Chứng khoán tăng hoa, giá vàng giảm mạnh

(ĐTCK) Báo cáo việc làm khả quan của Mỹ giúp chứng khoán khởi sắc, trong khi đẩy giá vàng giảm mạnh trong phiên cuối tuần qua.
Niềm vui tràn ngập phố Wall trong phiên cuối tuần (Ảnh minh họa: AFP) Niềm vui tràn ngập phố Wall trong phiên cuối tuần (Ảnh minh họa: AFP)

Trong báo cáo việc làm được công bố ngày 5/8, Bộ Lao động Mỹ cho biết, trong tháng 7, số việc làm phi nông nghiệp của nước này tăng thêm 255.000 việc làm, cao hơn đáng kể so với dự đoán 185.000 việc làm của các chuyên gia.

Trong tháng 5 và 6, các doanh nghiệp tư nhân và cơ quan chính phủ cũng lần lượt tạo thêm 24.000 và 292.000 việc làm mới, tăng tổng cộng thêm 18.000 so với báo cáo công bố trước đó. Thu nhập bình quân theo giờ tăng 2,6% so với cùng kỳ năm ngoài, trong khi tỷ lệ thất nghiệp tiếp tục đứng ở mức 4,9%.

Dữ liệu việc làm tích cực đã giúp phố Wall tăng vọt trong phiên cuối tuần, phiên tăng mạnh nhất trong 1 tháng và S&P 500 và Nasdaq đóng cửa ở mức cao kỳ lục mới.

Kết thúc phiên 5/8, chỉ số Dow Jones tăng 191,48 điểm (+1,04%), lên 18.543,53 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 18,62 điểm (+0,86%), lên 2.182,87 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 54,87 điểm (+1,06%), lên 5.221,12 điểm.

Trong tuần, Dow Jones và S&P 500 hồi phục trở lại sau tuần điều chỉnh nhẹ trước đó, trong khi Nasdaq tiếp tục duy trì đà tăng hơn 1% như tuần trước. Cụ thể, Dow Jones tăng 0,60%, S&P 500 tăng 0,43% và Nasdaq tăng 1,14%.

Tương tự chứng khoán Mỹ, chứng khoán châu Âu cũng tăng mạnh trong phiên cuối tuần. Tuy nhiên, trong khi chứng khoán Mỹ tăng nhờ giữ liệu kinh tế vĩ mô tích cực, thì chứng khoán châu Âu lại nhờ vào tin kết quả kinh doanh khả quan của một số tập đoàn lớn vừa công bố như nhà sản xuất xi măng LafargeHolcim, hãng thời trang Hugo Boss, Mediobanca…

Kết thúc phiên 5/8, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 53,31 điểm (+0,79%), lên 6.693,47 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 139,35 điểm (+1,36%), lên 10.367,21 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp tăng 64,92 điểm (+1,49%), lên 4.410,55 điểm.

Dù hồi phục mạnh trong phiên cuối tuần, nhưng với những phiên giảm điểm trước đó, chỉ số FTSE 100 tiếp tục giảm 0,46% trong tuần qua, trong khi DAX duy trì đà tăng 0,29%, nhẹ hơn mức 1,87% của tuần trước và CAC 40 đảo chiều giảm 0,66%.

Trên thị trường chứng khoán châu Á, chứng khoán Nhật Bản đã yếu đà về cuối phiên và không thể có được phiên tăng thứ 2 liên tiếp. Trong khi đó, phản ứng tích cực với việc Ngân hàng Trung ương Anh đưa ra giói kích thích kinh tế và giảm lãi suất về mức thấp kỷ lục, chứng khoán Hồng Kông lại nhảy vọt trong phiên cuối tuần, đánh dấu phiên tăng mạnh nhất trong 3 tuần. Chứng khoán Trung Quốc đại lục cũng giống chứng khoán Nhật Bản khi đóng cửa trong sắc đỏ.

Kết thúc phiên 5/8, chỉ số Nikke 225 giảm 0,44 điểm (-0,00%), xuống 16.082,45 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 313,86 điểm (+1,44%), lên 22.146,09 điểm. Chỉ số Shanghai Composite giảm 5,43 điểm (-0,18%), xuống 2.977,00 điểm.

Dù hồi phục mạnh trong phiên thứ Năm, nhưng chứng khoán Nhật Bản cũng đã đánh dấu tuần giao dịch thất vọng khi chỉ số Nikkei 225 giảm tới 2,94% do đồng yên tăng giá và nhà đầu tư thất vọng với chương trình kích thích kinh tế của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản cũng như Chính phủ Nhật. Trong khi đó, phiên hồi mạnh cuối tuần giúp chỉ số Hang Seng đảo ngược được tình thế với mức tăng 1,16% trong tuần qua, trong khi chỉ số Shanghai Composite tiếp tục có tuần giảm nhẹ 0,08%.

Báo cáo việc làm khả quan của Mỹ giúp chứng khoán khởi sắc, trong khi lấy đi hết sự hấp dẫn của vàng, khiến giá kim loại quý này giảm mạnh trong phiên cuối tuần.

Kết thúc phiên 5/8, giá vàng giao ngay giảm 25,0 USD (-1,84%), xuống 1.335,4 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 12 giảm 26 USD (-1,91%), xuống 1.341,4 USD/ounce.

T.Lê

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục