Bài 3: Cần giải pháp và tầm nhìn dài hạn
“Cá mập” lựa theo chiều gió
Khi thông tin về việc Tổng công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex, mã chứng khoán VCG) bất ngờ khóa room ngoại ở mức 0% từ mức 49% trước đó được công bố rộng rãi ra thị trường, nhiều cổ đông cá nhân của doanh nghiệp này tỏ ra bức xúc.
Họ lo ngại, nhà đầu tư sở hữu lớn là PYN Elite Fund cũng như các tổ chức nước ngoài khác phải bán ra 48 triệu cổ phiếu VCG để đảm bảo tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại Vinaconex về 0%. Giá cổ phiếu VCG có thể giảm mạnh.
Ngay lập tức, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã phải lên tiếng, trấn an rằng, nhà đầu tư ngoại tại Vinaconex không phải bán ra cổ phiếu do họ đã mua vào trước thời điểm doanh nghiệp thực hiện thủ tục chốt room sau khi Nghị định 60/2015/CP-NĐ được ban hành (Nghị định này có quy định về tỷ lệ sở hữu nước ngoài trên thị trường chứng khoán Việt Nam).
Tạm thời, các nhà đầu tư, nhất là các cổ đông của Vinaconex không phải lo việc cổ phiếu VCG bị xả hàng. Nhưng nhà đầu tư vẫn thắc mắc, khi cổ đông ngoại bán ra cổ phiếu VCG, họ có buộc phải bán cho nhà đầu tư trong nước để đảm bảo room về 0%?
Trong khi đó, các nhà đầu tư sở hữu lớn như PYN Elite Fund (đang nắm giữ hơn 31,3 triệu cổ phiếu VCG, tương ứng tỷ lệ sở hữu trên 7%) lại “khôn khéo” hơn.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán, ông Petri Deryng, Tổng giám đốc Quỹ đầu tư PYN Elite Fund cho biết, ngay sau khi thấy thông tin Vinaconex bất ngờ khóa room ngoại về 0%, PYN đã liên hệ với Ban lãnh đạo doanh nghiệp.
Với việc Vinaconex (VCG) chốt "room" ngoại ở mức 0% so với mức 49% trước đó, nhà đầu tư nước ngoài sẽ không có cơ hội tham gia đấu giá lần lượt 57,71% và 21,28% cổ phần VCG ngày 22/11 tới do SCIC và Viettel thoái vốn
Theo đó, lãnh đạo Vinaconex khẳng định, PYN không buộc phải bán số cổ phiếu VCG mà Quỹ đang sở hữu và việc khóa room vừa qua chỉ là giải pháp kỹ thuật ngắn hạn để chuẩn bị cho việc thoái vốn nhà nước sắp diễn ra.
Vị này được tiết lộ, sau khi thực hiện đấu giá lô cổ phần nhà nước tại Vinaconex, Tổng công ty sẽ có sự thay đổi về ban lãnh đạo và cổ đông sẽ được xin ý kiến về việc loại bỏ các lĩnh vực kinh doanh hạn chế nhà đầu tư nước ngoài nhằm đưa Vinaconex trở lại vị thế “dành tối đa 49% vốn cho sở hữu nước ngoài”.
Ông Petri Deryng chia sẻ, PYN chưa gặp một tình huống nào tương tự như tình huống này trước đây. Trước mắt, PYN sẽ duy trì vị thế nắm giữ tại Vinaconex.
Có thể thấy, đây là câu trả lời đã được dự đoán từ trước, vì ngay cả trường hợp một quỹ nào đó muốn rút khỏi Việt Nam vào ngày mai, họ vẫn phải khẳng định là chưa muốn bán ra ngay cổ phiếu, vì nếu tuyên bố chuẩn bị thoái vốn, đồng nghĩa với giá cổ phiếu sẽ lập tức giảm.
Nhưng trong câu chuyện, ông Petri Deryng nhấn mạnh rằng, PYN chưa từng rơi vào tình huống éo le như vậy ở các thị trường chứng khoán khác.
Nếu một ngày nào đó, PYN tiếp tục nhận được thông tin một loạt doanh nghiệp mà quỹ này đang sở hữu cổ phần buộc phải khóa room ngoại như Vinaconex, không rõ họ sẽ hành xử ra sao? Rà lại danh mục đầu tư của PYN trên thị trường chứng khoán Việt Nam có thể thấy, không ít doanh nghiệp đang ở tình huống như Vinaconex.
Ông Dominic Scriven, Chủ tịch Công ty Quản lý quỹ Dragon Capital, đại diện cho các nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam nhận xét, giới hạn sở hữu nhà đầu tư nước ngoài vẫn là một trong những trở ngại đối với nhà đầu tư ngoại khi tham gia thị trường chứng khoán Việt Nam. Nguyên tắc xác định room ngoại cùng với các quy định chuyên ngành trong bối cảnh các công ty hoạt động đa ngành, đa lĩnh vực khiến việc xác định room trở nên cực kỳ phức tạp.
“Chúng tôi đề xuất, Chính phủ, Bộ Tài chính và các cơ quan quản lý cần có các quy định xác định giới hạn sở hữu nhà đầu tư nước ngoài dễ dàng và đơn giản hơn khi áp dụng cho các công ty đại chúng”, ông Dominic Scriven kiến nghị.
Nhắc lại giải pháp cũ
Đánh giá về khoảng hở chốt room ngoại trên trên thị trường chứng khoán Việt Nam, lãnh đạo Quỹ PYN cho biết, nếu Việt Nam áp dụng công cụ NVDR (chứng chỉ lưu ký không có quyền biểu quyết) và cơ quan quản lý thị trường ban hành được giải pháp mới, tất cả những vấn đề này đều có thể tránh được. PYN đã gửi kiến nghị này tới cơ quan chức năng, đóng góp cho việc soạn thảo Luật Chứng khoán mới tại Việt Nam.
“Nới tỷ lệ sở hữu cho nhà đầu tư nước ngoài nếu không phải là 100% thì việc giải quyết các vấn đề liên quan tới giới hạn này vẫn còn tiếp tục và tiếp diễn như hiện tại”, đại diện PYN nhận định.
NVDR không phải là đề xuất mới. Giải pháp này đã từng được đưa ra bàn thảo rất nhiều trước đây, trong bối cảnh Chính phủ tìm kiếm một giải pháp hiệu quả để dần loại bỏ sự hạn chế về sở hữu nước ngoài tại các cổ phiếu niêm yết.
Không chỉ đối với PYN, vấn đề NVDR cũng được các quỹ đầu tư nước ngoài khác quan tâm và kiến nghị áp dụng đối với thị trường chứng khoán Việt Nam. Trên thực tế, kể từ khi Nghị định 60/2015/CP-NĐ được ban hành, một số công ty đã thành công trong việc tăng giới hạn sở hữu nước ngoài lên 100%, nhưng hầu hết các công ty khác không thực hiện nới room bởi nhiều lo ngại như thâu tóm hoặc ảnh hưởng tới hoạt động khi phải cắt giảm ngành nghề, lĩnh vực hoạt động. Trong khi đó, việc xác định room phức tạp và không nhất quán có thể tạo ra một thị trường riêng biệt, không hiệu quả và thiếu minh bạch.
Lấy ví dụ, tại Thái Lan, từ năm 2000 đã áp dụng thành công NVDR. Khi một nhà đầu tư nước ngoài sở hữu cổ phần NVDR, họ được hưởng tất cả các quyền lợi tài chính giống các nhà đầu tư khác, nhưng không có quyền bỏ phiếu trong cuộc họp đại hội đồng cổ đông. Bằng cách này, sự kiểm soát của các công ty vẫn trong tay người Thái, đồng thời mở cửa cho nhà đầu tư nước ngoài, bất chấp sự hạn chế về tỷ lệ room ngoại.
"Nếu Việt Nam áp dụng NVDR sẽ nâng cao đáng kể tính hấp dẫn của thị trường chứng khoán đối với nhà đầu tư nước ngoài, tăng khối lượng giao dịch hàng ngày và cải thiện tính minh bạch của cổ phiếu. NVDR cũng sẽ góp phần giúp thị trường chứng khoán Việt Nam sớm được nâng hạng từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi", PYN Elite Fund khẳng định.
Hiện chưa rõ triển khai NVDR có đơn giản và phù hợp với điều kiện, hệ thống quy định pháp lý hiện hành của Việt Nam hay không. Song liên quan tới tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài, tại dự thảo Luật Chứng khoán sửa đổi, đang được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước lấy ý kiến đóng góp vẫn quy định: tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại công ty đại chúng không bị hạn chế, ngoại trừ trường hợp điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên hoặc pháp luật chuyên ngành có quy định cụ thể về tỷ lệ sở hữu nước ngoài; trường hợp công ty đại chúng hoạt động đa ngành, nghề có quy định khác nhau về tỷ lệ sở hữu nước ngoài, thì tỷ lệ sở hữu nước ngoài không vượt quá mức thấp nhất trong các ngành, nghề có quy định cụ thể về tỷ lệ sở hữu nước ngoài.