Tồn kho lớn, nhà máy đường liên tiếp đóng cửa
Trong khi đó, việc tiêu thụ đường trên thị trường trong nước và xuất khẩu rất khó khăn, lại bị cạnh tranh gay gắt với đường nhập lậu.
“Đầu năm nay, đã có hai doanh nghiệp (DN) mía đường phải đóng cửa là Công ty Long Mỹ Phát và Công ty Mía đường Hậu Giang. Các nhà máy đường khác ở Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng… đang trong hoạt động cầm chừng. Nếu tình hình này kéo dài, sẽ có thêm nhiều nhà máy đường đóng cửa”, ông Hải lo lắng.
Được biết, năm 2013, lợi nhuận sau thuế của hầu hết công ty mía đường niêm yết đều giảm mạnh so với năm trước đó. Trong đó, mức giảm của Công ty Đường Khánh Hòa và Công ty đường Kon Tum lên đến 67% và 52%.
Cũng theo thông tin từ Hiệp hội Mía đường Việt Nam, lượng đường tồn kho cao, nên nhiều nhà máy tạm dừng mua vào. Tại một số tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, giá mía xuống quá thấp (dưới 1.000 đồng/kg), khiến người dân lỗ nặng, ồ ạt chặt phá mía, chuyển sang nuôi tôm hoặc trồng các loại cây khác.
Năm nay, nếu tính cả lượng đường phải nhập khẩu theo cam kết gia nhập WTO, thì tổng nguồn cung đường trong nước khoảng hơn 2 triệu tấn, trong khi tiêu thụ chỉ khoảng 1,4 triệu tấn. Sau khi cân đối cung - cầu, Hiệp hội Mía đường Việt Nam đã đề nghị Bộ Công thương cho xuất khẩu tiểu ngạch 500.000 tấn đường trên tổng số gần 650.000 tấn đường dư thừa, không phân biệt chủng loại đường luyện RE hay đường kính trắng RS.
Tuy vậy, Bộ Công thương chỉ cho phép xuất khẩu 200.000 tấn đường RS với thời hạn đến cuối tháng 6 tới. Còn đường RE chưa được đồng ý do cần bảo đảm đường cho các nhà máy sản xuất dùng đường làm nguyên liệu.
Các DN mía đường cho rằng, quy định trên là không hợp lý bởi Bộ Công thương chỉ “ưu ái” DN sản xuất trong nước mà gây tổn hại đến các DN mía đường, gây ảnh hưởng gián tiếp đến hàng vạn người trồng mía.
Hơn nữa, việc khống chế thời gian đến tháng 6/2014 cũng dễ gây tình trạng ép giá. Do đó, Hiệp hội Mía đường Việt Nam kiến nghị Bộ Công thương cho phép DN được xuất khẩu cả hai loại đường, không bị khống chế về thời gian.
Không ngán đường ngoại, chỉ ngán đường nhập lậu
Hiện nay, giá đường của các nhà máy bán tại kho khoảng 14.500 đồng/kg sau thuế. Giá bán ra trên thị trường khoảng 18.500 đồng/kg. Trong khi đó, giá đường Thái Lan đang thấp hơn đường nội địa 3.000 - 4.000 đồng/kg.
Tuy giá đường trong nước cao hơn đường nhập khẩu, song DN mía đường cho hay, không thể hạ giá thêm nữa nếu không sẽ bị lỗ và sẽ phải hạ giá mua mía của nông dân.
Chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư, ông Đỗ Thành Liêm, Tổng giám đốc Công ty Mía đường Khánh Hòa khẳng định, đường Việt Nam có thể cạnh tranh “sòng phẳng” về giá với đường nhập khẩu chính ngạch, song lại đang thua đau vì đường nhập lậu: “Giá đường của Việt Nam đã tiệm cận giá đường khu vực, nhưng thật bất công khi bắt DN cạnh tranh với đường lậu”.
Theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam, mỗi năm, lượng đường nhập lậu tuồn vào nước ta ước khoảng 500.000 tấn, bằng 1/3 lượng đường sản xuất trong nước.
Đường nhập lậu không chỉ khiến Nhà nước mỗi năm thất thu hàng trăm tỷ đồng tiền thuế, mà còn dồn DN mía đuờng vào chỗ phá sản.
Được biết, Hiệp hội Mía đường Việt Nam đã có trong tay “danh sách đen” các DN chuyên nhập khẩu đường lậu và đã gửi danh sách này cho cơ quan quản lý. Những DN “đen” này rất dễ nhận ra vì họ không có vùng nguyên liệu, không mua đường trong nước, song buôn bán đường với khối lượng lớn, các kho đường tập trung ở vùng ven biên giới Tây Nam. Tuy nhiên, theo lực lượng hải quan và quản lý thị trường, việc tìm bằng chứng các DN thuộc danh sách đen phạm luật rất khó, vì họ đã hợp thức hóa chứng từ, hóa đơn, trà trộn đường nhập khẩu và đường trong nước.
“Chuyện nhập lậu đường DN đã kêu nhiều năm rồi, nhưng không cải thiện là bao”, ông Nguyễn Hải tỏ ra thất vọng và lo ngại các cơ quan chức năng vẫn tiếp tục “bó tay” với đường nhập lậu thời gian tới.