Việc giá dầu thô tăng hơn 4%, cùng với lợi suất trái phiếu thấp đã giúp phố Wall tăng mạnh trở lại trong phiên thứ Năm, đóng cửa ở mức cao kỷ lục mới.
Ngoài sự hỗ trợ của giá dầu thô, phố Wall còn nhận được sự hỗ trợ từ dữ liệu kinh tế khả quan với tỷ lệ thất nghiệp giảm và kết quả kinh doanh khả quan của các doanh nghiệp vừa công bố.
Kết thúc phiên 11/8, chỉ số Dow Jones tăng 117,86 điểm (+0,64%), lên 18.613,52 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 10,30 điểm (+0,47%), lên 2.185,79 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 23,81 điểm (+0,46%), lên 5.228,40 điểm.
Tương tự phố Wall, chứng khoán châu Âu cũng có phiên tăng mạnh trở lại trong ngày thứ Năm nhờ giá dầu thô phục hồi mạnh và kết quả kinh doanh khả quan của các doanh nghiệp vừa công bố như Symrise, Henkel, Tập đoàn tài chính KBC...
Đến nay, đã có hơn 80% doanh nghiệp trong rổ Stoxx 600 báo cáo kết quả, trong đó 60% có lợi nhuận vượt dự báo hoặc đúng dự báo, theo Thomson Reuters Datastream.
Kết thúc phiên 11/8, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 48,29 điểm (+0,70%), lên 6.914,71 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 91,95 điểm (+0,86%), lên 10.742,84 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp tăng 51,94 điểm (+1,17%), lên 4.503,95 điểm.
Trên thị trường chứng khoán châu Á, trong khi chứng khoán Nhật Bản bỏ lỡ tiệc vui do nghỉ lễ, thì chứng khoán Hồng Kông đã đảo chiều tăng trở lại nhờ sự hỗ trợ của chương trình mua trái phiếu của Anh, cũng như thông tin tỷ phú Trung Quốc Guo Guangchang mua lại hơn 5,01% cổ phần của Công ty bảo hiểm nhân thọ Trung Quốc mới qua công ty ông kiểm soát. Thông tin này giúp nhóm cổ phiếu tài chính, bảo hiểm của Trung Quốc đang niêm yết trên thị trường chứng khoán Hồng Kông tăng mạnh, hỗ trợ chỉ số Hang Seng, giúp chỉ số này đóng cửa ở mức cao nhất 8 tháng. Trong khi đó, chứng khoán Trung Quốc tiếp tục duy trì phiên giảm thứ 3 liên tiếp với mức giảm khá mạnh trong ngày thứ Năm.
Kết thúc phiên 11/8, chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 88,12 điểm (+0,39%), lên 22.580,55 điểm. Chỉ số Shanghai Composite giảm 16,11 điểm (-0,53%), xuống 3.002,64 điểm. Chứng khoán Nhật Bản nghỉ lễ.
Sự khởi sắc của thị trường chứng khoán, cùng với sự trở lại của đồng USD đã gây sức ép lên giá vàng, buộc giá kim loại quý này quay đầu giảm sau khi cố vượt lên trên mốc 1.350 USD/ounce trong phiên thứ Năm. Tuy nhiên, giá vàng nhận được thông tin hỗ trợ tích cực để có thể trở lại đà tăng trong phiên cuối tuần.
Cụ thể, theo thông tin được Hội đồng Vàng Thế giới cho biết hôm thứ Năm, nhu cầu vàng trên toàn thế giới đã tăng 15% trong quý II.
Kết thúc phiên 11/8, giá vàng giao ngay giảm 7,5 USD (-0,56%), xuống 1.338,3 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 12 giảm 1,9 USD (-0,14%), xuống 1.350,0 USD/ounce.
Giá dầu thô tăng vọt trong phiên thứ Năm sau phát biểu của Bộ trưởng Năng lượng Ả Rập Xê út, Khalid al-Falih. Cụ thể, ông này cho biết, các thành viên OPEC và ngoài OPEC sẽ thảo luận về tình hình thị trường, bao gồm bất kỳ hành động có thể cần thiết để bình ổn giá tại cuộc gặp vào ngày 26-28/9 tới tại Algeria.
Kết thúc phiên 11/8, giá dầu thô Mỹ tăng 1,78 USD/thùng (+4,09%), lên 43,49 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 1,99 USD (+4,32%), lên 46,04 USD/thùng.