Đầu tư bất động sản biển: Cuộc đua đường dài

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Bất động sản biển là cuộc chơi hấp dẫn và thu hút nhiều doanh nghiệp. Tuy nhiên, trong cuộc đua marathon này, phải có độ bền và phân phối sức lực khôn ngoan mới có thể đến đích.
Dự báo năm 2022, thị trường du lịch chăm sóc sức khỏe quốc tế đạt doanh thu 919 tỷ USD. Ảnh: Shutterstock Dự báo năm 2022, thị trường du lịch chăm sóc sức khỏe quốc tế đạt doanh thu 919 tỷ USD. Ảnh: Shutterstock

Sức cầu từ người giàu và… người già

Bất động sản biển hiện nay không chỉ đơn thuần là biệt thự và condotel trong resort, mà đã phát triển nhiều loại hình sản phẩm khác nhau, đặc biệt là các sản phẩm được sở hữu lâu dài như đất ở đô thị khiến nhu cầu đầu tư như một tài sản tích trữ tăng nhanh.

Cùng với tốc độ tăng trưởng ấn tượng của tầng lớp trung lưu và giới siêu giàu tại Việt Nam, ông Đỗ Thiên Anh Tuấn, Đại học Fulbright Việt Nam nhận định rằng, sự quá tải dân số và ô nhiễm môi trường tại các thành phố lớn cũng là một trong những yếu tố thúc đẩy nhà đầu tư sở hữu căn nhà thứ 2 (second home) dùng để nghỉ dưỡng hoặc tài sản tích lũy.

“Những gia đình có thu nhập trung cao tại các đô thị lớn như Hà Nội và TP.HCM vẫn đang là đối tượng khách hàng chính trên thị trường bất động sản nghỉ dưỡng. Yếu tố cốt lõi của việc đầu tư vào ngôi nhà thứ 2 không chỉ là chốn đi về thảnh thơi, cao cấp, mà còn là món đầu tư với mục đích mang lại giá trị lợi ích lâu dài”, ông Tuấn nói.

Đưa ra góc nhìn tương đối khác biệt, vị chuyên gia đến từ Đại học Fulbright Việt Nam cho rằng, chính tốc độ già hóa dân số khá nhanh của Việt Nam trong thời gian tới đây sẽ kích thích nhu cầu nghỉ dưỡng theo loại hình du lịch kết hợp chăm sóc sức khỏe.

Theo ông Tuấn, dự báo năm 2022, “du lịch chăm sóc sức khỏe đạt doanh thu 919 tỷ USD, chiếm 18% tỷ trọng thị trường du lịch thế giới” và ở Việt Nam, nhu cầu này cũng đang tăng nhanh. Từ đó, những yếu tố hấp dẫn ở một đô thị biển với đa dạng sản phẩm bất động sản và dịch vụ kèm theo sẽ gồm 6 yếu tố “môi trường sống lành mạnh và trường thọ, dưỡng lão, chăm sóc sức khỏe người già, các dịch vụ giá trị gia tăng cho người già, kết hợp kế hoạch hưu trí, thiết kế quỹ hưu trí tự nguyện”.

Nắm bắt được nhu cầu lớn, thời gian qua, thị trường đã đón nhận hàng nghìn sản phẩm từ các dự án mới. Ông Phạm Lâm, Tổng giám đốc DKRA Vietnam cho hay, tính từ năm 2016 tới tháng 9/2020, có khoảng 41.000 căn condotel và 7.847 căn biệt thự biển được đưa ra thị trường. Về quy mô dự án cũng không ngừng tăng, đáng chú ý phải kể đến sự xuất hiện những dự án có quy mô lớn lên đến từ 100 - 1.000 ha theo mô hình khu đô thị biển hoặc Integrated Resort (khu nghỉ dưỡng tích hợp).

Sức cầu du lịch nội địa đang tăng rất nhanh

Sức cầu du lịch nội địa đang tăng rất nhanh

Đô thị biển - cuộc chơi của người chuyên nghiệp

Ông Vũ Văn Phấn, Phó cục trưởng Cục Quản lý nhà ở và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) xác nhận, đúng là bất động sản biển hiện nay đang có sức hút, tiềm năng và nhu cầu cũng rất lớn, nhưng khi đầu tư dự án, các chủ đầu tư cần tính toán tới việc kết nối hạ tầng, tiện ích du lịch đi kèm, tạo sự hấp dẫn cho người đầu tư và thuận tiện cho khách du lịch.

Đồng tình với quan điểm này, ông Đỗ Thiên Anh Tuấn cho rằng, một số địa phương do nóng lòng thu hút đầu tư nên đã phân bổ nguồn tài sản đất đai cho những nhà đầu tư không xứng tầm, không có kinh nghiệm, không có tiềm lực tài chính và cũng không có đủ tham vọng để phát triển nguồn tài nguyên đó mang lại lợi ích cho địa phương, đất nước.

“Phát triển đô thị biển là phải đi liền với những tiện ích như thương mại và lưu trú, thể thao, văn hóa và giải trí, sức khỏe và cộng đồng…, chứ không phải là chỉ xây những tòa nhà rồi gom người dân đến sống để hình thành một cộng đồng hỗn tạp. Như vậy, đây là cuộc chơi của những doanh nghiệp lớn và chính những doanh nghiệp này sẽ góp phần định nghĩa thế nào là một đô thị biển hiện đại”, ông Tuấn nhấn mạnh.

Nhìn thấy xu hướng cạnh tranh gay gắt trên thị trường hiện nay, nhiều tập đoàn bất động sản lớn đã thực sự thay đổi tư duy làm bất động sản biển với chiến lược dài hơi, rõ ràng hơn, tất nhiên, cũng sẽ là cuộc chơi đòi hỏi sức bền tài chính, sự kiên nhẫn và tầm nhìn xa hơn.

Đơn cử như tại thị trường phía Nam, Novaland đang tập trung cao độ vào các đường bờ biển với chuỗi siêu dự án nghỉ dưỡng mang thương hiệu NovaWorld. Dù vẫn khẳng định “đủ sức chiến đấu trên mọi mặt trận” và nhiều phân khúc, nhưng rõ ràng ưu tiên số một của doanh nghiệp này đang là các đại dự án đô thị biển.

Ông Bùi Thành Nhơn, Chủ tịch Novaland cho biết, mong muốn của Tập đoàn với NovaWorld Phan Thiết là sẽ phát triển dự án này thành một siêu thành phố biển - du lịch - sức khỏe với nguồn vốn đầu tư cho riêng dự án này đã lên đến gần 5 tỷ USD.

Để chứng tỏ việc “nói đi đôi với làm”, từ đầu năm 2020 đến nay, mặc dù dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, song dự án NovaWorld Phan Thiết vẫn liên tục được đầu tư mạnh. Hạ tầng dự án và hàng loạt hạng mục được ráo riết thi công như Khách sạn H4-Movenpick dự kiến bắt đầu hoạt động từ cuối năm 2021. Dự kiến tháng 12 năm nay sẽ khởi công Khách sạn Novotel, hoàn thành giữa năm 2022.

Tương tự, Công ty Hưng Lộc Phát cũng đang có tham vọng phát triển dài hơi ở Phan Thiết với dự án Mũi Né Summerland Resort - tổ hợp giải trí và tiệc tùng theo mô hình Lasvegas. Hiện chủ đầu tư đang đẩy mạnh tiến độ triển khai và hạ tầng cơ bản đã được xây dựng, dự kiến cuối năm 2022 sẽ đưa vào sử dụng đúng với thời điểm hoàn thành cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết.

Ngoài ra, những doanh nghiệp tên tuổi như Tập đoàn Hưng Thịnh, Tập đoàn Danh Khôi, Danh Việt Group, Nam Group… cũng đã và đang đẩy mạnh việc tham gia vào “cuộc chơi” này.

Ông Phạm Lâm cho rằng, trên thị trường bất động sản biển hiện đang có sự phân hóa rõ ràng về năng lực của chủ đầu tư và các mô hình sản phẩm sẽ có sự thay đổi rất lớn trong thời gian tới.

Theo ông Lâm, hiện nay khách hàng đang quan tâm rất cao đến năng lực của chủ đầu tư và đơn vị quản lý vận hành, cùng với đó là mô hình của dự án đó như thế nào. Trong tương lai, những chủ đầu tư không đủ năng lực rất khó có thể cạnh tranh để làm ra những sản phẩm đáp ứng yêu cầu của khách hàng ngày càng cao.

“Sản phẩm phải có quy mô lớn, đa dạng về tiện ích, giải trí… là những yêu cầu mà khách hàng đang đặt ra. Trong chu kỳ mới, ngoài xu hướng phát triển thuận lợi, thị trường cũng sẽ có sự phân hóa mạnh. Những chủ đầu tư nào lớn, làm bài bản sẽ phát triển, còn những chủ đầu tư nhỏ, đầu tư theo phong trào chắc chắn sẽ tự biến mất khỏi thị trường”, ông Phạm Lâm nhấn mạnh.

Việt Dũng

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục