Đầu tư 412 tỷ đồng cải tạo, nâng cấp luồng hàng hải vào cảng Quy Nhơn

0:00 / 0:00
0:00
Dự án đầu tư xây dựng công trình cải tạo, nâng cấp luồng Quy Nhơn cho tàu 50.000 DWT vào cập cảng sẽ sử dụng nguồn vốn đầu tư công, giai đoạn 2021 – 2025.
Tàu chở container vào trả hàng tại cảng Quy Nhơn. Tàu chở container vào trả hàng tại cảng Quy Nhơn.

Bộ trưởng Bộ GTVT vừa ký Quyết định số 1501/BGTVT phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng công trình cải tạo, nâng cấp luồng Quy Nhơn cho tàu 50.000 DWT.

Đây là dự án có mục tiêu cải tạo luồng, vũng quay tàu luồng hàng hải Quy Nhơn cho tàu trọng tải đến 50.000 DWT (đầy tải) hoặc lớn hơn (đảm bảo điều kiện an toàn hàng hải) đáp ứng nhu cầu thông qua hàng hóa của khu vực cảng Quy Nhơn, tỉnh Bình Định.

Theo đó, Dự án sẽ cải tạo, nâng cấp tuyến luồng có chiều dài 7.000 m từ phao số 0 đến vũng quay tàu bến số 1; bề rộng luồng 140 m; chiều sâu chạy tàu 14,23 m; cao độ đáy luồng -13,0 m (Hải đồ); đường kính vũng quay tàu dùng chung 400 m phục vụ tàu trọng tải đến 50.000 DWT (đầy tải) hoặc lớn hơn (đáp ứng điều kiện an toàn hàng hải) với khối lượng nạo vét dự kiến khoảng 3.050.000 m3.

Sơ bộ tổng vốn đầu tư Dự án dự kiến là 421 tỷ đồng, sử dụng nguồn vốn ngân sách Nhà nước trong kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn năm 2021 - 2025. Thời gian thực hiện dự kiến Dự án là từ năm 2021 đến năm 2024.

Bộ GTVT giao Ban Quản lý dự án Hàng hải có trách nhiệm thực hiện các nội dung tại Báo cáo thẩm định và tổ chức triển khai các bước tiếp theo đảm bảo tuân thủ các quy định của pháp luật về xây dựng, pháp luật về đấu thầu và các quy định liên quan của pháp luật, bảo đảm chất lượng, tiến độ, hiệu quả sử dụng nguồn vốn Dự án.

Ông Lê Duy Dương, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Cảng Quy Nhơn cho biết, nếu năm 2010, hàng hóa thông qua cảng Quy Nhơn đạt 4,5 triệu tấn thì đến năm 2020 đã đạt 11 triệu tấn (năm 2020 - hiệu suất khai thác lên tới 2.500 tấn/mét cầu cảng, gấp năm lần công suất thiết kế).

Tuy nhiên, việc thu hút nguồn hàng đến cảng Quy Nhơn lại đang gặp phải trở ngại lớn khi luồng hàng hải dẫn vào cảng chỉ đáp ứng cho tàu hàng đến 30.000 DWT đầy tải. Các tàu từ 50.000 DWT trở lên vận chuyển một số mặt hàng như: Dăm gỗ, phân bón, tôn cuộn… buộc phải giảm tải khoảng 1/3 khối lượng chuyên chở và chỉ được hoạt động trong khung giờ hạn chế (từ 6h00 - 18h00 hàng ngày) để tận dụng thủy triều, đảm bảo chân hoa tiêu an toàn.

Trong năm 2020, lượng tàu có tải trọng 50.000 DWT qua cảng Quy Nhơn chiếm tỷ lệ khoảng 15% tổng lượng tàu ra, vào cảng. Tỷ lệ này đạt khoảng 17% trong các tháng đầu năm 2021. Việc tàu phải giảm tải do hạn chế về luồng lạch không chỉ khiến cho cảng “hụt” mất nguồn doanh thu lớn từ tác nghiệp xếp dỡ, còn khiến chủ hàng mất thời gian luân chuyển hàng hóa, ảnh hưởng đến sức hút của cảng.

“Khi luồng hàng hải được cải tạo, nâng cấp để đạt cao độ luồng -13m và mở rộng bán kính quay, tàu có trọng tải 50.000 DWT có thể nhận đủ tải và hàng hải 24/24h, lượng hàng hóa thông qua cảng Quy Nhơn sẽ tăng khoảng 10% so với hiện nay”, ông Dương phân tích.

Anh Minh
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục