tâm niệm theo triết lý kinh doanh có tâm và có tầm của ông Lawrence S. Ting - Cố chủ tịch Tập đoàn Phú Mỹ Hưng: " Khi chúng ta đến một nơi nào đó đầu tư, không nên đặt mục tiêu là ta có thể lấy được những gì, mà phải quan tâm làm ra những gì để lại".

Tại Việt Nam, năm 2006, Công ty Chứng khoán Âu Lạc được thành lập với vốn điều lệ ban đầu là 22,68 tỷ đồng. Đến năm 2009, Âu Lạc được đổi tên thành Chứng khoán Phú Hưng, khi đó có vốn điều lệ 139 tỷ đồng. Năm 2012, Công ty tăng vốn điều lệ lên 347,45 tỷ đồng và đây là năm Jacky sang Việt Nam, tiếp quản vị trí Tổng giám đốc Công ty. Thời điểm này, hoạt động của PHS không hiệu quả, nếu không muốn nói là kém và bức tranh chung của TTCK cũng ảm đạm. Dư nợ cho vay margin của PHS cuối năm 2011 chỉ có 37 tỷ đồng, việc tái cấu trúc Công ty và thay đổi tư duy, hệ thống kinh doanh tại PHS là không đơn giản, nhưng với Jacky, đó là nhiệm vụ tuyệt vời. “Một phần vì động lực cuộc sống, một phần vì mong muốn tạo dựng thành tựu cho Công ty, tôi đã cố gắng tối đa để làm việc. Điều may mắn là tôi có nhiều đồng nghiệp Việt Nam, ai cũng trẻ trung, thân thiện và từ đó, chúng tôi đã dần vực dậy PHS”.

Anh chia sẻ và cho biết, hoạt động của PHS dần cải thiện, Công ty có thêm nhiều khách hàng mới. Guồng quay công việc tốt dần lên, dư nợ cho vay margin tại PHS từ mức 37 tỷ đồng, nay đã tăng lên trên 1.000 tỷ đồng bằng việc Công ty có nhiều khách hàng mới, hỗ trợ được nhiều nhà đầu tư thành công trên con đường ổn định tài chính và đó là niềm vui, niềm tự hào của đội ngũ PHS theo thời gian.

Nhắc lại dấu mốc năm 2012, anh kể, nhiều người bạn đã rất ngạc nhiên khi anh quyết định chọn Việt Nam là nơi làm việc. Một phần vì thị trường Trung Quốc, nơi anh đang phụ trách khi đó, không có cơ hội đầu tư, nhưng phần quan trọng hơn là Jacky nhìn thấy cơ hội tại Việt Nam bằng những kinh nghiệm từng diễn ra tại thị trường Đài Loan và Trung Quốc. Bí quyết ở chỗ nhìn triển vọng TTCK từ thu nhập bình quân của người dân bản địa. Trong chu kỳ dài hạn, chẳng hạn 10 năm, nếu thu nhập bình quân của người dân tăng lên gấp đôi thì lượng tài chính tích lũy mới sẽ được sử dụng cho đầu tư và đây là nền tảng để tạo nên sự phát triển bứt phá của TTCK.

Tại Trung Quốc, khi thu nhập của người dân tăng từ 3.600 USD lên 6.000 USD/năm/người, đó cũng là quãng thời gian TTCK Trung Quốc tăng mạnh, từ 1.000 điểm lên 6.000 điểm. Tất nhiên, đà tăng quá mạnh của TTCK Trung Quốc khi đó đã khiến thị trường điều chỉnh giảm (về mức 2.000 điểm), nhưng nếu bước vào chứng khoán ở thời điểm thu nhập của người dân còn thấp và đầu tư với tầm nhìn dài hạn, chắc chắn phần thưởng sẽ đến với những ai kiên nhẫn, đi bền.

Tại Việt Nam, anh Jacky nhận định, ở mức thu nhập bình quân 2.500 USD/người, “dân tình” có cuộc sống trung bình đầy đủ, không còn ai bị đói. Theo đà tăng trưởng của nền kinh tế, thu nhập bình quân của người Việt Nam sẽ đến thời điểm tăng lên 5.000 USD/người/năm và khoản dư ra so với mức trung bình hiện nay, phần lớn là được đầu tư hoặc tiết kiệm. Giả sử bình quân mỗi năm, mỗi người để dư 1.000 USD cho đầu tư thì với 100 triệu dân, số tiền tích lũy cho đầu tư là rất lớn.

“Hoạt động đầu tư có thể phân bổ theo nhiều kênh, như bất động sản, bảo hiểm, các tài sản vật chất khác hay chứng khoán, nhưng chỉ cần nền kinh tế tăng trưởng vững, thu nhập bình quân của người dân tăng trưởng mỗi năm, thì chắc chắn khoản tích lũy cho đầu tư cũng tăng dần. Đây chính là cái gốc để tin rằng, trong thời gian đủ dài, chẳng hạn 10 năm, TTCK chắc chắn sẽ ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng”, Tổng giám đốc Chứng khoán Phú Hưng chia sẻ.

Xây quan hệ với khách hàng như những người bạn

Niềm tin vào tương lai TTCK Việt Nam của Jacky được nhân lên từ sự phát triển của PHS sau 7 năm anh tiếp quản. Năm 2018, mặc dù cạnh tranh trên TTCK Việt Nam khá khốc liệt khi có một số công ty chứng khoán đã áp dụng trí tuệ nhân tạo trong tư vấn, môi giới cho khách hàng, tuy nhiên, PHS vẫn thu hút được 4.750 tài khoản mới, cao hơn 109% so với năm trước đó.

Trong năm này, giá trị giao dịch của PHS đạt trên 28.000 tỷ đồng, kéo theo hoạt động giao dịch ký quỹ tăng mạnh. Mảng môi giới phát triển đã góp phần quan trọng đưa doanh thu của PHS lên 174,9 tỷ đồng, lợi nhuận đạt 37,4 tỷ đồng, mức cao nhất kể từ khi thành lập. Bên cạnh khối khách hàng nước ngoài, nhất là khách hàng Đài Loan và Trung Quốc chọn PHS, điều thú vị là nhà đầu tư Việt Nam cũng đến với PHS nhiều hơn. Có lẽ cũng bởi Tổng giám đốc PHS có quan điểm rất đặc biệt trong cách tạo động lực cho nhân viên trong xây dựng năng lực cạnh tranh cốt lõi.

Jacky kể, khi một số công ty chứng khoán Việt Nam hút khách hàng bằng việc miễn phí giao dịch hay áp dụng công nghệ tự động (trí tuệ nhân tạo AI) trong tư vấn đầu tư, một số nhân viên PHS đã lo lắng đặt câu hỏi với anh. Anh chia sẻ, việc miễn phí chỉ là một giai đoạn, đó không thể tạo nên năng lực cạnh tranh bền của một CTCK, còn việc sử dụng công nghệ trong tư vấn, hút khách cũng không phải là cách tạo nên năng lực cạnh tranh cốt lõi.

Về mặt kỹ thuật, máy móc có thể nhanh và tổng hợp tốt hơn con người trong phân tích cơ bản dựa trên các chỉ số tài chính, nhưng máy móc liệu có khiến môi giới mất việc không? Trong đánh giá của anh Jacky, người môi giới tốt không bao giờ mất việc. “Làm dịch vụ là làm việc giữa con người với con người. Máy móc có thể hỗ trợ con người rất nhiều việc, nhưng khi chúng ta ốm, máy không thể đến thăm được. Khi chúng ta buồn, máy không thể chia sẻ được”, anh nói.

Trên quan điểm này, Tổng giám đốc PHS hướng các nhân sự của mình xây dựng mối quan hệ với khách hàng như những người bạn, chân thành và luôn làm mọi cách để những người bạn của mình thành công trên con đường ổn định tài chính.

Tại Đài Loan hay nhiều TTCK lớn khác, công nghệ áp dụng trên TTCK đạt đến trình độ phát triển hiện đại, nhưng thực tế, không gì có thể thay thế con người. Nếu chỉ dựa trên công nghệ, máy móc để tạo lợi thế cạnh tranh thì sẽ thấy ngay điểm bất hợp lý: Công nghệ Việt Nam liệu có bằng Đài Loan hay Hàn Quốc không? Đến lượt nó, trình độ công nghệ Đài Loan hay Hàn Quốc liệu có bằng các công ty châu Âu không? “Máy móc có thể khác nhau về năng lực làm việc, nhưng đó chỉ là phương tiện. Mối quan hệ giữa con người với con người mới là cốt lõi và đó là điều không thể thay thế được”, anh nói.

Jacky có nụ cười thật đôn hậu. Anh chia sẻ với chúng tôi một triết lý bao trùm lên mọi hoạt động của các thành viên Tập đoàn Phú Mỹ Hưng, đó là: “Khi chúng ta đến một nơi nào đó đầu tư, không nên đặt mục tiêu là ta có thể lấy được những gì mà phải quan tâm làm ra những gì để lại” (lời của Cố Chủ tịch Tập đoàn Phú Mỹ Hưng, ông Lawrence S.Ting).

Cố Chủ tịch đã đến Việt Nam gần 30 năm trước, ông có công lớn trong việc lập nên Khu đô thị Phú Mỹ Hưng cùng nhiều công trình khác, để tạo nên diện mạo mới cho TP.HCM. Jacky tự hào kể cho chúng tôi vài cảm xúc về Phú Mỹ Hưng, nơi anh đang ở và cho rằng, được sống ở nơi đẹp đẽ, giao hòa cùng thiên nhiên như thế cũng là một phần thưởng với anh khi gắn bó với Việt Nam. Làm việc trên TTCK Việt Nam lúc thuận lợi hay khó khăn, anh luôn tâm niệm góp sức mình cùng những các thành viên Tập đoàn hiện thực hóa triết lý sống “để lại cái gì cho nơi mình đến” mà ông Lawrence S.Ting đã tạo dựng.               

Phạm Oanh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục