Dầu thô tiếp tục khởi sắc, chứng khoán trái chiều

(ĐTCK) Việc OPEC cắt giảm sản lượng tiếp tục giúp giá dầu thô tăng mạnh, lên mức cao nhất 16 tháng, nhưng chứng khoán lại trái chiều. Trong khi Dow Jones thiết lập đỉnh cao lịch sử mới, thì S&P 500, Nasdaq và chứng khoán châu Âu lại đồng loạt giảm.
Phố Wall có diễn biến trái chiều trong phiên thứ Năm (Ảnh minh họa: AFP) Phố Wall có diễn biến trái chiều trong phiên thứ Năm (Ảnh minh họa: AFP)

Phố Wall có phiên giao dịch trái chiều trong ngày thứ Năm, khi Dow Jones bật tăng khá tốt và thiết lập đỉnh cao lịch sử mới nhờ sự hỗ trợ của nhóm cổ phiếu ngân hàng và năng lượng, trong khi chỉ số S&P 500 và đặc biệt là Nasdaq Composite lại giảm mạnh do bị tác động bởi nhóm cổ phiếu công nghệ.

Việc một cựu lãnh đạo của Goldman Sachs là ứng viên cho chức vụ Bộ trưởng Tài chính Mỹ trong chính quyền của ông Trump và hướng đến chính sách cắt giảm thuế từ 35% xuống 15% cho các doanh nghiệp, giúp cổ phiếu ngân hàng tăng mạnh, trong đó cổ phiếu Goldman Sachs tăng tới 3,3%. Bên cạnh đó, việc giá dầu thô tăng vọt sau quyết định của OPEC cũng giúp nhóm cổ phiếu năng lượng có phiên tăng mạnh thứ 2 liên tiếp, hỗ trợ tích cực cho Dow Jones.

Tuy nhiên, cổ phiếu của các đại gia công nghệ đồng loạt giảm, như Facebook giảm 2,8%, Microsoft giảm 1,8% khiến S&P 500 và Nasdaq tiếp tục giảm điểm, thậm chí đà giảm còn mạnh hơn phiên trước đó.

Kết thúc phiên 1/12, chỉ số Dow tăng 68,35 điểm (+0,36%), lên 19.191,93 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 7,73 điểm (-0,35%), xuống 2.191,08 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 72,57 điểm (-1,36%), xuống 5.251,11 điểm.

Trên thị trường chứng khoán châu Âu, dù chứng khoán Italia tiếp tục tăng điểm khá tốt nhờ sự hỗ trợ của nhóm cổ phiếu ngân hàng, nhưng các thị trường chứng khoán lớn trong khu vực lại tỏ ra lo ngại với những gì sắp diễn ra tại đất nước hình chiếc ủng này. Theo cuộc thăm dò mới nhất, những người nói “Không” với thay đổi hiến pháp mà Thủ tướng Italia đưa ra để trưng cầu dân ý sắp tới vẫn đang dẫn điểm. Nếu điều này xảy ra, sẽ đẩy Italia vào cuộc khủng hoảng chính trị và có thể sẽ lan khủng hoảng sang kinh tế của khu vực đồng tiền chung.

Kết thúc phiên 1/12, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 76,52 điểm (-1,13%), xuống 6.707,27 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 102,31 điểm (-0,96%), xuống 10.537,99 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp giảm 23,64 điểm (-0,52%), xuống 4.554,70 điểm.

Việc OPEC quyết định cắt giảm sản lượng trong cuộc họp hôm trước cũng giúp chứng khoán châu Á khởi sắc trong phiên thứ Năm, trong đó chứng khoán Nhật Bản tăng hơn 1%, lên mức cao nhất kể từ 30/12/2015. Chứng khoán Hồng Kông và Trung Quốc đại lục không những được hỗ trợ bởi giá dầu thô tăng vọt sau quyết định của OPEC, mà còn được hỗ trợ bởi chỉ số PMI tháng 11 của Trung Quốc tích cực. Theo đó, chỉ số PMI trong lĩnh vực sản xuất tháng 11 của Trung Quốc tăng lên 51,7 so với mức 51,2 của tháng 10. Mức trên 50 phản ánh sản xuất được mở rộng.

Kết thúc phiên 1/12, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 204,64 điểm (+1,12%), lên 18.513,12 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 88,46 điểm (+0,39%), lên 22.878,23 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 24,04 điểm (+0,74%), lên 3.274,07 điểm.

Trong khi đó, dù nhận được khá nhiều thông tin hỗ trợ, như đồng USD giảm trở lại, giá dầu thô tăng, dữ liệu kinh tế Trung Quốc - một trong hai nước tiêu thụ vàng lớn nhất thế giới - tích cực, nguy cơ khủng hoảng chính trị tại Italia nêu cử tri nói không với thay đổi hiến pháp của Thủ tướng…, nhưng giá vàng vẫn không thể hồi phục, mà chỉ giảm thiểu đà mất giá trong phiên thứ Năm. Hiện giá vàng vẫn đang ở mức thấp nhất hơn 10 tháng.

Việc giá vàng giảm có thể do giới đầu tư đang hướng vào diễn biến tại Ấn Độ - một trong hai thị trường tiêu thụ vàng lớn nhất thế giới - khi chỉnh phủ nước này đang sử dụng các chính sách mạnh mẽ để giảm thiểu tham nhũng, ngoài việc loại bỏ tờ 500 và 1.000 rupee, đồng thời xuất hiện cả thông tin có thể cấm nhập khẩu vàng.

Kết thúc phiên 1/12, giá vàng giao ngay giảm 1,4 USD (-0,12%), xuống 1.171,6 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 12 giảm 3,9 USD (-0,33%), xuống 1.166,9 USD/ounce.

Quyết định cắt giảm sản lượng 1,2 triệu thùng/ngày trước đó của OPEC tiếp tục giúp giá dầu thô thăng hoa phiên thứ 2 liên tiếp. Sau khi tăng 9% trong phiên trước, giá dầu thô tiếp tục tăng thêm 4% trong phiên thứ Năm, giá dầu thô Brent có lúc lên mức giá 54,53 USD/thùng, mức cao nhất 16 tháng.

Kết thúc phiên 1/12, giá dầu thô Mỹ tăng 1,62 USD/thùng (+3,28%), lên 51,06 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 2,10 USD (+4,16%), lên 53,94 USD/thùng.

T.Lê

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục