Hoa mắt vì thông tin
Gia đình đang có nhu cầu tìm mua một căn hộ chung cư có 2 phòng ngủ, anh Hoàng, hiện đang sống tại quận 3 (TP.HCM) đã lên mạng để tìm hiểu thông tin, thậm chí còn dành nhiều thời gian đến các sàn giao dịch để tìm hiểu trước khi đưa ra quyết định. Tuy nhiên, sau khi tiếp cận các nguồn thông tin từ những kênh khác nhau, anh cảm thấy mình như bị lạc vào ma trận, bởi thông tin mỗi nơi một khác.
"Tôi thích một dự án tại quận Thủ Đức vì vị trí nằm gần tuyến đường Phạm Văn Đồng, đi lại rất thuận tiện. Tuy nhiên, sau khi tìm hiểu tôi lại thấy giá bán mỗi đơn vị một khác, trong khi đó, sàn nào cũng quảng cáo mình là đơn vị độc quyền phân phối của chủ đầu tư. Chưa kể, có nguồn thông tin lại cho rằng dự án đó chưa có giấy phép xây dựng nhưng vẫn rao bán để huy động vốn… Thật là chẳng biết đường nào mà lần”, anh Hoàng nói.
Theo khách hàng này, khó khăn nhất của anh là tìm kiếm một nguồn thông tin khách quan, chính thống để kiểm chứng. Do đó, cuối cùng, anh nhờ một người quen làm trong lĩnh vực bất động sản tìm hiểu thông tin và tư vấn rồi mới đưa ra quyết định.
Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, không chỉ riêng từng dự án, mà những thông tin toàn cảnh về thị trường bất động sản cũng rất khác nhau. Đơn cử, bên cạnh số liệu thống kê của Bộ Xây dựng, Hiệp hội Bất động sản, Hội Môi giới, còn có một số đơn vị như CBRE, Savills, JLL… cũng định kỳ cung cấp báo cáo số liệu của riêng mình và các thông tin này nhiều khi có độ chênh lớn.
Cụ thể, trong báo cáo thị trường quý II/2018, số lượng căn hộ đã giao dịch tại TP.HCM do Savills cung cấp là hơn 14.400 giao dịch, tăng 6% theo quý và 22% theo năm, trong khi theo CBRE chỉ có 6.947 căn, giảm 25% so với quý trước và giảm 29% so với cùng kỳ năm trước. Còn theo số liệu của Công ty DKRA Việt Nam, lượng tiêu thụ trong quý vừa qua của thị trường TP.HCM ước khoảng 7.302 căn, bằng 82% so với quý trước và bằng 90% so với cùng kỳ.
Cần chọn mặt gửi vàng
Theo một số chuyên gia trong ngành, từ trước đến nay, thị trường bất động sản Việt Nam rất đói thông tin chính xác, trong khi lại "bội thực" những dữ liệu sai, không có kiểm chứng. Việc một dự án vừa mở bán mà công bố giao dịch thành công 70 - 80% là thông tin khó kiểm chứng. Tất cả đều chỉ nghe những người bán hàng tung hứng. Việc thiếu thông tin chính xác rất nguy hiểm cho thị trường.
Để có thêm kiến thức và kinh nghiệm trong việc quyết định đầu tư trong khi thị trường biến động và “khát” thông tin chính xác, ông Phạm Lâm, Tổng giám đốc DKRA Việt Nam cho rằng, trước tiên người mua nhà cần phải thường xuyên theo dõi tình hình biến động của thị trường, tích lũy kiến thức đầu tư bất động sản và những văn bản pháp lý liên quan.
Quan trọng hơn cả là phải biết “chọn mặt gửi vàng”, tìm đến các chủ đầu tư có thương hiệu uy tín, chuyên nghiệp, công khai thông tin dự án một cách rõ ràng, minh bạch. Đồng thời, cũng phải chủ động định hướng mục tiêu đầu tư, xác định loại hình bất động sản phù hợp, từ đó hoạch định chiến lược đầu tư, bài toán tài chính.
Ông Lâm cũng cho biết thêm, thị trường đang có dấu hiệu giảm nhiệt. Do đó, để hạn chế rủi ro cho các bên thì chính chủ đầu tư, đơn vị phân phối sản phẩm nên đẩy mạnh xây dựng uy tín thương hiệu, hoạt động giao dịch rõ ràng, minh bạch; hoàn thiện chất lượng sản phẩm, pháp lý, tạo lợi thế cạnh tranh cho dự án. Đồng thời, nên hợp tác với các đơn vị phân phối uy tín, hoạt động chuyên nghiệp, có kinh nghiệm nhiều năm trong lĩnh vực bất động sản.
“Thị trường bất động sản Việt Nam vẫn đang trong quá trình hoàn thiện, còn nhiều cơ hội và tiềm năng, nhưng kèm theo đó vẫn tồn tại những bất ổn và rủi ro. Để bảo đảm đầu tư an toàn trong điều kiện thị trường biến động, tất cả các bên cần linh hoạt điều chỉnh chiến lược và chính sách đầu tư phù hợp trên cơ sở công khai, minh bạch, chuyên nghiệp trong mọi hoạt động giao dịch, công bố thông tin…”, ông Lâm nói.
Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com