Dầu thô kéo lùi chứng khoán, giá vàng hạ nhiệt nhanh

(ĐTCK) Nhận nhiều thông tin tác động tiêu cực, giá dầu thô giảm mạnh trong phiên thứ Tư, kéo chứng khoán Âu, Mỹ giảm theo. Trong khi đó, giá vàng cũng không thể tận dụng được cơ hội, nhất là khi đồng USD giảm mạnh để có được phiên tăng giá ấn tượng.
Giá dầu thô giảm đã khiến phố Wall không thể có được phiên tăng thứ 2 liên tiếp (Ảnh minh hoa: AFP) Giá dầu thô giảm đã khiến phố Wall không thể có được phiên tăng thứ 2 liên tiếp (Ảnh minh hoa: AFP)

Dữ liệu vừa công bố cho thấy, nền kinh tế Mỹ tạo ra 547.000 việc làm trong tháng 6 và tháng 7. Tốc độ tăng trưởng tốt, nhưng dự kiến sẽ chậm lại khi sự phục hồi kinh tế sau thời kỳ suy thoái 2007-2009 đang có dấu hiệu chững lại.

Ngoài ra, số lao động bị sa thải giảm xuống còn 1,6 triệu trong tháng 6, mức thấp nhất kể từ tháng 9/2014, từ 1,7 triệu trong tháng 5. Tỷ lệ sa thải 1,1%, cũng là mức thấp nhất kể từ tháng 11/2013.

Dù dữ liệu kinh tế tích cực, nhưng do giá dầu thô giảm mạnh hơn 2,5% trong phiên thứ Tư, khiến nhóm cổ phiếu năng lượng giảm mạnh và đẩy phố Wall điều chỉnh sau khi thiết lập mức cao lịch sử trong phiên thứ Ba. Tuy nhiên, đà giảm của phố Wall cũng phần nào được hãm bớt nhờ kết quả kinh doanh khả quan của một số tập đoàn vừa công bố, tiểu biểu như Walt Disney.

Kết thúc phiên 10/8, chỉ số Dow Jones giảm 37,39 điểm (-0,20%), xuống 18.495,66 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 6,25 điểm (-0,29%), xuống 2.175,49 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 20,9 điểm (-0,40%), xuống 5.204,58 điểm.

Tương tự, chứng khoán châu Âu cũng đã điều chỉnh trở lại trong phiên thứ Tư do ảnh hưởng của giá dầu thô giảm. Ngoại trừ chứng khoán Anh còn duy trì đà tăng nhẹ, chứng khoán Đức đã điều chỉnh sau khi thiết lập đỉnh của năm vào phiên thứ Ba.

Kết thúc phiên 10/8, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 15,12 điểm (+0,22%), lên 6.866,42 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 42,01 điểm (-0,39%), xuống 10.650,89 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp giảm 16,06 điểm (-0,36%), xuống 4.452,01 điểm.

Trên thị trường châu Á, việc đồng yên tăng trở lại, trong khi dữ liệu kinh tế của Mỹ kém khả quan được công bố phiên trước đó và áp lực chốt lời trước khi bước vào kỳ nghỉ lễ đã khiến chứng khoán Nhật Bản tiếp tục giảm nhẹ trong phiên thứ Tư. Trong khi đó, chứng khoán Hồng Kông có trở lại đà tăng trong phiên thứ Tư, tuy nhiên khi hỉ số Hang Seng lên mức cao nhất 8 tháng, áp lực chốt lời đã xuất hiện khiến chỉ số này đảo chiều và đóng cửa giảm nhẹ. Chứng khoán Trung Quốc đại lục cũng điều chỉnh sau 2 phiên tăng mạnh. Dữ liệu thương mại tháng 7 yếu kém được công bố trước đó cũng gây áp lực lên chứng khoán nước này.

Kết thúc phiên 10/8, chỉ số Nikke 225 giảm 29,85 điểm (-0,18%), xuống 16.735,12 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 26,82 điểm (-0,12%), xuống 22.492,43 điểm. Chỉ số Shanghai Composite giảm 6,93 điểm (-0,23%), xuống 3.018,75 điểm.

Việc đồng USD tiếp tục có phiên giảm thứ 3 liên tiếp với mức giảm khá mạnh trong phiên thứ Tư đã hỗ trợ cho giá vàng tăng mạnh trong phiên châu Á, Âu và đầu phiên Mỹ. Tuy nhiên, sau đó áp lực chốt lời đã khiến đà tăng của giá vàng bị hãm lại và chỉ đóng cửa với mức tăng khiêm tốn.

Kết thúc phiên 10/8, giá vàng giao ngay tăng 5,2 USD (+0,39%), lên 1.345,8 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 12 tăng 5,2 USD (+0,39%), lên 1.351,9 USD/ounce.

Nhận thông tin tác động tiêu cực, giá dầu thô giảm mạnh trong phiên thứ Tư. Cụ thể, theo Cơ quan Năng lượng Mỹ (EIA), kho dự trữ dầu thô của Mỹ tuần trước tăng 1,1 triệu thùng, gây ngạc nhiên cho thị trường, bởi các nhà phân tích dự đoán giảm 1 triệu thùng.

Thêm thông tin không tốt cho giá dầu khi Ả Rập Xê út, nhà sản xuất lớn nhất trong Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) cho biết, sản lượng của quốc gia này đã tăng lên mức kỷ lục 10,7 triệu thùng/ngày trong tháng 7.

Kết thúc phiên 10/8, giá dầu thô Mỹ giảm 1,06 USD/thùng (-2,54%), xuống 41,71 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 0,93 USD (-2,11%), xuống 44,05 USD/thùng.

T.Lê

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục