Tầm nhìn 10 năm cho tương lai doanh nghiệp niêm yết

(ĐTCK) Ban tổ chức Cuộc bình chọn Doanh nghiệp niêm yết 2018 kỳ vọng, trong 10 năm tới, mỗi năm sẽ nâng điều kiện bình chọn lên cao hơn để thúc đẩy các doanh nghiệp niêm yết, doanh nghiệp đại chúng minh bạch hơn, quản trị công ty tốt và thực thi tốt trách nhiệm xã hội. Giải thưởng kỳ vọng sẽ được mở rộng sang các hình thái mới như bình chọn các tổng giám đốc tiêu biểu, bình chọn các hội đồng quản trị tiêu biểu… trên thị trường chứng khoán Việt Nam.
Tầm nhìn 10 năm cho tương lai doanh nghiệp niêm yết

Đầu tháng 10/2018, Hội đồng bình chọn Doanh nghiệp niêm yết 2018 đã làm việc tại Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE). Điểm mới của Cuộc bình chọn là việc Ban tổ chức quyết định nâng tầm, thay đổi tên cũng như cách thức chấm điểm, bình chọn, vinh danh các doanh nghiệp tốt nhất.

Theo đó, nếu như 10 năm trước, Cuộc bình chọn mang tên “Báo cáo thường niên tốt nhất” thì từ năm 2018, Cuộc bình chọn có tên là “Doanh nghiệp niêm yết”, được thực hiện hàng năm trên toàn thị trường, nhằm hướng đến thập niên mới, 10 năm góp sức khích lệ sự vươn lên của các doanh nghiệp trên thị trường chứng khoán Việt Nam.

Ông Nguyễn Vũ Quang Trung, Phó tổng giám đốc phụ trách Ban điều hành HOSE chia sẻ, tên của Cuộc bình chọn mang 2 ý nghĩa chính. Thứ nhất, chủ thể chính của Cuộc bình chọn là các doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam, cụ thể là các doanh nghiệp nằm trong bộ chỉ số VNX-Allshare do 2 Sở giao dịch chứng khoán xây dựng.

Thứ hai, Ban tổ chức học hỏi kinh nghiệm từ các thị trường chứng khoán phát triển, như Singapore, Đài Loan, Thái Lan, mong muốn sau 10 năm đầu tiên khích lệ các doanh nghiệp niêm yết thực hiện tốt trách nhiệm minh bạch thông qua việc làm tốt báo cáo thường niên, tiến đến thực thi báo cáo phát triển bền vững, thì 10 năm tới đây, các doanh nghiệp sẽ tập trung phát triển theo chiều sâu để không chỉ minh bạch mà còn tăng dần chất lượng hoạt động, đạt hiệu quả vững vàng.

“Trong thời gian qua, Cuộc bình chọn chưa bình xét về sức khỏe tài chính của doanh nghiệp, mới chỉ bình xét về mức độ minh bạch, chuẩn mực, chuyên nghiệp trên các thông tin mà doanh nghiệp công bố, nhưng trong tương lai, khi điều kiện thị trường phù hợp, Ban tổ chức sẽ mở rộng phạm vi bình chọn, lúc đó sẽ không chỉ có giải thưởng Báo cáo thường niên tốt nhất, hay Báo cáo quản trị công ty tốt nhất, mà còn có thể có những giải như Chủ tịch hội đồng quản trị tốt nhất, Tổng giám đốc tốt, Ban quản trị tốt nhất… dành cho các doanh nghiệp trên sàn”, ông Trung nói.

Cuộc bình chọn Doanh nghiệp niêm yết có nhiều hạng mục giải thưởng gắn với tên gọi cụ thể cho từng hạng mục. Năm 2018, giải thưởng ghi nhận sự minh bạch trong công bố thông tin, trong việc áp dụng các thông lệ tốt về quản trị công ty hay thực thi trách nhiệm xã hội.

Doanh nghiệp được vinh danh không đồng nghĩa có cổ phiếu tốt. “Không đơn vị nào có thẩm quyền và trách nhiệm đóng dấu chất lượng cho cổ phiếu của doanh nghiệp”, ông Trung khẳng định.

Thực tế cho thấy, trên thị trường chứng khoán Việt Nam, nhà đầu tư tổ chức chiếm tỷ lệ rất nhỏ, còn đa phần là các nhà đầu tư cá nhân. Theo đó, việc lựa chọn đầu tư trên thị trường thường nghiêng về đầu tư ngắn hạn, chọn doanh nghiệp có giá cổ phiếu đột biến, hay các doanh nghiệp có thông tin bất thường.

Thực tế này khác với cách chọn lựa đầu tư ở các thị trường chứng khoán phát triển, ở đó, nhà đầu tư tổ chức chiếm tỷ trọng lớn và đặt các tiêu chí đầu tư ưu tiên vào các doanh nghiệp quan tâm tới phát triển bền vững, có chất lượng quản trị công ty tốt hay có những nỗ lực vì sự phát triển dài hạn. Những yếu tố này thường được nhà đầu tư tổ chức đánh giá cao và có thể sẽ phản ánh vào giá trị doanh nghiệp, thị giá cổ phiếu trên thị trường.

Tuy nhiên, ở thị trường chứng khoán Việt Nam, mối quan hệ giữa giá cổ phiếu và chất lượng doanh nghiệp trong nhiều trường hợp còn bị lệch, thiếu sự tương đồng, nên việc hướng nhà đầu tư quan tâm nhiều hơn đến những giá trị nền tảng của doanh nghiệp, góp sức để các doanh nghiệp phát triển dài hạn, cũng là một trong những nỗ lực Ban tổ chức muốn thực hiện thông qua Cuộc bình chọn Doanh nghiệp niêm yết trong thập niên tới đây.

Năm 2018, bộ tiêu chí sơ khảo chấm điểm báo cáo thường niên và quản trị công ty được thực hiện bằng bộ các câu hỏi (104 câu hỏi chấm báo cáo thường niên, 77 câu hỏi chấm điểm quản trị công ty). Các câu hỏi nhằm đánh giá mức độ minh bạch của doanh nghiệp, được xây dựng dựa trên nguyên tắc quản trị công ty của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) và được điều chỉnh phù hợp với thực tế doanh nghiệp tại Việt Nam.

Trên cơ sở các tiêu chí chấm điểm, doanh nghiệp sẽ nhận ra mình đã làm tốt điểm gì, chưa làm tốt điểm gì để có thể tự hoàn thiện, nâng dần điểm số. Năm 2018, việc rà soát chất lượng báo cáo và chấm điểm vẫn dựa chính trên các thông tin doanh nghiệp công bố. Tuy nhiên, trong tương lai, khi điều kiện thị trường phù hợp, việc chọn lựa doanh nghiệp có thể sẽ được thực hiện thêm một bước nữa là rà soát thực tế, thông qua các cuộc tiếp xúc với doanh nghiệp, với cổ đông, với đối tác, với người lao động và các chủ thể liên quan. 


Đặc san Toàn cảnh doanh nghiệp niêm yết 2018

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục