Đầu tư BĐS cao cấp: Hứa hẹn mùa vàng

(ĐTCK-online) Việc rất nhiều các nhà đầu tư trong và ngoài nước đặt niềm tin và “rót vốn” vào các dự án đang báo hiệu cho một “mùa vàng” của bất động sản Việt Nam.
Thị trường BĐS cao cấp Việt Nam hứa hẹn sẽ có một mùa vàng Thị trường BĐS cao cấp Việt Nam hứa hẹn sẽ có một mùa vàng

“Có thể nói thị trường bất động sản là một trong những lĩnh vực “nóng” nhất ở Việt Nam hiện nay và các chuyên gia dự báo sẽ không thể lắng dịu trong tương lai gần. So với chính nó, thì thời điểm này cũng là “mùa gieo hạt” lớn nhất trong nhiều năm trở lại đây với hàng trăm dự án lớn trị giá hàng tỷ USD đang được thực hiện, đặc biệt là ở TP. Hồ hs Minh và Hà Nội... Gia nhập WTO, tạo lên làn sóng đầu tư mạnh mẽ. Kinh tế tăng trưởng trên 8% và việc nới lỏng các quy định đối với thị trường bất động sản đang thu hút không chỉ các nhà thầu chuyên nghiệp trong lĩnh vực này mà cả các ngân hàng thương mại, quỹ đầu tư cũng đổ tiền vào. Báo cáo vừa công bố của CBRE Việt Nam cũng khẳng định, nhu cầu bất động sản đang tăng rất nhanh trên mọi lĩnh vực như văn phòng cho thuê, nơi cư trú, khách sạn, nhà ở cao cấp, TTTM…và các công trình mới hoàn thành cũng không đủ đáp ứng”. Tờ Bangkok Post (Thái Lan) vừa có nhận định như vậy khi viết về kinh tế Việt Nam tiếp tục tăng trưởng khiến nhu cầu bất động sản tăng cao và tạo ra những cơn sốt mới trong lĩnh vực này.

Quả thực, những tháng vừa qua của năm 2007 là những tháng đầy sự kiện của thị trường BĐS Việt Nam . Sự xuất hiện của hàng loạt các “đại gia” nước ngoài có danh tiếng khiến thị trường này ngày một trở lên sôi động. Điển hình như Quỹ BĐS Indochina Land Holdings của Indochina Capital. Với sự khẳng định từ những thành công của mình, một quỹ BĐS thứ hai: Quỹ Indochina Land cũng vừa được ra đời. Qũy đầu tư BĐS VinaLand của VinaCapital cũng đã thành công rực rỡ, huy động hơn 205 triệu USD từ các tổ chức tài chính nước ngoài chỉ trong một thời gian rất ngắn. Các quỹ này cũng nhanh chóng chiếm giữ các vị trí trọng yếu tại các thành phố lớn như Hà Nội, Tp.HCM và Đà Nẵng... Ông Marc Faber, Chủ tịch HĐQT của Indochina Capital cho biết: “Chúng tôi đã nhìn thấy trước tiềm năng rất lớn về thị trường bất động sản của VN trong vòng 5 – 10 năm tới. Đây là thời điểm tốt cho các nhà đầu tư khi đầu tư vào thị trường bất động sản tại VN”. Tập đoàn BĐS có vốn 2 tỷ USD Savills cũng vừa tuyên bố đầu tư vào Công ty Chesterton Petty Việt Nam . Những cái tên tiếp theo cũng cần kể đến đó là Riviera (Nhật Bản) và Keangnam, Kumho Asiana (Hàn Quốc) với các dự án BĐS cao cấp trị giá hàng tỷ đô la tại Hà Nội, Sài Gòn cũng đã được cấp phép. 

Không chịu “kém cạnh”, các đại gia trong nước cũng nhìn ra những nguồn lợi và cơ hội đầu tư vào BĐS cao cấp. Khiến nhiều nhà đầu tư bất ngờ, trong Lễ ký hợp tác chiến lược với Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) ngày 13.6 vừa qua, ông Lê Khắc Hiệp, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Vincom đã công bố: Ngoài các dự án lớn mà nhiều người đã biết như: Đầu tư xây dựng tòa nhà HH1 bên cạnh Vincom City Towers; Nâng cấp cải tạo Công viên Thống Nhất; Xây dựng Khu du lịch sinh thái và sân golf Long Biên… tại Hà Nội với số vốn mỗi dự án hàng trăm triệu USD thì Vincom sẽ còn cùng BIDV đầu tư xây dựng Khu đô thị mới Bắc Sông Hồng tại một vị rí rất đắc địa, rộng hàng ngàn ha trên địa bàn huyện Đông Anh, Hà Nội. Với tiêu chí là một khu đô thị mới hiện đại, tiêu chuẩn quốc tế với hệ thống dịch vụ và công trình công cộng khép kín cùng một không gian đô thị được quy hoạch hoàn hảo. Đặc biệt, Công ty này đang “Nam tiến”, triển khai tại trung tâm Quận 1, TP. HCM một Khu khu liên hợp TTTM, văn phòng, khách sạn 5 sao và chung cư cao cấp. Tổng diện tích xây dựng của dự án sẽ là 310.000 m2, trong đó có 60.000 m2 là bãi để xe ngầm, 100.000 m2 là TTTM, phần còn lại sẽ là khách sạn, căn hộ và văn phòng cho thuê… Toàn phần ngầm của khu liên hợp này sẽ được thông với nhau, tạo thành một quần thể thống nhất. Đây sẽ là “dự án ba nhất của Việt Nam ”: TTTM lớn nhất và trung tâm nhất; khách sạn 5 sao lớn nhất Việt Nam (620 phòng); bãi để xe lớn nhất. Dự kiến công trình sẽ có tổng vốn đầu tư 250 triệu USD và được hoàn thành sau 2,5 năm.

Cũng không chỉ mình Vincom, chủ đầu tư tòa tháp đôi tại Hải Phòng TD Plaza, Ông Nguyễn Văn Luân, Tổng giám đốc TD Group cho biết, quý 4 năm nay một TTTM lớn mang tên TD Plaza Sài Gòn cũng sẽ được Công ty này khởi công xây dựng tại TP.HCM. Tiếp sau dự án xây dựng Trung tâm thương mại và văn phòng cao cấp 20 tầng với tổng vốn đầu tư 30 triệu USD này, trong quý I/2008, TD Group sẽ tiếp tục đầu tư xây dựng thêm một TTTM lớn khác ở Nha Trang với số vốn đầu tư khoảng 20 triệu USD… Đó là chưa kể hàng loạt các “đại gia” khác như Địa ốc Sài Gòn, Vinaconex hay Bitexco, Hòa Bình… doanh nghiệp nào cũng ấp ủ vài ba dự án.

Để có vốn thực hiện nhiều dự án lớn, ngoài việc sử dụng các đòn bẩy tài chính khác như thông qua việc vay vốn từ các định chế tài chính khác như ngân hàng, quỹ đầu tư hay huy động vốn tự có của công ty và vay vốn từ cổ đông… Một kênh quan trọng của các doanh nghiệp BĐS là huy động vốn vào các dự án cụ thể thông qua việc phát hành các đợt cổ phiếu. Theo đánh giá của nhiều chuyên gia BĐS và chứng khoán quốc tế, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của thị trường BĐS, cổ phiếu của ngành này tại Việt Nam cũng sẽ nhanh chóng chiếm lĩnh vị trị hàng đầu…Xu thế phát triển của TTCK Việt Nam cho thấy sự chuyển biến từ đầu tư nóng sang đầu tư lâu dài. Trong khi đó, BĐS chính là lĩnh vực hội tụ được các ưu điểm cần thiết là khả năng sinh lợi cao và có tính bền vững, ổn định vì có giá trị tài sản hiện hữu lớn... Bà Đỗ Thị Loan, TTK Hiệp hội BĐS TP. HCM nhận định: “Thị trường BĐS sẽ còn nóng hơn hiện nay…Vì vậy tôi cho rằng giá cổ phiếu BĐS sẽ tăng là điều tất yếu.”

Minh chứng cho điều này là việc nhìn vào TTCK, cả trên sàn giao dịch chính thức và OTC, không phải ngẫu nhiên mà cổ phiếu của Vincom, Vinaconex, TDH, GMD, HAGL… được các nhà đầu tư đánh giá cao. Các công ty này đều có định hướng rất rõ ràng trong trong đầu tư kinh doanh BĐS. Theo đánh giá của nhà đầu tư, giữ cổ phiếu của doanh nghiệp sở hữu nhiều BĐS rất yên tâm không chỉ vì cả hai thị trường chứng khoán và BĐS đều còn rất tiềm năng mà vì ngay cả khi thị trường chứng khoán gặp vấn đề thì tài sản BĐS của công ty như một sự bảo hiểm cho cổ phiếu của nhà đầu tư. Nhắm đến cổ phiếu của công ty BĐS nhất là các doanh nghiệp đang sở hữu toà nhà văn phòng cho thuê, trung tâm thương mại ở các vị trí đắc địa, nhà đầu tư không chỉ nhìn vào khoản lãi ròng hàng năm từ khai thác diện tích này mà còn tính đến tăng giá trị BĐS, tăng giá trị tài sản công ty trong tương lai… Do mức lợi nhuận hấp dẫn không thua kém gì ngân hàng cũng như các ngành thời thượng khác, nên rất nhiều doanh nghiệp từ các lĩnh vực khác đã tham gia vào thị trường BĐS. Ngoài ra, còn rất nhiều doanh nghiệp lớn không giấu giếm ý định xem BĐS là ngành đem lại lợi nhuận chính trong tương lai của họ. Từ đó có thể hiểu TTCK Việt Nam sắp tới sẽ đón nhận một lượng cổ phiếu BĐS cực lớn vì ngành này hút vốn còn hơn ngân hàng.

“Lựa chọn và đầu tư vào cổ phiếu bất động sản cũng là cách tham gia gián tiếp vào lĩnh vực đầu tư này. Theo tôi, các nhà đầu tư cổ phiếu BĐS sẽ cùng các doanh nghiệp BĐS chuyên nghiệp gặt hái được những “mùa vàng” sau khi đã gieo hạt đúng mùa và ở những mảnh đất tốt” – ông Lê Khắc Hiệp, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Vincom, đơn vị sẽ khởi động lộ trình huy động vốn phục vụ cho các dự án BĐS qua việc phát hành IPO vào ngày 7/3 tới đây, tâm sự.

Hoàng Hải
Hoàng Hải

Tin cùng chuyên mục